Hotline 24/7
08983-08983

Đa số mọi người súc họng sai cách vì không thè lưỡi

Trong chương trình giao lưu “Dự phòng bệnh viêm hô hấp cấp” của Phòng khám đa khoa Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, các bác sĩ hướng dẫn các thao tác rửa mũi, súc miệng, súc họng, rửa tay… như thế nào là đúng cách.

TS.BS Nguyễn Nam Hà, Trưởng đơn vị Phòng Khám Tai Mũi Họng thuộc Phòng khám đa khoa Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch - Giảng viên chính Bộ môn Tai Mũi Họng, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho rằng hiện tại, vấn đề nóng bỏng là COVID-19. Nhưng vì SARS-CoV-2 mà quên đi các bệnh viêm hô hấp cấp tính khác (cảm lạnh, cúm, bạch hầu,...), bệnh lao thì cũng không nên.

Tại chương trình truyền thông và tầm soát của Phòng khám đa khoa Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch số tháng 07/2020, TS.BS Nguyễn Nam Hà sẽ trình bày chuyên đề "Chăm sóc tai mũi họng hằng ngày dự phòng lây nhiễm bệnh viêm hô hấp cấp trong trường học" với các giải pháp cụ thể.

Viêm đường hô hấp cấp tính là bệnh nhiễm trùng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng hô hấp của người bệnh. Các bộ phận của đường hô hấp sẽ bị ảnh hưởng bao gồm: mũi, xoang, họng, thanh quản, khí quản, phế quản, tiểu phế quản, phế nang.

Viêm đường hô hấp cấp tính phần lớn là do virus gây ra và là hệ quả của các bệnh viêm mũi cấp tính, viêm họng cấp tính...

Viêm hô hấp cấp không chừa một ai, nhưng trẻ nhỏ, người cao tuổi và người có bệnh nền thì nguy cơ mắc bệnh cao hơn vì hệ miễn dịch của họ thường dễ bị virus tấn công. Để phòng tránh tốt các bệnh này, việc thực hiện đúng các bước vệ sinh mũi, miệng, họng, tay… là hết sức cần thiết, thao tác sai có thể gây hại.

1. Chăm sóc mũi, vệ sinh mũi thế nào?

Chăm sóc mũi hằng ngày có nhiều lợi ích như: hỗ trợ điều trị và phòng ngừa bệnh viêm mũi cấp, viêm xoang cấp/ mạn (dị ứng, không dị ứng, teo); và hỗ trợ điều trị sau phẫu thuật mũi xoang, các bệnh tạo vẩy mũi, khịt khạc…

Vệ sinh mũi hằng ngày nên dùng dung dịch nào?

Các dung dịch đã được nghiên cứu là nước muối sinh lý, nước muối ưu trương, Lactate ringer. Trong đó:

- Nước muối sinh lý được nghiên cứu nhiều trong y học cộng đồng, có hiệu quả phòng bệnh.

- Nước muối ưu trương: có ưu điểm hơn nước muối sinh lý, giúp giảm ho, cải thiện thanh thải nhầy, cải thiện điểm CTscan

- Lactate ringer: có ưu điểm hơn nước muối sinh lý, cải thiện thanh thải nhầy.

Bác sĩ Hà khuyến cáo nên dùng nước muối sinh lý để chăm sóc mũi hằng ngày. Các dung dịch còn lại chỉ dùng khi đang có bệnh, với sự hướng dẫn của nhân viên y tế.

Lựa chọn dụng cụ gì để vệ sinh mũi?

- Chăm sóc hằng ngày: bình xịt mũi, máy khí dung (bình xịt mũi dễ mang theo hơn máy khí dung)

- Viêm mũi: bình xịt mũi, máy khí dung

- Viêm xoang, nhất là sau phẫu thuật xoang: bình bóp tay, bình Jala neti (bình bóp tay dễ mang theo hơn bình Jala neti)

Dùng các loại bình xịt, bình bóp tay là cách tạo ra áp lực dương. Hít nước muối vào mũi là cách tạo ra áp lực âm. Bình Jala neti thì không áp lực.

TS.BS Nguyễn Nam Hà nhấn mạnh trường hợp viêm mũi nếu sử dụng bình bóp tay (dành cho viêm xoang) có thể làm cho tình trạng bệnh nặng hơn. Các bệnh nhân sau phẫu thuật xoang cần rửa mũi xoang hằng ngày để hỗ trợ điều trị chứ không phải phẫu thuật xong là hết bệnh.

TS.BS Nguyễn Nam Hà hướng dẫn vệ sinh mũi bằng bình xịt

2. Chăm sóc họng, súc họng thế nào?

Chăm sóc họng hằng ngày giúp phòng ngừa cảm lạnh, viêm hô hấp trên cấp, bệnh của lợi, răng miệng.

Dung dịch để súc họng rất phong phú: nước muối sinh lý, nước muối ưu trương; nước thường; dung dịch giấm, chanh, trà; dung dịch povidone-iodine; nước súc miệng có tinh dầu, chất khử khuẩn. Lưu ý, có tình trạng kích thích họng, viêm họng mạn do dùng nước súc miệng sai cách.

Số lần súc họng: súc họng thường xuyên như bạn muốn, thậm chí cách nửa giờ súc 1 lần cũng được.

Súc họng trong bao lâu: súc họng kéo dài như bạn muốn, cho đến khi hết đàm nhầy, đàm vàng, xanh.

Các bước súc họng: hớp một ngụm nước, ngửa đầu ra sau tối đa, kêu “khò, khò…”, nhớ thè lưỡi ra trước khi nhổ bỏ nước súc họng.

Bác sĩ Hà khuyến cáo: đa số mọi người súc họng chưa hiệu quả vì không thè lưỡi, bởi vì không thè lưỡi thì nước súc miệng chỉ ở trong khoang miệng, không vào tới họng.

Sau 2 nội dung vệ sinh mũi và súc họng là đến phần rửa tay đúng cách. Mặc dù 6 bước rửa tay đã được tuyên truyền rất nhiều trong mùa dịch COVID-19 nhưng khi thực hiện, mọi người vẫn có thể nhầm lần giữa các bước hay bỏ qua một vài bước, hoặc thao tác quá nhanh, không kỹ càng.

Cũng liên quan học đường, ThS.BS.CK2 Trịnh Quang Trí - trưởng đơn vị Phòng khám mắt; giáo vụ Bộ môn Mắt trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch trình bày chuyên đề "Tật khúc xạ ở trẻ em - những điều cần lưu ý".

Chương trình hướng tới sự an toàn cho các em học sinh trong môi trường học đường với mong muốn phòng ngừa để các em giảm thiểu đến mức thấp nhất các bệnh về mắt và tai mũi họng.

TS.BS Nguyễn Nam Hà và ThS.BS.CK2 Trịnh Quang Trí nhận hoa cảm ơn của ban tổ chức.

Hồng Nhung

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X