14 triệu chứng cho thấy bạn có nguy cơ mắc bệnh tim mạch
Bệnh tim mạch là một trong những bệnh lý nguy hiểm nhất trên thế giới, ngay cả những người trẻ tuổi cũng có xu hướng mắc bệnh. Vì vậy, trang bị kiến thức về triệu chứng bệnh tim sẽ giúp bạn chủ động kiểm tra, phát hiện sớm để kịp thời ngăn chặn yếu tố nguy cơ đe dọa sự sống.
I. Bệnh tim mạch là gì?
Bệnh tim mạch (CVD) là do các rối loạn của tim và mạch máu. Bệnh tim mạch bao gồm bệnh mạch vành (nhồi máu cơ tim), tai biến mạch máu não (đột quỵ), tăng huyết áp tăng (cao huyết áp), bệnh động mạch ngoại biên, bệnh thấp tim, bệnh tim bẩm sinh và suy tim.
II. Các triệu chứng chính của các bệnh lý tim mạch
1. Khó thở
Khó thở, nhất là xảy ra trong khi nằm, khi hít thở sâu, cảm giác giống như có vật nặng đè lên ngực… đây có thể là gợi ý triệu chứng bệnh tim.
Người bị bệnh tim thường khó thở dù cả khi gắng sức hoặc không cần phải gắng sức. Cảm giác này có thể đến trong mọi thời điểm, đặc biệt là khi đang ngủ.
Đây là kết quả của việc tim đột ngột giảm khả năng co bóp khiến cho quá trình bơm máu từ tim đến phổi bị gián đoạn.
2. Khả năng gắng sức kém
Hụt hơi, mệt mỏi sau khi làm bất cứ hoạt động nào và thường xuyên diễn ra tình trạng này là triệu chứng điển hình của bệnh lý về tim. So với nam giới thì nữ giới thường gặp phải tình trạng giảm khả năng gắng sức này hơn.
3. Đau ngực
Đau ngực do bệnh tim là biểu hiện của tình trạng cơ tim bị thiếu máu. Người bệnh có cảm giác bị đè nặng tức ở ngực trái, ở trên rốn… Có thể biểu hiện với cơn đau thắt ở ngực lan lên cằm, lên vai hay ra sau lưng.
Các biểu hiện đau này thường có tính chu kỳ, xảy ra khi người bệnh gắng sức hay bị stress, hết khi nghỉ ngơi. Những cơn đau thắt ngực có thể kéo dài khoảng 5 - 10 phút và có xu hướng lặp lại.
Khuyến cáo người bệnh khi gặp những cơn đau ngực kéo dài cần nghỉ ngơi tuyệt đối, đến ngay cơ sở y tế để được xác định chẩn đoán và can thiệp kịp thời vì đây cũng có thể là dấu hiệu của nhồi máu cơ tim cấp.
4. Có cơn đau lan tới cánh tay
Bệnh nhân mắc bệnh lý về tim cũng có cơn đau từ tim rồi có xu hướng lan dần ra các khu vực ở bên trái cơ thể. Thường gặp nhất là cơn đau ở cánh tay trái.
5. Thường xuyên mệt mỏi
Khi bạn thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức sau các hoạt động sinh hoạt thường ngày, thậm chí ngay sau khi ngủ dậy thì có thể đây là dấu hiệu của chứng thiếu máu đến não, tim và phổi.
6. Ho dai dẳng
Suy tim làm cho máu không được bơm đi nuôi cơ thể, đồng thời máu bị ứ lại ở phổi. Dịch, máu thoát mạch vào mô kẽ và vào các phế nang làm cho người bệnh bị ho thành cơn kéo dài và dai dẳng.
Ho nhiều hơn khi người bệnh nằm xuống. Người bệnh tim cũng có thể bị những cơn ho do tác dụng phụ của thuốc điều trị suy tim như một số thuốc ức chế men chuyển.
Xem thêm: Bệnh tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam
7. Đau quai hàm và họng
Những cơn đau vùng ngực do bệnh lý về tim cũng có thể lan đến hàm và cổ họng. Do đó, nếu có cảm giác đau ở những vùng này trong thời gian dài thì cũng không nên chủ quan mà cần thăm khám để được chẩn đoán chính xác.
8. Ngủ ngáy
Việc ngủ ngáy một chút trong khi ngủ được xem là bình thường ở hầu hết mọi người nhưng nếu ngày quá to hoặc bị thở khò khè khiến người nằm cùng khó chịu thì có thể là do chứng ngưng thở khi ngủ. Tình trạng này dễ gây thêm áp lực lên tim và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển bệnh tim mạch.
9. Đổ mồ hôi
Sau khi vận động thể chất bị đổ mồ hôi là chuyện rất bình thường nhưng nếu hiện tượng này xảy ra mà không rõ nguyên nhân, kèm theo đau tức ngực, khó thở thì có thể là triệu chứng bệnh tim.
10. Nhịp tim nhanh, mạch đập không đều
Nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này là do tim phải đập nhanh hơn để bù lại việc suy giảm chức năng bơm máu. Người bệnh có thể hồi hộp, nghe rõ nhịp tim đập nhanh như đánh trống ở ngực.
11. Buồn nôn, chán ăn, khó tiêu, ợ nóng hoặc đau dạ dày
Có rất nhiều bệnh lý gây ra tình trạng buồn nôn, chán ăn… nhưng đây cũng là triệu chứng điển hình của bệnh suy tim. Người bệnh thường cảm giác no tức bụng do máu bị ứ ở gan và các cơ quan tiêu hóa. Tình trạng này làm cho gan và các cơ quan tiêu hóa cũng bị giảm chức năng làm cho người bệnh chán ăn và buồn nôn.
Vì vậy khi thường xuyên gặp phải triệu chứng buồn nôn, khó tiêu, ợ nóng hay đau dạ dày và cũng có một vài yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim, cần tới gặp bác sĩ ngay để kiểm tra để xác định chính xác tình trạng bệnh và điều trị sớm.
12. Hay lo lắng
Triệu chứng này thường bị bỏ quên do người bệnh chủ quan xem thường, hay nhầm lẫn với các dấu hiệu lo lắng, căng thẳng bình thường mà không biết rằng đây chính là dấu hiệu phổ biến cảnh báo chứng suy tim. Người bệnh thường có triệu chứng thở nhanh, tim đập bất thường, lòng bàn tay đổ nhiều mồ hôi…
13. Chóng mặt và ngất xỉu
Thông thường chóng mặt và ngất xỉu là triệu chứng tim mạch thường gặp ở những bệnh nhân bị gián đoạn hoặc rối loạn nhịp tim ở mức độ nghiêm trọng.
Nhiều bệnh nhân thường xuyên gặp phải các triệu chứng kể trên nhưng thường chủ quan, nghĩ rằng các triệu chứng này là bình thường, thoáng qua rồi nhanh chóng bỏ qua các dấu hiệu ban đầu, đến khi bệnh trở nặng mới đến thăm khám.
Điều này khiến cho quá trình điều trị trở nên khó khăn, không đạt hiệu quả cao nhưng lại tốn kém rất nhiều chi phí. Do đó, khuyến cáo người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế có chuyên khoa tim mạch càng sớm càng tốt để được thăm khám, chẩn đoán chính xác và điều trị hiệu quả nhất, tránh bỏ lỡ thời gian vàng trong điều trị bệnh.
14. Hiện tượng phù nề
Sau khi ngủ dậy nếu cảm thấy mặt bị căng phù, mí mắt trĩu nặng, hoặc có thể chân bị phù ở một vài thời điểm nhất định trong ngày, đột nhiên đi giày dép chật… thì hãy đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra, vì có thể đây là những triệu chứng của bệnh suy tim.
Bệnh tim mạch gây nguy hiểm trực tiếp đến sự sống, vì vậy khi nhận thấy bất cứ triệu chứng bệnh tim nào nghi ngờ như đã kể trên, tốt nhất nên đến bác sĩ chuyên khoa kiểm tra. Ngoài ra, việc khám sức khỏe định kỳ cũng là giải pháp kiểm soát tốt và phát hiện sớm bất thường tại tim.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình