Hotline 24/7
08983-08983

Các phương pháp chẩn đoán bệnh tim mạch phổ biến

Bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh tim mạch dựa trên bệnh sử của gia đình, các yếu tố nguy cơ và các kết quả xét nghiệm và thủ tục khác. Không có phương pháp duy nhất nào có thể chẩn đoán bệnh tim mạch. Nếu nghi ngờ mắc bệnh tim mạch, bác sĩ có thể thực hiện một hay nhiều phương pháp y tế để chẩn đoán chính xác hơn.

1. Bệnh tim mạch là gì?

Bệnh tim mạch là những tình trạng liên quan đến sức khỏe của trái tim, và sự hoạt động của những mạch máu gây ra suy yếu khả năng làm việc của tim. 

Bệnh bao gồm những bệnh mạch vành, bệnh động mạch ngoại vi, tăng huyết áp, thấp tim, bệnh cơ tim, bệnh van tim, loạn nhịp tim... là các nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng tử vong.

Theo như thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 17,9 triệu người tử vong vì bệnh tim mạch, trong đó có 85% trong số đó do bệnh nhồi máu cơ tim và bị đột quỵ. 

Tại Việt Nam, bệnh tim cướp đi mạng sống của gần 200.000 người mỗi năm cao hơn số những người tử vong vì bị ung thư, đáng lưu ý là bệnh này đang có xu hướng trẻ hóa.

Nếu như trước đây, những bệnh lý tim mạch như bệnh động mạch não, hay bệnh động mạch vành và bệnh động mạch ngoại biên... thường gặp ở những người lớn tuổi, thì ngày nay, bệnh có thể xuất hiện sớm ở những người trẻ.

Trong khi đó, những người trẻ thường sẽ chủ quan cho rằng mình không có nguy cơ mắc bệnh, nên sẽ không có biện pháp phòng ngừa nào hợp lý và thái độ tầm soát sớm, điều đó sẽ dẫn tới những biến chứng đáng tiếc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn tài sản lao động của xã hội. 

Bên cạnh đó, trường hợp người bệnh tim bẩm sinh không được chẩn đoán sớm, và điều trị kịp thời trong các năm đầu sau sinh cũng chiếm tỉ lệ đáng kể về bệnh lý tim mạch ở những người trẻ.

2. Các phương pháp chẩn đoán bệnh tim mạch

Bên cạnh các xét nghiệm máu và chụp X-quang, xét nghiệm để chẩn đoán bệnh tim có thể bao gồm:

a. Điện tâm đồ (ECG)

Điện tâm đồ là phương pháp kiểm tra nhịp tim và hoạt động điện của tim đơn giản, an toàn và không gây đau đớn. Người bệnh sẽ được gắn các điện cực lên da, từ đó tín hiệu điện tim sẽ được ghi lại thông qua các điện cực này.

Điện tâm đồ được chỉ định khi bệnh nhân đã có tiền sử bệnh tim mạch (nhằm đánh giá tình trạng bệnh và hiệu quả của thuốc) hoặc khi bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân mắc các vấn đề về tim mạch thông qua kiểm tra lâm sàng (đau ngực, khó thở, hồi hộp trống ngực, chóng mặt...). 

Thông qua kết quả điện tâm đồ, các bác sĩ có thể biết được liệu bệnh nhân có đang mắc các bệnh tim mạch như: rối loạn nhịp tim, thiếu máu cơ tim, bệnh van tim, rối loạn cơ tim (hay còn gọi là các bệnh cơ tim) hay các bệnh tim do nhiễm khuẩn (viêm ngoại tâm mạc, viêm cơ tim) hay không. 

b. Máy theo dõi Holter

Thông thường, khi bệnh nhân mắc rối loạn nhịp, các dấu hiệu sẽ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn và ngắt quãng không đều, khó dự đoán. Do đó rất khó để chẩn đoán được các rối loạn nhịp có triệu chứng trên điện tâm đồ thông thường. 

Trong những trường hợp như vậy, việc sử dụng máy đo Holter điện tim là vô cùng cần thiết để ghi lại những dấu hiệu rối loạn nhịp này. Hoặc nếu bệnh nhân đang điều trị bệnh tim mạch thì việc đeo Holter điện tim sẽ giúp đánh giá hiệu quả của thuốc và điều chỉnh liều lượng thuốc nếu cần thiết. 

Ngoài ra, Holter điện tim cũng giúp bác sĩ đánh giá các triệu chứng của người bệnh do vấn đề rối loạn nhịp đã có hay do một loại rối loạn nhịp mới hay hoàn toàn không liên quan đến vấn đề rối loạn nhịp tim. 

c. Siêu âm tim

Siêu âm tim là phương pháp chẩn đoán quan trọng để kiểm tra, phát hiện các bất thường về cấu trúc, chức năng hay bệnh lý ở tim. Tùy từng trường hợp và bệnh lý nghi ngờ mà bác sĩ có thể chỉ định các dạng siêu âm tim khác nhau như: siêu âm tim qua thực quản, siêu âm tim qua thành ngực, siêu âm Doppler, siêu âm tim gắng sức, siêu âm tim ba chiều,…

d. Đặt ống thông tim

Đặt ống thông tim là một xét nghiệm dùng để đánh giá tim có đang hoạt động tốt không. Xét nghiệm này sử dụng một ống thông mềm mỏng, đưa nó vào tim thông qua các mạch máu. Xét nghiệm này còn có thể dùng để chụp lại hình ảnh của động mạch vành nhằm đánh giá tình trạng các động mạch vành.

Phương pháp đặt ống thông tim có thể dùng để kiểm tra lưu lượng máu trong động mạch vành, lưu lượng máu và huyết áp trong các buồng tim, kiểm tra xem các van tim hoạt động tốt hay không và kiểm tra xem tim có bị dị dạng gì không bằng cách quan sát quá trình hoạt động của tim. Ở trẻ em, xét nghiệm này được sử dụng để kiểm tra các khuyết tật tim bẩm sinh nếu có.

Xem thêm: Tìm hiểu các phương tiện chẩn đoán tim mạch

e. Chụp cắt lớp vi tính tim (Chụp CT)

Chụp CT tim hay còn gọi là chụp cắt lớp tim là phương pháp chẩn đoán bằng hình ảnh các bệnh lý tim mạch chính xác, hiệu quả, được giới chuyên môn đánh giá cao. Việc chẩn đoán bệnh lý sớm giúp bác sĩ đưa ra các phương pháp điều trị hiệu quả, tiết kiệm được tiền bạc và thời gian cho bệnh nhân.

Chụp CT tim là một kỹ thuật dùng tia X-quang, quét qua tim theo chiều cắt ngang. Như vậy, vị trí khoanh vùng chính của tia X là tim. Các tín hiệu tia X sẽ được máy tính thu nhận, giải mã và tái tạo hình ảnh 2D - 3D của cấu trúc tim gồm: Màng tim, mạch vành tim, cơ tim và van tim, qua đó giúp các bác sĩ chẩn đoán chính xác các bệnh tim mạch liên quan.

f. Chụp cộng hưởng từ tim (Chụp MRI)

Chụp cộng hưởng từ (MRI) tim là phương pháp chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn, không đau, không tiếp xúc với bức xạ. MRI sử dụng từ trường mạnh, sóng vô tuyến và máy tính để tạo ra hình ảnh cắt ngang chi tiết về cấu trúc bên trong và xung quanh tim. Hình ảnh MRI có thể được lưu trữ trên máy tính hoặc in ra trên phim.

Ưu điểm của phương pháp chụp MRI tim mạch là độ tương phản mô mềm cao, độ phân giải không gian cao, có nhiều mặt cắt, không sử dụng tia xạ và không xâm lấn. Toàn bộ quá trình chụp không gây tác dụng phụ như khi chụp X-quang hoặc chụp CT nhưng vẫn có khả năng phát hiện các vấn đề bất thường sau các lớp xương - điều mà các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác khó làm được. 

Đồng thời, phương pháp này còn cho hình ảnh nhanh, chính xác hơn so với tia X trong chẩn đoán các bệnh lý tim mạch. Hiện nay, kỹ thuật chụp MRI tim mạch đã được sử dụng rộng rãi trong các bệnh lý mạch vành, van tim, cơ tim, tim bẩm sinh, suy tim,…

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X