Hotline 24/7
08983-08983

Trẻ bị cận thị ngày càng sớm, làm sao để mắt chậm tăng độ?

ThS.BS.CK2 Trịnh Quang Trí đưa ra các phương pháp “kiểm soát cận thị”, giúp làm chậm sự phát triển cận thị: dùng thuốc Atropine liều thấp (0.01%), kính hai tròng, kính áp tròng mềm đa tiêu, kính áp tròng ban đêm ORTHO-K.

alobacsi cận thị ThS.BS.CK2 Trịnh Quang TríThS.BS.CK2 Trịnh Quang Trí

Trong chương trình giao lưu “Dự phòng bệnh viêm hô hấp cấp” của Phòng khám đa khoa Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch số tháng 7/2020, ThS.BS.CK2 Trịnh Quang Trí - trưởng đơn vị Phòng khám mắt; giáo vụ bộ môn Mắt trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch trình bày chuyên đề “Tật khúc xạ ở trẻ em - những điều cần lưu ý”.

Mở đầu chuyên đề, ThS.BS.CK2 Trịnh Quang Trí đưa ra các con số thống kê đáng lo ngại về số lượng người bị cận thị, độ tuổi ngày càng trẻ hóa và chi phí cho việc điều trị cận thị ngày càng cao. Nếu ngày xưa học sinh lớp 9, lớp 10 mới bị cận thị thì nay lớp 3, lớp 4, thậm chí mẫu giáo đã có trẻ đeo kính cận rồi. Vì vậy, vấn đề đặt ra là làm sao để kiểm soát cận thị (điều trị giúp làm chậm sự phát triển cận thị).

Năm 2020 ước tính có 2.6 tỷ người bị cận thị (34% dân số thế giới), dự kiến năm 2050 sẽ có 4.8 tỷ người cận thị (49.8% dân số thế giới)

BS Trí cho biết người châu Á dễ bị cận thị hơn người châu Âu, và những trẻ có thời gian nhìn gần trên 3 giờ mỗi ngày, ít thời gian vui chơi ngoài trời sẽ có nguy cơ cận thị cao hơn các bé khác.

Biểu hiện cận thị ở trẻ cũng dễ nhận thấy: trẻ thường kéo sách gần lại, ngồi gần tivi, hoặc thường nhức đầu, chóng mặt do mắt phải điều tiết nhiều. Do đó phụ huynh để ý thấy con mình có những dấu hiệu này thì nên đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa mắt để khám. Nếu không phát hiện và điều trị cận thị, có thể dẫn đến các biến chứng: bong võng mạc, nhược thị, thoái hóa hoàng điểm, mù mắt…

Bác sĩ có thể dự đoán độ cận theo tuổi dựa theo: sắc tộc, tuổi, tật khúc xạ hiện tại, phương pháp kiểm soát… để tiên lượng độ cận thị của một cá nhân sẽ tiến triển như thế nào, từ đó đưa ra phương án theo dõi phù hợp. Thông thường là cứ sau 6 tháng bệnh nhân cần tái khám để cắt kính khác, vì lúc này độ cận đã tăng.

ThS.BS.CK2 Trịnh Quang Trí nhấn mạnh: không có phương pháp nào giúp chặn đứng việc tăng độ, mà chỉ có thể giúp việc tăng độ chậm lại. Ví dụ: nếu không đeo kính, 10 năm trẻ tăng 10 độ, còn có đeo kính sẽ chỉ tăng 5 độ.

Các phương pháp kiểm soát độ cận thị được đưa ra theo các cơ chế: thuyết điều tiết , thuyết khúc xạ ngoại vi… Có 4 phương pháp kiểm soát cận thị: dùng thuốc Atropine liều thấp (0.01%), kính hai tròng, kính áp tròng mềm đa tiêu, kính áp tròng ban đêm ORTHO-K.

Thuốc Atropine liều thấp

Mức độ kiểm soát cận thị 59%.

Ưu điểm: giá thành không cao, dễ sử dụng, hiệu quả tốt, hạn chế tối thiểu tác dụng phụ

Khuyết điểm: vẫn phải mang kính gọng hay kính áp tròng ban ngày, bệnh nhân thường quên sử dụng đều đặn.

Kính hai tròng Executive

Mức độ kiểm soát cận thị 45%.

Ưu điểm: giá thành không cao, dễ sử dụng, hiệu quả tốt, không tác dụng phụ

Khuyết điểm: kém thẩm mỹ, cần thêm thời gian thích nghi với kính mới.

Kính áp tròng mềm đa tiêu (kính tiếp xúc đa tròng)

Mức độ kiểm soát cận thị 49%.

Ưu điểm: thẩm mỹ, tự do, thoải mái hơn kính gọng

Khuyết điểm: dành cho trẻ lớn, đòi hỏi cách đeo, vệ sinh phức tạp hơn

Việc đeo kính áp tròng mềm đa tiêu giúp giảm 50% tiến triển của cận thị và giảm 29% độ tăng chiều dài trục.

Kính áp tròng ban đêm ORTHO-K

Mức độ kiểm soát cận thị 43%.

Ưu điểm: không cần kính gọng hay kính áp tròng ban ngày, ít biến chứng

Khuyết điểm: cần vệ sinh kính tốt, giá thành cao.

Chuyên đề của ThS.BS.CK2 Trịnh Quang Trí được rất nhiều cô bác tham gia chương trình quan tâm và đặt câu hỏi về tình trạng mắt của con em mình, trong đó có thắc mắc: vệ sinh mắt cho trẻ sơ sinh thế nào? có nên thường xuyên sử dụng dung dịch chống khô mắt? bị đục thủy tinh thể có nên mổ sớm hay không? sau khi đi bơi nên nhỏ mắt thế nào? có phải người cận thị khi lớn tuổi mắt sẽ trở nên bình thường?...

Chương trình hướng tới sự an toàn cho các em học sinh trong môi trường học đường với mong muốn phòng ngừa để các em giảm thiểu đến mức thấp nhất các bệnh về mắt và tai mũi họng. Sau chuyên đề về kiểm soát cận thị, TS.BS Nguyễn Nam Hà trình bày chuyên đề "Chăm sóc tai mũi họng hằng ngày dự phòng lây nhiễm bệnh viêm hô hấp cấp trong trường học" với các giải pháp cụ thể.

TS.BS Nguyễn Nam Hà và ThS.BS.CK2 Trịnh Quang Trí nhận hoa cảm ơn của ban tổ chức.

Hồng Nhung

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X