Hotline 24/7
08983-08983

Hiểu đúng tăng huyết áp - Sống vui khỏe bên gia đình

TS.BS Nguyễn Thị Mai Ngọc - Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, tăng huyết áp gây ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trên cơ thể, đặc biệt là tim mạch, não và thận. Để ngăn chặn, người bệnh nên tuân thủ dùng thuốc và chế độ sinh hoạt khoa học.

1. Việt Nam có tỷ lệ tăng huyết áp thuộc nhóm cao trên thế giới

Trước tiên, xin bác sĩ cho biết về thực trạng tăng huyết áp hiện nay của Việt Nam? Việt Nam đang đứng ở đâu trên bản đồ tăng huyết áp thế giới?

TS.BS Nguyễn Thị Mai Ngọc trả lời: Tăng huyết áp là một trong những vấn đề sức khỏe cộng đồng. Theo các dữ liệu của Bộ Y tế cho thấy, tỷ lệ người trưởng thành tăng huyết áp tại Việt nam khoảng 47%, tuy nhiên theo nhiều số liệu, người 30 - 79 tuổi có tỷ lệ chiếm đến tận 30%. Trong đó có 30% số người mắc bệnh được điều trị và chỉ có 13% được kiểm soát.

Điều đáng lo ngại là tăng huyết áp ngày càng phổ biến và gia tăng do thói quen, chế độ sinh hoạt có nhiều muối, nhiều chất béo, ít chất xơ, lối sống không lành mạnh như hút thuốc lá, sử dụng rượu bia, căng thẳng… Đó là những yếu tố đã đẩy Việt Nam từ một nước trong nhóm có tỷ lệ tăng huyết áp thuộc trung bình đến nhóm tỷ lệ cao trên thế giới như hiện nay.

2. Tăng huyết áp gây tổn thương nhiều bộ phận, cơ quan cơ thể nếu không kiểm soát

Tăng huyết áp có ảnh hưởng trực tiếp như thế nào đến sức khỏe toàn diện và tuổi thọ của bệnh nhân, thưa BS?

TS.BS Nguyễn Thị Mai Ngọc trả lời: Tăng huyết áp ảnh hưởng đến tuổi thọ của bệnh nhân thông qua việc làm tăng các biến chứng đến tim mạch như suy tim, nhồi máu cơ tim, đột quỵ. Tăng huyết áp có thể gây tổn thương não như xuất huyết não, thiếu máu não, gây ra bệnh thận mạn; gây tổn thương thị lực thông qua việc làm tổn thương các mạch máu ở võng mạc, do đó gây ra mù lòa. Ngoài ra, tăng huyết áp còn gây xơ vữa các mạch máu nhỏ như mạch chi, mạch cảnh, mạch tạng…

Tóm lại nếu tăng huyết áp không được kiểm soát có thể gây tổn thương rất nhiều bộ phận, cơ quan trong cơ thể: tim, não, thận, mắt, mạch máu ngoại vi… của người bệnh.

TS.BS Nguyễn Thị Mai Ngọc - Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai

3. Tim, não, thận là 3 bộ phận chịu tác động nặng nề do tăng huyết áp

Xin BS chia sẻ rõ hơn về mối liên quan mật thiết giữa tăng huyết áp và các bộ phận tim, não, thận, mắt, mạch máu ngoại vi… trên cơ thể ạ?

TS.BS Nguyễn Thị Mai Ngọc trả lời: Tăng huyết áp ảnh hưởng rất nhiều bộ phận khác nhau trong cơ thể, có thể do cách kết hợp hoặc riêng lẽ như: tim, não, thận, mắt, mạch máu ngoại vi bị ảnh hưởng nhiều nhất. Nhưng đặc biệt 3 bộ phận ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tăng huyết áp là tim, não, thận.

Đối với tim, tăng huyết áp có thể làm nhồi máu cơ tim, suy tim, đột quỵ và rối loạn nhịp.

Đối với não, tăng huyết áp làm áp lực dòng máu tác động lên thành mạch tăng dần, theo thời gian sẽ làm các mạch máu giãn dần ra, gây tổn thương lớp nội mạc mạch máu, tạo thành vi phình mạch nhỏ. Trong trường hợp tự nhiên, áp lực của dòng máu tăng lên đột ngột, cơn tăng huyết áp sẽ làm phình mạch vỡ ra. Cho thấy tăng huyết áp có thể làm tắc mạch não, vỡ mạch não.

Đối với thận, tăng huyết áp làm tổn thương các mạch máu tại cầu thận, gây ra bệnh thận mạn và cuối cùng dẫn tới suy thận mạn, bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo và ghép thận.

4. Phát hiện sớm tăng huyết áp cải thiện tiên lượng, chất lượng sống cho người bệnh

Nhờ BS chia sẻ vai trò quan trọng của việc phát hiện sớm và điều trị tăng huyết áp ạ?

TS.BS Nguyễn Thị Mai Ngọc trả lời: Đối với tất cả các bệnh, việc phát hiện, chẩn đoán sớm đóng vai trò then chốt. Vì khi phát hiện, chẩn đoán sớm, sẽ giúp cho việc nâng cao hiệu quả điều trị, cải thiện được tiên lượng, chất lượng sống cho người bệnh. Nếu người bệnh đóng vai trò chủ động, tích cực trong việc phát hiện, chẩn đoán bệnh sẽ có thể tự nhận thức và hiểu được tác hại căn bệnh đem lại. Đồng thời, mang lại nhiều lợi ích tích cực về phòng ngừa và giảm thiểu các biến chứng, nâng cao hiệu quả điều trị. Từ đó có thể làm cho cải thiện chất lượng sống, gánh nặng y tế do tăng huyết áp gây ra cho nền kinh tế y tế.

5. Ba nghịch lý trong điều trị tăng huyết áp

Những khó khăn trong việc điều chỉnh, kiểm soát huyết áp đối với cả bệnh nhân và các bác sĩ là gì ạ?

TS.BS Nguyễn Thị Mai Ngọc trả lời: Trong quá trình điều trị, tăng huyết áp có 3 nghịch lý.

Thứ nhất là tăng huyết áp chẩn đoán rất dễ vì bệnh nhân có thể tự biết bản thân tăng huyết áp nhờ máy đo, nhưng dễ bỏ qua vì tăng huyết áp diễn tiến âm thầm, không có biểu hiện. Vì nậy nếu không có thói quen kiểm tra huyết áp định kỳ, thường xuyên và đi khám sức khỏe định kỳ, bệnh nhân sẽ không biết bản thân bị tăng huyết áp cho đến khi có các biến chứng nghiêm trọng do tăng huyết áp gây ra.

Thứ hai, tăng huyết áp điều trị đơn giản nhưng không tuân thủ. Bởi vì bác sĩ chỉ cần cho thuốc có thể hạ được huyết áp, tuy nhiên sau khi hạ bệnh nhân ngưng thuốc, họ không hiểu được tăng huyết áp phải điều trị quá trình kéo dài, kiên nhẫn và uống liên tục.

Thứ ba, có rất nhiều thuốc huyết áp tốt nhưng việc kiểm soát huyết áp không hiệu quả. Có đến 47% người tăng huyết áp, 30% được điều trị nhưng chỉ có 13% kiểm soát được huyết áp. Cho đến nay, tăng huyết áp vẫn là nguyên nhân đầu tiên gây tử vong tim mạch vì không kiểm soát hiệu quả. Nguyên nhân do bệnh nhân ngại uống thuốc, do phải uống nhiều lần, nhiều viên trong nhiều khung giờ khác nhau, khiến người bệnh dễ quên, cảm thấy mặc cảm sức khỏe, tâm lý dẫn đến bỏ thuốc.

6. Thuốc huyết áp hiện nay chỉ cần uống duy nhất 1 viên, 1 lần/ngày

Hiện nay, các loại thuốc điều trị huyết áp hiện nay đã được cải tiến thế nào?

TS.BS Nguyễn Thị Mai Ngọc trả lời: Để kiểm soát được huyết áp, việc đầu tiên người bệnh cần tuân thủ điều trị uống thuốc. Để bệnh nhân đơn giản hóa việc uống thuốc, hiện nay đã phối hợp nhiều hoạt chất lại để giảm số lượng viên thuốc, làm sao bệnh nhân chỉ cần uống 1 lần 1 viên trong ngày, điều này giúp bệnh nhân dễ nhớ, không quên và tránh vấn đề ngại uống thuốc.

Mặt khác, khi gộp nhiều hoạt chất trong cùng một viên sẽ có một lợi điểm là giảm được tác dụng phụ của thuốc, tăng hiệu quả kiểm soát huyết áp nhiều hơn, giảm chi phí, vì đây cũng là yếu tố rất quan trọng đối với người bệnh, đặc biệt là người có thu nhập thấp.

7. Những điều cần lưu ý khi điều trị tăng huyết áp

Trong quá trình điều trị tăng huyết áp, bệnh nhân có những điểm nào cần tránh, thưa BS?

TS.BS Nguyễn Thị Mai Ngọc trả lời: Trong quá trình điều trị tăng huyết áp, bệnh nhân không được tự ý bỏ thuốc, dừng thuốc, điều chỉnh liều thuốc, dùng chung đơn thuốc với người khác. Ngoài dùng thuốc hạ huyết áp, bệnh nhân cần điều chỉnh lối sống và tái khám định kỳ theo đúng hẹn của bác sĩ.

8. Giờ uống thuốc phù hợp vào thời điểm tăng huyết áp trong ngày và loại thuốc sử dụng

Giờ uống thuốc hàng ngày có ảnh hưởng thế nào đến hiệu quả của việc dùng thuốc điều trị tăng huyết áp thưa BS?

TS.BS Nguyễn Thị Mai Ngọc trả lời: Vấn đề quan trọng là bệnh nhân phải uống thuốc vào một giờ nhất định, để đảm bảo được nồng độ thuốc duy trì trong máu ổn định, từ đó mới duy trì được huyết áp một cách ổn định và không biến thiên lên xuống thất thường. Huyết áp thay đổi theo nhịp sinh học, ban ngày khi làm việc huyết áp có xu thế cao lên, còn về chiều tối khi nghỉ ngơi huyết áp sẽ hạ xuống.

Vì vậy, đại đa số các bác sĩ khuyên bệnh nhân uống thuốc vào buổi sáng để kiểm soát được đỉnh huyết áp cao nhất trong ngày. Tuy nhiên có một số bệnh nhân, đỉnh huyết áp rơi vào chiều tối và sáng sớm hôm sau, những trường hợp này bác sĩ sẽ cho uống thuốc vào chiều tối. Qua đó cho thấy tầm quan trọng của việc bệnh nhân phải tự theo dõi huyết áp ở nhà, từ đó mới có thể hợp tác với bác sĩ để chọn cho mình giờ uống thuốc thích hợp nhất.

Bên cạnh đó, có một số loại thuốc nên cho uống vào buổi sáng như lợi tiểu, nếu loại thuốc này uống vào chiều tối dễ khiến bệnh nhân đi tiểu đêm nhiều, ảnh hưởng giấc ngủ.

Tóm lại, giờ uống thuốc hoàn toàn phụ thuộc vào đặc điểm giờ lên cơn tăng huyết áp của người bệnh vào thời điểm nào trong ngày và loại thuốc người bệnh sử dụng.

9. Uống thuốc huyết áp sáng hay tối đều có nguy cơ biến cố tim mạch như nhau

Một số bệnh nhân truyền miệng với nhau là uống thuốc vào buổi tối hiệu quả hơn ban ngày, thông tin này có đúng hay không, thưa BS?

TS.BS Nguyễn Thị Mai Ngọc trả lời: Có nhiều tranh luận về thời điểm uống thuốc huyết áp lúc nào sẽ mang lại lợi ích ngăn chặn được các biến cố tim mạch như nhồi máu cơ tim, đột quỵ cho bệnh nhân. Năm 2019 có một nghiên cứu lớn được công bố, thử nghiệm kết luận rằng nếu uống thuốc huyết áp vào buổi tối có thể hạ được thấp hơn 45% các bệnh nhân giảm nguy cơ biến cố tim mạch như nhồi máu cơ tim, đột quỵ. Từ thử nghiệm này các bệnh nhân thường được khuyên uống thuốc huyết áp vào buổi tối vì nghĩ rằng biến cố tim mạch thường xảy ra về nửa đêm, gần sáng.

Tuy nhiên, đến năm 2023, một nghiên cứu lớn công bố ở Hội Tim mạch châu Âu cho thấy, 2 nhóm uống thuốc huyết áp vào buổi sáng và buổi tối có biến cố tim mạch như nhau. Từ thử nghiệm này và một số thử nghiệm khác nhận thấy vấn đề nổi lên quan trọng nhất là việc tuân thủ điều trị tăng huyết áp của bệnh nhân, uống vào một giờ nhất định để đảm bảo cố định nồng độ thuốc trong máu, từ đấy làm cho biến thiên huyết áp ổn định, giảm huyết áp xuống thấp nhất.

Thời gian uống thuốc sẽ phụ thuộc vào đặc điểm của từng bệnh nhân, người bệnh cảm thấy thuận tiện nhất, không lo lắng, không thay đổi về sinh hoạt hàng ngày.

10. Tại sao bệnh nhân tăng huyết áp phải tái khám định kỳ?

Bên cạnh bệnh nhân bỏ thuốc, uống thuốc không đều, có nhiều bệnh nhân rất siêng uống thuốc, uống mãi toa thuốc bác sĩ kê, thậm chí mua thêm uống, không tái khám vì thấy huyết áp đã ổn định, điều này dẫn đến những nguy cơ nào, thưa BS?

TS.BS Nguyễn Thị Mai Ngọc trả lời: Tăng huyết áp không chỉ thay đổi theo chu kỳ sinh học ngày - đêm, mà còn có thể thay đổi bởi những yếu tố thông thường khác như cân nặng, tuổi tác và chế độ ăn uống, sinh hoạt hàng ngày, chỉ cần người bệnh ăn nhiều muối, chất béo cũng sẽ ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, tăng huyết áp còn đi kèm với các tình trạng bệnh lý khác như rối loạn mỡ máu, đái tháo đường (tiểu đường). Do đó, khi bệnh nhân đã uống theo một toa thuốc vẫn nên đi tái khám theo đúng hẹn của bác sĩ để kiểm tra lại các vấn đề: tác dụng phụ của thuốc, thay đổi về cơ thể, ảnh hưởng của chế độ ăn uống, sinh hoạt đến huyết áp. Đồng thời, bác sĩ sẽ tìm xem những ảnh hưởng liên quan đến tình trạng bệnh lý như đái tháo đường (tiểu đường) mới mắc, rối loạn lipid máu… những yếu tố này giúp bệnh nhân có thể kiểm soát và quản lý sức khỏe một cách toàn diện, hiệu quả hơn.

11. Nói KHÔNG với “lên thì uống, xuống thì ngưng” để tránh đột quỵ, suy tim…

Người bệnh thường có kiểu uống thuốc “Lên thì uống, xuống thì ngưng”, cách uống thuốc này sẽ ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe, thưa BS?

TS.BS Nguyễn Thị Mai Ngọc trả lời: Khuyến cáo bệnh nhân nên uống thuốc vào một giờ nhất định trong ngày, giúp nồng độ thuốc trong máu ổn định, kiểm soát sự dao động huyết áp một cách hiệu quả hơn, phòng ngừa được biến cố tim mạch.

Thứ hai, huyết áp cần một quá trình điều trị lâu dài, phải uống liên tục vì đây là bệnh mãn tính. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân uống theo kiểu “Lên thì uống, xuống thì ngưng” sẽ làm con số huyết áp dao động lên xuống thất thường. Từ đó, trở thành nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến các biến cố như: đột quỵ, nhồi máu cơ tim, khởi phát cơn đau thắt ngực.

Y học ngày càng tiến bộ, phác đồ mới và thuốc mới dần ra đời giúp người bệnh kiểm soát huyết áp hiệu quả, phòng ngừa biến có tốt hơn. Nếu “Lên thì uống, xuống thì ngưng” sẽ khiến bệnh nhân bỏ lỡ cơ hội sử dụng thuốc tốt, các phương pháp mới theo tiến bộ của y học và tự đặt mình vào các nguy cơ tiềm ẩn xảy ra biến cố tim mạch như nhồi máu cơ tim, đột quỵ, suy tim…

12. Bốn nguyên tắc khi dùng thuốc tăng huyết áp

Để ngăn chặn các nguy cơ về biến chứng tim mạch đối với bệnh nhân tăng huyết áp, đâu là những nguyên tắc bệnh nhân cần nhớ trong quá trình điều trị ạ?

TS.BS Nguyễn Thị Mai Ngọc trả lời: Khi bệnh nhân sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp, có 4 nguyên tắc chính mà bệnh nhân cần nhớ:

Thứ nhất, bệnh nhân chỉ uống thuốc huyết áp khi đã được chẩn đoán tăng huyết áp. Bởi vì thuốc huyết áp để hạ huyết áp xuống, nếu không tăng huyết áp mà dùng thuốc hạ huyết áp sẽ làm cho con số huyết áp quá thấp, dẫn đến thiếu máu não và gây đột quỵ.

Thứ hai, dùng đúng liều theo bác sĩ chỉ định để duy trì nồng độ thuốc huyết áp trong máu một cách ổn định để kiểm soát huyết áp không dao động lên xuống quá nhiều, từ đó phòng các biến cố nguy hiểm.

Thứ ba, uống thuốc đúng giờ.

Thứ tư, bệnh nhân không được tự ý ngưng thuốc, không dừng thuốc, không được dùng chung thuốc với người khác. Bên cạnh đó, nên điều chỉnh lại lối sống của mình.

13. NÊN và KHÔNG NÊN trong sinh hoạt hàng ngày ở bệnh nhân tăng huyết áp

Đối với bệnh nhân tăng huyết áp, lối sống và chế độ sinh hoạt hàng ngày đóng vai trò quan trọng như thế nào trong điều trị tăng huyết áp của các bệnh nhân, thưa BS?

TS.BS Nguyễn Thị Mai Ngọc trả lời: Nếu bệnh nhân tự chủ động cùng với bác sĩ trong quá trình điều trị, làm cho chất lượng và hiệu quả điều trị tốt hơn. Cụ thể, bên cạnh việc dùng thuốc hạ áp, nếu bệnh nhân điều chỉnh lối sống: dùng ít muối hơn (<5g muối/ ngày); dùng ít chất béo; không ăn đồ chế biến sẵn (thịt hun khói, thịt hộp, dưa, cà…); không uống rượu, bia; không hút thuốc lá; chất có cồn…

Người bệnh nên dùng rau xanh nhiều hơn, đặc biệt là rau màu xanh sẫm; thường xuyên vận động, tập thể dục, thời lượng tối thiểu 30 phút mỗi ngày, tối đa 5 ngày/tuần; tránh ngừng tập luyện 2 ngày liên tiếp. Đó là những yếu tố góp phần quan trọng trong việc giảm tăng huyết áp cùng với thuốc.

Cảm ơn TS.BS Nguyễn Thị Mai Ngọc - Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai và Công ty Gigamed đã đồng hành cùng AloBacsi thực hiện chương trình này.

Từ 10/10/2024, chuỗi chương trình “Chăm sóc sức khỏe toàn diện cho bạn và gia đình” do Liên chi Hội Lão Khoa TPHCM thực hiện với sự tài trợ của Công ty TNHH Dược phẩm Gigamed ra mắt như một món quà ý nghĩa, đáng tin cậy và kịp thời cho các gia đình Việt.

Chương trình sẽ gồm 15 số phát sóng, tập trung xoay quanh vào 4 chuyên khoa Thần kinh - Tim mạch - Hô Hấp - Cơ xương khớp. Mỗi chương trình với một chủ đề riêng biệt nhưng thiết thực, nhằm chia sẻ bí quyết, phương pháp chăm sóc sức khỏe hiệu quả, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, bạn sẽ được gặp gỡ và trò chuyện cùng các chuyên gia hàng đầu từ 2 miền Nam - Bắc. Mời Quý khán giả theo dõi các số phát định kỳ vào lúc 18h30 Thứ Năm hàng tuần.

 

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X