Tìm hiểu các phương tiện chẩn đoán tim mạch
Bệnh tim mạch là bệnh lý nguy hiểm và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới. Việc chẩn đoán bệnh tim mạch sẽ sớm được phát hiện và kịp thời điều trị, tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Có nhiều phương pháp chẩn đoán tim mạch hiện nay và kiểm tra nhịp tim là phương pháp chẩn đoán hữu hiệu được nhiều bác sĩ lựa chọn.
1. Máy điện tim 12 cần
a. Điện tâm đồ là gì?
Điện tâm đồ là phương pháp kiểm tra nhịp tim và hoạt động điện của tim đơn giản, an toàn và không gây đau đớn. Người bệnh sẽ được gắn các điện cực lên da, từ đó tín hiệu điện tim sẽ được ghi lại thông qua các điện cực này.
Trước khi đo điện tâm đồ, người bệnh không cần chuẩn bị gì đặc biệt và vẫn có thể ăn uống bình thường. Tuy nhiên, nên giữ cho phần ngực sạch sẽ, không bám mồ hôi để đảm bảo kết quả kiểm tra được chính xác.
Cơ chế hoạt động điện tâm đồ là các tế bào trong buồng tim sẽ tạo ra một xung điện khi tim hoạt động, những xung điện này đi qua tim theo một hệ thống dẫn truyền và được điện tâm đồ ghi lại thành các tín hiệu điện.
Các thông tin cơ bản về người bệnh (họ tên, tuổi, ngày tháng năm sinh) sẽ được cập nhật vào máy đo điện tim nhằm giúp cho việc định danh người bệnh được dễ dàng, đồng thời giúp hỗ trợ lưu giữ và gửi kết quả đến các bác sĩ trong trường hợp cần hội chẩn và đánh giá người bệnh từ xa.
b. Điện tâm đồ được chỉ định khi nào?
Điện tâm đồ được chỉ định khi bệnh nhân đã có tiền sử bệnh tim mạch (nhằm đánh giá tình trạng bệnh và hiệu quả của thuốc) hoặc khi bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân mắc các vấn đề về tim mạch thông qua kiểm tra lâm sàng (đau ngực, khó thở, hồi hộp trống ngực, chóng mặt...).
Thông qua kết quả điện tâm đồ, các bác sĩ có thể biết được liệu bệnh nhân có đang mắc các bệnh tim mạch như: rối loạn nhịp tim, thiếu máu cơ tim, bệnh van tim, rối loạn cơ tim (hay còn gọi là các bệnh cơ tim) hay các bệnh tim do nhiễm khuẩn (viêm ngoại tâm mạc, viêm cơ tim) hay không.
Ngoài ra, điện tâm đồ còn được chỉ định khi người bệnh có các yếu tố nguy cơ về tim mạch liên quan đến các bệnh lý nói trên hoặc nếu người bệnh có các dấu hiệu về thần kinh nghi ngờ cơn thiếu máu não thoáng qua hay đột quỵ.
Ví dụ như thay đổi thị lực, tê yếu, vấn đề giao tiếp bởi một số vấn đề tim mạch cũng là nguyên nhân gây đột quỵ. Điện tâm đồ cũng là một chỉ định bắt buộc trong kiểm tra tim mạch khi bệnh nhân có chỉ định mổ hoặc người làm các công việc có yếu tố nguy cơ (phi công, thợ lặn, vận động viên...).
c. Ưu và nhược điểm của điện tâm đồ
Dựa trên những đặc điểm trên sóng điện tim, bác sĩ có thể đưa ra những chẩn đoán sơ bộ đối với tình trạng của người bệnh. Do đó, điện tâm đồ có vai trò rất quan trọng và thường xuyên được tiến hành trong bệnh viện.
Tuy nhiên, phương pháp đo điện tâm đồ cũng có một hạn chế vì chỉ đo được sóng điện tim tại một thời điểm, do đó những bất thường trên điện tim cũng chỉ thể hiện trong một khoảng thời gian ngắn khi đo. Vì vậy, kết quả điện tâm đồ đôi khi sẽ không chỉ ra hết được các vấn đề tim mạch mà bệnh nhân đang gặp phải.
2. Máy Holter điện tâm đồ - Điện tâm đồ lưu động
a. Điện tâm đồ lưu động là gì?
Điện tâm đồ lưu động (ambulatory electrocardiogram) hay Holter ECG còn được biến đến với nhiều cái tên khác như ambulatory EKG, Holter monitoring (máy theo dõi nhịp tim Holter), 24-hour EKG (điện tâm đồ liên tục 24 giờ) hoặc là cardiac event monitoring (máy theo dõi tim).
Xét nghiệm này giúp liên tục ghi lại những dòng điện trong trái tim khi bạn đang thực hiện những hoạt động bình thường trong vòng 24 hoặc 48 giờ. Nhiều vấn đề về tim chỉ đáng chú ý trong một số hoạt động nhất định. Chúng bao gồm: tập thể dục, ăn uống, quan hệ tình dục, căng thẳng, đi tiêu và thậm chí là ngủ. Đo Holter ECG có nhiều khả năng tìm thấy nhịp tim bất thường xảy ra trong các hoạt động này.
Holter điện tâm đồ lưu kết quả dưới dạng băng cassette hoặc theo phương pháp kỹ thuật số. Hiện nay, đa phần máy Holter điện tâm đồ thu thập dữ liệu theo phương pháp kỹ thuật số, với kích thước máy nhỏ gọn, thuận tiện mang theo người để đi lại, học tập hay làm việc.
b. Điện tâm đồ lưu động được chỉ định khi nào?
Thông thường, khi bệnh nhân mắc rối loạn nhịp, các dấu hiệu sẽ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn và ngắt quãng không đều, khó dự đoán. Do đó rất khó để chẩn đoán được các rối loạn nhịp có triệu chứng trên điện tâm đồ thông thường.
Trong những trường hợp như vậy, việc sử dụng máy đo Holter điện tim là vô cùng cần thiết để ghi lại những dấu hiệu rối loạn nhịp này. Hoặc nếu bệnh nhân đang điều trị bệnh tim mạch thì việc đeo Holter điện tim sẽ giúp đánh giá hiệu quả của thuốc và điều chỉnh liều lượng thuốc nếu cần thiết.
Ngoài ra, Holter điện tim cũng giúp bác sĩ đánh giá các triệu chứng của người bệnh do vấn đề rối loạn nhịp đã có hay do một loại rối loạn nhịp mới hay hoàn toàn không liên quan đến vấn đề rối loạn nhịp tim.
Tình trạng rối loạn nhịp khác (hiện tượng thúc đẩy rối loạn nhịp) gây ra bởi việc sử dụng thuốc chống loạn nhịp cũng có thể được phát hiện thông qua việc đeo Holter điện tâm đồ.
c. Máy Holter điện tim gồm những gì?
Máy Holter điện tim gồm có một thiết bị theo dõi, một vài điện cực dán trên da và dây dẫn. Hệ thống dây dẫn và điện cực giúp kết nối thiết bị theo dõi với các điện cực được gắn trên da, từ đó giúp dẫn truyền các tín hiệu điện tim về thiết bị theo dõi. Trong vòng 24h khi đeo máy, bệnh nhân cần tránh tắm rửa, bơi lội, tuy nhiên vẫn có thể làm các hoạt động hằng ngày.
Đồng thời, người bệnh cũng nên ghi chép lại các hoạt động mình đã thực hiện hoặc khi thấy có triệu chứng bất thường trong quá trình theo dõi. Mục đích của việc làm này là giúp bác sĩ xác định những bất thường tương ứng với kết quả điện tim ghi được. Sau khi tháo máy Holter điện tâm đồ, bác sĩ sẽ kiểm tra kết quả và trao đổi lại với người bệnh về những ghi nhận của máy.
Xem thêm: 11 nhóm đối tượng dễ mắc các bệnh về tim mạch
3. Nghiệm pháp điện tâm đồ gắng sức trên thảm chạy
a. Nghiệm pháp điện tâm đồ gắng sức trên thảm chạy được áp dụng khi nào?
