Hotline 24/7
08983-08983

TS.BS Tăng Hà Nam Anh chia sẻ ba phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối

Thoái hóa khớp gối xảy ra khi sụn bị mòn đi. Nếu không chữa trị sớm, thoái hóa khớp gối có thể gây biến chứng nặng, thậm chí tàn phế. AloBacsi xin giới thiệu bài tư vấn của TS.BS Tăng Hà Nam Anh - Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Nguyễn Tri Phương về ba phương pháp điều trị căn bệnh này.

I. Tổng quan chung về bệnh thoái hóa khớp gối

Thoái hóa khớp nói chung và thoái hóa khớp gối nói riêng hiện nay vẫn là gánh nặng của nhiều nước chứ không chỉ riêng Việt Nam. Thoái hóa khớp gối là tình trạng lão hóa theo thời gian, tuổi thọ càng cao thì bệnh càng phổ biến. Người ta ước tính khoảng 23% những người trên 40 tuổi và 100% những người trên 60 tuổi có vấn đề với thoái hóa khớp gối.

Trước giờ chúng ta thường có suy nghĩ đối với bệnh lý thoái hóa khớp gối rất đơn giản, bệnh nhân có khớp gối thoái hóa chỉ cần uống thuốc, hoặc bổ sung chất nhờn bằng những thực phẩm chức năng được quảng cáo trên thị trường sẽ giúp cải thiện bệnh… Tuy nhiên, điều trị thoái hóa khớp gối phức tạp hơn rất nhiều.

Thoái hóa khớp gối xảy ra khi sụn bị mòn đi. Các bạn có thể tưởng tượng gối là một khoang kín, không có ngõ thông ra ngoài. Khi tế bào sụn chết đi, bạch cầu ăn những mảnh sụn rời và đưa ra ngoài. Những người bị thoái hóa khớp gối lúc đầu thường bị đau, sau một thời gian sẽ sưng đầu gối. Một số trường hợp khác còn bị đau nhức khớp gối về đêm, nóng khi sờ vào.

II. Các nguyên nhân gây thoái hóa khớp gối

Bệnh nhân thoái hóa khớp gối thường là người lớn tuổi và nặng cân. Trọng lượng thân trên đè lên khớp và đau là tình trạng không tránh khỏi.

Thống kê cho thấy, hơn 90% bệnh nhân thoái hóa khớp gối có chân vòng kiềng (cong vào trong), gần 10% chân chữ X (vẹo ra ngoài). Khi bị thoái hóa, khe khớp bên trong hư nhiều hơn. Nguyên nhân là do, khi trục không thẳng, áp lực bên trong khe tăng lên, điều này khiến chân ngày càng cong và lúc này, quá trình thoái hóa khớp gối bắt đầu xảy ra.

Chân cong gây tăng áp lực khe khớp bên trong, giãn dây chằng phía bên ngoài, do đó sẽ thay đổi dáng đi và gây đau cho người bệnh. Vì vậy, ngoài mòn sụn là nguyên nhân gây thoái hóa khớp gối, còn phải xem trục cơ học của người bệnh có bị đau hay không.

Thoái hóa khớp gối là tổng hợp của nhiều yếu tố: trục cơ học, hư sụn khớp, viêm, tăng cân. Thậm chí teo cơ tứ đầu đùi (cơ mặt trước khớp gối) cũng gây đau khi thoái hóa khớp gối.

Có một số bệnh nhân phải băng chặt đầu gối mới đỡ đau. Nguyên nhân là do khi băng chặt đầu gối sẽ bù trừ cho sợi dây chằng bị giãn ra ngoài. Vì vậy nhiều bệnh nhân phải mang băng đầu gối.

Bên cạnh đó, có những bệnh nhân thoái hóa khớp gối không phải nguyên phát mà bệnh khởi phát sau khi bị đứt dây chằng.

Do đó, trước khi bước vào điều trị, bác sĩ phải đánh giá sức cơ tư đầu đùi còn bao nhiêu %, có bị teo hay không? Trục cơ học của bệnh nhân như thế nào? Trọng lượng bệnh nhân ra sao? Thói quen sinh hoạt của bệnh nhân. Cần đặc biệt chú ý đến những bệnh nhân ở quê thường có thói quen ngồi xổm, ngồi xếp bằng. Những tư thế ngồi này làm tăng áp lực lên đầu gối và gây ra hiện tượng đau. Hoặc những người khiêng vác quá nặng cũng ảnh hưởng đến khớp gối.

Các mức độ thoái hóa khớp gối.

III. Các phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối

1. Thay đổi lối sống, thói quen sinh hoạt và tập vật lý trị liệu

Bác sĩ điều trị cần sớm lên phương án tập vật lý trị liệu tăng sức cơ vùng gối. Khi cơ vùng gối vững sẽ bù trừ cho các dây chằng. Như vậy bệnh nhân không phải mang băng đầu gối nữa. Đeo băng đầu gối nhiều sẽ làm nhão cơ vùng tứ đầu đùi. Băng này chỉ mang trong giai đoạn cấp tính, sau đó nên loại bỏ và thay thế bằng chương trình luyện tập.

Những môn thể dục không phù hợp như yoga cũng gây đau đầu gối. Bệnh nhân cần điều chỉnh thói quen sinh hoạt, không ngồi xổm hay ngồi xếp bằng; thay đổi môn thể thao không phù hợp và đổi sang đi bộ, bơi, đạp xe đạp.

Không nên nghe truyền miệng, rỉ tai những câu chuyện ăn đậu bắp, ốc sên… giúp tăng chất nhờn cho khớp gối. Thật ra chất nhờn  trong đầu gối không hết, thậm chí còn dư. Cơ thể tiết dịch để làm trơn láng, nhưng dịch này không có tác dụng bởi không chứa các thành phần quan trọng của dịch nhầy khớp gối.

Nếu trọng lượng cơ thể quá lớn cần có biện pháp giảm cân.

Nếu sức cơ nhão, yếu, cần tập vật lý trị liệu.

Nếu trục cơ học của bệnh nhân vẹo nhiều phải mang đế giày để bù trừ. Nếu bệnh nhân còn trẻ nhưng chân vẹo nhiều phải nghĩ đến việc phẫu thuật chỉnh lại trục trước khi bị xảy ra thoái hóa khớp.

Đó là những biện pháp trước khi bước vào giai đoạn điều trị thuốc.

Một bệnh nhân tập vật lý trị liệu tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ.

2. Điều trị thoái hóa khớp gối: thuốc, huyết tương giàu tiểu cầu, tế bào gốc

Các loại thuốc dùng trong điều trị thoái hóa khớp gối gồm: thuốc kháng viêm, giảm đau, thuốc hỗ trợ sụn, thuốc chất nhờn bơm vào trong đầu gồi, huyết tương giàu tiểu cầu cũng có hiệu quả. Hiện nay có thêm phương pháp tiêm tế bào gốc.

Thuốc kháng viêm, giảm đau là không thể thiếu khi bệnh nhân bước vào điều trị. Về lâu dài có thêm những thuốc hỗ trợ sụn như Diacerein, dung dịch chất nhờn bơm vào đầu gối. Điều này giúp rút ngắn thời gian bệnh nhân uống thuốc.

Huyết tương giàu tiểu cầu được sử dụng khi bệnh nhân điều trị bằng thuốc không đỡ hoặc điều trị ngay cho bệnh nhân trong giai đoạn đầu nếu bệnh nhân có khả năng kinh tế hoặc chấp nhận phương án điều trị này. Phương pháp này được thực hiện bằng cách rút máu và quay ly tâm, lấy phần tinh chất của máu bơm vào đầu gối. Huyết tương này giàu tiểu cầu và có những chất tăng trưởng kích thích tế bào sụn còn lại hoạt động. Ở giai đoạn 4, khớp gối đã hư hết và trơ xương, bơm huyết tương giàu tiểu cầu không giải quyết được tình trạng bệnh.

Tế bào gốc được quảng cáo như thần dược, bơm vào sẽ biến thành tế bào sụn, do đó bệnh nhân sẽ có đầu gối mới trở lại. Thực ra phương pháp này không giải quyết được vấn đề ở giai đoạn nặng. Phương pháp này hiện vẫn đang được nghiên cứu ở Việt Nam và nước ngoài. Do đó, đừng nghĩ rằng tiêm tế bào gốc là phương án thần kỳ.

Bơm tế bào gốc cũng có chỉ định riêng biệt: bệnh nhân trẻ tuổi, bệnh ở giai đoạn sớm, trục không lệch có thể được xem xét. Nhiều trường hợp phải nội soi cắt lọc khoang cho chảy máu mới bơm tế bào gốc. Nhiều nghiên cứu cho biết, tế bào gốc phải bơm đến 6 lần trong vòng 2 năm mới kích thích lớp sụn mọc lại.

Do đó, điều trị thoái hóa khớp gối không hề đơn giản. Bệnh này làm cho bệnh nhân đau đớn và đi lại khó khăn, thậm chí tàn phế.

Thoái hóa khớp gối là quá trình lão hóa theo thời gian, do đó không thể điều trị triệt để mà chỉ có thể làm chậm quá trình hư hại sụn khớp và khớp gối để bệnh nhân “chung sống hòa bình” với nó.

BS Tăng Hà Nam Anh trong một ca phẫu thuật thay khớp gối.

3. Thay khớp gối - cứu cánh cuối cùng cho bệnh nhân thoái hóa khớp gối

Trong trường hợp hư khớp gối nặng sẽ được chỉ định mổ thay khớp gối. Thay khớp gối được xem là “cuộc cách mạng” của lĩnh vực Chấn thương Chỉnh hỉnh. Những người bị hư khớp gối nhiều, đi đứng không được, đau nhiều khi đi, uống thuốc không đỡ, thay khớp gối là cứu cánh cuối cùng để chỉnh lại trục cho bệnh nhân.

Tuổi thọ của khớp gối nhân tạo kéo dài từ 15-20 năm, thích hợp cho những người lớn tuổi. Trong một nghiên cứu của chúng tôi, có đến 93% bệnh nhân đi lại bình thường sau khi thay khớp gối, 7% còn lại có thể đau một chút do nhiễm trùng, nhưng đây là tỷ lệ chấp nhận được so với những quốc gia khác trên thế giới.

Thay khớp gối giúp bệnh nhân trở về hoạt động bình thường. Tuy nhiên bệnh nhân trẻ tuổi quá thì không nên thay mà bác sĩ sẽ tìm cách khác để cứu vãn khớp gối như ghép sụn, chuyển sụn hoặc bơm chất nhờn, huyết tương giàu tiểu cầu, điều trị chỉnh trục kết hợp thay đổi lối sống.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X