Hotline 24/7
08983-08983

Tầm soát ung thư cổ tử cung: Đừng để quá muộn chỉ vì ngại khám phụ khoa

Xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung nhằm tìm những tế bào bị biến đổi bất thường ở cổ tử cung, có thể phát triển thành ung thư. Theo BS Lưu Y Ngọc - Chuyên khoa Phụ khoa, Phòng khám Bernard, tầm soát ung thư cổ tử cung góp phần tăng tỷ lệ thành công trong điều trị, giảm tỷ lệ mắc mới và tử vong.

1. Phụ nữ Việt Nam e dè với khám phụ khoa

Nhiều chị em còn mang tâm lý e dè, ngại ngùng khi nhắc đến việc đi khám phụ khoa. Thậm chí, nhiều trường hợp có bệnh về sản phụ khoa cũng phải giấu cả chồng con, gia đình. Trong quá trình làm việc, BS có bao giờ gặp những trường hợp tương tự?

BS Lưu Y Ngọc trả lời: Chắc chắn là có. Không phải chỉ có bệnh nhân mà cả người thân, bạn bè của tôi cũng e ngại vấn đề này.

Mọi người thường có tâm lý lo sợ khi đề cập đến khám phụ khoa. Người chưa lập gia đình có nỗi sợ riêng, những người đã lập gia đình nhưng chưa có em bé cũng có những lo lắng khác. Phụ nữ sau khi trải qua những cơn đau do sinh nở thường mang nỗi ám ảnh với việc khám phụ khoa.

Do đó, hướng dẫn, tư vấn cho bệnh nhân đến khám phụ khoa cũng là một khó khăn đối với bác sĩ.

2. Ra máu bất thường - Dấu hiệu cảnh báo ung thư cổ tử cung cần lưu ý

Xin hỏi BS, ung thư cổ tử cung có những dấu hiệu nào mà chị em có thể chú ý và nhận biết sớm bệnh?

BS Lưu Y Ngọc trả lời: Đáng buồn là không phải trường hợp ung thư cổ tử cung nào cũng xuất hiện triệu chứng. Các triệu chứng ban đầu của bệnh chỉ là viêm nhiễm. Tình trạng này có thể được phát hiện khi bệnh nhân đi khám phụ khoa, tuy nhiên để xác định chính xác có phải ung thư hay không, cần phải thực hiện tầm soát.

Những dấu hiệu đầu tiên và phổ biến nhất của ung thư cổ tử cung thường là ra máu bất thường, đặc biệt là ra máu sau quan hệ tình dục.

BS Lưu Y Ngọc - Chuyên khoa Phụ khoa, Phòng khám Bernard cho biết, không phải trường hợp ung thư cổ tử cung nào cũng xuất hiện triệu chứng

3. Nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung

Nguyên nhân nào khiến chị em có thể bị ung thư cổ tử cung, thưa BS?

BS Lưu Y Ngọc trả lời: Việt Nam nằm trong nhóm nước phát triển, điểm chung của nhóm này là số ca mắc ung thư ngày càng tăng, nhưng may mắn là số ca tử vong có chiều hướng giảm đi.

Một điều may mắn khác, chương trình tầm soát ung thư cổ tử cung ở Việt Nam đạt những thành công nhất định, giúp phát hiện sớm những ca mắc mới, có hướng xử trí phù hợp, từ đó giảm số ca tử vong.

Các nghiên cứu cho thấy, nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ung thư cổ tử cung là do virus HPV. Ngoài ra, một số nguyên nhân khác gây sang chấn cổ tử cung, biến đổi tế bào và dẫn đến ung thư, chẳng hạn viêm nhiễm tái đi tái lại nhiều lần, sanh nở nhiều làm tổn thương cổ tử cung.

4. Ung thư cổ tử cung ảnh hưởng nhiều đến tâm lý người bệnh

Ngoài tốn kém tiền bạc để điều trị, ung thư cổ tử cung chắc hẳn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý của người bệnh. Nhờ BS chia sẻ thêm về điều này.

BS Lưu Y Ngọc trả lời: Khi nhận chẩn đoán ung thư, điều đầu tiên bị ảnh hưởng là tâm lý của bệnh nhân. Vốn tâm lý của phụ nữ phần nào yếu đuối, bệnh nhân càng dễ suy sụp hơn khi nhận tin dữ.

Những phụ nữ nhận tin bị ung thư cổ tử cung, điều này như một án tử với họ. Từ đó dẫn đến nhiều hệ lụy khác, thậm chí có bệnh nhân rơi vào trầm cảm.

Bệnh lý ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu có thể điều trị được. Khi bệnh diễn tiến đến những giai đoạn nặng hơn, vẫn có thể can thiệp.

Đặc biệt, hiện nay ung thư cổ tử cung đã trẻ hóa. Nhiều bạn nữ phải cắt bỏ tử cung, không còn thiên chức làm mẹ.

Các bệnh phụ khoa ảnh hưởng nhiều đến tâm lý của người bệnh

5. Tầm soát ung thư cổ tử cung để chủ động bảo vệ bản thân

Nhờ BS chia sẻ thêm về những lợi ích khi chị em chủ động tầm soát ung thư cổ tử cung.

BS Lưu Y Ngọc trả lời: Khi tầm soát ung thư cổ tử cung cho kết quả tốt, chị em có thể yên tâm trong một khoảng thời gian. Nhiều phụ nữ không đi khám phụ khoa nên không biết sức khỏe, cơ thể mình thế nào.

Nếu người phụ nữ có thể chủ động hơn trong việc khám phụ khoa định kỳ, tầm soát ung thư cổ tử cung, cuộc sống suôn sẻ hơn.

Trong trường hợp mắc bệnh, việc phát hiện sớm sẽ giúp điều trị đơn giản hơn, chi phí nhẹ nhàng hơn.

6. Khi nào nên tầm soát ung thư cổ tử cung

Thưa BS, những ai cần phải đi tầm soát ung thư cổ tử cung? Tần suất thực hiện tầm soát như thế nào?

BS Lưu Y Ngọc trả lời: Đây là thắc mắc chung, vì mọi người cũng không biết chính xác khi nào nên đi tầm soát. Tầm soát ung thư cổ tử cung được áp dụng cho tất cả phụ nữ từ 21 tuổi, đã có quan hệ tình dục.

Bên cạnh đó, nếu bản thân bạn nhận thấy mình có nhiều yếu tố nguy cơ, chẳng hạn quan hệ sớm, quan hệ không an toàn, quan hệ với nhiều người, cần phải tầm soát sớm hơn mốc 21 tuổi.

Thời gian tầm soát lại phụ thuộc vào phương pháp tầm soát đã thực hiện trước đó. Với nhưng người đã thực hiện phết tế bào và test HPV đều cho kết quả âm tính, thời gian tối ưu để thực hiện tầm soát lại là khoảng 5 năm. Những phụ nữ chỉ thực hiện phết tế bào hoặc xét nghiệm HPV, trong thời gian khoảng 2 - 3 năm nên tầm soát lại.

Bên cạnh đó, nên đi khám phụ khoa định kỳ 6 hoặc 12 tháng/lần. Trong lúc khám phụ khoa, BS vẫn có thể phát hiện những bất thường trên cổ tử cung.

7. Các phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung hiện nay

Xin hỏi BS, hiện nay có những phương pháp nào được sử dụng để tầm soát ung thư cổ tử cung?

BS Lưu Y Ngọc trả lời: Ở Việt Nam cũng như trên thế giới hiện nay có 2 phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung.

Đối với phương pháp tế bào học, khi bệnh nhân nằm ở tư thế bộc lộ cổ tử cung để thăm khám, bác sĩ dùng que phết nhẹ vùng cổ tử cung để mang đi xét nghiệm, đánh giá tế bào bình thường hay bất thường.

Phương pháp thứ hai là test HPV, xem bệnh nhân có bị nhiễm các chủng HPV. Trong đó, 2 chủng nguy hiểm nhất là 16 và 18.

Tầm soát giúp phát hiện những bất thường nào ở cổ tử cung, thưa BS?

BS Lưu Y Ngọc trả lời: Như đã chia sẻ, có 2 phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung. Do đó, những bất thường phát hiện ra cũng dưa trên 2 cách này.

Dựa trên tế bào sau khi phết tế bào được gửi đi xét nghiệm, phóng đại nhiều lần dưới kính hiển vi để đánh giá. Test HPV cũng sẽ cho kết quả dương tính hoặc âm tính, dương tính với những chủng nào.

Dựa trên kết quả tầm soát, bác sĩ sẽ đưa ra tư vấn cụ thể, cần theo dõi hay điều trị thế nào, thời gian lặp lại tầm soát.  

9. Tầm soát ung thư cổ tử cung để chuẩn bị tốt cho quá trình sinh sản

Thưa BS, nhiều lời đồn đoán truyền tai nhau rằng đi tầm soát ung thư cổ tử cung thường xuyên không tốt cho sức khỏe sinh sản. Ý kiến của BS như thế nào?

BS Lưu Y Ngọc trả lời: Điều này hoàn toàn sai. Tầm soát ung thư cổ tử cung chính là chuẩn bị tốt cho sức khỏe và quá trình sinh sản sau này. Phát hiện sớm bất thường ở cổ tử cung và can thiệp điều trị kịp thời, trước khi có em bé sẽ tốt hơn nhiều so với khi không có bất kỳ sự chuẩn bị nào.

Theo dõi một thai kỳ bình thường cũng có rất nhiều khó khăn, nếu song song phải theo dõi thai kỳ và bệnh lý phụ khoa sẽ khó khăn gấp bội.

Nhiều bạn nữ chưa từng đi khám phụ khoa, chủ quan không có bệnh lý nào nhưng sau khi tầm soát lại phát hiện hiện những tổn thương sâu, phát hiện nhiễm nhiều chủng HPV. Những vấn đề này bắt buộc phải thông qua tầm soát ung thư cổ tử cung mới biết được, bản thân chúng ta không thể cảm nhận thấy.

>>> Phần 2: Phòng ngừa ung thư cổ tử cung: Tiêm vắc xin, tầm soát định kỳ, hạn chế viêm nhiễm...

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X