Top 12 nguyên nhân dẫn đến bệnh tim mạch
Bệnh tim mạch là nhóm bệnh lý thường gặp, bao gồm bệnh mạch vành, cao huyết áp hay xơ vữa động mạch. Đây là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới. Trong bài viết này, AloBacsi sẽ cung cấp đến bạn đọc những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh tim mạch không nên bỏ qua.
1. Tuổi tác
Nguy cơ bị bệnh tim mạch tăng theo tuổi. Người lớn tuổi, đặc biệt là sau tuổi 45 đối với nam giới và sau tuổi 55 đối với nữ giới, có nguy cơ cao hơn mắc bệnh lý về tim mạch.
Người cao tuổi dễ mắc các bệnh tim mạch do mạch máu bị tổn thương dần theo thời gian, thường xuất hiện các mảng xơ vữa bám trong thành mạch. Điều này gây ra tình trạng hẹp mạch hoặc tắc mạch máu.
2. Giới tính
Nam giới thường có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn nữ giới, đặc biệt phụ nữ trước tuổi mãn kinh. Tuy nhiên, sau tuổi mãn kinh, nguy cơ bệnh tim mạch ở nữ giới lại tăng lên.
3. Di truyền
Người có tiền sử gia đình có người thân từng bị tim mạch hoặc đột quỵ trước tuổi 55 (nam) và 65 (nữ) sẽ có nguy cơ bị bệnh tim cao hơn những người khác. Một số bệnh lý tim như bệnh giãn cơ tim, bệnh cơ tim phì đại hoặc hội chứng Brugada… có tính chất gia đình.
4. Tiền sử bệnh tim mạch
Nếu bạn đã từng mắc bệnh tim mạch hoặc có tiền sử nhồi máu cơ tim, đau tim hoặc đột quỵ thì nguy cơ tái phát hoặc mắc thêm các bệnh tim mạch khác cao.
5. Cholesterol trong máu cao
Mỡ máu cao, bao gồm mức cholesterol và triglyceride cao, là yếu tố nguy cơ gây ra bệnh tim mạch. Khi cholesterol trong máu cao sẽ không gây ra các triệu chứng, thế nên nhiều người có thể không biết rằng mức cholesterol của họ đang cao.
Vì vậy, điều quan trọng là phải kiểm tra mức cholesterol của bạn thường xuyên. Nếu mức độ cao, nó nên được hạ xuống để giảm nguy cơ mắc bệnh. Mức cholesterol mong muốn phụ thuộc vào nguy cơ mắc bệnh.
6. Bệnh tiểu đường và lượng đường trong máu bất thường
Người với bệnh tiểu đường có nguy cơ mắc bệnh mạch vành và đột quỵ cao gấp 2 - 4 lần. Đái tháo đường là một bệnh mãn tính, thường liên quan đến các tác nhân rủi ro về tim mạch khác như huyết áp cao, tăng tổng mức cholesterol và triglyceride, giảm mức HDL-cholesterol (cholesterol “tốt”) và béo phì.
Chiến lược điều trị cơ bản là duy trì tốt lượng glucose trong máu của bạn. Kiểm soát cân nặng hợp lý, chế độ ăn uống cân bằng và thói quen tập thể dục thường xuyên có thể ngăn ngừa của bệnh đái tháo đường.
7. Thời kỳ mãn kinh
Nhiều phụ nữ trước kỳ mãn kinh dường như được bảo vệ một phần khỏi bệnh mạch vành, đau tim và đột quỵ nhờ estrogen tự nhiên. Mức độ estrogen của phụ nữ cao nhất trong những năm sinh đẻ và giảm trong thời kỳ mãn kinh. Nếu mãn kinh là do phẫu thuật cắt bỏ tử cung và buồng trứng, nguy cơ tăng mạnh.
Khi phụ nữ già đi, lượng estrogen tự nhiên mất đi có thể góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ. Nếu mãn kinh diễn ra tự nhiên, nguy cơ sẽ tăng dần. Tuy nhiên, việc thay thế hormone định kỳ cho phụ nữ đã trải qua thời kỳ mãn kinh tự nhiên sẽ không ngăn ngừa được bệnh tim.
Xem thêm: Những bệnh tim thường gặp
8. Béo phì và thừa cân
Những người có lượng mỡ dư thừa - đặc biệt là quanh eo - dễ bị bệnh tim và đột quỵ hơn ngay cả khi họ không có các nhân tố rủi ro khác. Cân nặng quá mức gây quá tải cho tim, tăng huyết áp, cholesterol trong máu và mức triglyceride, đồng thời làm giảm HDL. Ngoài ra, nó cũng liên quan đến sự phát triển của bệnh đái tháo đường.
Tiền sử gia đình và môi trường đóng một vai trò nhất định trong việc xác định độ béo phì. Ít hoạt động thể chất và chế độ ăn nhiều chất béo cũng góp phần gây béo phì.
Khi chất béo trong cơ thể tăng lên do tiêu thụ nhiều calo hơn mức cần thiết trong một thời gian dài, có thể kiểm soát cân nặng (giảm mỡ) bằng cách cắt giảm lượng thức ăn cùng với tăng hoạt động thể chất.
Nếu bạn đốt cháy nhiều calo hơn do tăng cường hoạt động thể chất, thì trọng lượng cơ thể sẽ giảm dần. Chỉ ăn kiêng thôi cũng có thể làm giảm cân, dẫn đến giảm huyết áp, đường huyết và cholesterol trong máu.
9. Chế độ ăn uống không lành mạnh
Ăn uống không lành mạnh với đồ ăn nhanh, thức ăn có chứa nhiều dầu mỡ và đường, thiếu rau quả, có thể dẫn đến tăng cân, tiểu đường, tăng lipid máu, cao huyết áp và từ đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
10. Không tập thể dục
Thiếu hoạt động thể chất, lối sống ít vận động, làm việc văn phòng, ngồi nhiều, không tập thể dục thường xuyên cũng là một nguyên nhân gây bệnh tim mạch.
Hoạt động thể chất thường xuyên, vừa phải giúp ngăn ngừa bệnh tim và mạch máu. Ngoài ra, cũng có thể cải thiện các nhân tố rủi ro về tim mạch khác, chẳng hạn như giảm cân, giảm huyết áp, giảm căng thẳng và cải thiện mức cholesterol.
Tập thể dục có lợi đặc biệt vì những rủi ro liên quan là rất ít. Các chương trình luyện tập nên bắt đầu với tốc độ chậm để tránh chấn thương cơ và dây chằng.
Những người mắc bệnh mạch vành hoặc những người trên 40 tuổi mà không tập luyện nên xin lời khuyên của bác sĩ trước khi bắt đầu một khoá tập thể dục thường xuyên.
11. Hút thuốc
Hút thuốc lá và tiếp xúc với khói thuốc lá là một yếu tố nguy cơ quan trọng cho bệnh tim mạch. Hút thuốc lá làm tăng huyết áp, làm tăng mức đường trong máu và gây tổn thương cho các mạch máu.
Người hút thuốc lá chiếm 40% số ca tử vong do bệnh tim ở bệnh nhân dưới 65 tuổi, có nguy cơ đột tử cao gấp 2 - 3 lần người không hút.
Hút thuốc cũng dẫn đến đau tim, đột quỵ, cao huyết áp, bệnh mạch máu, ung thư và bệnh phổi. Hút thuốc làm giảm HDL-cholesterol.
12. Căng thẳng
Stress, áp lực tâm lý, lo âu, trầm cảm cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh tim mạch. Huyết áp của bạn sẽ tăng lên trong giây lát khi bạn tức giận, phấn khích, sợ hãi hoặc khi bạn bị căng thẳng.
Nếu bạn bị căng thẳng liên tục trong một thời gian dài có thể làm tăng huyết áp, tăng cortisol, đồng thời là nguyên nhân cho các hành vi không lành mạnh như hút thuốc lá, uống rượu nhiều, ăn uống không kiểm soát, dẫn đến tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Ngoài ra, còn có nhiều yếu tố khác như hút thuốc lá điện tử, sử dụng thuốc giảm cân không đúng cách, sử dụng thuốc điều trị ung thư cũng có thể tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình