Hotline 24/7
08983-08983

Sau khi khỏi bệnh COVID-19 có nguy cơ bị bão cytokine nữa không?

Những ngày này cộng đồng quan tâm đến bão cytokine - sát thủ của bệnh nhân COVID-19, nguyên nhân chính khiến Phi Nhung qua đời. AloBacsi - Hỏi đáp mùa dịch cũng nhận được thắc mắc về vấn đề này.

1. Bệnh COVID-19 đến ngày thứ mấy có bão cytokine, khỏi bệnh có bị bão nữa không?

Bạn đọc hỏi hotline 08983 08983: Cho tôi hỏi bão cytokine xuất hiện vào ngày nào trong quá trình bị bệnh COVID-19? Tôi đã điều trị khỏi, xuất viện rồi có nguy cơ bị bão cytokine nữa không?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Với bệnh COVID-19, bão cytokine có thể nổi lên sau khi bệnh từ 3-10 ngày. Khi bệnh đã đến ngày 14 thì 99,9999 % không có bão nữa. Giống như khi bão đã đổ bộ vào đất liền thì không còn bão nữa mà chỉ có thể mưa thôi. Như vậy, bạn khỏi bệnh và xuất viện thì yên tâm không có bão nữa nhé.

Mời bạn đọc thêm: Chích ngừa COVID-19 có thúc đẩy cơn bão cytokine nặng hơn hay không?

2. Sau khi tiêm ngừa COVID-19 bị hành sốt và ngứa họng, có phải là tác dụng phụ của vắc xin?

Nguyen Thanh Phuoc: Alo bác sĩ! cho em hỏi trc khi tiêm vaccine em không có triệu chứng gì nhưng sau khi tiêm về bị hành sốt 2 ngày và sau đó bị ngứa họng ho, đây có phải tác dụng phụ của vaccine không ạ? lâu lâu bị ngứa họng và ho chứ không phải thường xuyên.

Tổ tư vấn AloBacsi: Chào bạn,

Sau chích ngừa sẽ bị hành thế nào? Theo BS Trương Hữu Khanh có 4 kiểu "hành":

- Kiểu 1: Khỏe re, không thấy gì đặc biệt, đau chút chút nơi chích, cũng có người không bị hành là chuyện thường.

- Kiểu 2: Thường gặp nhất, rêm mình, gai gai sốt, cảm thấy oải quá, sốt nhẹ, đêm đầu sẽ khó ngủ chút, đau đầu chút chút, 24-36-48 tiếng hết, đa số nhóm này đi làm bình thường.

- Kiểu 3: sốt cao, mệt mỏi quá, sốt run cầm cập, đau nhức mình quá, uống thuốc giảm đau hạ sốt mà nó cũng giảm chậm quá. Cũng ráng gồng mình chịu đựng, cũng 24-36-48 tiếng hết, hiếm ai 72 tiếng mới hết.

- Kiểu 4: đau bụng, tiêu chảy, ói nhiều, tầng suất ra vào nhà vệ sinh tăng lên đột ngột, ăn uống không được... Trường hợp này ráng ăn từng chút một cũng sẽ ổn sau 24-48 giờ. Mệt quá thì vào bệnh viện truyền nước biển.

Như vậy ngứa họng và ho không phải tác dụng phụ của vắc xin. Tình trạng ngứa họng và ho của bạn nếu có biểu hiện nhẹ thì chưa cần uống thuốc nhé. Bạn có thể khò họng bằng nước muối sinh lý giúp tình trạng mau cải thiện: Súc họng, súc miệng sao cho đúng cách, nên làm bao nhiêu lần một ngày?

3. F0 khỏi bệnh, chưa chích ngừa trong vòng 6 tháng lỡ bị bệnh COVID-19 lần nữa thì sao?

Mai Tran Ngoc: Hi.. hi.. AloBacsi! Người bị F0 nhẹ khỏi bệnh, chưa chích vắc xin trong vòng 6 tháng đó lỡ xui bị nhiễm COVID-19 lần 2 thì có khó điều trị hơn lần 1 không vậy?

Tổ tư vấn AloBacsi: Chào bạn,

Trường hợp bạn hỏi rất hiếm khi xảy ra, mà nếu bạn có tái nhiễm chăng nữa thì việc điều trị cũng sẽ "khỏe re" vì cơ thể bạn đã có kháng thể "xịn sò" từ việc khỏi bệnh rồi. Vì vậy bạn đừng lo lắng về việc này nhé.

4. Chích mũi 2 Vero Cell sớm vài ngày so với 3 tuần có được không?

DuyCuong Le: Các anh chị cho mình hỏi, mẹ mình chích mũi 1 Vero Cell ngày 12/9. Theo đúng ngày thì 4/10 mới đủ 3 tuần mà hôm nay 30/9 đã nhận được tin nhắn đi chích. Vậy thì có sao không? Xin cám ơn!

Tổ tư vấn AloBacsi: Khoảng thời gian giữa 2 mũi tiêm vắc xin để cơ thể có thời gian tạo miễn dịch tốt nhất. Nếu tiêm sớm hay muộn hơn vài ngày so với ước định vẫn được nhe!

5. Đồng nghiệp test nhanh âm tính, sau đó 2 ngày dương tính thì mình có bị lây không?

Lương Bích Ngọc: Chào bác sĩ. bác sĩ cho em hỏi trường hợp của vợ chồng em:

Chồng em và bạn anh ấy (A) đi làm công ty vận tải.

  • Ngày 27/9, 8h sáng 2 người test nhanh âm tính để cấp giấy đi đường, đến 12h trưa vợ của anh A bị sốt, ho nên anh xin nghỉ về nhà chăm vợ và anh A ở nhà 2 ngày không tiếp xúc với nhân viên công ty nữa.
  • Ngày 29/9, chiều 17h anh A báo anh test nhanh dương tính và hiện cách ly tại nhà.
  • Trước đó ngày 25/9, khu nhà anh A có test nhanh khu vực và vợ anh A âm tính.

Vậy trong trường hợp này thì sáng ngày 27/9 từ 8h đến 12h trưa, anh A có khả năng lây nhiễm không ạ? Anh A có tiêm ngừa vaccine COVID mũi 1, chồng em tiêm ngừa đủ 2 mũi Vero Cell ngày 12/9.

Mong bác sĩ giải đáp giúp em, em cảm ơn bác nhiều ạ.

Tổ tư vấn AloBacsi: Chào bạn,

Test nhanh COVID-19 là xét nghiệm tầm soát, chưa phải là xét nghiệm khẳng định. Trong xét nghiệm, âm tính giả là tình trạng có mầm bệnh nhưng kết quả xét nghiệm không phát hiện (Lý do có thể kỹ thuật lấy không đúng, chất lượng dụng cụ,...) nếu có triệu chứng và nguy cơ lây bệnh qua tiếp xúc (yếu tố dịch tễ) thì nên làm xét nghiệm PCR.

Vì vậy, không thể biết chính xác ngày 27/9 anh A có khả năng lây nhiễm hay không. Trường hợp của chồng bạn có tiếp xúc anh A buổi sáng 27/9 và có kết quả âm tính cũng không được chủ quan, cần phải theo dõi thêm những triệu chứng khác, đặc biệt vẫn thực hiện 5K để bảo đảm an toàn.

6. Bà bầu mang thai 4 tháng bị viêm họng cấp, uống kháng sinh được không?

Bùi Thế Anh: Bác sĩ ơi, vợ em đang mang thai 4 tháng. Hiện tại vợ em bị viêm xoang và viêm họng cấp, đi khám bác sĩ kê đơn Taromentin 625mg và Acetylcystein 200mg thì có sử dụng được không ạ?

BS.CK1 Nguyễn Hồng Dũng: Khi đi khám bệnh, bạn phải báo cho bác sĩ điều tri biết đang có thai, và hỏi ngay bác sĩ kê toa về việc dùng thuốc nhe. 2 thuốc trên có thể dùng cho thai kỳ, nhưng thận trọng, cần có theo dõi của bác sĩ điều trị nhe.

7. U mỡ có thể điều trị tại nhà được không?

Luyen Buihongluyen hỏi AloBacsi:

- Em lên cái u mỡ này ở cổ thì trị bằng cách nào vậy bác sĩ?

- Bạn đã đến bệnh viện nào để khám u này rồi?

- Chưa ạ, em muốn hỏi là có cách nào để chữa trị tại nhà không ạ?

- Bạn cần đến bác sĩ khám trực tiếp, nếu cần sẽ siêu âm để xác định đây là loại u/bướu gì. Nếu là lành tính thì cứ để vậy cũng được. Trường hợp u lành nhưng bạn vẫn muốn loại bỏ nó thì có thể làm tiểu phẫu tại bệnh viện. Ở nhà không nên làm gì đâu nhé.

Hồng Nhung

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X