Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh tim mạch: Cách điều trị và phòng ngừa

Tim mạch là bệnh lý phổ biến, có thể gặp ở nhiều lứa tuổi. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, suy tim, thuyên tắc phổi, đột quỵ, thậm chí tử vong. Căn bệnh này cũng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, khiến hàng triệu người chết mỗi năm.

1. Khi nào người mắc bệnh tim cần gặp bác sĩ chuyên khoa?

Tùy vào từng bệnh lý và mức độ khác nhau mà biểu hiện của các bệnh nhân tim mạch sẽ khác nhau. Tuy nhiên, các triệu chứng của bệnh thường không hoặc ít xuất hiện ở giai đoạn nhẹ. Khi các triệu chứng trở nên rõ ràng thì hầu như bệnh đã chuyển nặng, cần đi khám ngay. Các biểu hiện đó là:

- Đau thắt ngực: Cơn đau ngực ở người mắc bệnh tim có tính chất đè ép giữa xương ức, có thể lan lên cằm và vai, tay trái. Nếu cơn đau kéo dài trên 20 phút không thuyên giảm dù đã nghỉ ngơi thì thường là dấu hiệu của cơn nhồi máu cơ tim.

- Khó thở, đặc biệt mức độ khó thở tăng lên khi nằm xuống

- Vã mồ hôi hoặc ngất

- Mệt khi gắng sức

- Tím tái

- Yếu liệt nửa người hoặc chi, khó diễn tả bằng lời nói, méo miệng… nếu những khiếm khuyết của hệ tim mạch gây ảnh hưởng đến não.

Nếu thấy xuất hiện những dấu hiệu nhồi máu cơ tim và đột quỵ não, hãy nhanh chóng đưa người bệnh đi cấp cứu ngay để được xử trí kịp thời. Dù các triệu chứng chỉ xuất hiện thoáng qua, cũng không nên chủ quan mà cần đi khám tim mạch sớm để được chẩn đoán và điều trị đúng hướng. Việc thăm khám định kỳ cũng rất quan trọng trong việc phát hiện sớm các bệnh lý tim mạch và điều trị hiệu quả. 

2. Điều trị bệnh tim mạch như thế nào?

Tùy thuộc vào loại bệnh tim và tình trạng sức khỏe thực tế mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp cho người bệnh. Các phương pháp điều trị thường được sử dụng gồm:

- Thay đổi lối sống: Chế độ ăn uống, sinh hoạt có tác động rất lớn đến quá trình điều trị. Người bệnh cần tuân thủ lối sống khoa học. Thực hiện chế độ ăn uống ít chất béo và natri, tập thể dục vừa phải, ít nhất 30 phút mỗi ngày, bỏ hút thuốc và hạn chế uống rượu,… để bệnh tim sớm được cải thiện.

- Sử dụng thuốc: Ngoài việc thay đổi lối sống, bác sĩ có thể kê toa thuốc để kiểm soát bệnh tim mạch. Các loại thuốc này sẽ phụ thuộc vào loại bệnh tim bạn đang mắc phải. Các loại thuốc có tác dụng làm giảm triệu chứng và điều trị từ nguyên nhân. Phụ thuộc vào loại bệnh tim mà bệnh nhân mắc phải và tình trạng thực tế mà các bác sĩ sẽ kê đơn phù hợp. Thông thường, thuốc kháng sinh đối với các trường hợp nhiễm trùng tim, các loại thuốc giãn mạch, kiểm soát huyết áp, cholesterol máu được kê cho các bệnh nhân mắc bệnh mạch vành,…

- Can thiệp, phẫu thuật tim: Biện pháp can thiệp hoặc phẫu thuật tim thường được chỉ định trong các trường hợp bệnh nặng, không đáp ứng điều trị nội khoa, đã hoặc có nguy cơ biến chứng cao. Loại phẫu thuật sẽ phụ thuộc vào tình trạng bệnh tim của bạn. Có nhiều loại phẫu thuật khác nhau để điều trị bệnh tim và mạch máu, bao gồm:

+ Nong mạch

+ Cắt động mạch

+ Bắc cầu động mạch

+ Máy tạo nhịp tim

+ Thay thế van tim

+ Cắt nội mạc động mạch cảnh.

3. Cách phòng ngừa hiệu quả bệnh tim mạch

Trừ bệnh tim do bẩm sinh và di truyền, còn với các loại bệnh tim mạch khác, người bệnh có thể được cải thiện hoặc thậm chí ngăn ngừa được bằng cách thay đổi lối sống nhất định. Những thay đổi sau đây có thể giúp bạn cải thiện sức khỏe tim mạch:

- Theo dõi và kiểm soát hàm lượng cholesterol, đường trong máu, các chỉ số huyết áp.

- Hạn chế hút thuốc lá, rượu bia và các chất kích thích gây hại khác.

- Xây dựng và duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, tốt cho sức khỏe. Ăn một khẩu phần ăn ít muối và ít chất béo bão hòa.

- Luyện tập thể dục thể thao điều độ, tập thể dục ít nhất 30 phút/ngày trong tuần. Các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, chạy chậm, bơi, bóng bàn, cầu lông, khí công, yoga…

- Giữ cân nặng luôn ổn định bằng cách ăn uống và tập luyện, tránh béo phì.

- Giữ vệ sinh tốt.

- Ngủ đủ giấc mỗi ngày, tránh căng thẳng thường xuyên.

- Kiểm tra sức khỏe theo định kỳ.

Xem thêm: Các phương pháp chẩn đoán bệnh tim mạch phổ biến

4. Hoạt động thể lực ở bệnh nhân tim mạch

Rèn luyện thể lực không chỉ cần thiết cho cơ bắp, xương khớp mà còn tác động đến toàn cơ thể, trong đó có trái tim. Với người bệnh tim mạch thì hoạt động thể dục lại càng cần thiết, tuy nhiên cần lưu ý một số vấn đề sau:

- Cần khám bác sĩ để hướng dẫn cụ thể về một chế độ tập luyện với cường độ phù hợp.

- Khởi động kỹ tối thiểu 15 phút để cơ xương khớp, hệ tuần hoàn, hô hấp thích nghi với nhịp độ vận động.

- Lựa chọn các môn thể thao nhẹ nhàng.

- Tránh tập luyện quá sức.

- Với những người thể trạng yếu có thể tập luyện vài phút thì tạm nghỉ, lặp lại như thế trong tổng thời gian 30 - 40 phút cho một lần luyện tập.

- Duy trì đều đặn.

Gợi ý các môn thể thao phù hợp với người bệnh tim:

- Đi bộ

- Chạy chậm

- Bơi

- Bóng bàn, cầu lông

- Khí công, yoga

Bệnh tim mạch là một trong những bệnh lý nguy hiểm, cần chủ động điều trị và phòng ngừa. Vì vậy, khi cơ thể có các dấu hiệu bất thường nên thăm khám càng sớm càng tốt nhằm phát hiện sớm, chữa trị kịp thời, hạn chế các biến chứng nguy hiểm.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X