Phương pháp và quy trình tầm soát ung thư cổ tử cung tại Bệnh viện Hùng Vương
Theo Bệnh viện Hùng Vương, kể cả khi chưa xuất hiện triệu chứng thì chị em vẫn nên tầm soát ung thư cổ tử cung để phát hiện bệnh hoặc nguy cơ mắc bệnh.Vậy nên tầm soát ung thư cổ tử cung từ khi nào và thực hiện ra sao? Câu trả lời sẽ có trong phần tư vấn của các chuyên gia sản phụ khoa ngay dưới đây.
1. Phụ nữ từ 21 - 65 tuổi nên tầm soát ung thư cổ tử cung
Phụ nữ từ độ tuổi nào cần tầm soát ung thư cổ tử cung, thưa BS? Việc tầm soát căn bệnh này sẽ có những điểm khác biệt nào giữa phụ nữ đã lập gia đình/có quan hệ tình dục với người chưa quan hệ tình dục; giữa người có yếu tố nguy cơ và người không có yếu tố nguy cơ ạ?
ThS.BS Huỳnh Thụy Thảo Quyên - Phó trưởng khoa Khám bệnh A, Bệnh Viện Hùng Vương trả lời: Theo quy định của Bộ Y tế, việc tầm soát ung thư cổ tử cung có thể thực hiện cho những phụ nữ từ 21 - 65 tuổi. Tuy nhiên, chỉ định có thể mở rộng cho bất cứ lứa tuổi nào, nếu người phụ nữ có nhu cầu, đặc biệt là phụ nữ trên 65 tuổi nhưng chưa từng tầm soát.
Phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung dành cho những người độc thân, chưa quan hệ tình dục và những người đã có gia đình có sự khác nhau. Những người chưa quan hệ tình dục ít có nguy cơ mắc bệnh hơn và luôn được tư vấn rất kỹ trước khi tầm soát theo yêu cầu. Những người đã lập gia đình tiến hành tầm soát ung thư cổ tử cung theo phương pháp thường quy.
Quy trình tầm soát ung thư cổ tử cung cho nhóm bình thường và nhóm có nguy cơ cao là như nhau. Bệnh nhân được khám, hỏi thông tin bệnh sử, mục đích đến khám. Quy trình gồm các bước dùng dụng cụ tử cung để bộc lộ rõ cổ tử cung, phết tế bào ở cổ tử cung.
3. Ba xét nghiệm thường quy tầm soát ung thư cổ tử cung
Hiện nay có những xét nghiệm nào được áp dụng để tầm soát ung thư cổ tử cung, thưa BS? Ưu và nhược điểm của mỗi phương pháp này là gì?
ThS.BS Huỳnh Thụy Thảo Quyên trả lời: Hiện nay có 3 phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung:
- Phết tế bào: Có thể dễ dàng áp dụng tại nhiều cơ sở y tế, phát hiện bệnh với độ chính xác cao, chi phí phải chăng. Tuy nhiên, nhân viên y tế cần phải được huấn luyện để có thể thực hiện xét nghiệm cũng như đọc kết quả. Bên cạnh đó, xét nghiệm này có độ âm tính giả cao.
- Xét nghiệm HPV khá đơn giản, có thể thực hiện đồng thời với phết tế bào, cho kết quả sàng lọc dự đoán giá trị âm tính cao và bệnh nhân có thể giảm tần suất cần đến bệnh viện. Tuy nhiên, chi phí của xét nghiệm này cao hơn phết tế bào ung thư cổ tử cung, giá trị dự đoán dương tính chỉ khoảng 36%, nghĩa là có khoảng 36% trường hợp nhiễm HPV dương tính có bất thường về cổ tử cung.
- Quan sát cổ tử cung sau bôi axit axetic là phương pháp khá đơn giản, thường được áp dụng ở những cơ sở y tế thuộc vùng sâu vùng xa, các bệnh viện tuyến chưa thể thực hiện 2 phương pháp kể trên.
3. Có phải nhiễm virus HPV là bị ung thư cổ tử cung?
Cụ thể, chỉ định và chống chỉ định trong xét nghiệm HPV là gì? Độ chính xác, tính an toàn của phương pháp này ra sao, thưa BS? Kết quả xét nghiệm HPV sẽ cho các chị em biết những thông tin gì ạ?
ThS.BS Huỳnh Thụy Thảo Quyên trả lời: Theo các nghiên cứu gần đây, HPV là nguyên nhân chính dẫn đến ung thư cổ tử cung, nhưng không đồng nghĩa rằng tất cả các trường hợp nhiễm HPV đều bị ung thư. Nguy cơ còn tùy theo type virus HPV.
