Hotline 24/7
08983-08983

11 nhóm đối tượng dễ mắc các bệnh về tim mạch

Bệnh tim mạch có thể là bệnh do bẩm sinh hoặc gây ra bởi thói quen sinh hoạt hằng ngày. Ngoại trừ một số yếu tố như chủng tộc, giới tính, tuổi hay đặc điểm liên quan di truyền là không thể thay đổi được, phần lớn các yếu tố còn lại có thể thay đổi hay kiểm soát từ sớm nếu được phát hiện, nhằm hạn chế nguy cơ tiến triển thành bệnh tim mạch.

1. Người hút thuốc lá

Trong số các hành vi lối sống, hút thuốc được xem là một trong những thói quen có hại cho sức khỏe bậc nhất, không chỉ ảnh hưởng tới hệ hô hấp (nguy cơ gây ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính) mà còn cả hệ tim mạch (bệnh tim mạch xơ vữa) và một số cơ quan khác.

Bệnh tim mạch là nguyên nhân chính, chịu trách nhiệm trực tiếp cho khoảng 50% trường hợp tử vong ở những người hút thuốc. Một người tiếp tục hút thuốc mất trung bình khoảng 10 năm sống so với người không hút thuốc. Khi dưới 50 tuổi, nếu bạn hút thuốc, khả năng mắc bệnh tim mạch của bạn tăng lên gấp 5 lần so với người không hút ở cùng độ tuổi. 

Không những thuốc lá truyền thống, các loại xì gà không khói hay việc hút thuốc lá thụ động (ngửi khói thuốc do người khác hút trong môi trường xung quanh) về lâu dài cũng làm bạn dễ mắc bệnh tim mạch hơn.

Các chất có trong khói thuốc lá chính là nguyên nhân cản trở việc cung cấp oxy đến tim và các bộ phận khác trong cơ thể. Khói thuốc còn có thể làm thay đổi thành phần hóa học của máu, gây ra mảng bám trong các động mạch, dẫn đến co thắt mạch máu và xơ vữa động mạch. Điều này có thể tạo ra cục máu đông và cuối cùng gây ra cơn đau tim hoặc đột quỵ, thậm chí dẫn đến tử vong.

2. Người có chế độ ăn thiếu khoa học (ăn nhiều muối, chất béo và cholesterol)

Việc sử dụng nhiều chất béo bão hòa (có trong thịt đỏ) khiến mỡ xấu trong cơ thể tăng mạnh, hình thành các mảng xơ vữa (mảng bám) ở thành động mạch và gây hẹp tắc lòng mạch.

Hay việc sử dụng thường xuyên các thực phẩm chế biến sẵn như xúc xích, gà rán,… là những thực phẩm chứa nhiều muối và chất béo xấu, có ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe tim mạch.

Việc sử dụng quá nhiều đường trong khẩu phần ăn hằng ngày cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến tim mạch. Theo một nghiên cứu, người tiêu thụ nhiều đường có nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch cao hơn nhiều so với người ăn ít đường.

3. Người ít vận động, ít hoạt động thể dục thể thao

Xu hướng của tim là khi được luyện tập thường xuyên sẽ đập chậm hơn khi vận động mạnh. Tập thể dục thường xuyên giúp giảm được quá trình tích tụ mỡ của cơ thế, vốn là một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ bị bệnh tim. Vận động thường xuyên cũng giúp động mạch vành giãn nở dễ dàng, giúp tim hoạt động hiệu quả.

Nếu không có nhiều thời gian luyện tập 30 phút mỗi ngày. Chúng ta có thể cố gắng vận động nhiều hơn như đi thang bộ thay vì đi thang máy, đi bộ nhiều hơn. Bởi hoạt động nhiều sẽ làm cơ thể tăng sức chịu đựng thiếu oxy, giảm nhu cầu đòi hỏi về oxy của cơ tim, khai thông hiệu năng hoạt động trong cơ tim.

Ngoài ra, hoạt động thể lực làm cho động mạch mềm mại, tăng đàn hồi, dẻo dai hơn; các tĩnh mạch đưa máu về tim nhanh chóng và đều đặn hơn; đẩy máu nhiều hơn đến não, phổi, thận, gan và các cơ bắp…

Xem thêm: Những lưu ý quan trọng khi đi khám tim mạch

4. Người thừa cân, béo phì

Theo Hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ, những người bị béo phì thường có nguy cơ cao bị suy tim, đột quỵ hoặc mắc một số bệnh về tim mạch khác. Do người béo phì có sự phát triển rung nhĩ cao, gây ra tình trạng loạn nhịp tim và dần hình thành nên các cục máu đông.

Mặt khác, khi cơ thể trong tình trạng béo phì, nhịp tim sẽ phải hoạt động nhiều và căng thẳng hơn. Tình trạng này nếu diễn ra trong một thời gian dài có thể dẫn tới suy tim, đột quỵ.

5. Căng thẳng kéo dài

Những người bị căng thẳng kéo dài có thể làm hỏng các động mạch vành và làm trầm trọng hơn các nguy cơ khác của bệnh tim mạch.

6. Người bị cholesterol cao

Mức cholesterol cao với chất béo tích tụ trong mạch máu, khiến máu khó lưu thông qua các động mạch. Các chất tích tụ này cũng có thể bị phá vỡ đột ngột, tạo thành cục máu đông, dẫn đến đau tim hoặc đột quỵ.

7. Người bị huyết áp cao

Huyết áp cao là một trong những bệnh nguy hiểm nhất. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên toàn cầu có gần 1,28 tỷ người từ 30 - 79 tuổi bị huyết áp cao.

Huyết áp cao, với áp lực lớn của máu lên thành động mạch, dễ dẫn đến các bệnh về tim như đau tim, suy tim, đột quỵ … Đây thường được xem là “kẻ giết người thầm lặng” vì không có triệu chứng rõ ràng.

Ngoài ra, người cao huyết áp có nguy cơ đột quỵ cao, bởi tăng huyết áp có thể làm xơ cứng và dày thành các động mạch, thu hẹp các mạch máu, dẫn đến tắc nghẽn hoặc bị vỡ mạch máu.

8. Người bệnh tiểu đường

Người bị bệnh lý đái tháo đường sẽ có nguy cơ biến chứng rất cao ở toàn bộ các chức năng trong cơ thể, và bệnh tim là một biến chứng nguy hiểm của bệnh đái tháo đường.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, theo thời gian, lượng đường trong máu cao có thể làm hỏng các mạch máu và các dây thần kinh điều khiển trái tim.

Người bệnh tiểu đường cũng có nhiều nguy cơ mắc các bệnh như huyết áp cao, quá nhiều cholesterol “xấu” và chất béo trung tính cao làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, theo CDC Mỹ. 

Xem thêm: 14 triệu chứng cho thấy bạn có nguy cơ mắc bệnh tim mạch

9. Giới tính

Có sự khác biệt về khả năng mắc bệnh tim mạch theo giới tính. Mặc dù nam giới đã được chứng minh là một yếu tố dễ đưa đến bệnh tim mạch hơn nữ giới. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều nghiên cứu đang dần tìm hiểu về mối liên quan giữa bệnh tim mạch với các giai đoạn khác nhau trong cuộc đời của một người phụ nữ, đặc biệt vào giai đoạn mang thai hay sau mãn kinh, khi sự thay đổi nội tiết tố của cơ thể ở những thời điểm này làm cho bệnh tim mạch dễ xuất hiện hơn. 

Giới tính là một yếu tố tương tác rõ với hành vi hút thuốc, bằng chứng là nữ giới hút thuốc thường chịu nhiều ảnh hưởng có hại hơn nam giới.

10. Người già

Càng lớn tuổi càng dễ mắc bệnh tim mạch hơn. Nhưng cần nhớ rằng, nguy cơ này đã bắt đầu tăng rõ ở độ tuổi trung niên chứ không cần chờ đến khi lớn tuổi. Cụ thể, nam từ 40 tuổi trở lên hoặc nữ từ 50 tuổi trở lên cũng đã có thể được cân nhắc việc tầm soát bệnh tim mạch.

11. Yếu tố gia đình

Bệnh tim mạch một phần nào đó xảy ra có tính chất gia đình. Nói cách khác, nếu người thân với mối quan hệ huyết thống gần của bạn bị mắc một số bệnh tim mạch từ khi còn trẻ, bạn cũng có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn dân số bình thường. 

Ngay cả khi gia đình bạn chưa phát hiện ai bị bệnh tim mạch, một số yếu tố di truyền được quy định sẵn từ trong gen đã có thể làm cho bạn dễ mắc bệnh tim mạch hơn.

Tóm lại, có nhiều đặc điểm cơ bản về hành vi, lối sống hay bệnh lý nền làm cho bạn tăng khả năng mắc bệnh tim mạch hơn những người khác. 

Ngoại trừ một số ít yếu tố như chủng tộc, giới tính, tuổi hay đặc điểm liên quan di truyền là không thể thay đổi được, phần lớn các yếu tố còn lại có thể thay đổi hay kiểm soát từ sớm nếu được phát hiện, nhằm hạn chế nguy cơ tiến triển thành bệnh tim mạch.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X