Hotline 24/7
08983-08983

Súc họng, súc miệng sao cho đúng cách, nên làm bao nhiêu lần một ngày?

Vũng mũi, họng, miệng có "vũ khí" gì giúp đầy lùi virus SARS-CoV-2? Súc họng, súc miệng sao cho đúng? Nên thực hiện bao nhiêu lần một ngày?... Tất cả những thắc mắc này đã được TS.BS Nguyễn Nam Hà - BCH Liên chi hội Tai Mũi Họng Nhi TPHCM giải đáp trong chủ đề "Vệ sinh mũi, họng miệng phòng chống COVID-19".

1. Vùng mũi, họng, miệng có "vũ khí" gì để đẩy lùi virus SARS-CoV-2?

Vùng mũi, họng, miệng được xem là lá chắn sau cùng trước khi virus SARS-CoV-2 cũng như các tác nhân gây bệnh khác xâm nhập xuống đường hô hấp dưới. Xin BS cho biết ngay tại khu vực này (mũi, họng, miệng), cơ thể có những “vũ khí” gì giúp đẩy lùi virus?

TS.BS Nguyễn Nam Hà trả lời: Tôi xin tóm lược chức năng của từng vùng mũi, miệng và họng như sau:

Mũi và miệng được xem là cửa ngõ của đường thở và đường ăn. Trong đó mũi là cửa ngõ cho sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh vào đường hô hấp.

Do vậy nếu nói chính xác thì họng có thể được xem là “lá chắn sau cùng” trước khi virus SARS-CoV-2 cũng như các tác nhân gây bệnh khác xâm nhập xuống đường hô hấp dưới. Họng bao gồm họng mũi nằm sau mũi, họng miệng nằm sau miệng và họng thanh quản nằm sau thanh quản. Trong đó họng miệng là lá chắn rất quan trọng.

Họng miệng có 2 cấu trúc miễn dịch quan trọng là a-mi-đan khẩu cái và a-mi-đan đáy lưỡi, có khối lượng lớn, chứa phần lớn các tế bào và các chất miễn dịch bảo vệ vùng họng. 2 a-mi-đan này cũng hoạt động xuyên suốt cuộc đời con người, trong khi 2 a-mi-đan ở họng mũi là a-mi-đan vòm họng và vòi nhĩ giảm dần hoạt động khi trẻ em qua khỏi tuổi thiếu niên.

Hơn nữa, ngay trong các nghiên cứu về virus SARS-CoV-2 ở người bệnh, các nhà khoa học Hoa Kỳ và Israel đã cho biết số lượng SARS-CoV-2 ở a-mi-đan khẩu cái không thua gì ở niêm mạc của mũi và họng mũi, dù số lượng ở phổi là nhiều nhất.

“Vũ khí” tại các khu vực này chính là hệ thống miễn dịch tại chỗ của mũi, miệng, họng. Hệ thống miễn dịch bảo vệ vùng mũi, miệng, họng bằng các hoạt động của tế bào (như thực bào, tế bào giết tự nhiên) hay bằng các hóa chất do các tế bào này tiết ra.

Ngoài ra còn “vũ khí” bảo vệ cơ học:

- Lông mũi cản các hạt bụi lớn, cùng với các chất nhầy mũi cản các hạt bụi nhỏ hơn.

- Lông chuyển trên các tế bào của niêm mạc mũi và chất nhầy do tế bào biểu mô tiết ra giúp vận chuyển liên tục các hạt bụi xuống họng, tạo nên hệ thống làm sạch mũi.

- Lớp biểu mô phủ liền lạc tạo lớp phủ bảo vệ mũi, miệng, họng.

- Các phản xạ thần kinh giúp tống xuất tác nhân gây bệnh ra khỏi mũi là hắt hơi, ra khỏi họng là ho. Các phản xạ này giúp giảm lượng tác nhân gây bệnh trong mũi, họng nhưng sẽ làm môi trường xung quanh mũi, họng bị ô nhiễm bởi các tác nhân gây bệnh.

TS.BS Nguyễn Nam Hà - BCH Liên chi hội Tai Mũi Họng Nhi TPHCM, Trưởng đơn vị Tai-Mũi-Họng Phòng khám Đa khoa Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch

2. Các động tác súc họng và những loại dung dịch dùng để súc họng?

Vệ sinh họng miệng giúp phòng chống COVID-19 là điều mà các BS đã nhắc đến hơn 1 năm qua. Theo quan sát của BS, đa số mọi người đã thực hành đúng chưa ạ? Có sai lầm nào khiến cho việc súc họng miệng trở nên kém hiệu quả không, thưa BS?

TS.BS Nguyễn Nam Hà trả lời: Ngày nay, với kiến thức y tế của người dân được nâng cao, người có thói quen súc miệng và súc họng đã tăng hơn.

Tuy nhiên, không phải ai cũng ý thức được lợi ích của việc vệ sinh miệng và họng, chưa có kiến thức về sử dụng dung dịch gì, cũng như chưa phân biệt được họng và miệng nên động tác súc họng chưa hiệu quả. Mong rằng qua mùa đại dịch COVID-19 này, mọi người sẽ có thói quen súc miệng và họng hiệu quả.

Thứ nhất, cần nhận thấy lợi ích của việc súc họng.

Các nghiên cứu trong y văn thế giới đã cho thấy lợi ích của việc súc họng hàng ngày, đó là phòng ngừa, hỗ trợ điều trị cảm lạnh, viêm hô hấp trên cấp, hỗ trợ điều trị bệnh của răng miệng,…

Trong mùa dịch COVID-19, nghiên cứu tại Anh, Mỹ đã cho thấy việc súc miệng, súc họng chất khử khuẩn đã làm giảm số lượng virus ở vùng họng, giúp giảm phát tán virus ra môi trường.

Thứ hai, cần biết dùng dung dịch thích hợp để súc họng.

Các bác sĩ y học gia đình, y tế công cộng, Tai-Mũi-Họng đã nghiên cứu một số dung dịch súc họng như: nước đun sôi để nguội, nước muối sinh lý, nước muối ưu trương, dung dịch dấm, chanh, trà, povidone iodine, nước súc miệng có tinh dầu (Listerine), chất khử khuẩn (chlorhexidine trong Oral-B)... Kết quả là nước muối sinh lý không thua kém hiệu quả so với các dung dịch khác trong các nghiên cứu chăm sóc tai mũi họng cộng đồng.

Các nghiên cứu trên cho thấy các dung dịch có chứa chất khử khuẩn làm thay đổi số lượng các loại vi sinh thường trú ở vùng họng, trong khi nước muối sinh lý hầu như không làm thay đổi hệ vi sinh thường trú trong họng.

Chưa kể khi sử dụng lâu dài nước súc miệng có tinh dầu, chất khử khuẩn, nước súc miệng có thể kích thích họng gây bệnh “viêm họng mạn do nước súc miệng”, do cấu tạo biểu mô phủ của miệng trơ hơn biểu mô phủ của họng.

Các dạng nước muối sinh lý có thể được sử dụng là:

- Gói muối bột: tiện dụng nhưng mắc tiền.

- Chai nước muối sinh lý y tế pha sẵn: tiện dụng nhưng tốn tiền.

- Pha tại nhà: công thức: 1 muỗng café muối đầy trong 1 lít nước sôi để nguội, theo Trường Đại học Y khoa Iowa, Hoa Kỳ. Dung dịch muối loãng tự pha này chỉ nên sử dụng trong ngày, để tránh nhiễm khuẩn do để qua đêm.

Đối với bệnh nhân COVID-19, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã cho 2 bệnh nhân COVID-19 đầu tiên tại Việt Nam súc họng dung dịch Povidone Iodine và nhận thấy triệu chứng viêm hô hấp trên giảm rõ.

Như vậy, trong mùa dịch COVID-19, nếu chúng ta không bị mắc bệnh, không tiếp xúc bệnh nhân thì súc họng bằng nước muối sinh lý tương tự như súc họng hàng ngày. Nếu là bệnh nhân COVID-19 thì súc họng bằng dung dịch có các chất khử khuẩn như povidone iodine, chlorhexidine.

Thứ ba là động tác súc họng như thế nào?

Việc súc miệng dễ thực hiện, nên mọi người đã làm đúng. Đó là cho nước vào miệng, ngậm miệng súc “ục, ục, ục”, rồi nhổ bỏ nước súc miệng. Tư thế đầu thẳng, không cần ngửa cổ.

Để súc họng có hiệu quả, ngoài tư thế ngửa cổ, cần lưu ý thè lưỡi ra trước khi kêu “khò… khò… khò...”: đây là động tác quan trọng, giúp đáy lưỡi hạ xuống, khẩu cái mềm nâng lên, nước len qua khe hở xuống được họng miệng.

Nếu không thè lưỡi ra trước khẩu cái mềm và lưỡi đóng lại, ngăn không cho nước xuống sâu. Khi không thè lưỡi ra trước, dù có ngửa cổ tối đa, chúng ta chỉ súc miệng chứ chưa súc họng. BS Nam Hà và cộng sự đã sử dụng dung dịch màu thực phẩm khi súc họng, và quan sát thấy nước màu không vào được a-mi-đan khẩu cái nếu chúng ta không thè lưỡi ra trước khi kêu “khò…khò…khò”.

Để súc họng có hiệu quả, ngoài tư thế ngửa cổ, cần lưu ý thè lưỡi ra trước khi kêu “khò… khò… khò...”

3. Súc họng trong bao lâu, bao nhiêu lần mỗi ngày?

Nhờ BS đưa ra hướng dẫn giúp mọi người súc họng miệng đúng cách.

TS.BS Nguyễn Nam Hà trả lời:

Súc họng bao nhiêu lần mỗi ngày? Theo Hiệp hội Bác sĩ Gia đình Hoa Kỳ: “Súc họng thường xuyên như bạn muốn, thậm chí mỗi nửa giờ”.

Như vậy, hàng ngày chúng ta nên súc họng ít nhất 5 lần: sáng, tối, sau 3 bữa ăn là các thời điểm họng chúng ta đọng dịch nhầy từ mũi, họng mũi hoặc chất kích thích trong thức ăn. Nên súc họng ngay khi đi ra ngoài về nhà, sau khi nói chuyện hoặc tiếp xúc với người ngoài, ngay sau khi bơi lội,…

Giáo viên, giảng viên súc họng sau mỗi tiết giảng bài sẽ thấy giảm cảm giác khô, vướng họng. Nhân viên y tế súc họng ngay sau khi hết ca làm việc, ngay vừa về đến nhà vì làm việc trong môi trường nhiều virus, vi khuẩn.

Súc họng trong bao lâu? Súc họng kéo dài như bạn muốn, cho đến khi hết nhầy, đàm vàng, xanh.

Để súc họng có hiệu quả, cần thực hiện các bước sau:

Bước 1: 1 hớp nước muối vừa đủ trong miệng, khoảng 10-15mL.

Bước 2: Ngửa cổ ra sau.

Bước 3: Thè lưỡi ra trước khi kêu “khò… khò… khò...”: như đã nói ở trên, đây là động tác quan trọng, giúp đáy lưỡi hạ xuống, khẩu cái mềm nâng lên, nước len qua khe hở xuống được họng miệng.

Bước 4: Nhổ bỏ nước trong miệng.

Động tác súc họng đúng còn có thể giúp lấy bỏ xương nhỏ và vừa ngay khi chúng ta nghi ngờ hóc xương trong khi ăn.

Trân trọng cảm ơn Hội Y học TPHCM và TS.BS Nguyễn Nam Hà - BCH Liên chi hội Tai Mũi Họng Nhi TPHCM đã đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này.

Phần 2: Rửa mũi, xông mũi họng bằng tinh dầu, thảo dược thực hiện thế nào, cần lưu ý gì?

Phần 3: Trẻ em, người lớn tuổi cần súc họng miệng, vệ sinh mũi thế nào trong mùa dịch COVID-19?

Phần 4: Nước muối sinh lý, nước súc miệng diệt khuẩn và nước gừng, sả, nên dùng loại nào?

TÀI LIỆU THAM KHẢO

*Cục KHCNDT-Bộ Y Tế (2020)- Hướng dẫn cơ bản phòng chống dịch COVID-19- Hà Nội.

*Bộ Giáo dục và Đào tạo (2020)- Tài liệu truyền thông hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 dành cho trẻ em mầm non và học sinh phổ thông- Hà Nội.

*Huỳnh Tấn Vũ (2020), Chanh, sả, gừng, mật ong có phải là thần dược ngừa coronavirus?, Bộ Y Tế, Hà Nội, truy cập ngày July 22th-2021, tại trang web https://suckhoedoisong.vn/chanh-sa-gung-mat-ong-co-phai-la-than-duoc-ngua-coronavirus-n169272.html

*Cabaillot A, Vorilhon P, Roca M, Boussageon R, Eschalier B, Pereirad B. Saline nasal irrigation for acute upper respiratory tract infections in infants and children: A systematic review and meta-analysis. Paediatr Respir Rev. 2020 Nov; 36:151-158.

*Nyssa F. Farrell, Cristine Klatt-Cromwell và John S. Schneider (2020), "Benefits and Safety of Nasal Saline Irrigations in a Pandemic—Washing COVID-19 Away". JAMA Otolaryngology–Head & Neck Surgery, Tập 146(9), tr. 787-788

*Wormald PJ, Cain T, Oates L. A comparative study of three methods of nasal irrigation.Laryngoscope. 2004 Dec;114(12):2224-7.

*Tano L, Tano K. A daily nasal spray with saline prevents symptoms of rhinitis.Acta Otolaryngol. 2004 Nov;124(9):1059-62.

*Slapak I, Skoupá J, Strnad P, Efficacy of isotonic nasal wash (seawater) in the treatment and prevention of rhinitis in children. .Arch Otolaryngol Head Neck Surg. 2008 Jan;134(1):67-74

*Rabago D, Zgierska A. Saline nasal irrigation for upper respiratory conditions.Am Fam Physician. 2009 Nov 15;80(10):1117-9.

*Talbot AR, Herr TM, Parsons DS: Mucociliary clearance and buffered hypertonic saline solution. Laryngoscope 1997, 107:500–50

*Rabago D, Zgierska A, Mundt M, et al.: Efficacy of daily hypertonic saline nasal irrigation among patients with sinusitis: a randomized controlledtrial. J Fam Pract 2002, 51:1049–1055

*Tomooka LT, Murphy C, Davidson TM: Clinical study and literature review of nasal irrigation. Laryngoscope 2000, 110:1189–1193

*Satomura et al, 2005. "Prevention of upper respiratory tract infections by gargling: a randomized trial". American Journal of Preventive Medicine 29 (4): 302–307

*Sakai M  et al. Cost-effectiveness of gargling for the prevention of upper respiratory tract infections. Great Cold Investigators-I.BMC Health Serv Res. 2008 Dec 16;8:258.

*Noda T  et al. Gargling for oral hygiene and the development of fever in childhood: a population study in Japan. J Epidemiol. 2012;22(1):45-9.

*O'Conner, Anahad, 2010. "The Claim: Gargling with Salt Water Can Ease Cold Symptoms". The New York Times. Retrieved 12 January 2014.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X