Theo các báo có khoa học, với những trường hợp nhiễm virus HPV type 16, khoảng 36/100 người có bất thường cổ tử cung. Với type 18, tỷ lệ này khoảng 5/100. Những type khác, 12 nguy cơ khác có khoảng dưới 5% bất thường.
Tại Việt Nam có 2 xét nghiệm để tìm các virus nguy cơ cao gây ung thư: HPV DNA Cobas của và xét nghiệm HPV tìm RNA thông tin (tìm virus HPV đang họat động) - xét nghiệm Aptima.
Từ kết quả xét nghiệm có thể sàng lọc, phân nhóm bệnh nhân theo nguy cơ để xử trí.
Dưới 25 tuổi là nhóm tuổi bị nhiễm HPV nhiều nhất và cũng có khả năng đào thải HPV tốt nhất. Những trường hợp nhiễm HPV thoáng qua có thể tự đào thải được. Tại Việt Nam, xét nghiệm HPV thường được chỉ định cho phụ nữ từ 25 tuổi. Bệnh nhân dưới 25 tuổi thường áp dụng phết tế bào tử cung bất thường.
Các xét nghiệm sàng lọc giúp phân tầng nguy cơ của bệnh nhân, giúp bệnh nhân có chẩn đoán bệnh chính xác hơn.
4. Pap nhúng dịch có độ nhạy và độ đặc hiệu chính cao hơn Pap cổ điển
Trong xét nghiệm tế bào cổ tử cung, sự khác nhau giữa Pap cổ điển và Pap nhúng dịch là gì? Độ chính xác, tính an toàn của phương pháp này ra sao, thưa BS? Kết quả xét nghiệm sẽ cho các chị em biết những thông tin gì ạ?
BS.CK2 Huỳnh Xuân Nghiêm - Phó Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương: Tôi đã có hứng thú nghiên cứu về xét nghiệm tế bào cổ tử cung từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Chỉ cần lấy mẫu từ cổ tử cung, chúng ta có thể phát hiện được ung thư.
Về sau, tôi được bệnh viện tạo điều kiện để đi học nâng cao, từ đó có thêm kiến thức để giúp được nhiều người hơn. Tôi nhận thấy thực hiện phết tế bào âm đạo có rất nhiều ưu điểm, song vẫn tồn tại nhiều khuyết điểm.
Pap cổ điển thực hiện bằng cách dùng que gỗ lấy mẫu từ cổ trong và cổ ngoài của cổ tử cung của người phụ nữ, sau đó phết lên lam để xử lý và cho ra kết quả. Phết tế bào âm đạo có thể có những sai số, thường gặp là sai số kỹ thuật.
Chẳng hạn, trong ngày lấy mẫu, nếu người phụ nữ ra nhiều huyết trắng sẽ dẫn đến sai lệch số liệu. Đôi khi, sai sót đến từ mẫu phết không đạt, khiến kỹ thuật viên đọc kết quả không đúng. Chính vì thế, việc tuân thủ khi phết tế bào âm đạo là cực kỳ quan trọng để kết quả chính xác nhất, không gây phiền toái cho bệnh nhân.
Khuyết điểm lớn khác của Pap truyền thống là độ nhạy và độ đặc hiệu thấp. Từ thập niên 80, Pap nhúng dịch ra đời, khắc phục được những khuyết điểm thường gặp của Pap truyền thống.
Thay vì dùng que gỗ để lấy mẫu, đối với Pap nhúng dịch, kỹ thuật viên sử dụng chổi với cấu tạo gồm 2 phần ngắn và dài. Dụng cụ này giúp lấy hết những tế bào cổ trong lẫn cổ ngoài, đặc biệt là vùng chuyển tiếp - nơi dễ bị ung thư cổ tử cung nhất.
Như vậy, dù bệnh nhân quên chu kỳ kinh nguyệt hay quên những điều cần tuân thủ trước khi tầm soát ung thư cổ tử cung (không thụt rửa, không có huyết trắng, không đặt thuốc, không quan hệ tình dục...) có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm.
Qua hệ thống xử lý, các tế bào cặn bã, dơ, huyết trắng, máu sẽ lắng ở dưới. Bác sĩ chỉ lấy những tế bào cổ tử cung, tế bào bất thường.
Xét nghiệm Pap nhúng dịch đã được FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) công nhận là có giá trị cao hơn Pap truyền thống. Độ nhạy và độ đặc hiệu có thể lên đến hơn 90%, tại một số cơ sở có thể đạt 95 - 98%.
5. Tầm soát ung thư cổ tử cung trong độ tuổi nào?
Tần suất tầm soát ung thư cổ tử cung như thế nào cho mỗi giai đoạn, độ tuổi của người phụ nữ, thưa BS?
ThS.BS Huỳnh Thụy Thảo Quyên trả lời: Lứa tuổi tầm soát ung thư cổ tử cung được chia thành 3 nhóm:
- Nhóm 21 - 25 tuổi thực hiện phết tế bào tầm soát ung thư cổ tử cung để sàng lọc
- Nhóm 25 - 65 tuổi có 3 sự lựa chọn: phết tế bào, xét nghiệm HPV và phối hợp cả hai.
- Nhóm trên 65 tuổi ngưng tầm soát khi kết quả 2 lần phối hợp phết tế bào và xét nghiệm HPV âm tính trong 5 năm, hoặc 3 lần phết tế bào cổ tử cung có kết quả lành tính, hoặc 2 lần xét nghiệm HPV đầu tay.
Trường hợp có những bệnh lý liên quan đến tiền ung thư và ung thư cổ tử cung, bệnh nhân HIV cần tầm soát ung thư cổ tử cung suốt đời.
6. Chi phí tầm soát ung thư cổ tử cung tại Bệnh viện Hùng Vương
Nhờ BS chia sẻ thêm, quy trình tầm soát ung thư cổ tử cung tại Bệnh viện Hùng Vương gồm những bước nào, chi phí ra sao?
ThS.BS Huỳnh Thụy Thảo Quyên trả lời: Bệnh viện Hùng Vương luôn chào đón các chị em phụ nữ đến thăm khám và sàng lọc ung thư cổ tử cung. Bệnh viện đã tối ưu hóa quy trình để chị em dễ tiếp cận hơn.
Bệnh nhân chỉ cần điền phiếu thông tin khám bệnh và đóng chi phí tạm ứng, sau đó sẽ được bác sĩ trực tiếp khám, tư vấn các phương pháp sàng lọc ung thư cổ tử cung. Nếu không có chống chỉ định, bác sĩ sẽ tiến hành phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung tại phòng khám.
Bệnh nhân cũng được thực hiện các cận lâm sàng kèm theo. Khi có kết quả, bệnh nhân được nghe tư vấn trực tiếp.
Về chi phí tầm soát ung thư cổ tử cung tại Bệnh viện Hùng Vương:
- Phương pháp Pap cổ điển khoảng 360.000 đồng
- Phương pháp Pap nhúng dịch khoảng 580.000 đồng
- Phương pháp tìm virus gây ung thư cổ tử cung HPV Cobas khoảng 580.000 đồng.
- Xét nghiệm Aptima khoảng 750.000 đồng.
Một bệnh nhân chỉ cần khoảng hơn 300.000 đồng đã có thể sàng lọc ung thư cổ tử cung. Nếu có điều kiện để thực hiện các xét nghiệm có độ chính xác cao hơn, mức chi phí rơi vào khoảng 1 - 1,5 triệu đồng.
7. Nguyên tắc lựa chọn phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung
Thứ tự thực hiện các cận lâm sàng ra sao (trường hợp nào làm siêu âm; xét nghiệm HPV, PAP - hoặc khi nào cần kết hợp cả 2 loại này; khi nào cần sinh thiết…)?
ThS.BS Huỳnh Thụy Thảo Quyên trả lời: Với những phụ nữ trong lứa tuổi sinh sản tìm kiếm phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung với chi phí hợp lý, phết tế bào tử cung Pap cổ điển sẽ đảm bảo được mức độ sàng lọc cho mọi độ tuổi.
Nếu điều kiện kinh tế tốt hơn, có thể chọn phương pháp phết tế bào ung thư cổ tử cung và xét nghiệm tìm virus ung thư cổ tử cung, phù hợp với những người từ 25 - 65 tuổi. Chi phí dao động từ 1 - 1,5 triệu đồng.
Nếu chỉ có điều kiện làm 1 trong 2 xét nghiệm, lưu ý rằng xét nghiệm tìm virus HPV chỉ dành cho phụ nữ trên 25 tuổi, không áp dụng cho lứa tuổi nhỏ hơn. Bác sĩ sẽ tư vấn cho những người dưới 25 tuổi về phương pháp phết tế bào ung thư cổ tử cung, trường hợp phát hiện bất thường mới làm xét nghiệm tìm virus gây ung thư cổ tử cung. Nếu cả 2 kết quả đều có bất thường, bệnh nhân được chỉ định soi cổ tử cung.
Nếu kết quả phết tế bào cổ tử cung có bất thường như tổn thương mức độ thấp, tổn thương mức độ cao trong tế bào sẽ có chỉ định soi cổ tử cung.
Trường hợp phát hiện nhiễm virus HPV type 16, type 18 cũng có chỉ định soi cổ tử cung.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình