Phòng ngừa ung thư cổ tử cung: Tiêm vắc xin, tầm soát định kỳ, hạn chế viêm nhiễm...
Ung thư cổ tử cung là nỗi lo lắng đối với tất cả chị em phụ nữ, dù có thể phòng ngừa và điều trị hiệu quả nếu phát hiện sớm. BS Lưu Y Ngọc - Chuyên khoa Phụ khoa, Phòng khám Bernard đã giải đáp những câu hỏi thường gặp về căn bệnh này.
1. Tiêm ngừa virus HPV để dự phòng ung thư cổ tử cung
Thưa BS, có cách nào để phòng ngừa ung thư cổ tử cung?
BS Lưu Y Ngọc trả lời: Khi đã biết nguyên nhân chủ yếu gây ung thư cổ tử cung là virus HPV, chúng ta có dự phòng cấp 1 là tiêm ngừa. Thông thường, BS sẽ tư vấn “vắc xin ngừa ung thư cổ tử cung” để bệnh nhân dễ hiểu, dễ hình dung nhưng chính xác hơn, đây là vắc xin ngừa HPV.
Trong virus HPV có 2 type nguy cơ thấp là chủng 6 và 11, gây các bệnh lý sùi mào gà, mụn cóc sinh dục. Do đó, vắc xin ngừa virus HPV không chỉ dành riêng cho nữ giới mà các bạn nam cũng có thể tiêm ngừa.
2. Tốt nhất nên tiêm vắc xin ngừa virus HPV khi chưa quan hệ tình dục
Đâu là thời điểm vàng để vắc xin ngừa virus HPV có thể phát huy tối đa tác dụng?
BS Lưu Y Ngọc trả lời: Việc tiêm ngừa đạt hiệu quả tốt nhất trên các bạn chưa quan hệ tình dục, tức là chưa có yếu tố nguy cơ nào của HPV. Các bạn từ 9 tuổi trở lên đã có thể tiêm vắc xin này.

3. Đã quan hệ tình dục, có tiêm ngừa vắc xin HPV được không?
Xin hỏi BS, với những người đã quan hệ tình dục và ở độ tuổi trên 25, vắc xin có còn tác dụng không? Họ có nên tiêm vắc xin ngừa virus HPV không?
BS Lưu Y Ngọc trả lời: Tiêm trong thời điểm vàng đã chia sẻ, vắc xin sẽ phát huy hiệu quả tốt nhất, khoảng trên 80%. Tuy nhiên, những trường hợp đã quan hệ tình dục hoặc đã trên 26 vẫn có thể tiêm ngừa HPV.
Có thể khả năng bảo vệ sẽ thấp hơn con số 80%, nhưng ít ra chúng ta vẫn được bảo vệ khoảng 60 hoặc 70%.
4. Vắc xin có thể phòng ngừa tất cả các chủng HPV?
Nếu đã nhiễm 1, 2 chủng virrus HPV, tiêm vắc xin vẫn có thể bảo vệ chúng ta khỏi những chủng còn lại đúng không ạ?
BS Lưu Y Ngọc trả lời: Có hàng trăm chủng virus HPV ở âm đạo của người phụ nữ. Không thể tiêm 1 mũi vắc xin mà ngừa được hết tất cả số này.
Vắc xin ngừa virus HPV mới nhất tại Việt Nam là Gardasil 9, phòng ngừa được 9 chủng virus HPV. Trong đó có 2 type dễ gây ung thư cổ tử cung là 16, 18; cùng với đó là 2 chủng gây sùi mào gà, mụn cóc sinh dục là 6, 11. Ngoài ra, vắc xin còn có khả năng phòng 5 type khác có nguy cơ cao gây biến đổi tế bào.

5. Đã tiêm ngừa, liệu có cần tầm soát ung thư cổ tử cung?
Xin hỏi BS, những người đã tiêm phòng HPV liệu có cần thường xuyên tầm soát ung thư cổ tử cung không?
BS Lưu Y Ngọc trả lời: Khi đến khám phụ khoa và được tư vấn tầm soát ung thư cổ tử cung, nhiều bạn cho biết đã tiêm ngừa HPV và chủ quan sẽ không bị bệnh. Tuy nhiên, đó là một quan điểm sai lầm.
Khi đã tiêm ngừa, trên cơ thể có miễn dịch, khả năng nhiễm HPV sẽ thấp hơn. Thế nhưng tùy loại vắc xin mà chỉ phòng được 4 hoặc 9 chủng trong hàng trăm chủng virus HPV. Do đó, dù đã tiêm ngừa, các bạn vẫn phải tầm soát ung thư cổ tử cung thường xuyên.
6. Viêm nhiễm kéo dài là một trong những nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung
Các trường hợp viêm nhiễm âm đạo, nấm âm đạo không được điều trị, kéo dài có thể dẫn đến ung thư cổ tử cung không, thưa BS?
BS Lưu Y Ngọc trả lời: Chúng ta vẫn thường nghe viêm dạ dày do vi khuẩn HP có thể dẫn đến ung thư dạ dày. Cổ tử cung cũng tương tự.
Khi tiến trình viêm xảy ra, cơ thể có thể tự điều chỉnh lại. Song, không phải lúc nào cũng điều chỉnh thành công. Những trường hợp điều chỉnh thất bại chính là nguyên nhân dẫn đến ung thư.
Khi chị em gặp tình trạng viêm nhiễm tái đi tái lại nhiều lần, cổ tử cung phải liên tục phục hồi. Các sai sót trong quá trình phục hồi sẽ dẫn đến những bất thường về tế bào ở đó, gây ra ung thư.
7. Viêm lộ tuyến có gây ung thư cổ tử cung?
Viêm lộ tuyến có phải nguyên nhân dẫn đến ung thư cổ tử cung, thưa BS?
BS Lưu Y Ngọc trả lời: Trong y khoa, viêm lộ tuyến cổ tử cung là một hiện tượng sinh lý, gặp nhiều ở những phụ nữ sau sinh. Nếu chỉ đơn thuần bị lộ tuyến, không cần phải điều trị.
Tuy nhiên, ở lộ tuyến có tình trạng tăng tiết dịch. Dịch âm đạo nhiều gây ẩm ướt ở khu vực “cô bé”, cộng với việc vệ sinh không kỹ, rất dễ dẫn đến tình trạng viêm nhiễm, từ đó gây ra bất những bất thường ở tế bào.
Do đó, tùy theo mức độ lộ tuyến mà có hướng xử trí khác nhau. Ở trường hợp lộ tuyến ít, bác sĩ sẽ làm vệ sinh cho bệnh nhân. Những phụ nữ bị lộ tuyến diện rộng hơn, có tình trạng viêm thì cần phải đặt thuốc.
>>> Phần 1: Tầm soát ung thư cổ tử cung: Đừng để quá muộn chỉ vì ngại khám phụ khoa
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình