Hotline 24/7
08983-08983

Thay khớp gối nhân tạo có ưu điểm gì, bao lâu bệnh nhân đi lại bình thường?

Thay khớp khớp nhân tạo là phương pháp điều trị cuối cùng cho bệnh nhân bị thoái hóa khớp nặng. Vậy phương pháp này có những ưu điểm gì, thời gian sử dụng trong bao lâu? Thắc mắc này sẽ được giải đáp với phần chia sẻ của ThS.BS Nguyễn Anh Trung - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ.

ThS.BS Nguyễn Anh Trung - Phó khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ

1. Độ tuổi nào con người bắt đầu thoái hóa khớp gối?

Độ tuổi nào sẽ bắt đầu thoái hóa khớp? Biểu hiện sớm của bệnh là gì, thưa bác sĩ?

ThS.BS Nguyễn Anh Trung:

Thoái hóa khớp gối là biểu hiện rất sớm. Hiện tại, do nhu cầu đi lại, làm việc nhiều, bệnh thoái hóa khớp gối xuất hiện sớm hơn.

Theo y văn ghi nhận, độ tuổi thoái hóa khớp gối là trên 40 tuổi.

Tuy nhiên, do người trẻ sử dụng khớp gối không đúng, chấn thương hoặc mắc bệnh mạn tính nên bệnh thoái hóa khớp gối có xu hướng trẻ hóa. Do đó, trên 30 tuổi, bệnh nhân có thể có dấu hiệu thoái hóa khớp gối.

Các biểu hiện sớm của bệnh như đau khớp, cứng khớp vào buổi sáng, đi lại có tiếng lụp cụp ở khớp bị thoái hóa, đặc biệt là khớp gối - khớp chịu lực nhiều nhất.

Các biểu hiện ít thấy của thoái hóa khớp là biến dạng khớp, viêm khớp. Sưng, nóng, đỏ, đau ở khớp là các biểu hiện xuất hiện ở giai đoạn muốn hơn.

2. Phương pháp điều trị thoái hóa khớp theo từng giai đoạn là gì?

Thoái hóa khớp chia thành mấy giai đoạn và phương pháp điều trị ở mỗi giai đoạn như thế nào?

ThS.BS Nguyễn Anh Trung:

Thoái hóa khớp được chia thành 4 giai đoạn:

- Giai đoạn 1: là giai đoạn nhẹ. Giai đoạn này điều trị bằng phương pháp tập vật lý trị liệu, thuốc giảm đau như acetaminophen

- Giai đoạn 2 và 3 là giai đoạn trung bình, các tổn thương khớp có thể nhìn thấy trên phim Xquang. Giai đoạn 2 và 3 có thể điều trị bằng phương pháp can thiệp thớp như tiêm chất nhờn, Acid Hyaluronic (HA) hoặc huyết tương giảm tiểu cầu (PRP), giúp phục hồi bề mặt của sụn khớp

- Giai đoạn 4 là giai đoạn rất nặng, làm biến dạng trục chi, khiến việc đi lại khó khăn, đau khi đi lại. Giai đoạn này điều trị phục hồi trục chi, phục hồi bề mặt sụn khớp. Thông thường, bệnh nhân ở giai đoạn này thường phải phẫu thuật nội soi như ghép sụn, thay sụn. Thay sụn khớp gối là phương pháp điều trị cuối cùng.

3. Phẫu thuật thay khớp gối nhân tạo có ưu điểm gì?

ThS.BS Nguyễn Anh Trung:

Thay khớp gối nhân tạo thường sẽ áp dụng cho bệnh nhân thoái hóa khớp độ 3 và 4, tức là sụn khớp đã tổn thương rất nặng, thay đổi trục của chi. Thay đổi trục chi nghĩa là bệnh nhân đi lại có tiếng lạo xạo, lụp cụp ở khớp thoái hóa, dáng đi thay đổi, đi lại rất khó khăn.

Khi đó, can thiệp phẫu thuật sẽ được ưu tiên để giúp cho bệnh nhân phục hồi trục chi, hướng đi của chân, đi lại dễ dàng, không bị đau.

4. Khớp gối nhân tạo được làm từ chất liệu gì? Thời gian sử dụng khớp gối nhân tạo bao lâu?

Vết sẹo nằm ở vị trí nào, dài khoảng bao nhiêu cm?

ThS.BS Nguyễn Anh Trung:

Bề mặt của sụn khớp gối sẽ được thay bằng một miếng polyethylene (nhựa), giúp đi và chịu lực được trong khoảng 20 năm. Đối với bề mặt xương, sẽ được ốp bằng hai miếng titanium, có khả năng chịu lực tốt hơn.

Thông thường, khi thay khớp gối sẽ không thay bề mặt xương, chỉ cần thay bề mặt của lớp sụn.

Đối với thay khớp gối, đường mổ sẽ nằm ở giữa khớp gối, kéo dài 8-10cm.

5. Phẫu thuật thay khớp gối nhân tạo cho người cao tuổi thường gặp những trở ngại gì?

Người quá lớn tuổi hoặc có bệnh tiểu đường thì thay khớp gối được không?

ThS.BS Nguyễn Anh Trung:

Trở ngại khi phẫu thuật thay khớp gối là tâm lý lo sợ rằng không biết thay xong có đi được hay không, có chỉnh thẳng trục được không. Bệnh nhân có bệnh nền như tiểu đường, tăng huyết áp, tim mạch cũng lo lắng cuộc phẫu thuật có an toàn hay không.

Tại bệnh viện S.I.S Cần Thơ, trước khi phẫu thuật, chúng tôi có phương pháp chẩn đoán những biến chứng trên tim mạch, tiểu đường... Sau khi đã ổn định các bệnh lý nền, bệnh nhân có thể thực hiện phẫu thuật thay khớp gối.

Phẫu thuật thay khớp gối có tỷ lệ an toàn trên 99%, giúp bệnh nhân tránh những nguy cơ về tim mạch, tiểu đường, phục hồi vận động rất tốt.

Bệnh viện S.I.S Cần Thơ đã phẫu thuật thay khớp gối cho bệnh nhân lớn tuổi nhất là bao nhiêu tuổi? Nhờ bác sĩ kể về trường hợp này?

ThS.BS Nguyễn Anh Trung:

Theo thống kê, tại bệnh viện S.I.S Cần Thơ, trung bình mỗi năm có khoảng 100 ca phẫu thuật thay khớp gối. Có nhiều bệnh nhân sau khi đã thay khớp gối 1 bên, họ quay lại bệnh viện để thay khớp bên còn lại.

Có nhiều bệnh nhân lớn tuổi đã thực hiện thay khớp gối, lớn tuổi nhất là cụ ông 85 tuổi. Bệnh nhân này bị hư khớp gối bên phải và vẹo trục nặng, đi lại khó khăn. Tuy nhiên, sau khi thay khớp gối, bệnh nhân đi lại tốt và hẹn một thời gian nữa sẽ đến bệnh viện để thay khớp còn lại.

6. Bệnh nhân cao tuổi từ chối phẫu thuật thay khớp gối thì điều trị tiếp tục thế nào?

Nếu bệnh nhân cao tuổi có chỉ định phẫu thuật thay khớp gối nhưng họ từ chối. Họ muốn điều trị bảo tồn thì có gây bất lợi gì cho bệnh nhân không?

ThS.BS Nguyễn Anh Trung:

Bệnh nhân thoái hóa khớp gối nặng nhưng từ chối phẫu thuật thì có thể điều trị bảo tồn như tập vật lý trị liệu, tiêm chất nhờn HA, PRP, tế bào gốc. Những phương pháp này có thể giúp bệnh nhân giảm đau.

Tuy nhiên, trục chi, dáng đi của bệnh nhân sẽ không thay đổi, cảm giác đau vẫn còn và có thể sử dụng kèm thuốc giảm đau.

7. Tập vật lý trị liệu thế nào sau phẫu thuật thay khớp gối?

Bệnh nhân tập vật lý trị liệu như thế nào sau phẫu thuật, phải tập trong bao lâu, tự tập hay phải có bác sĩ?

ThS.BS Nguyễn Anh Trung:

Đối với thay khớp gối, bệnh nhân thường phải tập vật lý trị liệu từ 1-4 tuần. Bài tập vật lý trị liệu rất đơn giản, bệnh nhân có thể được hướng dẫn trong những lần đầu tiên. Sau đó, bệnh nhân có thể tự tập tại nhà.

Tập vật lý trị liệu giúp bệnh nhân đi lại sớm hơn, làm quen với khớp nhân tạo và người bệnh không còn đau khi vận động.

Tập vật lý trị liệu thường chỉ gây khó khăn trong 1-2 ngày đầu và phải nhờ đến sự hỗ trợ của nhân viên y tế. Sau khoảng 1 tuần tập vật lý trị liệu, bệnh nhân có thể tự đi lại được.

8. Sau phẫu thuật bao lâu bệnh nhân có thể đi lại bình thường?

ThS.BS Nguyễn Anh Trung:

Sau phẫu thuật 2-3 ngày, bệnh nhân bắt đầu tập đi. Tuy nhiên, khi mới tập đi với khớp nhân tạo, bệnh nhân khá khó khăn. Nhân viên y tế sẽ hỗ trợ bệnh nhân đi và tập làm quen với khớp gối mới.

Sau khoảng 1-2 tuần, bệnh nhân có thể tự ngồi và tự đi được. Phẫu thuật thay khớp nhân tạo, bệnh nhân không phải nằm viện lâu, thường sẽ xuất viện sau khoảng 5-7 ngày.

9. Bệnh nhân thay khớp gối nên tập môn thể thao nào và tránh những động tác nào?

ThS.BS Nguyễn Anh Trung:

Trường hợp tập vật lý trị liệu tại nhà, bệnh nhân có thể tập những môn thể thao nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe, bơi.

Người sử dụng khớp nhân tạo nên tránh những hoạt động cường độ cao như chạy, leo cầu thang, môn thể thao va chạm mạnh.

10. Bệnh nhân đã thay khớp gối nhân tạo, cần chú ý gì khi chụp CT, MRI, đi qua cửa an ninh sân bay?

ThS.BS Nguyễn Anh Trung:

Bệnh nhân thay khớp gối khi đi qua cửa an ninh máy bay thường sẽ có tín hiệu. Nhưng nhân viên an ninh sân bay thường sẽ nhận biết được những trường hợp này nên sẽ không ảnh hưởng đến việc đi máy bay hay các phương tiện khác có dùng máy quét kim loại.

Việc chụp CT, MRI đối với bệnh nhân thay khớp gối sẽ không ảnh hưởng gì, bởi những chất liệu trong khớp gối thường bằng nhựa và titanium.

Minh Huy

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X