Hotline 24/7
08983-08983

Vì sao điều trị lao phổi trở nên khó khăn? Làm sao để mau hết bệnh?

13 vấn đề cần quan tâm về bệnh lao và lao phổi được chuyên gia tư vấn của AloBacsi giải đáp cặn kẽ với bạn đọc/ bệnh nhân đang gặp khó khăn khi điều trị bệnh lao.

alobacsi bệnh lao phổi điều trị khó khăn BS Tố UyênThS.BS Võ Thị Tố Uyên - chuyên gia tư vấn của AloBacsi, giảng viên Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, bác sĩ khoa Hô hấp, Bệnh viện Thống Nhất TPHCM

NỘI DUNG BUỔI TƯ VẤN

I. Yếu tố nào khiến cho việc điều trị lao phổi trở nên khó khăn?

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên:

Thuốc lao không được sử dụng đúng giờ và đều đặn sẽ dẫn tới những khoảng trống không thuốc trong máu, hoặc sử dụng không đúng cách có thể đưa tới hấp thu thuốc kém và không đạt nồng độ điều trị, không ức chế được vi khuẩn lao và làm tăng nguy cơ kháng thuốc.

Mặc dù kinh phí điều trị bệnh lao hiện nay đều do Nhà nước chi trả nhưng kết quả thì chưa được như mong đợi. Bệnh lao đang có xu hướng trẻ hoá ở lứa tuổi thanh - thiếu niên, học sinh, sinh viên do ý thức giữ gìn sức khoẻ chưa cao. Bệnh lao đồng hành với HIV và lao kháng thuốc ngày càng gia tăng. Bệnh lao tập trung ở những nơi đông người và có nguy cơ cao như trại giam, vùng sâu, vùng xa…

Sự hiểu biết của người bệnh chưa đến nơi đến chốn; vẫn còn nhiều trường hợp tự ý điều trị hoặc tìm tới các loại thuốc Nam, phương pháp chữa dân gian cho đến khi bệnh nặng mới chịu đến cơ sở y tế.

Chế độ ăn uống thiếu dinh dưỡng, không hợp lý cũng góp phần làm cho bệnh lâu khỏi.

Người mắc lao còn chịu nhiều định kiến và mặc cảm, giấu bệnh, bỏ trị khi gặp tác dụng phụ... cũng là rào cản khiến cho việc điều trị bệnh lao gặp nhiều khó khăn.

II. Bệnh lao là gì? Bệnh lao tấn công những bộ phận cơ thể nào?

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên:

Bệnh lao là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra. Vi khuẩn lao thường tấn công vào phổi, gây ra bệnh lao phổi; đây là thể lao phổ biến nhất (chiếm 80 – 85% tổng số ca bệnh).

Bên cạnh đó, vi khuẩn có thể tấn công nhiều cơ quan khác trong cơ thể như thận, cột sống, não và màng não, ruột, màng bụng... gây ra bệnh cảnh lao ngoài phổi.

III. Diễn tiến bệnh lao phổi như thế nào nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời?

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên:

Không phải người nào tiếp xúc với vi khuẩn lao cũng mắc bệnh. Có hai tình trạng nhiễm: là lao tiềm ẩn và lao hoạt động.

Vi khuẩn lao có thể tồn tại bên trong cơ thể người mà không gây ra bệnh, trường hợp này gọi là lao tiềm ẩn. Hầu hết mọi người khi hít phải vi khuẩn lao, bị nhiễm khuẩn đều có khả năng chống lại và kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn. Do vậy, người mắc lao tiềm ẩn không có triệu chứng, không lây bệnh cho người khác.

Rất nhiều bệnh nhân lao tiềm ẩn không tiến triển thành lao hoạt động trong suốt cuộc đời và không gặp phải bất kì triệu chứng nào của bệnh lao. Tuy nhiên, người mắc lao tiềm ẩn nếu không được điều trị có thể diễn tiến đến bệnh lao hoạt động và có yếu tố làm suy yếu hệ thống miễn dịch.

Người bệnh lao hoạt động thường biểu hiện triệu chứng tại cơ quan bị tổn thương và có thể lây nhiễm cho người xung quanh.

Nếu không điều trị, khoảng 1/3 bệnh nhân lao hoạt động sẽ tử vong trong vòng vài tháng từ lúc khởi phát triệu chứng. Trong số 2/3 còn lại, một số có thể hồi phục tự nhiên nhưng hầu hết sẽ bước vào tình trạng nhiễm khuẩn mạn tính với tình trạng suy yếu dần của sức khoẻ. Bệnh nhân sống còn sau lao phổi có thể để lại di chứng xơ hoá, vôi hoá, tạo hang nhiều vùng ở phổi, thấy được trên phim X-quang ngực.

IV. Những ai có nguy cơ bị bệnh lao? Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh lao?

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên:

Nhìn chung, những người có nguy cơ cao mắc bệnh lao được chia thành 2 nhóm: người có tiếp xúc gần đây với vi khuẩn lao và người có tình trạng nội khoa làm suy yếu hệ miễn dịch.

Nhóm dễ tiếp xúc với vi khuẩn lao bao gồm người thân hoặc ở gần người mắc bệnh lao hoạt động, người di dân từ khu vực có tỷ lệ nhiễm lao cao, trẻ em dưới 5 tuổi có xét nghiệm lao dương tính, người vô gia cư, tiêm chích ma tuý, người nhiễm HIV, tù nhân, nhân viên y tế, nhân viên chăm sóc người bệnh, người sống và làm việc ở các nhà dưỡng lão...

Các tình trạng suy yếu miễn dịch đáng chú ý là nhiễm HIV, nghiện ma tuý, nghiện rượu, bệnh phổi silicosis, đái tháo đường, bệnh thận nặng, suy dinh dưỡng, ghép tạng, ung thư đầu cổ, dùng corticosteroids liều cao và kéo dài, đang điều trị bệnh lý tự miễn như viêm khớp dạng thấp, bệnh Crohn’s...

V. Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh lao là gì? Bệnh lao có dễ nhầm với bệnh khác không?

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên:

Bệnh lao biểu hiện triệu chứng tùy thuộc vị trí mà vi khuẩn lao phát triển gây bệnh trong cơ thể.

Đối với lao phổi thường gây ra ho mạn tính, thường ho có đàm, kéo dài 3 tuần hoặc hơn, đau ngực, ho ra máu và các triệu chứng toàn thân như sốt kéo dài, ra mồ hôi đêm, sụt cân, yếu, mệt, chán ăn...

Lao ngoài phổi có biểu hiện đa dạng và không đặc hiệu, chẳng hạn như như lao hạch với hạch to; lao ruột gây đau bụng, tiêu chảy, tiêu máu; lao cột sống gây đau lưng, hạn chế vận động, biến dạng gù cột sống hoặc có dấu hiệu chèn ép tuỷ gây liệt; lao não-màng não với bệnh cảnh viêm não, cổ gượng, đau đầu, nôn ói, yếu liệt, rối loạn ý thức, hôn mê...

Ngay cả thể điển hình nhất là lao phổi cũng có thể gây ra biểu hiện của viêm phổi cấp tính hoặc mạn tính, giai đoạn đầu có thể bị chưa rõ chẩn đoán, bỏ sót bệnh nhân gây lây nhiễm cho cộng đồng. Đặc biệt, những bệnh nhân có hệ miễn dịch suy yếu, triệu chứng bệnh thường ít ỏi, khi phát hiện thì đã nặng và có nguy cơ tử vong cao.

VI. Những đường lây nhiễm bệnh lao? Bệnh lao lây trong giai đoạn nào, điều trị bao lâu thì hết lây?

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên:

1. Những đường lây nhiễm bệnh lao?

Vi khuẩn lao lây truyền chủ yếu qua không khí, khi người bệnh lao phổi ho, hắt hơi, nói chuyện... người xung quanh hít phải vi khuẩn lao và bị nhiễm bệnh.

Việc lây truyền bệnh lao không xảy ra khi tiếp xúc với áo quần, dụng cụ ăn uống, bắt tay, sử dụng toilet công cộng.

2. Bệnh lao lây trong giai đoạn nào?

Người bệnh lao chỉ phát tán vi khuẩn và lây bệnh khi mắc lao phổi hoạt động, tức là bệnh nhân lao tiềm ẩn và người mới tiếp xúc với bệnh nhân lao nhưng chưa có triệu chứng thì không lây bệnh.

Người sống chung nhà, tiếp xúc gần như bạn bè, người thân trong gia đình, đồng nghiệp, bạn học là những đối tượng dễ bị lây nhiễm nhất.

3. Bệnh nhân lao điều trị bao lâu thì hết lây?

Bệnh nhân lao đã được điều trị đúng phác đồ trong 2 tháng thì cũng không còn nguy cơ lây bệnh nữa.

alobacsi bệnh lao phổi BS Tố Uyên

VII. Bệnh nhân được thăm khám, xét nghiệm như thế nào để chẩn đoán bệnh lao?

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên:

Việt Nam nằm trong số những nước có tỷ lệ lưu hành bệnh lao trong cộng đồng khá cao, do đó, khi có biểu hiện triệu chứng hô hấp hoặc sốt trên 2 tuần, không đáp ứng với điều trị ban đầu thì nên tới khám ở bệnh viện chuyên khoa Lao và bệnh phổi hoặc bệnh viện đa khoa có phòng khám hô hấp để có đầy đủ phương tiện chẩn đoán.

Dựa vào bệnh sử và cơ địa, bác sĩ có thể sàng lọc ra những bệnh nhân nghi ngờ mắc lao và tiến hành khám phổi, có thể nghe thấy tiếng bệnh lý như ran ẩm, ran nổ, âm thổi hang khi khám phổi hoặc khám thấy tràn dịch màng phổi. Tất cả bệnh nhân nghi lao phổi đều phải được xét nghiệm đàm (đờm) tìm vi khuẩn lao và chụp X-quang phổi.

X-quang phổi có độ nhạy cao, được sử dụng rộng rãi để sàng lọc lao phổi. Hình ảnh trên phim X-quang gợi ý lao phổi tiến triển là thâm nhiễm, nốt, hang, có thể thấy hình ảnh co kéo ở 1/2 trên của phế trường, có thể 1 bên hoặc 2 bên. Ở người có HIV, hình ảnh X-quang phổi ít thấy hình hang, hay gặp tổn thương tổ chức kẽ và có thể ở vùng thấp của phổi.

Chẩn đoán xác định lao khi có bằng chứng về sự có mặt của vi khuẩn lao trong bệnh phẩm lâm sàng như đàm, dịch rửa phế quản, dịch dạ dày và các bệnh phẩm khác.

Thông thường khởi đầu với hai mẫu nhuộm soi đàm trực tiếp tìm AFB, thời điểm lấy mẫu 1 và mẫu 2 phải cách nhau ít nhất là 2 giờ.

AFB là một tên gọi tắt của xét nghiệm vi khuẩn lao là Acid Fast Bacillus test. Xét nghiệm này được quan sát vi khuẩn lao trực tiếp trên kính hiển vi. Nó có tên gọi đặc biệt này bởi vì vi khuẩn lao rất khác biệt so với các vi khuẩn thông thường khác, do chúng kháng acid cồn, nên dựa vào kỹ thuật nhuộm đặc biệt có thể dễ dàng nhận diện.

Các xét nghiệm “cao cấp” hơn có thể được chỉ định ở các trường hợp AFB âm tính như xét nghiệm Xpert MTB/RIF hoặc nuôi cấy tìm vi khuẩn lao có thể cho biết thông tin tình trạng nhạy thuốc và kháng thuốc của vi khuẩn.

Những trường hợp khó chẩn đoán, có thể tiến hành nội soi lấy dịch rửa phế quản làm xét nghiệm.

Khi có các triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng nhưng không xác định được vi khuẩn lao, chẩn đoán lao vẫn có thể đặt ra và điều trị thử 2 tháng thuốc lao bởi các bác sĩ được đào tạo chuyên sâu về lao và có kinh nghiệm quyết định.

VIII. Thuốc điều trị bệnh lao gồm những thuốc gì, cách uống như thế nào?

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên:

Điều trị lao phải phối hợp nhiều loại thuốc kháng lao. Với lao còn nhạy cảm với thuốc, phối hợp ít nhất 3 loại thuốc chống lao trong giai đoạn tấn công và ít nhất 2 loại trong giai đoạn duy trì.

Với bệnh lao đa kháng, phối hợp ít nhất 5 thuốc có hiệu lực.

Các thuốc chống lao tác dụng hợp đồng, mỗi thuốc có một nồng độ tác dụng nhất định. Nếu dùng liều thấp sẽ không hiệu quả và dễ tạo ra các chủng vi khuẩn kháng thuốc, nếu dùng liều cao dễ gây tác dụng phụ, thậm chí gây hại, nguy hiểm tính mạng như viêm gan cấp, vàng da, phản ứng phản vệ và shock, phát ban, nhìn mờ, bệnh lý thần kinh ngoại biên, rối loạn tiêu hoá, buồn nôn, nôn...

Các thuốc chống lao phải được uống cùng một lần vào thời gian nhất định trong ngày và xa bữa ăn để đạt hấp thu thuốc tối đa, phải dùng thuốc đủ thời gian và theo 2 giai đoạn tấn công và duy trì.

IX. Thời gian điều trị bệnh lao kéo dài bao lâu?

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên:

Giai đoạn tấn công kéo dài 2-3 tháng nhằm tiêu diệt nhanh số lượng lớn vi khuẩn có trong các vùng tổn thương để ngăn chặn các vi khuẩn lao đột biến kháng thuốc.

Giai đoạn duy trì kéo dài 4-6 tháng nhằm tiêu diệt triệt để các vi khuẩn lao trong vùng tổn thương để tránh tái phát.

Với bệnh lao đa kháng, phác đồ thường kéo dài hơn và có thể dùng nhiều thuốc hơn, thuốc có nhiều tác dụng phụ hơn dẫn tới người bệnh khó dung nạp và dễ bỏ trị.

X. Dấu hiệu nào ở bệnh nhân cho thấy bệnh lao kháng thuốc?

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên:

Người bệnh khi đang điều trị lao nhưng các triệu chứng sốt, ho, khạc đờm không thuyên giảm hoặc thuyên giảm một thời gian rồi lại xuất hiện trở lại với các triệu chứng tăng lên, bệnh nhân tiếp tục sút cân thì có thể nghi ngờ lao kháng thuốc.

Về xét nghiệm, xét nghiệm đàm AFB hoặc nuôi cấy dương tính liên tục hoặc âm tính một thời gian rồi dương tính trở lại hoặc âm tính, dương tính xen kẽ ở người đang điều trị lao; hình ảnh tổn thương trên phim X-quang phổi không thay đổi hoặc xuất hiện thêm tổn thương mới trong quá trình điều trị đúng phác đồ có kiểm soát là những dấu hiệu gợi ý lao kháng thuốc.

Bệnh lao kháng thuốc có thể gặp ở người chưa bao giờ mắc lao và triệu chứng lâm sàng của lao đa kháng có thể không khác biệt so với bệnh lao thông thường

Dựa trên kết quả kháng sinh đồ và các kỹ thuật sinh học phân tử, thể bệnh lao kháng thuốc được chia thành kháng đơn thuốc, kháng nhiều thuốc, đa kháng thuốc, tiền siêu kháng và siêu kháng. Tuỳ thể bệnh mà có phác đồ điều trị khác nhau.

XI. Bệnh nhân lao cần làm gì giúp mau khỏi bệnh?

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên:

Người bệnh phải tuân thủ điều trị lao theo đúng hướng dẫn của thầy thuốc để đạt hiệu quả điều trị, ngoài ra cần chú ý:

- Nên dùng khẩu trang hoặc ít nhất có khăn che miệng khi tiếp xúc nói chuyện với người khác, khi hắt hơi, ho.

- Không khạc nhổ bừa bãi, khạc đờm vào khăn giấy rồi đốt, rửa tay xà phòng thường xuyên.

- Đảm bảo vệ sinh môi trường nơi ở của người bệnh: thông khí tự nhiên (cửa ra vào, cửa sổ, ô thoáng), có ánh nắng.

- Thường xuyên phơi nắng đồ dùng cá nhân, chiếu, chăn, màn.

- Giữ gìn sức khoẻ, nâng cao hệ miễn dịch bằng lối sống khoa học, ngủ đủ giấc, đúng giờ, bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, tập thể dục vận động vừa phải.

- Điều trị ổn định các bệnh lý gây suy giảm miễn dịch như HIV, đái tháo đường, điều chỉnh liều lượng thuốc kháng viêm hoặc thay đổi phác đồ điều trị bệnh mạn tính.

XII. Sau khi điều trị khỏi, bệnh lao để lại những di chứng gì ở phổi?

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên:

Di chứng thường gặp ở người bệnh lao phổi đã chữa khỏi bao gồm các nhiễm trùng thứ phát sau lao như nấm aspergillus ở phổi, nhiễm vi khuẩn mycobacterium không điển hình, nhiễm trùng đường thở mạn tính, giãn phế quản, vôi hóa, xơ sẹo phổi, xẹp phổi, dày dính màng phổi, suy hô hấp mạn tính...

XIII. Bệnh nhân có thể tái nhiễm lao phổi không?

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên:

Bệnh nhân được điều trị khỏi lao phổi, sau đó mắc bệnh trở lại cần được phân biệt là do tái phát (tái hoạt vi khuẩn lao trước đó) hay tái nhiễm (vi khuẩn lao mới).

Theo các thống kê, tỷ lệ tái hoạt vi khuẩn lao sau hoàn thành điều trị là từ 0-4%, thường gặp trong vòng 2 năm sau khỏi bệnh.

Bệnh nhân đã điều trị khỏi bệnh lao cũng có thể mắc chủng lao mới (tái nhiễm) nếu có yếu tố tiếp xúc với nguồn lây và điều kiện thuận lợi là suy yếu miễn dịch.

Do đó, đối với những bệnh nhân đã điều trị lao phổi, nếu không thực hiện chế độ sinh hoạt điều độ, tăng cường dinh dưỡng để tăng sức đề kháng, điều trị tốt bệnh nội khoa mạn tính thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn lao bùng phát. Việc điều trị lúc này trở nên khó khăn hơn rất nhiều nếu chuyển sang lao kháng thuốc.

Thực hiện: Hồng Nhung - Anh Khoa

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X