Hotline 24/7
08983-08983

Rối loạn tiền đình: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị dùng thuốc và không dùng thuốc

Rối loạn tiền đình là căn bệnh thường gặp ở lứa tuổi trung niên, phụ nữ tiền mãn kinh. Tuy nhiên, hiện nay căn bệnh này ngày càng có dấu hiệu trẻ hóa. Làm thế nào để nhận diện tình trạng này? Chóng mặt có phải là triệu chứng duy nhất? Và cách điều trị ra sao?... Tất cả những thông tin này sẽ được cung cấp trong bài viết dưới đây.

I. Rối loạn tiền đình là gì?

Tiền đình là bộ phận thuộc hệ thần kinh nằm ở phía sau ốc tai hai bên. Hệ thống tiền đình của cơ thể là một bộ phận rất quan trọng của hệ thần kinh trung ương, giúp cơ thể định vị được vị trí của mình trong không gian ba chiều và giúp con người ngồi hoặc đứng, đi lại dễ dàng, duy trì trạng thái thăng bằng ở các tư thế, trong hoạt động.

Cấu tạo giải phẫu cơ quan tiền đình

Rối loạn tiền đình (RLTĐ) là tình trạng quá trình truyền dẫn và tiếp nhận thông tin của tiền đình bị rối loạn hoặc tắc nghẽn do dây thần kinh số 8 hoặc động mạch nuôi dưỡng não bị tổn thương hay các tổn thương khác ở khu vực tai trong và não.

Điều này khiến cho tiền đình mất khả năng giữ thăng bằng, cơ thể loạng choạng, hoa mắt, chóng mặt, quay cuồng, ù tai, buồn nôn... Những triệu chứng này lặp đi lặp lại nhiều lần, xuất hiện đột ngột khiến người bệnh rất khó chịu, ảnh hưởng lớn tới cuộc sống và khả năng lao động.

II. Người trẻ cũng bị rối loạn tiền đình

Ngày nay, rối loạn tiền đình đang có xu hướng trẻ hóa, nhất là người làm trong môi trường văn phòng như dân công sở, học sinh, sinh viên...

Rối loạn tiền đình thường gặp ở người từ 40 tuổi trở lên. Theo nghiên cứu tại Mỹ, có trên 35% người ở độ tuổi 40 đều trải qua các hội chứng RLTĐ. Tại Anh, có ít nhất 40% số nhân viên văn phòng bị các triệu chứng liên quan ít nhiều đến RLTĐ. Còn riêng tại Việt Nam, có khoảng 20 - 30% dân số mắc hội chứng này và ngày càng có nguy cơ tăng cao.

Nhưng thời gian gần đây, RLTĐ đang có xu hướng trẻ hóa, thậm chí có những người còn rất trẻ, mới 18 tuổi đã gặp phải tình trạng này, nhất là những người làm trong môi trường văn phòng như dân công sở, học sinh, sinh viên…

III. Vì sao phụ nữ dễ bị rối loạn tiền đình hơn nam giới?

RLTĐ thường gặp ở phụ nữ, đặc biệt là hay xảy ra ở người yếu tâm lý, tâm lý không ổn định, hay hoảng hốt, lo sợ.

Khi tiếp xúc nhiều với mùi thực phẩm như bơ sữa, rượu, cà phê, thuốc lá... phụ nữ cũng dễ bị tác động rất mạnh. Có những người chỉ cần ngửi thấy mùi của những thực phẩm trên là cảm thấy quay cuồng, chóng mặt.

Ngoài ra, mỗi lần có kinh nguyệt phụ nữ cũng dễ bị rối loạn tiền đình với triệu chứng chủ yếu là chóng mặt. Trong khi nam giới ít bị bệnh hơn do tâm lý vững vàng hơn.

>>> Vì sao phụ nữ trung niên dễ bị chóng mặt? Nguyên nhân và cách điều trị?

IV. Nguyên nhân nào gây rối loạn tiền đình?

Căng thẳng, stress có thể gây rối loạn tiền đình

Nguyên nhân gây RLTĐ được xác định là do làm việc trong môi trường nhiều áp lực, ngồi lâu một chỗ, ít vận động, thậm chí phải ngồi cả buổi hoặc cả ngày trước máy vi tính; lại thường xuyên ngồi trong phòng máy lạnh... nên cột sống vùng cổ dễ bị nhiễm lạnh, lâu ngày sẽ làm co thắt động mạch cột sống thân nền, dẫn đến rối loạn điều hòa máu lên não.

Bên cạnh đó, áp lực không chỉ ở nơi làm việc, nhiều người trẻ còn mang cả nỗi lo về nhà, khiến cho giấc ngủ lúc nào cũng ở trạng thái chập chờn, không sâu, hay trằn trọc và thức giấc. Một số người bị huyết áp thấp, lại có thói quen nhịn bữa sáng hoặc ăn quá mặn; lười tập thể dục thể thao; uống nhiều rượu, bia và thức uống có ga... Những thói quen này đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, đặc biệt là dễ gây nên chứng RLTĐ.

Ngoài ra, RLTĐ còn do nhiều nguyên nhân khác như thiếu máu, tai biến, các bệnh về tim mạch,… gây tắc nghẽn mạch máu; hậu quả của một số bệnh như viêm dây thần kinh, u não, u dây thần kinh, viêm tai giữa,… Mặt khác, khi cơ thể bị nhiễm độc hóa chất hay do sử dụng thuốc, uống quá nhiều rượu bia cũng là một trong những nguyên nhân gây RLTĐ.

V. Phân loại và triệu chứng rối loạn tiền đình

Có hai loại rối loạn tiền đình là rối loạn tiền đình ngoại biên thuộc chuyên khoa tai mũi họng và rối loạn tiền đình trung ương thuộc chuyên khoa nội thần kinh. Trong đó 90-95% bệnh nhân bị rối loạn tiền đình ngoại biên, còn lại là rối loạn tiền đình trung ương.

RLTĐ ngoại biên là dạng bệnh lành tính, thường xảy ra là do tổn thương tai trong hoặc dây thần kinh tiền đình xuất phát từ các nguyên nhân như: viêm tai xương chũm mạn tính, do rượu, do dùng các thuốc gây tổn thương tiền đình như thuốc lợi tiểu, thuốc giảm đau… Biểu hiện đặc trưng của RLTĐ ngoại biên là cơn chóng mặt thường thoáng qua chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn, chúng xuất hiện khi thay đổi tư thế như lắc đầu, từ tư thế nằm chuyển sang ngồi.

Tuy nhiên, nhiều người bị rối loạn tiền đình ngoại biên nặng có thể có biểu hiện tình trạng chóng mặt thật nặng và kéo dài, người bệnh không thể đi đứng được, không thể thay đổi tư thế từ nằm sang ngồi được.

Đặc biệt, cơn chóng mặt thường kèm theo nôn ói rất nhiều và nôn kéo dài, ù tai, giảm thính lực một hoặc cả hai bên tai. Người bệnh còn có thể kèm theo tình trạng nặng đầu, khó tập trung, choáng váng, hồi hộp, sợ ánh sáng,...

Còn RLTĐ trung ương với những biểu hiện của tình trạng thiểu năng tuần hoàn não, do có sự tổn thương nhân tiền đình, tổn thương đường liên hệ của các nhân dây tiền đình ở thân não, tiểu não mà nguyên nhân có thể là do xơ mỡ động mạch mang máu đến nuôi não bộ.

Ở giai đoạn đầu, các triệu chứng của bệnh thường nhẹ như mất ngủ, người mệt mỏi, vì thế ít bệnh nhân để ý điều trị bệnh. Thời gian sau, những người bị rối loạn tiền đình sẽ thấy mọi vật xung quanh nhưng sẽ có cảm giác không bình thường, trở mình thấy lao đao, ngồi dậy khó khăn, nhất là vào buổi đêm về sáng.

Nhiều người bị mất thăng bằng, dễ ngã, thậm chí nếu cơn nặng, họ chỉ nằm được ở một tư thế, không ngồi dậy nổi, buồn nôn và có thể nôn dữ dội gây mất nước, điện giải, mở mắt ra sẽ thấy mọi vật quay cuồng, đảo lộn.

VI. Làm sao phân biệt rối loạn tiền đình với thiểu năng tuần hoàn não?

Đa số người bệnh có sự nhầm lẫn giữa RLTĐ và thiểu năng tuần hoàn não. 2 căn bệnh này đều có những triệu chứng chóng mặt, buồn nôn giống nhau, nhưng thực tế là do những nguyên nhân khác nhau gây ra.

Thiểu năng tuần hoàn não thường bị nặng đầu khi thay đổi tư thế

Thiểu năng tuần hoàn não (còn được gọi là rối loạn tuần hoàn não) là trạng thái suy giảm lượng máu đến nuôi não do các bệnh mạn tính gây ra như tăng huyết áp, xơ cứng mạch não, các bệnh van tim, rối loạn nhịp tim, suy thận mạn. Bên cạnh đó còn có một số yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh như nghiện bia rượu, thuốc lá, stress, thừa cân, béo phì, ít vận động.

Xét về định nghĩa và nguyên nhân, thiếu máu não chỉ là một trong nhiều yếu tố gây nên rối loạn tiền đình. Nhìn chung, RLTĐ và thiểu năng tuần hoàn não đều có những biểu hiện rất giống nhau bao gồm các triệu chứng của hệ thống tiền đình: hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn... Nhưng với người bệnh thiểu năng tuần hoàn não thường bị nặng đầu khi thay đổi tư thế chứ không có biểu hiện đi lảo đảo như RLTĐ. Người bệnh gặp những biểu hiện này vào lúc nửa đêm hoặc gần sáng.

Bên cạnh đó, khi cơn cấp tính xảy ra, người bệnh có thể cảm thấy bị kém tập trung, giảm khả năng tư duy, hay quên… Ở một bệnh nhân bị thiếu máu não, nếu không được chẩn đoán sớm thì sẽ dẫn đến di chứng và tàn tật hay có thể dẫn đến tử vong.

VII. Rối loạn tiền đình chẩn đoán thế nào?

Phương pháp chẩn đoán RLTĐ chủ yếu phải dựa vào lâm sàng - tính chất cơn chóng mặt, ngoài ra phải khám về những triệu chứng của thần kinh. Bên cạnh đó, người bệnh cần phải được đo huyết áp, siêu âm động mạch cảnh để xác định mảng xơ vữa, bóc tách động mạch gây hẹp mạch, tắc mạch…

Nhiều trường hợp phải chụp X-quang cột sống cổ đánh giá hẹp khe khớp, chụp CT-Scaner sọ não, MRI sọ não để xác định có khối u trong sọ hay mức độ hẹp động mạch cảnh để xem khả năng xử lý bằng phẫu thuật.

VIII. Rối loạn tiền đình không điều trị nguy hiểm ra sao?

Bệnh RLTĐ mặc dù không gây nguy hiểm tính mạng ngay lập tức, nó có thể xuất hiện trong vài ngày, rồi hồi phục dần nhưng cũng có thể kéo dài, tái phát nhiều lần. Tình trạng này không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh hoạt, công việc của bệnh nhân mà còn có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

Rối loạn tiền đình làm người bệnh mất thăng bằng, lảo đảo dễ dẫn đến té ngã gây chấn thương

Trong cơn bệnh, người bệnh mất thăng bằng, lảo đảo, mắt mờ nhòe, chân tay tê bì, run rẩy, nếu cố gắng đi lại có thể bị ngã gây chấn thương trầy xước da hay thậm chí là gãy tay, chân, chấn thương sọ não (do đập đầu vào vật cứng/nền đất cứng),... Nhất là sẽ vô cùng nguy hiểm nếu bất thình lình xảy ra khi đi trên đường hoặc đang làm việc liên quan đến máy móc nguy hiểm...

Biến chứng nguy hiểm nhất của rối loạn tiền đình là gây đột quỵ do máu lên não kém. Vì vậy, khi phát hiện bệnh, người bệnh nên thực hiện điều trị rối loạn tiền đình tích cực theo hướng dẫn của bác sĩ.

IX. Rối loạn tiền đình có điều trị triệt để?

Để điều trị RLTĐ tận gốc và hiệu quả, trước hết cần xác định và loại bỏ các nguyên nhân gây bệnh như những bệnh của tai mũi họng (viêm, thoái hóa, bệnh về mạch máu...), bệnh của não bộ (thoái hóa, tai biến mạch máu não...), các nguyên nhân được cho là yếu tố nguy cơ làm tăng cơ hội bị chóng mặt và RLTĐ (tăng huyết áp, hạ đường huyết, hay khi dùng một số thuốc gây tổn hại cho cơ quan tiền đình ốc tai...).

Kết hợp với việc điều chỉnh chế độ sinh hoạt như ăn, ngủ, nghỉ điều độ, người bệnh cần dùng thuốc điều trị theo chỉ định của bác sĩ:

• Thuốc glucocorticoid: methylprednisolon (tác dụng chống viêm khi chóng mặt do viêm dây thần kinh tiền đình)

• Thuốc an thần: diazepam, lorazepam… (dùng trong những ngày đầu để giảm lo lắng cho bệnh nhân)

• Thuốc tăng tuần hoàn não, tăng tuần hoàn đến bộ phận tiền đình: betahistin, almitrin - raubasin (thường sử dụng sau giai đoạn cấp để điều trị duy trì)

• Thuốc ức chế kênh canxi, đặc biệt chọn lọc mạch máu não: flunarizin, cinnarizin

• Thuốc hỗ trợ điều chỉnh sự suy giảm chức năng tiền đình: piracetam, Ginkgo biloba

Khi có triệu chứng chóng mặt ở người rối loạn tiền đình hãy nằm nghỉ ngơi nơi yên tĩnh, tránh ánh sáng mạnh

Đồng thời có thể áp dụng các phương pháp tự nhiên giúp hỗ trợ điều trị tốt hơn như:

• Ngâm chân với nước nóng: giúp thúc đẩy lưu thông máu, giảm căng thẳng, mệt mỏi

• Day ấn huyệt ấn đường (giữa 2 lông mày), huyệt hợp cốc, nội quan, tam âm giao… mỗi lần từ 5 - 10 phút giúp kiện tỳ, định thần để giảm ngay triệu chứng hoa mắt, chóng mặt.

• Xoa bóp vùng trán, sau gáy, hai bên ổ mắt và đỉnh đầu 10-20 phút để giảm triệu chứng

Trong điều trị RLTĐ, việc khống chế cơn chóng mặt “khủng khiếp” là rất cần thiết và phải kịp thời. Lúc này, người bệnh nên nằm nơi yên tĩnh, tránh ánh sáng mạnh. Chọn tư thế nằm thích hợp như nghiêng trái hoặc phải, hoặc nằm ngửa. Nếu buồn nôn thì cho nôn hết ra, nhưng sau đó phải cho uống bù nước và điện giải, xen kẽ cho người bệnh uống một cốc sữa nhỏ có đường đặc thật nóng. Việc dùng thuốc nhất thiết phải theo chỉ định của bác sĩ.

X. Rối loạn tiền đình khám ở khoa nào?

Người bệnh cần đến khám ở chuyên khoa Nội thần kinh, hoặc chuyên khoa Tai - mũi - họng để được các bác sĩ chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh và có hướng điều trị phù hợp.

Như vậy, tốt nhất người bệnh nên đến các cơ sở y tế có đầy đủ tiện nghi, bệnh viện đa khoa hoặc có đủ 2 chuyên khoa Nội thần kinh và Tai - mũi - họng. Việc đi khám có nhiều điểm có lợi cho người bệnh ví dụ như: biết được nguyên nhân RLTĐ do ở bộ phận tai mũi họng (viêm xoang...) hay do ở cơ quan khác, bộ phân khác (thoái hóa đốt sống cổ...).

XI. Người bị rối loạn tiền đình cần chú ý điều gì?

• Bệnh nhân tuyệt đối không tự mua thuốc uống vì ngoài RLTĐ, các dấu hiệu này có thể báo hiệu những bệnh lý nặng như tai biến mạch não, u não, bệnh Parkinson, bệnh tim mạch, bệnh đa xơ cứng.

• Khi đã bị RLTĐ thì phải cẩn trọng trong tư thế sinh hoạt, như không nên quay cổ một cách đột ngột hoặc đứng lên ngồi xuống quá nhanh, tránh lái xe hoặc điều khiển máy móc có động cơ mạnh để tránh tiếng ồn.

• Khi không tự kiềm chế được, phải biết xử lý tốt cơn chóng mặt cấp tránh tai nạn cho người bệnh. Phải ngưng điều khiển các phương tiện có động cơ hay những công việc nguy hiểm. Có thể dùng thuốc chống nôn hay cắt cơn. Loại bỏ ngay các dụng cụ để chứa chất nôn vì có thể là yếu tố gây kích thích nôn tiếp. Nên cho bệnh nhân ngồi ở vị trí thoáng gió, chắc chắn, tránh di chuyển vì rất dễ ngã gây chấn thương. Sau cơn có thể cho dùng thêm ít nước đường hay khoáng chất. Khi cơn nặng kéo dài, nhất là những trường hợp có nguyên nhân bệnh của tai mũi họng hay não cần nhập viện để được điều trị tích cực hơn.

• Bệnh nhân cũng cần giảm căng thẳng, lo âu, tránh đọc sách báo khi ngồi ôtô, nên ngồi hoặc nằm ngay xuống nếu cảm thấy chóng mặt...

• Khi đi tàu xe phải dùng thuốc phòng ngừa trước đó. Nên tránh tập trung vào các dấu hiệu của bệnh bằng cách chú ý vào một việc khác như nghe nhạc, kể chuyện vui, thậm chí nếu ngủ được thì càng tốt. Ngoài ra, có những biện pháp như dán cao, bôi dầu... cũng giúp tránh xuất hiện cơn.  Trước khi đi chỉ ăn nhẹ, không ăn nhiều chất nặng mùi hay quá no.

• Người bị RLTĐ không nên cách ly môi trường làm việc vì càng cách ly môi trường làm việc thì càng chóng mặt nhiều hơn, thậm chí còn bị ù tai, hoa mắt, lảo đảo, tâm trí rối loạn. Cách tốt nhất là tránh làm việc quá sức để tránh bị rơi vào stress. Mặt khác, để phòng ngừa nguy hiểm, người bị hội chứng RLTĐ tránh chọn các công việc liên quan đến độ cao, máy móc...

• Người bị RLTĐ không có thể tập thể dục như bình thường nhưng đúng động tác. Tốt nhất là phải làm được 3 động tác cơ bản sau đây: Chạy đi chạy lại nhẹ nhàng 8-10 phút. Đứng hơi dạng hai chân, cúi người xuống, đầu ngón tay chạm vào ngón chân cái, vung hai tay và quay mặt về bên trái rồi về bên phải hết cỡ (nhớ là quay cả mặt). Làm 10 lần.

• Trường hợp chóng mặt kèm theo các triệu chứng như nhức đầu đột ngột, sốt từ 38 độ C trở lên, mờ mắt, không nhìn rõ sự vật hoặc nhìn đôi (thấy 1 thành 2), mất thị lực, giảm thính giác... thì nên đi khám ngay tại chuyên khoa tai mũi họng, thần kinh.

XII. Rối loạn tiền đình nên ăn gì, kiêng gì?

1. Những thực phẩm nên ăn khi bị rối loạn tiền đình

Người RLTĐ nên bổ sung các loại vitamin cần thiết để góp phần tăng cường sức khỏe cho hệ thống tiền đình:

Vitamin B6 có vai trò hỗ trợ hệ thống thần kinh khỏe mạnh. Những thực phẩm chứa nhiều vitamin B6 như thịt gà bỏ da, cá…; các loại trái cây như cam, táo, chuối, đu đủ, bơ, quả óc chó, quả hạnh nhân…; Ngũ cốc, khoai tây, khoai lang, các loại đậu, hạt, cà chua, bí ngô, rau bina…

Vitamin C khi được bổ sung đầy đủ là cách để giảm bớt các triệu chứng đau đầu, chóng mặt do RLTĐ gây nên. Những nghiên cứu đã chỉ ra rằng, 600mg vitamin C mỗi ngày, kết hợp với các hợp chất khác trong 8 tuần giúp kiểm soát bệnh RLTĐ. Những thực phẩm chứa nhiều vitamin C như quả có múi (cam, chanh, bưởi…), kiwi, dứa, súp lơ xanh, dâu tây, đu đủ, cà chua, rau cải xoăn, ớt đỏ, ổi…

Bổ sung các loại vitamin góp phần tăng cường sức khỏe cho hệ thống tiền đình

Vitamin D giúp khắc phục xơ cứng tai - một triệu chứng thường gặp ở người bị RLTĐ, thường có trong cá, trứng, sữa, các loại ngũ cốc, các chế phẩm từ đậu nành (đậu phụ, sữa đậu nành…), nước cam ép, nấm…

Folate giúp giảm bớt các vấn đề về cân bằng ở người lớn tuổi do có tác dụng sửa chữa những khiếm khuyết trong hệ tiền đình. Folate có trong rau màu xanh đậm như bông cải xanh, măng tây, đậu bắp, súp lơ…; Các loại hạt như hạt hướng dương, hạt hạnh nhân, đậu phộng…; Các loại đậu như đậu lăng, đậu đen, đậu xanh…

Ngoài ra, người bị RLTĐ nên ăn nhạt, tránh các thực phẩm nhiều đường và muối.

2. Những thực phẩm cần hạn chế khi bị rối loạn tiền đình

Người RLTĐ kiêng chất béo, nhất các thực phẩm như mỡ động vật (lợn, bơ, bò), kem sữa bò… Bởi vì khi nạp quá nhiều chất béo vào cơ thể sẽ khiến cholesterol trong máu tăng cao, ảnh hưởng đến quá trình điều trị bệnh.

Chỉ nên ăn thịt nạc, ăn ít thịt đỏ. Ăn thịt gia cầm thì nên bỏ da. Khi sử dụng sữa và các chế phẩm từ sữa nên chọn loại tách béo hoặc làm từ sữa gầy. Nên dùng ít các loại dầu cọ, dầu dừa, bánh kem, socola…

Đồng thời nên kiêng đồ uống có chứa chất kích thích như cafein bởi chúng sẽ làm triệu chứng ù tai ở người bị RLTĐ tăng lên. Rượu, bia cũng cần phải tránh vì sẽ tác động lên hệ thần kinh gây ra các cơn đau đầu, làm ảnh hưởng đến quá trình điều trị bệnh.

XIII. Phòng ngừa rối loạn tiền đình như thế nào?

Tập thể dục thường xuyên, xây dựng lối sống lành mạnh là cách tốt nhất để phòng ngừa rối loạn tiền đình

Để phòng ngừa hội chứng RLTĐ cách tốt nhất là thường xuyên tập thể dục thể thao. Đối với người làm việc văn phòng cần tránh ngồi quá lâu trước máy vi tính. Thường xuyên thực hiện các bài tập vận động vùng đầu, cổ gáy. Tập đẩy hơi vào 2 tai bằng cách dùng 2 bàn tay áp vào 2 bên tai mỗi ngày 50-100 lần.

Uống nước thường xuyên khoảng 2 lít/ngày, nên để ly nước lọc trên bàn làm việc để tập thói quen uống nước thường xuyên, tránh để quá khát mới uống nước.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X