Nghiệm pháp gắng sức điện tâm đồ đã sử dụng trong chẩn đoán các vấn đề tim mạch từ rất lâu trước đây. Máy chạy bộ trên thảm chạy là một phần không thể thiếu trong nghiệm pháp gắng sức điện tâm đồ. Một bệnh lý rất phổ biến cần đến nghiệm pháp gắng sức để chẩn đoán đó là bệnh mạch vành thứ phát do xơ vữa động mạch.
Đây là một bệnh lý khi mà các mạch động mạch vành bị hẹp do tích tụ mỡ tại thành mạch. Thông thường, tình trạng hẹp mạch vành không nghiêm trọng đến mức làm giảm lượng máu đến cơ tim và gây đau thắt ngực khi người bệnh nghỉ ngơi.
Tuy nhiên, khi tim của bệnh nhân phải hoạt động mạnh hơn trong quá trình gắng sức trên máy chạy bộ, lượng máu cung cấp cho cơ tim sẽ không đủ để đảm bảo chức năng hoạt động bình thường của tim và người bệnh sẽ xuất hiện triệu chứng đau ngực.
Nhiều bệnh nhân với các triệu chứng liên quan đến bệnh tim mạch như khó thở, hồi hộp trống ngực, mệt mỏi khi hoạt động, gắng sức cần được kiểm tra bằng nghiệm pháp gắng sức điện tâm đồ. Khi kiểm tra gắng sức, các triệu chứng của người bệnh và số liệu thu được sẽ giúp bác sĩ khẳng định, chẩn đoán, kết luận các vấn đề tim mạch của người bệnh.
Nghiệm pháp gắng sức chạy bộ là phương pháp tối ưu giúp phát hiện các triệu chứng của người bệnh với nguy cơ bệnh tim mạch hoặc nghi ngờ mắc bệnh mạch vành. Đặc biệt là khi một số bệnh nhân không có triệu chứng dù có tắc hẹp đáng kể mạch vành do cường độ vận động qua các hoạt động hằng ngày thấp.
Ở những bệnh nhân đã được chẩn đoán bệnh mạch vành, bài kiểm tra giúp đánh giá hiệu quả điều trị nội khoa hoặc phương pháp tái thông mạch máu. Nghiệm pháp này cũng giúp phát hiện triệu chứng ở người bị bệnh van tim, hoặc giúp chẩn đoán các bệnh cơ tim và các vấn đề nhịp tim.
b. Cách sử dụng nghiệm pháp điện tâm đồ gắng sức trên thảm chạy
Khi làm nghiệm pháp gắng sức, người bệnh sẽ được kết nối với máy theo dõi tim. Máy có rất nhiều chế độ kiểm tra và nhiều giai đoạn mức độ khác nhau. Ban đầu, người bệnh sẽ được yêu cầu đi chậm trên thảm chạy và dần dần tăng tốc. Máy chạy bộ sẽ được điều chỉnh dốc lên để tăng cường độ vận động của người bệnh.
Nếu có bất kỳ triệu chứng gì, người bệnh cần phải phản hồi ngay với bác sĩ và nhân viên y tế. Bác sĩ sẽ ngừng bài kiểm tra bất cứ khi nào khi người bệnh đã đạt được tần số tim mục tiêu hoặc dừng do các nguyên nhân khác.
Khi đã dừng kiểm tra, người bệnh sẽ ngồi hoặc nằm xuống để kiểm tra lại huyết áp và nhịp tim. Trong quá trình kiểm tra gắng sức, tất cả các thông số nhịp tim, huyết áp, khả năng gắng sức và điện tim của bệnh nhân sẽ được theo dõi, ghi lại, từ đó giúp cung cấp cho bác sĩ các thông tin quan trọng để chẩn đoán và tiên lượng bệnh.
Nghiệm pháp gắng sức nhìn chung rất an toàn với bệnh nhân, đặc biệt khi tình trạng người bệnh được theo dõi trong môi trường an toàn dưới sự giám sát của các bác sĩ và nhân viên y tế được đào tạo bài bản. Tuy nhiên, cũng có một số nguy cơ rất hiếm gặp có thể xảy ra như đau ngực, ngất hay rối loạn nhịp tim và thường được các thầy thuốc xử trí thuận lợi.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình