Hotline 24/7
08983-08983

Rửa mũi cho trẻ thế nào là đúng cách, tránh tai biến?

Nhân trường hợp tai biến khi rửa mũi cho trẻ em xảy ra ở Bắc Giang vừa qua, BS.CK1 Nguyễn Hồng Dũng - bác sĩ tư vấn tai mũi họng của AloBacsi giới thiệu về các chỉ định rửa mũi và những các kỹ thuật về nhỏ mũi và rửa mũi cho trẻ em.

1. Mũi có chức năng gì? Vì sao mũi dễ bị nhiễm bệnh?

Trước hết chúng ta cần hiểu về sinh lý mũi. Mũi là phần trên của đường hô hấp có chức năng làm ấm, làm ẩm, làm sạch không khí trước khi đưa vào đường hô hấp dưới để tham gia quá trình trao đổi khí tại phổi.

Mũi phải thường xuyên tiếp xúc với mầm bệnh của các môi trường bên ngoài như virus, vi khuẩn, vi nấm, hóa chất và bị tác động rất mạnh bởi nhiệt độ và độ ẩm. Do đó mũi rất dễ bị nhiễm bệnh, như thế chức năng của mũi rất quan trọng. Nếu không nó sẽ dẫn đến nhiễm trùng của hô hấp dưới.

2. Khi nào cần phải rửa mũi? Chỉ định rửa mũi là gì?

Người bình thường sẽ không cảm nhận được về những niêm mạc mũi tiết ra. Tuy nhiên, khi mũi bị bệnh lượng dịch sẽ tiết ra nhiều hơn và các chất nhầy của niêm mạc mũi sẽ làm quánh chất niêm mạc mũi lại làm cho chúng ta cảm thấy khó chịu.

Khi nào chúng ta sẽ rửa mũi và nhỏ mũi? Theo tôi, có 2 trường hợp đó là rửa mũi dự phòng và rửa mũi để điều trị bệnh.

Rửa mũi dự phòng: Khi chúng ta tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ bệnh tật như khói, bụi, hoặc chỗ đông người. Nếu chúng ta tiếp xúc với những người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 thì sẽ chủ động rửa mũi. Mục đích là để tống các chất bẩn rửa khỏi niêm mạc mũi. Hiện nay, nó đã trở thành điều không thể thiếu trong vệ sinh sức khỏe.

Rửa mũi để điều trị bệnh: một số bệnh nhân bị viêm nhiễm niêm mạc mũi, viêm mũi dị ứng, nhiễm trùng hay sau phẫu thuật.

Việc rửa mũi đòi hỏi phải có kỹ thuật chuyên sâu hơn một chút khi chúng ta tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ hay cảm nhận rằng trong mũi có những niêm dịch không thể tự giải thoát.

Để cho mũi được thông thoáng, chúng ta sẽ chủ động dùng nước muối sinh lý để tạo nên lớp dịch trên bề mặt niêm mạc và dịch nhầy của mũi, cái dịch do niêm dịch tiết ra với lượng nhiều hơn bình thường. Trong khoang mũi của chúng ta, nhiệt độ là 37 độ và mỗi lần mình thở, lượng khí đi ra và vào là 40 lần dẫn đến niêm dịch bị mất hơi nước, làm cho niêm dịch bị teo lại giống như cục silicone nằm trong mũi. Hậu quả là người lớn và em bé đều cảm thấy khó chịu.

Khi ta đi trong những môi trường có khói bụi sẽ dẫn đến các nguy cơ làm cho mầm bệnh xâm nhập vào trong khoang mũi. Tuy nó chưa đi sâu vào lớp niêm mạc để gây bệnh, nếu ta chủ động rửa thì nó sẽ sớm bị tống ra ngoài, không có khả năng gây bệnh.

3. Rửa mũi cho trẻ em ở các độ tuổi khác nhau như thế nào?

Tùy vào nhóm người bệnh ở độ tuổi khác nhau sẽ có cách rửa mũi khác nhau.

Trẻ dưới 3 tháng: rửa mũi cho trẻ phải hết sức cẩn trọng vì ở trẻ còn quá bé (chỉ vài ba ký trọng lượng), cấu trúc giải phẫu rất nhỏ, cho nên nếu ta không biết cách sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường vì nước mũi và dịch mũi sẽ xâm nhập vào đường hô hấp.

Đối với trẻ nhỏ dưới 1 tuổi: nên cho bé nằm hơi ngửa đầu ra sau. Lọ nước muối là loại nhỏ bán ở thị trường, dùng để nhỏ mắt, nhỏ mũi và khi nằm ngửa đầu ra sau thì ta nhỏ từng bên từng giọt thật nhỏ vào mũi thứ nhất rồi chờ một lát để cho nước muối lan tỏa trên niêm mạc và không gây phản xạ gì.

Sau đó nhỏ giọt tiếp theo ở bên mũi thứ hai, theo dõi từ 10-15 phút rồi ta nhỏ lại cho bé một lần nữa nếu mũi của bé còn khụt khịt.

Ta cứ làm đi làm lại nhiều lần, niêm dịch sẽ loãng và tự trôi ra khỏi niêm mạc.

Đối với trẻ lớn từ 1-5 tuổi: ta cho trẻ ngồi và cúi đầu về phía trước. Dùng loại nước mũi xịt dưới áp lực để tạo nên cái áp lực và cúi đầu phía trước. Khi bấm cái này thì nó tạo nên tia nước, nước muối sẽ đi vào trong mũi tương đối nhẹ nhàng, an toàn.

Khi ngồi bé sẽ há miệng ra để thở, nước muối sẽ phủ lên niêm mạc. Dung dịch sẽ chảy ra phía trước và một phần nó sẽ chảy ra phía sau nhưng vì ngồi cúi đầu ra phía trước nên nó không vào đường hô hấp dưới, không vào thanh quản, nó không gây ra các hội chứng như khó thở đối với trẻ, tư thế này tương đối an toàn.

4. Rửa mũi cho trẻ có thể xảy ra tai biến gì?

a. Trẻ bị sặc

Các tai biến có thể xảy ra do việc nhỏ mũi hoặc xịt mũi, tai biến nguy hiểm nhất là gây sặc.

Sặc là gì? Đó là do nước muối trở thành dị vật xâm nhập vào dây thanh. Khi dây thanh quản có dị vật như nước muối hay cháo, sữa xâm nhập thì theo phản xạ thần kinh thì dây thanh sẽ đóng lại để không cho dị vật rơi sâu vào đường khoang dưới, nhưng khi nó đóng lại nó sẽ khiến ta ngộp thở, khiến ta ho rất mạnh.

Những tai biến nguy hiểm nhất có thể xảy ra nếu ta nhỏ nước muối với lượng quá nhiều, tư thế không đúng thì nó xâm nhập vào đường hô hấp dưới và nó gây ra phản xạ đóng cửa dây thanh khiến cho khó thở.

Trong trường hợp này, phải nhanh chóng thao tác ấn bụng để bé tạo ra phản xạ tống nước muối ra. Để làm động tác này, chúng ta cần hết sức bình tĩnh.

b. Viêm tai giữa

Nếu ta xịt áp lực mạnh, nó có thể gây đau niêm mạc mũi, nếu làm không đúng tư thế chỉ vì tai thông với mũi thì chúng ta vô tình đưa nước mũi có thể đẩy kèm với niêm dịch đang chứa mầm bệnh lên tai gây ra viêm tai giữa.

c. Đau rát niêm mạc mũi

Nếu dụng cụ của mình sử dụng không phù hợp, chẳng hạn như sử dụng xilanh bơm vào mũi thì phần đầu sẽ cứng, áp lực của xilanh ta bơm không nhẹ nhàng cộng với độ trơn của xilanh không trơn tru cho nên hiện tượng này sẽ gây sang chấn cho niêm mạc mũi. Nó gây ra tình trạng đau, rát, thậm chí gây chảy máu mũi.

BS.CK1 Nguyễn Hồng Dũng: Trên đây là những gì chúng ta cần biết khi nhỏ mũi, rửa mũi cho trẻ. Cần hết sức lưu ý để tránh các nguy cơ và tai biến có thể xảy ra.

Hi vọng thông tin này sẽ cung cấp cho các bạn hiểu biết một cách khoa học việc rửa mũi, vệ sinh mũi mà nhiều người đang rất quan tâm và cảm thấy quan trọng trong việc giữ gìn đường hô hấp tránh được các mầm bệnh, bảo vệ sức khỏe.

Trọng Dy - Quốc Sang

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X