Hotline 24/7
08983-08983

Vì sao phụ nữ trung niên dễ bị chóng mặt? Nguyên nhân và cách điều trị?

Chóng mặt là triệu chứng thường xuyên được than phiền bởi phụ nữ làm công việc văn phòng, công sở, nhất khi vượt ngưỡng 35 tuổi. Vậy vì sao phụ nữ dễ gặp phải trường hợp này hơn nam giới? Đâu là nguyên nhân? Câu trả lời đã được TS.BS Nguyễn Hồng Quân giải đáp trong bài viết sau.

1. Các loại chóng mặt, loại nào nguy hiểm nhất?

Chóng mặt là triệu chứng mà hầu như ai cũng gặp và cũng thường bị bỏ qua, trừ khi nó ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt. Xin BS cho biết chóng mặt có những kiểu/loại nào, trong đó kiểu/loại nào là nguy hiểm ạ?

TS.BS Nguyễn Hồng Quân trả lời:

Chóng mặt có nhiều loại khác nhau, có những loại chóng mặt rất dữ dội khiến bạn không thể nào đi lại và buộc phải đến bệnh viện ngay. Tuy nhiên, lại có những loại chóng mặt chỉ thoáng qua đôi khi làm chúng ta không để ý; chỉ đến khi nó gây ảnh hưởng sức khỏe lúc này người bệnh mới vội vàng đi khám.

Có nhiều cách phân loại chóng mặt, có loại khiến bạn cảm thấy trời đất như xoay vòng nhưng trên thực tế lại không có một loại chuyển động nào. Có loại chóng mặt thường được bệnh nhân mô tả như cảm giác choáng váng, chòng chành, bồng bềnh, cảm giác như đang rơi, đầu nhẹ tênh mất thăng bằng.

Chóng mặt do các bệnh lí của cơ quan tiền đình - cơ quan chịu trách nhiệm liên quan đến việc giữ thăng bằng hay những bệnh lí nội khoa khác ví dụ như: tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, tiểu đường, sốt, rối loạn chuyển hóa, bệnh lí về nhiễm độc hay một số loại thuốc bạn dùng,. Tuy nhiên các bác sĩ thường phân loại theo 2 nhóm:

  • Chóng mặt do bệnh lí tiền đình ngoại vi
  • Chóng mặt do bệnh lí tiền đình trung ương

Chóng mặt do bệnh lí tiền đình trung ương thường sẽ có nguy cơ gây nguy hiểm nhiều hơn vì liên quan đến các tổn thương của não; bệnh nhân cần phải được xử lí càng nhanh càng tốt.

TS.BS Nguyễn Hồng Quân -TS.BS Nguyễn Hồng Quân - BV Trung ương Quân đội 108

2. Dấu hiệu chóng mặt cần tới bệnh viện

Khi một người bị chóng mặt, ở mức độ nào họ nên nhanh chóng đi khám bệnh, và bắt đầu thăm khám từ khoa nào trong bệnh viện, thưa BS?

TS.BS Nguyễn Hồng Quân trả lời:

Chóng mặt bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, nhiều nhóm bệnh lí khác nhau; có thể là nhóm bệnh lí liên quan đến thần kinh, tai, tim mạch,… Nhưng phần lớn chóng mặt thường liên quan đến các bệnh lí thần kinh nhiều hơn.

Bệnh nhân khi có dấu hiệu chóng mặt thì trước tiên nên đến gặp gỡ bác sĩ chuyên khoa Thần kinh; bác sĩ sẽ định hướng xem triệu chứng này có liên quan đến tổn thương Thần kinh hay liệu rằng tình trạng chóng mặt là do một nguyên nhân bình thường khác, sau đó sẽ hướng dẫn bệnh nhân nên tiếp tục thăm khám ở chuyên khoa nào là phù hợp.

3. Nhận biết chóng mặt do rối loạn tiền đình

Hầu như nhắc đến chóng mặt là mọi người nghĩ ngay đến “rối loạn tiền đình”. Làm sao để phân biệt chóng mặt do rối loạn tiền đình và do các nguyên nhân khác, nhờ BS hướng dẫn?

TS.BS Nguyễn Hồng Quân trả lời:

Chóng mặt là một triệu chứng của quá nhiều nguyên nhân, có đến “vài chục” nguyên nhân có thể gây nên chóng mặt. Tuy nhiên các bác sĩ Thần kinh sẽ giúp bạn xác định được đâu là chóng mặt do nguyên nhân “rối loạn tiền đình”.

Tiền đình là một hệ thống bao gồm các cơ quan liên quan đến cảm nhận, định hướng giúp cho cơ thể nhận biết vị trí của mình trong không gian ba chiều ở tai trong đến đường dẫn truyền đi vào não; một số nhân tiền đình/ vùng trên não chịu trách nhiệm kiểm soát thăng bằng và các đường liên hệ của các vùng này. Khi có bất cứ một tổn thương nào ở hệ thống này đều có thể gây nên chứng rối loạn tiền đình.

4. Vì sao phụ nữ dễ mắc chứng chóng mặt?

Thưa BS, một nghiên cứu tại Mỹ cho thấy nữ giới mắc chứng chóng mặt cao hơn nam giới. Đây cũng là triệu chứng thường xuyên được than phiền bởi phụ nữ làm công việc văn phòng, công sở, nhất khi vượt ngưỡng 35 tuổi. Xin hỏi BS, vì sao phụ nữ dễ gặp phải trường hợp này hơn nam giới ạ? Đâu là nguyên nhân thưa BS?

TS.BS Nguyễn Hồng Quân trả lời:

Trên thực tế phụ nữ sẽ bị mắc chứng rối loạn tiền đình nhiều hơn nam giới, có rất nhiều nguyên nhân gây chóng mặt khiến tỉ lệ mắc ở nữ giới cao hơn nam giới rất nhiều ví dụ:

  • Cơn chóng mặt kịch phát theo tư thế lành tính (chiếm khoảng 40% nguyên nhân chóng mặt ngoại vi) tỉ lệ gặp phải ở nữ giới cao gấp 2-3 lần nam giới.
  • Nhóm bệnh migraine (migraine tiền đình - đau đầu kèm theo chóng mặt)
  • Chóng mặt do phát nguyên tâm lý, tỉ lệ nữ mắc cao hơn nam giới cũng rất nhiều.
  • Chóng mặt tâm lý sau cơn chóng mặt thực sự, có khoảng 20-30% bệnh nhân chóng mặt tâm lý kéo dài hàng tháng sau một cơn chóng mặt thực sự đã qua.

Sau khi nghiên cứu, tìm hiểu người ta đã nhận thấy có một số vấn đề liên quan đến tình trạng thay đổi nội tiết tố ở nữ; đặc biệt là thay đổi nội tiết tố vào giai đoạn tiền mãn kinh cũng sẽ ảnh hưởng khiến bạn dễ gặp phải cơn chóng mặt hơn.

5. Rối loạn tiền đình có thể chữa khỏi hoàn toàn?

Xin BS cho biết cơ chế của rối loạn tiền đình? Nó chiếm bao nhiêu % trong các nguyên nhân gây chóng mặt? Rối loạn tiền đình có thể chữa khỏi hẳn không ạ?

TS.BS Nguyễn Hồng Quân trả lời:

Rối loạn tiền đình hay chóng mặt có rất nhiều nguyên nhân gây nên, việc có thể chữa khỏi hay không còn tùy thuộc vào nguyên nhân gây nên tình trạng này. Có những bệnh lí hoàn toàn có thể chữa khỏi và hoàn toàn có thể dùng thuốc để kiểm soát; thậm chí một vài bệnh lý nếu phát hiện sớm còn có thể tránh được hậu quả lâu dài.

Nếu chỉ đơn thuần nhìn vào tình trạng đau đầu chóng mặt do rối loạn tiền đình và không xét đến nguyên nhân thì ngay cả khi bản thân hiểu rõ về nó, điều chỉnh lối sống, thực hiện các bài tập tiền đình, … thì đã có thể kiểm soát được khoảng 2/3 tình trạng chóng mặt, rối loạn thăng bằng từ đó bản thân người bệnh cũng sẽ đỡ bị ảnh hưởng bởi những nguyên nhân này gây nên. Quan trọng vẫn là người bệnh cần được phát hiện, tư vấn và kiểm soát tốt.

6. Chóng mặt có phải do thiếu máu lên não không?

Người bị chóng mặt cũng hay được chẩn đoán “thiếu máu lên não”, “thiểu năng tuần hoàn não”. Nhiều người băn khoăn không biết có nên tìm cho ra nguyên nhân gây thiếu máu lên não không? Xin được nghe ý kiến của BS.

TS.BS Nguyễn Hồng Quân trả lời:

Một số nguyên nhân có thể do tình trạng thiếu máu lên não gây ra rối loạn tiền đình. Tuy nhiên chúng ta cần nhận ra rằng trên 90% không liên quan gì đến lượng máu lên não. Có khoảng 10% bệnh nhân có các trường hợp cấp tính cần đến phòng cấp cứu; trong đó chỉ có khoảng 1% nhóm này có nguyên nhân liên quan đến bệnh lí mạch máu não.

Phần lớn chóng mặt do rối loạn tiền đình không liên quan lắm đến lượng máu lên não, tuy nhiên có khoảng độ vài phần trăm có liên quan đến bệnh lí mạch máu não. Những trường hợp này chúng ta cần được tầm soát và điều trị vì tuy rằng nó ít xảy ra nhưng vẫn tương đối nguy hiểm.

Trên thực tế trong cộng đồng mọi người hay gắn kết chúng lại với nhau, phần lớn người ta vẫn nghĩ là do thiếu máu lên não và họ luôn tập trung vào việc điều trị cải thiện tuần hoàn lên não, đây là một quan điểm điều trị không hợp lý.

7. Chóng mặt không điều trị có nguy hiểm và dẫn đến đột quỵ?

Nhiều người thường chủ quan, cứ chóng mặt nằm nghỉ thấy đỡ nên không đi khám bệnh. Xin BS cho biết chóng mặt nếu không điều trị có thể dẫn đến những tình trạng nguy hiểm gì? Chóng mặt có dễ dẫn đến đột quỵ không?

TS.BS Nguyễn Hồng Quân trả lời:

Tỉ lệ chóng mặt do đột quỵ khá thấp, khoảng tầm 1%. Tuy nhiên khoảng ¾ số bệnh nhân khi chóng mặt do một vài nguyên nhân tiềm ẩn lúc này bệnh nhân cần được khám để xác định rõ nguyên nhân, từ đó giúp kiểm soát bệnh và điều trị tốt hơn, chất lượng cuộc sống cũng từ đó mà thay đổi. Ngoài việc giải quyết nguyên nhân thì bản thân chóng mặt cũng gây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống, công việc của chúng ta.

8. Khi bị chóng mặt có thể uống thuốc Tanganil?

Khá nhiều người hễ bị chóng mặt thì ra tiệm thuốc tây mua thuốc Tanganil, cũng như khi đau đầu mọi người thường mua Paracetamol. BS có ý kiến thế nào về việc này ạ?

TS.BS Nguyễn Hồng Quân trả lời:

Cần nhìn nhận chóng mặt ở một góc độ rộng hơn. Khi chóng mặt thường có 2 tình huống xảy ra:

  • Thứ nhất trong tình huống bạn gặp phải một vài triệu chứng báo động cần đi khám ngay lập tức.
  • Thứ hai nên thu xếp thời gian đi khám xác định nguyên của chóng mặt để điều trị.

Việc điều trị chóng mặt sẽ có một loạt vấn đề được đặt ra:

  • Thứ nhất: điều trị nguyên nhân
  • Thứ 2: sử dụng một số loại thuốc chống chóng mặt.
  • Thứ 3: điều chỉnh lối sống, tập các bài tập liên quan đến tiền đình phù hợp.

Ở hệ thống tiền đình khi chúng ta bị chóng mặt, có thể do tín hiệu bị mất cân bằng (khi một bên bị tổn thương tín hiệu sẽ thay đổi) làm mất cân bằng khiến bệnh nhân bị chóng mặt. Để giảm triệu chứng này chúng ta cần làm cân bằng lại hệ thống.

Có 2 nhóm thuốc chống chóng mặt:

  • Ức chế tiền đình: khi sử dụng bệnh nhân sẽ cảm thấy đỡ chóng mặt nhưng nếu chúng ta dùng lâu dài, dùng không có đơn thuốc thì đôi khi nó lại làm cản trở quá trình phục hồi tiền đình vì thế chúng ta cần sử dụng khi có kê đơn.
  • Tanganil: hỗ trợ quá trình tự phục hồi cân bằng, bệnh nhân có thể dùng mà không cần kê đơn và tương đối dễ dàng.

9. Chóng mặt sau khi đi du lịch, làm sao khắc phục?

Có phải người huyết áp thấp dễ bị say xe, và triệu chứng say xe nặng hơn những người khác hay không ạ? Sau khi đi tàu xe, dù đã kết thúc chuyến đi nhưng một số người vẫn bị chóng mặt thêm một vài ngày. Có cách nào để tình trạng chóng mặt này mau kết thúc không, thưa BS?

TS.BS Nguyễn Hồng Quân trả lời:

Thứ nhất về trạng thái đi tàu xe bị chóng mặt, đôi khi sẽ gặp phải thêm một vài triệu chứng khác như: đầy bụng, khó chịu, da xanh tái, thậm chí có những người nặng hơn thì sẽ nôn ói, tụt huyết áp,… Nguyên nhân là do sự mất cân bằng giữa tín hiệu của cơ quan tiền đình; sự phối hợp giữa cảm nhận về các chuyển động và nhận tín hiệu từ mắt dẫn đến mất cân bằng của tiền đình khiến bạn cảm thấy bị say xe.

Có thể nhận thấy ở trẻ nhỏ hầu như không bị say xe, tình trạng này có xu hướng tăng lên theo tuổi, nhưng nếu ở người già thì triệu chứng này có thể giảm đi. Nguyên nhân có thể là do sự nhạy cảm của cơ quan tiền đình trong những tình huống như thế.

Vì mất đi sự tương xứng giữa chuyển động của cơ thể và cảm nhận của mắt; các tín hiệu đi vào não bị thay đổi mất cân bằng so với bình thường nên khiến bạn gặp phải tình trạng say xe. Để hạn chế tình trạng này bạn nên:

  • Uống 1 liều thuốc say xe trước khi đi tàu, xe
  • Ngồi ở những vị trí ghế trên
  • Khi mới lên tàu xe thì nên nhìn xa một chút; đừng đọc sách hoặc xem điện thoại ở khoảng gần.
  • Hạn chế sử dụng chất kích thích trước khi di chuyển.

Trường hợp sau khi xuống tàu xe nhưng vẫn gặp phải cảm giác say xe, đây được gọi là hội chứng xuống tàu. Những ai đi tàu trên biển lần đầu, đặc biệt là những chuyến đi dài ngày, sau khi xuống khỏi tàu sẽ dễ bị chóng mặt, triệu chứng này kéo dài nhiều ngày sau đó, đây được gọi là một bệnh lý khác không phải chóng mặt.

Trân trọng cảm ơn TanganilPierre Fabre đã đồng hành cùng chương trình.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X