Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK2 Nguyễn Xuân Thắng: Hành trình tập vật lý trị liệu cho người bệnh đột quỵ

Vật lý trị liệu giúp người bệnh đột quỵ hồi phục chức năng. Tập vật lý trị liệu từ khi nào và như thế nào, BS.CK2 Nguyễn Xuân Thắng - trưởng khoa Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng, Bệnh viện Nhân dân 115 sẽ chia sẻ với bạn đọc AloBacsi về vấn đề này.

NỘI DUNG BUỔI TƯ VẤN

1. Xin hỏi BS, sau khi xảy ra cơn đột quỵ thì bệnh nhân nên bắt đầu tập vật lý trị liệu vào thời điểm nào ạ?

Đầu tiên, tập vật lý trị liệu là liệu trình bắt buộc cho bệnh nhân sau đột quỵ, tất cả bệnh nhân đều phải tập. Trong giai đoạn đột quỵ cấp và giai đoạn sau là giai đoạn di chứng thì tập vật lý trị liệu vẫn là phương pháp được chứng minh là có tác dụng.

Và cho đến hiện nay, tập vật lý trị liệu đã chứng minh thật sự có hiệu quả trong việc phục hồi chức năng cho người sau đột quỵ. Trong khi đó, những phương pháp khác cũng chưa chứng minh rõ ràng về tác dụng của nó trong việc này.

Vậy nên tập vào thời điểm nào là sớm nhất cũng là điều nhiều người quan tâm. Nhưng để chứng minh việc tập vật lý trị liệu sớm có hại hay có lợi hơn thì đến hiện tại, tất cả những nghiên cứu về tập sớm nhất cho bệnh nhân thì nên tập sau 24 tiếng thì có lợi hơn là tập trước 24 tiếng sau khi xảy ra đột quỵ.

Người ta nhận thấy nếu như tập trước 24h thì những đột quỵ như xuất huyết não thì có tăng nguy cơ tử vong, làm giảm mức độ phục hồi đặc biệt là phục hồi về những di chứng trong vận động. Đối với tổn thương đột quỵ do nhồi máu não, nếu tập trước 24h thì sẽ tăng mức độ khối máu não, không có lợi cho bệnh nhân.

Vì vậy, các bác sĩ thường khuyên rằng bệnh nhân nên tập sau 24h thì có hiệu quả tốt hơn. Tuy nhiên, tập ngay ở giai đoạn đầu của bệnh thì chúng tôi thường cho bệnh nhân tập trong các tư thế thụ động, chẳng hạn như tập các khớp, cơ một cách thụ động và kết hợp thêm các tư thế chủ động nhẹ nhàng tại chỗ. Thường sau 48 - 72 tiếng, bệnh nhân mới bắt đầu tập các bài tập chủ động.

2. Có thời gian vàng để tập vật lý trị liệu cho bệnh nhân đột quỵ không, thưa BS?

Hiện nay chỉ có khái niệm thời gian vàng trong cấp cứu đột quỵ, còn về vật lý trị liệu không có khái niệm về giờ vàng. Nhưng bác sĩ cũng khuyến cáo nên tập sau 24h, tập đúng cách từ 3 - 6 tháng.

Theo nhiều nghiên cứu, bệnh nhân sau khi xảy ra đột quỵ, dẫn đến tổn thương các tế bào não thì có hiện tượng là não tự cấu trúc lại và những tế bào thần kinh chưa được sử dụng, đang ở trạng thái chờ thì sẽ được kích hoạt. Việc tập luyện tích cực trong khoảng thời gian 3 - 6 tháng thì sẽ kích hoạt được việc này, bù trừ cho những vùng não bị tổn thương. Do đó, tập luyện trong 3 - 6 tháng đầu tiên là tốt nhất.

3. Nếu ở giai đoạn trễ, sau 3 - 6 tháng, bệnh nhân có nên tiếp tục tập nữa không, lúc này vật lý trị liệu có vai trò gì ạ?

Đối với bệnh nhân mới bắt đầu điều trị vật lý trị liệu từ 6 tháng trở lên được xem là giai đoạn trễ. Nhưng nếu như bệnh nhân ngưng không tập nữa thì các chức năng sẽ đi xuống. Nếu tiếp tục tập thì giai đoạn sau này, mức độ phục hồi sẽ chậm lại so với ban đầu nhưng chúng ta vẫn nên tập vì ngoài việc tập để phục hồi vận động nhằm duy trì những chi đã phục hồi được thì vẫn có những tác dụng khác trong việc phòng bệnh. Chẳng hạn tập luyện sẽ giảm các yếu tố nguy cơ có thể gây ra các cơn đột quỵ tiếp theo, như bệnh nhân tiểu đường khi tập luyện cũng sẽ có lợi trong việc điều hòa đường huyết,...

Có những trường hợp đặc biệt như bệnh nhân lớn tuổi hoặc người phải nằm liệt giường, nếu nằm 1 chỗ trong thời gian ngắn sẽ bị cứng khớp, cứng cơ. Trong quá trình công tác, chúng tôi cũng đã gặp một vài trường hợp bệnh nhân bị cứng cổ và không xoay được nữa, lưng không chuyển động được. Ngoài ra, bệnh nhân còn bị loét do nằm lâu, không tập luyện hay suy dinh dưỡng, teo cơ,...

Như vậy, nếu bệnh nhân ở giai đoạn trễ và không tập luyện sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe cũng như rất nhiều chức năng khác.

4. Tập vật lý trị liệu cho bệnh nhân đột quỵ gồm những bài tập gì, và sẽ giúp bệnh nhân hồi phục được những chức năng nào ạ?

Sau đột quỵ thì có rất nhiều những khiếm khuyết, tổn thương mà bệnh nhân phải gánh chịu.

Tổn thương hay gặp nhất là mất chức năng vận động, khiến bệnh nhân bị liệt, các động tác không thực hiện được. Ngoài ra những tổn thương khác có thể gặp như tổn thương về ngôn ngữ, nuốt, rối loạn về tâm lý,...

Người ta vẫn quan tâm nhiều về phục hồi chức năng vận động. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, chúng tôi quan tâm nhiều hơn về tổn thương ngôn ngữ. Ngoài ra, những bệnh nhân ở giai đoạn cấp thì chúng tôi cũng quan tâm đến phục hồi cho bệnh nhân chức năng nuốt.

Riêng về tập luyện cho các tổn thương về vận động thì có rất nhiều những phương pháp, trong đó những phương pháp cơ bản được sử dụng hầu hết như phương pháp Bobath - là một trong những phương pháp toàn diện nhất từ lúc bệnh nhân bị cấp cho đến những giai đoạn sau, quan tâm từ tư thế bệnh nhân lúc nằm hay ngồi như thế nào cho phù hợp để không gây tổn thương thêm cho bệnh nhân. Chẳng hạn như tư thế nào bảo vệ khi nằm sẽ tốt nhất, tư thế nào khi ngồi sẽ tốt thì phương pháp này sẽ rất tốt cho bệnh nhân.

Sau đó là các vận động. Vận động thụ động sẽ quan tâm từ những vị trí nhỏ nhất chẳng hạn khớp ngón tay, khuỷu tay, cổ tay, vai cho đến những khớp lớn như khớp háng đều sẽ được nhân viên vật lý trị liệu tập cho bệnh nhân.

Sau đó, bệnh nhân nếu chủ động được sẽ được phân ra bài tập chủ động có trợ giúp, chủ động tăng tiến có kháng lực. Ở mỗi giai đoạn sẽ có quá trình tập luyện cho từng bệnh nhân, đó là phương pháp Bobath và PNF, trong đó PNF chủ yếu quan tâm về tập vận động chủ động.

Ngoài ra còn phương pháp tập với gương, đây là cách phối hợp trong quá trình tập luyện cho bệnh nhân, đặc biệt sử dụng cho trường hợp tổn thương chi trên (tay). Đây là cách làm cho bệnh nhân có cảm nhận vận động về chi bị liệt qua hình ảnh của gương, hìn vào gương thấy được tay bị liệt được vận động.

Một lý thuyết cho rằng, khi người ta chỉ cần nghĩ đến vận động, tập luyện là đã có lợi. Vì vậy, đối với tập trước gương sẽ giúp bệnh nhân nghĩ về vận động, nhìn thấy vận động, tạo ra tác dụng về phục hồi vận động tốt trong trường hợp này và luôn được các bác sĩ khuyến khích tập cho bệnh nhân sau đột quỵ đối với chi trên.

5. Hiệu quả của tập vật lý trị liệu cho bệnh nhân đột quỵ phụ thuộc vào những yếu tố nào ạ?

Đối với đột quỵ ở giai đoạn cấp, chúng ta đã làm được rất nhiều việc và bệnh nhân tuân thủ điều trị ở giai đoạn cấp rất tốt. Nhưng đến giai đoạn di chứng, giai đoạn bắt đầu phải hồi phục thì gặp rất nhiều khó khăn trong việc phục hồi chức năng.

Khó khăn này có thể xuất phát từ nhiều khía cạnh khác nhau như về mặt nhân sự, có rất nhiều bệnh viện muốn triển khai khoa Phục hồi chức năng nhưng không tuyển được nhân sự, vì vậy nhiều bệnh viện không có khoa này, đặc biệt là những bệnh viện ở tỉnh.

Còn về phía thân nhân, việc tập luyện phục hồi chức năng cần sự hỗ trợ rất nhiều từ người thân của bệnh nhân như vợ chồng, con cháu, bạn bè,...Tuy nhiên, sự hỗ trợ này có thể được thực hiện rất tốt trong những giai đoạn đầu nhưng ở giai đoạn sau thường bị xao nhãng, việc tập luyện sẽ không còn được như ý muốn.

Một trong những yếu tố quan trọng khác là từ phía bệnh nhân. Bản thân bệnh nhân sau khi trải qua cơn đột quỵ thì tâm lý của bệnh nhân đi xuống khá nhiều, nếu như không động viên, khuyến khích tốt, không giải thích cặn kẽ về vai trò của tập luyện cho bệnh nhân hiểu sẽ dễ dẫn đến tâm lý phó mặc, chỉ trông chờ vào điều gì đó (ngoài việc phải tập luyện) như một phương pháp hay thuốc nào đó có thể giúp họ phục hồi được, dẫn đến việc không tuân thủ yêu cầu của bác sĩ, rằng phải tập vật lý trị liệu mới có lợi cho trường hợp bệnh nhân sau đột quỵ bị liệt vận động.

6. Ngoài việc tập vật lý trị liệu thì còn những phương pháp nào hỗ trợ cho bệnh nhân đột quỵ phục hồi chức năng nữa ạ?

Những phương pháp hỗ trợ khác trong phục hồi chức năng, đặc biệt là chức năng vận động của bệnh nhân sau đột quỵ thì nhiều người thường nghĩ đến châm cứu. Từ xưa đến nay, có lẽ tất cả bệnh nhân bị liệt sau đột quỵ đều đi châm cứu, mặc dù đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có những bằng chứng rõ ràng để xác định châm cứu có tác dụng hay không. Các nhà nghiên cứu không phản đối châm cứu nhưng cũng chưa phát hiện được tác dụng của chúng đối với việc hồi phục chức năng của bệnh nhân sau đột quỵ.

Tại Bệnh viện Nhân dân 115 áp dụng phương pháp châm cứu theo từng nhóm cơ ưu thế, tức những nhóm cơ nào chi phối từng vận động nhưng có xu thế khó hồi phục thì chúng tôi sẽ châm cứu nhằm kích thích điện ở vùng nhóm cơ đó để có hiệu quả cao hơn phương pháp châm cứu kinh điển.

Ngoài ra, có những phương pháp khác được người dân tin tưởng, truyền miệng như uống các loại thuốc nào đó, như thuốc được nhập từ Hàn, Trung Quốc như An Cung Ngưu Hoàng Hoàn. Theo quan điểm cá nhân của tôi, An Cung Ngưu Hoàng Hoàn sẽ có lợi cho trường hợp sau khi bị đột quỵ do nhồi máu não trong giai đoạn cấp cũng sẽ có những lợi ích nhất định cho bệnh nhân. Nhưng ở những giai đoạn sau thì tác dụng không còn nhiều, thậm chí không có tác dụng đối với bệnh nhân. Ngoài ra nếu không biệt rõ đây là nhồi máu não hay xuất huyết não thì khi dùng cho trường hợp bị xuất huyết não thì có thể làm tăng tình trạng chảy máu, không có lợi cho người bệnh.

Hơn nữa, nếu như theo quan niệm của Y học cổ truyền thì trong thành phần của viên thuốc này có tính hàn, đôi khi có tính độc, vì vậy, cách dùng phải tuân thủ theo chỉ định sử dụng thuốc chứ bệnh nhân không nên tự dùng.

Ngoài ra, những phương pháp khác trong hỗ trợ điều trị di chứng của đột quỵ, riêng tập vật lý trị liệu đã có rất nhiều hỗ trợ như dùng điện kích thích, dùng oxy cao áp,... nhằm phục hồi chức năng cho bệnh nhân đột quỵ.

Trên thực tế chúng tôi vẫn ưu tiên số 1 cho bệnh nhân phải tập vận động, ngoài ra tất cả các phương pháp khác chỉ mang tính chất tham khảo. Nếu như có thể thì mới tập các phương pháp khác để phối hợp thêm.

7. Tập vật lý trị liệu có thể tự tập tại nhà không ạ?

Việc tập luyện phải nên tập ở tất cả nơi nào có thể tập được, không bắt buộc phải được tập ở các trung tâm phục hồi chức năng. Chúng tôi luôn khuyến khích bệnh nhân nên tập tại nhà hoặc cộng đồng vì đây chính là mục tiêu của việc phục hồi chức năng, trả bệnh nhân về với gia đình, cộng đồng.

Chúng tôi thường phổ biến cho bệnh nhân những cách tập liên quan đến sinh hoạt trong gia đình. Chẳng hạn hướng dẫn cho bệnh nhân cầm 1 cái ly, 1 chai nước, dùng đôi đũa để luyện tập đôi tay, những bài tập mang tính chất sinh hoạt trong gia đình hằng ngày. Chúng tôi rất quan tâm đến việc tập tại nhà cũng như áp dụng những hoạt động sinh hoạt hằng ngày để làm thành bài tập nếu như chúng không gây nguy hiểm cho bệnh nhân như té ngã, điện giật, nước sôi, dao kéo,...

Chẳng hạn muốn tập vận động cổ tay, bệnh nhân có thể ngồi lên xe máy và tập vận động như chúng ta đang lái xe máy. Đó là những việc mang tính chất dần giúp bệnh nhân trở về cuộc sống thường ngày. Hoặc trước đây bệnh nhân làm nghề văn phòng thì có thể lấy bàn phím ra tập.

Ngoài ra các bác sĩ còn có một số cách tập mang tính chất ép buộc như khuyên người nhà bệnh nhân không nên trợ giúp ngay khi bệnh nhân cần, chẳng hạn bệnh nhân cần mặc một cái áo thì nên để cho bệnh nhân tự làm, nếu bệnh nhân không thể thực hiện được thì mới trợ giúp.

Đây còn là bài tập giúp bệnh nhân phản xạ là khi bệnh nhân có một hành động gì không làm được thì sẽ sử dụng tay lành còn lại để hỗ trợ, vì vậy bệnh nhân cần cột tay lành lại và thực hiện tay còn yếu để thực hiện các động tác không có sự trợ giúp của tay lành nữa. Mục tiêu cuối cùng của việc tập là bệnh nhân phải chủ động, dần dần không cần người khác trợ giúp.

8. Tóm lại, theo BS, vật lý trị liệu cho người đột quỵ cần: “sớm, đúng, đủ” là như thế nào ạ?

Theo tôi, về tập phục hồi chức năng cho bệnh nhân sớm thì nên tập sau 24 giờ, bệnh nhân không nên vội vàng để tập sớm sẽ làm tăng nguy cơ tai biến lần nữa.

Về như thế nào là đúng, thì tập vật lý trị liệu cho bệnh nhân phải phân ra từng giai đoạn, từng mức độ bệnh để bệnh nhân có các bài tập khác nhau. Chẳng hạn trong giai đoạn đầu, bệnh nhân duỗi được chân nhưng không co chân được thì họ phải tập chủ động là duỗi chân, kết hợp tập thụ động là co chân. Nhưng giai đoạn sau thì bệnh nhân có thể tập duỗi và co chủ động được rồi thì chuyển sang tập chủ động tập cả co và duỗi có thêm kháng lực.

Nếu nói thật sự tập đúng sẽ tùy từng giai đoạn, mức độ mà sẽ có các bài tập phù hợp và có sự hỗ trợ từ các chuyên viên, vì các bài tập không thể áp dụng chung cho tất cả các trường hợp bệnh.

Về thế nào là đủ, người ta khuyên bệnh nhân nên tập 3 giờ mỗi ngày. Thời lượng tập này không thể nào đáp ứng cho tất cả bệnh nhân nhưng bác sĩ có lời khuyên bệnh nhân nên tập tối đa 3 giờ một ngày thì việc cải thiện tình trạng bệnh có thể đạt mức tối đa. Đối với những bệnh nhân trẻ, có sức thì có thể tập 3 giờ một ngày và nên chia nhỏ thời gian tập ra, mỗi lần tập chỉ nên trong thời lượng 30 phút thì hiệu quả sẽ tối đa. Tôi khuyên mọi người nên tập thời gian tối đa như vậy thì sẽ đạt được hiệu quả tốt nhất.

Thực hiện: Hồng Nhung - Minh Khuê

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X