Những bệnh tim thường gặp
Bệnh tim hay bệnh tim mạch là nhóm bệnh lý gây tử vong hàng đầu hiện nay. Bệnh có thể diễn tiến âm thầm hoặc gây ra các tình trạng cấp tính với các triệu chứng rầm rộ như nhồi máu cơ tim, đột quỵ, đột tử,… Bệnh tim mạch có 2 loại là bệnh lý tim bẩm sinh và bệnh tim mắc phải.
I. Bệnh lý tim bẩm sinh
Là những dị tật của cơ tim, van tim, buồng tim xảy ra ngay từ lúc còn trong bào thai và không biến mất sau khi trẻ được sinh ra. Khi một vài cấu trúc tim bị khuyết, chức năng và hoạt động của tim sẽ bị ảnh hưởng, tùy vào từng loại dị tật và mức độ dị tật mà có ảnh hưởng nhiều hay ít đến cuộc sống của người bệnh.
Bệnh lý tim bẩm sinh là dị tật phổ biến và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong số những bệnh lý bẩm sinh ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ kỹ thuật, các bệnh lý về dị tật tim có thể được phát hiện sớm trong quá trình siêu âm theo dõi thai kỳ.
Có 2 nguyên nhân chính dẫn đến bệnh lý tim bẩm sinh:
1. Yếu tố di truyền
Di truyền được xem là lý do lớn nhất hình thành dị tật bẩm sinh ở trẻ, đặc biệt là dị tật tim. Trong gia đình, có bố mẹ hoặc bất kỳ người thân nào mắc bệnh tim bẩm sinh thì trẻ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Ở một số trường hợp, cả bố và mẹ đều không mang bệnh nhưng cả 2 đều có gen bệnh thì con sinh ra vẫn có nguy cơ cao mắc tim bẩm sinh.
2. Nhiễm độc hoặc mắc bệnh trong giai đoạn thai kỳ
Trong 3 tháng đầu thai kỳ, nếu mẹ nhiễm các loại virus như Rubella, Herpes,… mẹ mắc chứng lupus ban đỏ, tiểu đường,… thì con có nguy cơ mắc nhiều loại bệnh lý bẩm sinh, trong đó có dị tật tim.
Mẹ sống trong môi trường độc hại hoặc thường xuyên tiếp xúc với các tia X-quang, nguy cơ nhiễm độc thai kỳ cao, thai nhi cũng dễ mắc các dị tật bẩm sinh.
Hay những trường hợp mẹ bầu thường xuyên sử dụng rượu bia, thuốc lá và các loại chất kích thích, cũng như sử dụng một vài loại thuốc điều trị bệnh sinh ra trẻ có nguy cơ mắc các dị tật cao.
II. Bệnh tim mắc phải
Là những bệnh lý liên quan đến tim mà không phải do bệnh lý tim bẩm sinh, thường mắc phải do thói quen sinh hoạt, ăn uống hoặc do biến chứng của một loại bệnh mạn tính nào đó.
Các bệnh lý tim mạch mắc phải phổ biến:
1. Bệnh động mạch vành
Bệnh động mạch vành là tình trạng tích tụ những mảng xơ vữa hoặc Cholesterol lên thành động mạch khiến lòng động mạch bị hẹp, giảm khả năng lưu thông máu, hạn chế việc cung cấp oxy và chất dinh dưỡng đến các bộ phận khác trên cơ thể. Những mảng xơ vữa tích tụ ngày càng dày thêm khiến chức năng của tim ngày càng suy yếu.
Triệu chứng của bệnh này không rõ ràng, thường người bệnh sẽ chỉ có cảm giác nặng ngực, đau thắt ngực khi gắng sức, vài trường hợp đau đầu, chóng mặt, khó thở.
Để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời, cần phải định kỳ kiểm tra sức khỏe. Thực hiện chế độ ăn khoa học và tập luyện thể thao mỗi ngày để gia tăng sức khỏe của tim, phòng ngừa tối đa bệnh động mạch vành nói riêng và các bệnh tim mạch khác.
2. Tai biến mạch máu não hay còn gọi là đột quỵ
Xảy ra khi tuần hoàn máu đến não bị gián đoạn, suy giảm nghiêm trọng gây thiếu oxy, dinh dưỡng cho các mô não khiến các tế bào não bị chết, mang lại nhiều di chứng nặng nề cho người bệnh, nặng có thể tử vong.
Các thể bệnh tai biến mạch máu não: co thắt mạch máu não, thiếu máu não thoáng qua, nhồi máu não, vỡ mạch máu não, xuất huyết não.
Triệu chứng của bệnh rất rõ ràng là các cơn đau đầu dữ dội, chóng mặt, tay chân yếu, hôn mê.
Có 2 nguyên nhân gây ra bệnh:
a. Huyết áp cao
Người bị cao huyết áp có nguy cơ bị tai biến rất cao, bởi khiến tăng áp lực máu lên thành mạch sẽ gây giãn, tổn thương thành mạch. Khi đó theo cơ chế hoạt động của cơ thể thì tiểu cầu và các sợi fibrin sẽ được di chuyển đến để làm lành các xơ vữa và vô tình tạo thành các cục máu đông. Các cục máu đông này di chuyển trong thành mạch và dẫn đến não gây tắc nghẽn, khiến nhồi máu não.
b. Xơ vữa động mạch
Hiện tượng xơ vữa động mạch khiến cho các mạch máu nhỏ dần, quá trình lưu thông máu bị cản trở. Và khi các mảng xơ vữa bong ra sẽ hình thành các cục máu đông.
Để hạn chế tai biến mạch máu não, cần phải kiểm soát tốt huyết áp và giảm thiểu xơ vữa động mạch, bằng một lối sống khoa học và kiểm tra sức khỏe định kỳ.
3. Bệnh động mạch ngoại biên (PAD)
Bệnh xảy ra khi mảng bám từ chất béo, cholesterol, canxi,… và các chất khác tích tụ trong các động mạch. Càng ngày các mảng bám càng cứng lại, gây hẹp động mạch
Viêm tắc động mạch ngoại vi gồm 2 thể:
- Bệnh Buerger (viêm 3 lớp thành động mạch): xuất hiện ở người trẻ tuổi (dưới 40 tuổi), người nghiện thuốc lá nặng, bệnh kéo dài nhiều năm, 95% phải đoạn chi.
- Viêm, tắc động mạch do xơ vữa động mạch: xảy ra ở người cao huyết áp, rối loạn chuyển mỡ máu.
Các triệu chứng ở bệnh động mạch ngoại biên cũng khá mơ hồ, như vài biểu hiện nhói đau bắp chân khi đi bộ và nhanh chóng khỏi sau 5-10 phút. Vài trường hợp có thể cảm thấy khó chịu, da xanh, lạnh da, xuất hiện những vết loét lâu lành,…
Xem thêm: 12 dấu hiệu cảnh báo bệnh tim mạch không nên bỏ qua
4. Bệnh van tim hậu thấp
Là một loại bệnh tự miễn, do vi trùng Strepcoccus beta Hemolytique gây ra.
Khi nhiễm bệnh, cơ thể tạo ra các kháng thể để tiêu diệt mầm bệnh, nhưng Strepcoccus beta Hemolytique có cấu trúc gần giống với cấu trúc của mô khớp và van tim nên kháng thể không phân biệt được, tấn công làm tổn thương mô khớp và van tim, gây sưng, hẹp hở van tim do biến dạng, suy tim.
Bệnh thường xuất hiện nhiều ở phụ nữ trẻ, là biến chứng khi bị viêm họng do liên cầu khuẩn. Bệnh phát triển âm thầm với các triệu chứng như viêm đa khớp, đau khớp, viêm tim, sốt, xuất hiện nốt dưới da,…
Bệnh được chỉ định điều trị bằng kháng sinh để loại bỏ liên cầu khuẩn.
5. Phình động mạch chủ bóc tách (động mạch chủ ngực)
Đây là tình trạng động mạch chủ cung cấp máu cho các bộ phận trên cơ thể bị yếu và phình ra dẫn đến rách. Vết rách thành động mạch chủ gây chảy máu ồ ạt, khiến bệnh nhân tử vong nhanh chóng. Bệnh này có nguy cơ tử vong cao, lên tới 95% dù ở giai đoạn đầu. Nguyên nhân vẫn là do tăng huyết áp hoặc xơ vữa động mạch chủ, hoặc do chấn thương có nguy cơ phình động mạch chủ.
6. Bệnh cơ tim
Xảy ra khi cơ tim suy yếu, không bơm đủ máu đi nuôi cơ thể. Bệnh dễ gây đột tử nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Nguyên nhân dẫn đến bệnh là do sự xâm nhập của các loại siêu vi, nhất là siêu vi trùng Coxacki, do sử dụng một vài loại thuốc hoặc do hóa chất, tăng hormone tuyến giáp.
Người bị bệnh cơ tim giai đoạn đầu thường ít có triệu chứng, nhưng khi bệnh nặng lên người bệnh sẽ bị khó thở, mệt mỏi, chóng mặt, phù chân,…
Có thể phòng ngừa bệnh bằng thói quen sinh hoạt lành mạnh, tăng đề kháng. Khi có dấu hiệu mệt mỏi, khó thở cần đến các cơ sở y tế để thăm khám và thực hiện các kiểm tra chuyên sâu, để xác định và điều trị sớm, hạn chế biến chứng nặng nề.
Khi có các triệu chứng nghi ngờ hoặc đã được chẩn đoán mắc bệnh tim, người bệnh nên đi khám thường xuyên với bác sĩ chuyên khoa tim mạch để theo dõi sức khỏe, dự phòng nguy cơ tai biến cũng như xử lý sớm khi có biến chứng xảy ra.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình