Hotline 24/7
08983-08983

Tiêm vắc xin ngừa sởi và những điều cần biết

Tôi đọc báo được biết thời điểm này có nhiều trường hợp mắc bệnh sởi và cũng đã vào mùa nên rất lo lắng. Tôi nghe nói bệnh này đã có vắc xin phòng ngừa. Vậy xin hỏi, vắc xin sởi có bao nhiêu loại, chi phí như thế nào?

Chào AloBacsi,

Tôi đọc báo được biết thời điểm này có nhiều trường hợp mắc bệnh sởi và cũng đã vào mùa nên rất lo lắng. Tôi nghe nói bệnh này đã có vắc xin phòng ngừa. Vậy xin hỏi, vắc xin sởi có bao nhiêu loại, chi phí như thế nào? Có ai không được tiêm vắc xin sởi không ạ?

Tôi cảm ơn BS.

(Huyền Như - nhutranhuyen...@gmail.com)

Vắc xin sởi. Ảnh minh họa - Nguồn Internet


Chị Huyền Như thân mến,

Theo Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM, hiện nay bệnh sởi đang có khuynh hướng gia tăng tại nhiều quốc gia trên Thế giới, kể cả các nước Châu Âu. Tại Việt Nam, hàng chục trường hợp mắc sởi ở trẻ em từ các tỉnh thành khác nhau đã được ghi nhận tại các bệnh viện Nhi đồng. Ngành y tế cảnh báo, bệnh sởi đang lưu hành trên diện rộng, người dân phải chú ý các biện pháp phòng ngừa.

Tiêm vắc xin là biện pháp phòng ngừa sởi hiệu quả. Do đó, trong bài viết này AloBacsi cung cấp thông tin xoay quanh các vấn đề tiêm ngừa sởi để chị và bạn đọc có thêm nhiều kiến thức, thông tin về dịch vụ này.

Có những loại vắc xin nào?


Hiện nay, trên thế giới có hàng chục loại vắc xin sởi dưới dạng vắc xin đơn hoặc vắc xin phối hợp (sởi - rubella hoặc sởi - quai bị - rubella). Hầu hết các vắc xin được trình bày dưới dạng vắc xin đông khô đi kèm với dung môi. Hiện nay, vắc xin dạng xịt đang được nghiên cứu trên thế giới.

Cả hai loại vắc xin sởi đơn và sởi - quai bị - rubella đều có tác dụng phòng chống sởi hiệu quả, có thể dùng được cho trẻ em lẫn người lớn. Khả năng bảo vệ của vắc xin có thể lên tới 99,7% nếu được tiêm đủ liều và đúng lịch theo khuyến cáo.

Chi phí tiêm vắc xin sởi?


Vắc xin sởi đơn: Là vắc xin đơn giá, nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng và được tiêm miễn phí.

+ Trẻ em: Tiêm phòng mũi sởi đơn cho bé được 9 tháng tuổi. (Vắc xin sử dụng tiêm nhắc khi bé được 18 tháng tuổi là vắc xin sởi - rubella).

+ Người lớn: Thường được dùng để tiêm trong chiến dịch phòng chống sởi cho tất cả các đối tượng trong phạm vi của chiến dịch.

Vắc xin sởi - quai bị - rubella: Là vắc xin tam giá, giúp phòng cùng lúc 3 bệnh: sởi, quai bị và rubella. Đây là vắc xin tiêm dịch vụ, giá từ 150.000 - 265.000 đồng (tùy cơ sở y tế).

+ Trẻ em: Vắc xin sởi - quai bị - rubella tiêm cho trẻ thường theo lịch mũi 1 vào lúc 12 tháng tuổi, mũi 2 vào lúc 4-6 tuổi.

+ Người lớn: Trừ phụ nữ mang thai, còn lại tất cả mọi người đều có thể tiêm ngừa vắc xin này. Đặc biệt, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được khuyến cáo tiêm ngừa vắc xin sởi - quai bị và rubella trước khi có thai 3 tháng.

Tác dụng phụ khi tiêm vắc xin sởi


Vắc xin sởi được đánh giá là an toàn. Các phản ứng sau tiêm vắc xin ngừa sởi thường nhẹ, có thể biểu hiện như với các vắc xin khác: sốt (5-15%), phát ban (5%), sưng, nóng, đỏ đau tại chỗ tiêm… Hầu hết những tác dụng phụ sẽ hết trong khoảng từ 1-2 ngày mà không cần điều trị gì.

Phản ứng nghiêm trọng sau tiêm vắc xin ngừa sởi là rất hiếm gặp nhưng cũng có thể xảy ra. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn tiêm chủng, cán bộ y tế cần theo dõi trẻ trong vòng 30 phút sau tiêm tại điểm tiêm. Các cơ sở y tế đều sẵn có thuốc điều trị và biện pháp xử trí những phản ứng nghiêm trọng này. Các phản ứng quá mẫn này sẽ qua khỏi nếu được phát hiện và xử trí kịp thời tại cơ sở y tế.

Những trường hợp nào không nên tiêm vắc xin sởi?


Những trường hợp phản ứng nghiêm trọng với liều tiêm vắc xin sởi trước đây hoặc phản ứng với các thành phần của vắc xin (gelatin, neomycin). Dị ứng với trứng không phải là chống chỉ định của tiêm vắc xin sởi.

Không nên tiêm vắc xin sởi cho phụ nữ có thai mặc dù không có bằng chứng về tăng tỉ lệ bất thường bẩm sinh ở trẻ sinh ra trong số phụ nữ được tiêm phòng trong thời kỳ mang thai3. Các trường hợp sau khi tiêm mới phát hiện đã có thai cần thông báo cho cán bộ y tế để được theo dõi. Cũng như các vắc xin sống khác, cần tránh có thai ít nhất 1 tháng sau tiêm vắc xin.

Không tiêm vắc xin sởi cho các trường hợp suy giảm miễn dịch bẩm sinh hay mắc phải (AIDS), đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch liều cao, xạ trị hoặc mắc các bệnh ác tính do ở những trường hợp này, khả năng tạo miễn dịch chủ động bị suy giảm. 

Có thể tiêm vắc xin sởi cho những người dương tính với HIV nhưng chưa chuyển sang giai đoạn AIDS.

Hy vọng những thông tin AloBacsi cung cấp sẽ hữu ích với chị.

Trân trọng!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X