Nếu COVID-19 là bệnh thiên về mạch máu và tuần hoàn, làm sao ngăn ngừa đột quỵ?
Một số nghiên cứu mới đây cho rằng COVID-19 là bệnh thiên về mạch máu, tuần hoàn hơn là bệnh phổi, hô hấp. Hình thành cục máu đông hậu COVID-19 là mối nguy tiềm ẩn gây ra đột quỵ. Làm sao để phòng ngừa tình trạng này?
GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam - Nguyên GĐ Trung tâm đột quỵ Bệnh viện 108, đã giải đáp trong bài viết dưới đây.
1. Có phải COVID-19 không phải là bệnh về đường hô hấp mà là bệnh về mạch máu, tuần hoàn?
Có tin tức cho thấy bệnh COVID-19 không phải là bệnh về đường hô hấp mà là bệnh về mạch máu. Thông tin này chúng ta nên hiểu sau cho đúng ạ, thưa BS?
GS.TS Nguyễn Văn Thông trả lời: Nhiều nghiên cứu khoa học trên thế giới cho thấy, bệnh COVID-19 là một bệnh truyền nhiễm type A, bởi nó tương tự như bệnh bại liệt hay bệnh do virus cúm H5N1 - những bệnh rất nguy hiểm gây viêm đường hô hấp cấp và phát tán ra ngoài theo đường hô hấp trên.
Bên cạnh đó, thực tế lâm sàng cho thấy, COVID-19 còn gây tổn thương vào toàn bộ hệ mạch máu trong cơ thể: gây viêm mạch, tổn thương lớp nội mạc mạch, huyết khối vi mạch và tình trạng tăng đông.
Ngoài ra, bệnh còn gây ra cơn bão Cytokine (do phản ứng quyết liệt của cơ thể đối với hệ miễn dịch) hoặc gây thiếu oxy toàn bộ hệ thống mạch máu trong cơ thể. Có thể thấy, ngoài những biểu hiện trên đường hô hấp thì COVID-19 còn gây tổn thương đến hệ thống mạch máu rất nhiều.
2. Tổn thương mạch máu nào là nguy hiểm nhất?
Như BS đã chia sẻ, COVID-19 gây tổn thương đến toàn bộ hệ thống mạch máu trong cơ thể chúng ta. Vậy đối với các chuyên gia, việc tổn thương mạch máu nào là nguy hiểm nhất ạ?
GS.TS Nguyễn Văn Thông trả lời: Thật ra, các tổn thương hệ mạch máu chủ yếu xảy ra ở các vi mạch.
Chẳng hạn, đối với não, hệ thống mao mạch ở não rất phong phú nên có những tình trạng tổn thương não gây hôn mê, suy giảm ý thức và những tổn thương chung.
Hoặc đối với tim, bệnh nhân có thể bị tổn thương viêm cơ tim do hệ mạch vành xung quanh cơ tim cũng rất nhiều vi mạch dễ bị tổn thương.
Đối với phổi, các mao mạch phổi tổn thương sẽ gây tắc nghẽn động mạch phổi.
Ngoài ra, thận cũng có thể bị tổn thương nên nhiều bệnh nhân COVID-19 cũng gặp tình trạng suy thận.
Một số trường hợp bệnh nhân có thể bị tắc mạch chi.
Như vậy, những nơi nào có vi mạch trong cơ thể thì nơi đó có thể bị tổn thương, nhiều nhất ở não, tim, phổi và thận.
3. Những ai cần tầm soát cục máu đông hậu COVID-19?
Thưa BS, vậy có phải ai khi hậu COVID-19 cũng cần phải đi tầm soát cục máu đông dẫn đến nguy cơ đột quỵ hay không hay chỉ những người cao tuổi mới phải quan tâm đến vấn đề này?
GS.TS Nguyễn Văn Thông trả lời: Trong thực tế lâm sàng điều trị COVID-19, cũng như các nghiên cứu trên thế giới cho thấy, COVID-19 là một tổn thương cấp tính gây ảnh hưởng đến các cơ quan quan trọng trong cơ thể như: suy hô hấp, suy tuần hoàn, tổn thương não,… Trong đó, tình trạng chủ yếu là tăng đông do hệ mạch máu vi mạch trong cơ thể bị tắc nghẽn.
Thông thường, đột quỵ sẽ xảy ra trong 10-15 ngày sau khi khỏi COVID-19. Trong giai đoạn cấp, các triệu chứng liên quan đến đường hô hấp thường trội hơn nhưng về sau những tổn thương về vi mạch sẽ còn kéo dài, đây cũng chính là lý do khiến triệu chứng của đột quỵ “trồi lên” ở giai đoạn hậu COVID-19.
Chính vì vậy, các F0 không nên chủ quan mà cần phải tầm soát bởi COVID-19 có thể gây tổn thương mạch máu lớp nội mạc, vi mạch và tình trạng tăng đông,… tất cả đều là những yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ.
Đặc biệt, người trung niên hoặc cao tuổi, những người mắc một số bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, búi xơ động mạch, một số bệnh tim mạch… đều nên đi tầm soát lại.
Ngoài người trung niên, người cao tuổi và những người mắc bệnh lý nền thì đối với những người trẻ tuổi, thanh niên thì có cần đi tầm soát và có cần lo ngại đến vấn đề này không ạ?
GS.TS Nguyễn Văn Thông trả lời: Hiện nay vẫn chưa có đủ những nghiên cứu thống kê báo cáo về sự ảnh hưởng của COVID-19 đến trẻ em và thanh niên. Tuy nhiên, nếu có điều kiện, những đối tượng này vẫn nên tầm soát.
4. Nguy cơ hình thành cục máu đông hậu COVID-19 ở người bị suy giãn tĩnh mạch có cao không?
Đối với những người bị suy giãn tĩnh mạch chi cũng rất lo ngại về vấn đề cục máu đông sau khi mắc COVID-19. BS có thể đưa ra lời khuyên cho quý bạn đọc được biết không ạ?
GS.TS Nguyễn Văn Thông trả lời: COVID-19 là bệnh tổn thương nhiều đến hệ thống mạch máu (cả động mạch và tĩnh mạch).
Thông thường, các chi sẽ có tĩnh mạch nông và tĩnh mạch sâu. Theo đó, tĩnh mạch sâu sẽ có van giúp đẩy máu đi lên, không bị lui xuống được. Do đó, những người bị suy giãn tĩnh mạch thì lưu thông máu sẽ kém đi khiến máu bị chảy ngược lại, dễ dàng dẫn đến tình trạng máu tăng đông.
Theo đó, với người sau khi khỏi COVID-19, việc thiếu oxy của toàn bộ cơ thể dễ khiến cho tình trạng tăng đông trội lên, không chỉ ở động mạch mà còn ở cả tĩnh mạch, dẫn đến tình trạng huyết khối tĩnh mạch sâu chủ yếu ở các chi. Do đó, những người bị giãn tĩnh mạch thì tỷ lệ hình thành cục máu đông cũng tăng lên. Theo đó, họ có thể xuất hiện các biểu hiện như: đau cứng cơ, tím bầm, mất mạch chi,… thậm chí có thể hoại tử phải cắt cụt chi.
Tuy nhiên, giãn tĩnh mạch chi không phải là khi da trắng mỏng quá rồi mạch hiện lên rõ mà phải có những búi ngoằn ngoèo, tĩnh mạch phải giãn ra và nổi lên.
5. Nguy cơ hình thành cục máu đông ở người mắc bệnh lý huyết học như thế nào?
Vậy thưa BS, những người đã mắc các bệnh lý huyết học, tức đã có bệnh về máu, khi họ đã mắc COVID-19 rồi thì nguy cơ về cục máu đông như thế nào ạ?
GS.TS Nguyễn Văn Thông trả lời: Một số bệnh nhân mắc bệnh huyết học, chẳng hạn như tăng đông trong máu, máu chảy,… bình thường đã có yếu tố nguy cơ đột quỵ.Do đó, khi mắc COVID-19, các tình trạng như tăng đông, tổn thương vi mạch, tổn thương viêm nội mạc của họ lại càng tăng cao.
Do đó, những người có bệnh về mạch máu thì biểu hiện tắc mạch sẽ tăng lên và nguy cơ đột quỵ cũng sẽ tăng lên.
6. Làm sao phòng ngừa hình thành cục máu đông hậu COVID-19?
Chúng ta vẫn hay nói với nhau là “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Vậy khi đã đã biết rằng mình sẽ có nguy cơ thì những người mắc COVID-19 cần có những biện pháp như thế nào để phòng ngừa hình thành cục máu đông hậu COVID-19 ạ?
GS.TS Nguyễn Văn Thông trả lời: Khi đã mắc COVID-19, cơ thể sẽ bị suy kiệt, hệ thống miễn dịch giảm và tình trạng mạch máu bị tổn thương nhiều. Rõ ràng, những người trung niên và cao tuổi, hệ mạch đã xơ cứng nên yếu tố nguy cơ hình thành cục máu đông cũng tăng lên. Ngoài ra, còn có những yếu tố nguy cơ khác như tuổi tác, bệnh lý đái tháo đường, tăng huyết áp, búi xơ động mạch…
Chính vì vậy, những đối tượng này nếu đã mắc COVID-19 thì nên có những biện pháp phòng ngừa tốt:
- Duy trì huyết áp ổn định: nếu huyết áp tăng cao có thể làm tắc mạch.
- Đái tháo đường cũng làm tăng đông, tổn thương mạch nên cần duy trì chế độ ăn phù hợp cho người bị đái tháo đường.
- Người có búi xơ động mạch sẽ làm mạch xơ cứng tạo thành các mảng bám làm hẹp lòng động mạch.
Tốt nhất, những đối tượng này nên đến cơ sở y tế để tầm soát kỹ. Ngoài ra, trong chế độ dinh dưỡng cũng có nhiều yếu tố làm tăng búi xơ động mạch, tăng huyết áp. Chẳng hạn, nếu chúng ta ăn quá mặn hoặc ăn nhiều mỡ, nội tạng động sẽ dẫn đến tăng huyết áp. Hoặc với những người bị đái tháo đường, nếu ăn nhiều đường, tinh bột thì đường huyết sẽ tăng lên.
Bên cạnh đó, trong một số tổn thương đến thận và tim, chúng ta phải có chế độ sinh hoạt, làm việc, thư giãn và nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng, tránh ngồi làm việc trong một tư thế lâu dài, gò bó quá mức. Song, chúng ta cũng nên tập luyện để tiêu bớt năng lượng, các gốc tự do, giúp cơ khớp hoạt động tốt hơn.
Cuối cùng, nên loại bỏ những thói quen xấu như hút thuốc lá, uống rượu bia, đồ uống ngọt có gas,… Đồng thời, bổ sung nhiều rau xanh, hoa quả bởi ngoài bổ sung năng lượng cần thiết, chúng còn chứa nhiều vitamin, chất xơ giúp đào thải cholesterol.
Đó là những việc mà chúng ta có thể dự phòng được để tránh nguy cơ đột quỵ.
Anh Thi (ghi)
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình