Thông tin cần biết trước khi tầm soát ung thư cổ tử cung
Nhận thức được tầm quan trọng của việc tầm soát ung thư cổ tử cung đối với sức khỏe sinh sản, nhưng trong quá trình tìm hiểu, chị em có nhiều thắc mắc không biết hỏi ai. Qua bài viết dưới đây, các chuyên gia từ Bệnh viện Hùng Vương mang đến cho bạn đọc AloBacsi những câu trả lời chi tiết, những thông tin hữu ích nhất về phương pháp sàng lọc này.
1. Ba rào cản lớn cản trở chị em tầm soát ung thư cổ tử cung
Trong quá trình thăm khám, BS nhận thấy đâu là các vấn đề khiến các chị em bối rối khi tầm soát ung thư cổ tử cung ạ? Và lời khuyên của BS cho những tình huống này là gì?
BS.CK2 Huỳnh Xuân Nghiêm - Phó Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương trả lời: Những chị em đi tầm soát ung thư cổ tử cung thường xấu hổ, có lẽ do văn hóa khiến người phụ nữ Việt Nam có phần e dè. Điều này dẫn đến bất lợi là sự che giấu, tâm lý tự ti không muốn đi khám bệnh.
Những trường hợp ra máu khi giao hợp hoàn toàn không hiếm gặp nhưng nhiều lúc bác sĩ phải gặng hỏi thì bệnh nhân mới thừa nhận. Ra máu bất thường khi quan hệ là một trong những dấu hiệu đầu tiên mà chị em phụ nữ cần đi tầm soát, khám bệnh.
Thứ hai, những phụ nữ trên 50 tuổi thường bỏ qua việc phải tầm soát ung thư cổ tử cung. Đây là quan niệm sai lầm.
Cuối cùng, nhiều phụ nữ mải chăm sóc chồng con mà bỏ qua các triệu chứng như huyết trắng hôi, huyết trắng có màu bất thường..., không đi khám mà chỉ sử dụng dung dịch vệ sinh.
Phụ nữ cần tự trang bị kiến thức, thông tin về sức khỏe phụ khoa để tự bảo vệ bản thân. Nhân viên y tế luôn sẵn sàng tư vấn, đồng hành và hỗ trợ các bạn. Xã hội đã hiện đại hơn, văn hóa hội nhập, chị em hãy mở rộng suy nghĩ, bỏ qua rào cản để nhận thức việc chăm sóc sức khỏe phụ khoa là một điều hết sức bình thường.
2. Cung cấp thông tin gì cho bác sĩ khi khám tầm soát ung thư cổ tử cung?
Khi đi tầm soát ung thư cổ tử cung, các chị em cần cung cấp những thông tin gì cho bác sĩ (tiền sử gia đình…)?
ThS.BS Huỳnh Thụy Thảo Quyên - Phó trưởng khoa Khám bệnh A, Bệnh Viện Hùng Vương: Thủ tục tầm soát ung thư cổ tử cung rất đơn giản. Bệnh nhân cần cung cấp thông tin tên tuổi, ngày kinh chót, tình trạng hôn nhân, các biện pháp ngừa thai đang sử dụng, tình trạng mãn kinh...
Đó là những thông tin hữu ích giúp bác sĩ lý giải được những bất thường, từ đó có kết quả tầm soát ung thư cổ tử cung chính xác.
3. Siêu âm, xét nghiệm, thử máu không phải là phương pháp sàng lọc ung thư cổ tử cung được ủng hộ
Nhiều chị em phụ nữ có cùng thắc mắc: khám phụ khoa, siêu âm, xét nghiệm máu có phát hiện được ung thư cổ tử cung không ạ? Bởi nhiều nơi quảng bá, chỉ với xét nghiệm máu có thể phát hiện được nhiều loại ung thư, trong đó có ung thư cổ tử cung.
ThS.BS Huỳnh Thụy Thảo Quyên trả lời: Theo nhiều báo cáo khoa học được công bố rộng rãi trên thế giới và tại Việt Nam, nhiễm HPV tại vùng quanh âm hộ, âm đạo, cổ tử cung sẽ có nhiều nguy cơ dẫn đến ung thư cổ tử cung.
Siêu âm, xét nghiệm, thử máu không phải là phương pháp sàng lọc ung thư cổ tử cung được ủng hộ. Các cận lâm sàng này thường thấy trong trường hợp bệnh lý ung thư cổ tử cung hoặc buồng trứng.
4. Đã cắt bỏ tử cung, có cần tầm soát ung thư cổ tử cung?
Bạn đọc AloBacsi gửi câu hỏi, đã cắt bỏ tử cung có cần sàng lọc ung thư cổ tử cung. Nhờ BS giải đáp.
ThS.BS Huỳnh Thụy Thảo Quyên trả lời: Trong trường hợp ung thư cổ tử cung do nhiễm HPV, vấn đề nhiễm HPV không chỉ nhiễm tại vị trí cổ tử cung mà còn ở vùng da âm hộ, âm đạo. Ngay cả khi đã cắt tử cung, vùng mỏm cắt trong âm đạo vẫn có khả năng bị nhiễm HPV. Do đó, tầm soát ung thư cổ tử cung vẫn được thực hiện cho những trường hợp đã cắt tử cung liên quan đến tiền ung thư, ung thư cổ tử cung.
Những trường hợp bị giảm miễn dịch do HIV cần tầm soát suốt đời. Bên cạnh đó, những trường hợp ung thư cổ tử cung vì nguyên nhân khác như u xơ, lạc nội mạc tử cung sẽ ngưng tầm soát khi bệnh nhân có 3 lần xét nghiệm Pap bình thường, hoặc 2 xét nghiệm co-testing hoặc xét nghiệm HPV đơn thuần cho kết quả bình thường.
5. Những điều cần làm để giảm cảm giác khó chịu khi tầm soát ung thư cổ tử cung
Xin hỏi BS, các phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung có an toàn, có gây đau đớn hay khó chịu cho người phụ nữ?
ThS.BS Huỳnh Thụy Thảo Quyên trả lời: Câu hỏi này gần như là thắc mắc chung của tất cả chị em đến tầm soát ung thư cổ tử cung. Để giảm bớt cảm giác khó chịu, chị em nên chọn thời gian phù hợp để tầm soát, tốt nhất là sau khi sạch kinh.
Bên cạnh đó, không được đặt thuốc trong 3 - 5 ngày, không quan hệ tình dục 2 ngày trước khi đi khám.
Đó là các điều kiện lý tưởng để thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung. Lúc này, cơ thể hoàn toàn không có vết thương nào, thủ thuật để phết tế bào tại cổ tử cung sẽ không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người phụ nữ.
Cảm giác khi phết tế bào chỉ nhẹ nhàng như dùng cọ đánh phấn trên da mặt, không đau đớn, không chảy máu và không ảnh hưởng đến sức khỏe. Chị em có thể quay lại làm việc bình thường ngay sau khi tầm soát.
6. Chưa quan hệ tình dục có cần sàng lọc ung thư cổ tử cung không?
Xin hỏi BS, chưa quan hệ tình dục có nên sàng lọc ung thư cổ tử cung không?
BS.CK2 Huỳnh Xuân Nghiêm trả lời: Đây là một câu hỏi hay và phù hợp với văn hóa Việt Nam. Năm 2008, tác nhân gây ung thư cổ tử cung được xác định là virus HPV. Từ thời điểm đó, nhiều giải pháp, khuyến cáo được đưa ra nhằm ngăn ngừa virus này.
HPV lây qua đường tình dục, do đó chỉ khi đã quan hệ tình dục thì mới có nguy cơ nhiễm HPV. Song, phải nhiễm kéo dài những type nguy cơ cao mới có nguy cơ ung thư cổ tử cung.
Mặc dù vậy, phụ nữ trẻ, độc thân hay những người lớn tuổi nhưng chưa quan hệ tình dục cũng nên đến các bệnh viện lớn chuyên về sản phụ khoa để được tư vấn, thăm khám, từ đó biết được những thông tin về tình trạng sức khỏe.
Khi nhận thấy bất kỳ bất thường nào về phụ khoa, các bạn nên tìm đến nhân viên y tế để được hỗ trợ, hướng dẫn cụ thể.
7. Đã tiêm ngừa HPV vẫn cần tầm soát ung thư cổ tử cung
Đã tiêm ngừa vắc xin HPV có cần tầm soát ung thư cổ tử cung không, thưa BS?
BS.CK2 Huỳnh Xuân Nghiêm trả lời: Đây cũng là một câu hỏi thường gặp vì các bạn đã bỏ một khoản chi phí khá lớn để tiêm ngừa. Khoảng 90% gây ung thư cổ tử cung là do HPV, điều này chúng ta có thể tầm soát được. Tuy nhiên, vẫn có 10% ung thư không do HPV.
Việc tiêm ngừa chỉ giúp phòng ngừa virus HPV, do đó, sau khi đã tiêm ngừa vẫn cần tầm soát ung thư cổ tử cung.
9. Hướng đến mục tiêu xóa bỏ ung thư cổ tử cung trong tương lai
Cuối cùng, bác sĩ có lời khuyên nào gửi gắm đến các chị em phụ nữ để việc thực hiện ung thư cổ tử cung mang lại kết quả tối ưu nhất cũng như các bí quyết theo dõi tại nhà để đi khám kịp thời, nhận diện được căn bệnh này sớm ạ?
ThS.BS Huỳnh Thụy Thảo Quyên trả lời: Thông điệp của tôi là hãy tầm soát ung thư cổ tử cung và nên tiêm vắc xin ngừa ung thư cổ tử cung. Tầm soát sẽ giúp phát hiện bệnh từ sớm, điều trị kịp thời.
BS.CK2 Huỳnh Xuân Nghiêm trả lời: Chị em phụ nữ có sức khỏe tốt là tiền đề để chăm sóc một gia đình hạnh phúc. Ước mơ của chúng tôi là định hướng đến năm 2030, TPHCM đạt mức 100% phụ nữ được tầm soát ung thư cổ tử cung và không có trường hợp nào phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn.
Trong tương lai, với phương pháp tầm soát cổ tử cung bằng công nghệ AI, mục tiêu này hoàn toàn trong tầm tay. Chúng tôi có thể đến tận những vùng sâu vùng xa, nơi những người phụ nữ chưa được chăm sóc y tế tốt. Khi độ phủ gia tăng, nhiều trường hợp sẽ được tầm soát, tiến tới xóa bỏ ung thư cổ tử cung tại TPHCM cũng như trên toàn quốc.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình