Tràn dịch màng phổi là bệnh gì, điều trị thế nào?
Tràn dịch màng phổi (TDMP) là tình trạng xuất hiện dịch trong khoang màng phổi nhiều hơn mức bình thường. Bệnh diễn biến khá nhanh và có nguy cơ cao gây ảnh hưởng đến tính mạng của con người. ThS.BS Võ Thị Tố Uyên sẽ giúp bạn đọc giải đáp tất cả thắc mắc về hội chứng này ngay tại bài viết dưới đây!
1. Tràn dịch màng phổi là bệnh gì, nguyên nhân từ đâu?
Mỗi lá phổi được bao quanh bởi hai lớp màng rất mỏng, gọi là màng phổi. Giữa hai lớp màng này tạo thành một khoang ảo tức là khoang màng phổi, bình thường chỉ chứa một lượng nhỏ chất lỏng vài ml giúp cho bề mặt phổi được trơn láng khi cọ xát vào nhau.
Tràn dịch màng phổi hay thuật ngữ dân gian gọi là “phổi ứ nước” (là sự tích tụ bất thường của chất lỏng trong khoang màng phổi nhiều hơn bình thường. Đây là một hội chứng có thể do nhiều nguyên nhân gây ra.
2. Triệu chứng của tràn dịch màng phổi là gì?
Triệu chứng của tràn dịch màng phổi thường không đặc trưng, bệnh nhân có thể mô tả tình trạng khó thở dai dẳng, tăng dần, đôi khi có đau ngực khi ho hoặc hít sâu. Một số trường hợp có thể ho khan hoặc ho có đàm nếu có viêm nhiễm phổi đi kèm.
Nếu chỉ thông qua mô tả triệu chứng cơ năng từ người bệnh thì rất khó phân biệt với các nguyên nhân gây khó thở và đau ngực khác. Trên lâm sàng, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám để đánh giá rung thanh, dấu gõ đục, mất âm phế bào, độ giãn nở lồng ngực, tìm hội chứng 3 giảm giúp gợi ý tràn dịch màng phổi.
3. Làm sao để chẩn đoán tràn dịch màng phổi?
Chẩn đoán tràn dịch màng phổi chủ yếu dựa trên thăm khám lâm sàng, Xquang ngực và siêu âm (bụng hoặc màng phổi). Dấu hiệu thăm khám chủ yếu là hội chứng ba giảm, giảm độ giãn nở lồng ngực 1 bên.
Xquang ngực có đám mờ với đường cong Damoiseau đặc trưng. Siêu âm bụng giúp phát hiện nhanh chóng và dễ dàng tình trạng tràn dịch màng phổi, giúp chẩn đoán phân biệt với các nguyên nhân gây ra hội chứng ba giảm khác, ngoài ra còn giúp xác định vị trí chọc dò dịch màng phổi được thuận lợi và ít tai biến.
ThS.BS Võ Thị Tố Uyên - Giảng viên Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, bác sĩ điều trị tại khoa Hô hấp, Bệnh viện Thống Nhất TPHCM
4. Tràn dịch màng phổi được điều trị như thế nào?
Điều trị tràn dịch màng phổi chủ yếu dựa trên nguyên nhân gây ra tình trạng này và mức độ khó thở, suy hô hấp do tràn dịch màng phổi gây ra. Trong tràn dịch màng phổi do suy tim, thuốc lợi tiểu và các thuốc tim mạch thường sử dụng.
Tràn dịch màng phổi do nguyên nhân ác tính thường cần hoá trị và can thiệp khối u nguyên phát. Tràn dịch màng phổi do lao sẽ điều trị với thuốc kháng lao. Viêm mủ màng phổi cần sử dụng kháng sinh phổ rộng và dẫn lưu màng phổi. Trong trường hợp dịch màng phổi nhiều gây khó thở, suy hô hấp, bác sĩ sẽ tiến hành chọc tháo dịch giải áp hoặc dẫn lưu màng phổi.
Những trường hợp tràn dịch màng phổi nhiều, tái lập nhanh do ung thư có thể xem xét bơm vào một chất làm dính màng phổi để hạn chế tái phát. Chất làm xơ màng phổi này có thể là bột talc, doxycycline, tetracycline...
5. Quá trình chọc hút dịch màng phổi diễn ra sao?
Chọc dò dịch màng phổi có thể được chỉ định để chẩn đoán và điều trị. Trước khi chọc dò dịch màng phổi, bệnh nhân sẽ được thăm khám, siêu âm định vị cẩn thận và làm một số xét nghiệm máu đánh giá các vấn đề đông máu, ngưng các thuốc chống đông máu. Thủ thuật này thực hiện khá an toàn, nhanh chóng, có thể tại phòng thủ thuật hoặc ngay trên giường bệnh nhân, vô cảm bằng gây tê tại chỗ. Tư thế tốt nhất là ngồi thẳng, hơi nghiêng về phía trước và tay có điểm tỳ, lưng hướng về phía người thực hiện thủ thuật. Có thể chọc hút dịch màng phổi ở tư thế nằm đầu cao hoặc nằm ngửa dưới hướng dẫn trực tiếp của siêu âm.
Sau thủ thuật, bệnh nhân thường được giảm đau bằng thuốc uống. Theo dõi các triệu chứng khó thở, ho ra máu, đau ngực tại phòng bệnh, nhưng rất hiếm khi xảy ra. Phương pháp theo dõi tiêu chuẩn là chụp X-quang ngực sau khi chọc dịch màng phổi để loại trừ tràn khí màng phổi, ghi lại mức độ dịch và đánh giá phổi sau tháo dịch, nhưng các bằng chứng cho thấy chụp X-quang ngực thường không cần thiết ở những bệnh nhân không triệu chứng .
6. Dịch màng phổi khi đã lấy ra cho biết những thông tin gì?
Thông qua dịch màng phổi, bác sĩ có thể đánh giá bước đầu nguyên nhân gây tràn dịch, dựa vào màu sắc, độ đặc, các xét nghiệm sinh hoá, tế bào, cellblock, miễn dịch, vi sinh. Các nguyên nhân đó có thể là nguyên nhân gây dịch thấm như suy tim, xơ gan, hội chứng thận hư, suy dinh dưỡng; hoặc các bệnh lý gây dịch tiết như tràn dịch màng phổi cận viêm, mủ màng phổi, tràn dịch dưỡng chấp, lao hoặc ung thư... Trong một số trường hợp cần khẳng đinh chẩn đoán, như lao hay ung thư, bác sĩ sẽ tiến hành sinh thiết màng phổi để chẩn đoán xác định
7. Tràn dịch màng phổi đã được hút dịch nhưng dịch tăng trở lại, phải làm sao?
Không phải tràn dịch màng phổi nào cũng cần phải chọc hút dịch, hầu hết vẫn là tiếp cận và điều trị nguyên nhân, giải quyết được nguyên nhân thì dịch màng phổi hầu như sẽ tự khỏi. Chọc hút dịch có giá trị chẩn đoán và giải áp khi dịch tích tụ nhiều và nhanh gây cho bệnh nhân khó thở. Các trường hợp còn lại nếu dịch tăng do chưa điều trị, màng bệnh nhân không thấy khó chịu gì thường bác sĩ sẽ ít khi can thiệp.
8. Khi bị tràn dịch màng phổi, bệnh nhân nên ăn uống gì?
Không có chế độ ăn kiêng khem đặc biệt nào cho bệnh nhân tràn dịch màng phổi. Các trường hợp tràn dịch màng phổi do suy tim, bệnh thận, bệnh gan thì có chế độ ăn riêng biệt cho từng bệnh này, bao gồm hạn chế muối, hạn chế nước. Bệnh nhân cần được bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, phong phú và đa dạng, ưu tiên các thức ăn dễ tiêu, ít dầu mỡ, tránh các chất kích thích.
9. Dân gian quan niệm đi tắm đêm hay đi bơi nhiều sẽ bị “phổi có nước”, đúng hay sai?
Ứ nước phổi liên quan tới bơi lội là một tình trạng khác hoàn toàn với tràn dịch màng phổi, tình trạng này hay gặp ở trẻ em, do hít sặc nước vào phổi hoặc đuối nước. Đôi khi gây ra co thắt phế quản hoặc viêm phổi hít cần điều trị kháng sinh và các điều trị nâng đỡ, hỗ trợ khác và oxy liệu pháp.
Về vấn đề tắm đêm còn có một số quan điểm khác nhau, đương nhiên tắm trễ với nước lạnh thường không được khuyến cáo do nguy cơ nhiễm lạnh, dễ mắc các bệnh viêm nhiễm và không có lợi cho tuần hoàn.
Ngược lại, tắm nước ấm 1-2 giờ trước khi đi ngủ lại có tác dụng thư giãn, giúp giấc ngủ có chất lượng tốt hơn, nhưng cần chú ý lau khô và giữ ấm sau khi tắm.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình