Thừa cân béo phì, suy dinh dưỡng và thiếu vi chất góp phần làm gia tăng gánh nặng bệnh tật trên toàn cầu
Đó là thông tin từ BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp - Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam, Chủ tịch LCH Dinh dưỡng Thực phẩm TPHCM tại Hội thảo Khoa học chủ đề “Hoạt chất sinh học: Tiềm năng dinh dưỡng và sức khỏe” diễn ra vào sáng 4/1/2025.
BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp - Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam, Chủ tịch LCH Dinh dưỡng Thực phẩm TPHCM cho biết: “Gánh nặng bệnh tật vẫn tiếp tục gia tăng trên toàn cầu”.
Với 4 vấn đề chính là: Gánh nặng dinh dưỡng gồm có thừa cân béo phì, suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng; Gánh nặng bệnh tật là các bệnh không lây nhiễm (chiếm khoảng 77%) và bệnh lây nhiễm; Già hóa dân số và an ninh dinh dưỡng - an ninh thực phẩm.
Ngoài ra, người bệnh không chỉ chịu đựng về gánh nặng bệnh tật mà còn áp lực về chi phí điều trị. Điều này được BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp thể hiện rõ trong bài báo cáo "Số người mắc và chết vì thừa cân béo phì nhiều hơn so với thiếu dinh dưỡng" tại Hội nghị Khoa học thường niên 2024 của Hội Y học.
Theo chuyên gia, có rất nhiều loại bệnh tật cần quan tâm như bệnh thận, bệnh lý răng miệng, đái tháo đường, bệnh phổi, bệnh lây qua đường tình dục, rối loạn sức khỏe tâm thần…
Trong đó, 6 nguyên nhân chính dẫn đến gia tăng gánh nặng sức khỏe gồm: Ô nhiễm không khí: Ô nhiễm không khí trong nhà liên quan đến bệnh lý tăng huyết áp và không khí lạnh cũng là một vấn đề; Các vấn đề stress và sức khỏe tâm thần có liên quan đến ung thư; Lạm dụng rượu; Ít hoạt động thể lực; Chế độ ăn không lành mạnh; Sử dụng thuốc lá.
BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp thông tin: “Đến năm 2025, có 9 mục tiêu toàn cầu để kiểm soát bệnh không lây nhiễm như giảm tỷ lệ tử vong sớm do bệnh không lây, bao phủ 80% các thuốc thiết yếu và các kỹ thuật can thiệp thiết yếu cho cộng đồng mắc bệnh không lây nhiễm, không tăng tỷ lệ mắc đái tháo đường… tuy nhiên tất cả đều không hoàn thành”.
Việc xây dựng nhiều bệnh viện, mở rộng quy mô không phải là giải pháp giúp thực hiện 9 yếu tố đã cam kết. Liên hiệp Quốc, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị các giải pháp cải thiện sức khỏe cần tập trung đồng bộ là: Các chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia và toàn cầu; Tăng cường đầu tư cho hệ thống y tế; Ban hành các chính sách giải quyết các yếu tố xã hội, thương mại và môi trường quyết định sức khỏe;
Sử dụng khung pháp lý và quy định để hạn chế tiếp thị các thực phẩm giàu chất béo, đường và muối; Tạo môi trường thuận lợi và hỗ trợ; Ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất thực phẩm có giá trị sinh học cao; Huấn luyện đào tạo cán bộ y tế, dinh dưỡng và thực phẩm; Truyền thông giáo dục.
Theo chuyên gia, 4 xu hướng thực phẩm năm 2025 là: Thực phẩm hữu cơ; Thực phẩm giá trị sinh học cao; Thực phẩm giảm chất béo, đường, muối; Thực phẩm chức năng.
Bên cạnh đó, cần ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất thực phẩm như giải pháp thay thế muối, đường; Giải pháp bổ sung Bioactive Compounds (hoạt chất sinh học), Fiber (chất xơ), Probiotic, Micronutrient (vi chất dinh dưỡng).
Hiện nay đã có nhiều văn bản quy định mới được ban hành nhằm mục tiêu bảo vệ và nâng cao sức khỏe cộng đồng và mở đường chuyên nghiệp hóa ngành dinh dưỡng và thực phẩm.
Trong đó có thể kể đến Thông tư số 29/2023/TT-BYT hướng dẫn nội dung, cách ghi thành phần dinh dưỡng, giá trị dinh dưỡng trên nhãn thực phẩm như sau:
- Nội dung ghi thành phần dinh dưỡng, giá trị dinh dưỡng trên nhãn thực phẩm: Năng lượng, chất đạm, carbohydrate, chất béo, natri.
- Nước giải khát, sữa chế biến cho thêm đường, thực phẩm cho thêm đường khác: Ghi 5 thành phần trên + đường tổng số.
- Thực phẩm được chế biến dưới hình thức chiên rán: Ghi 5 thành phần trên + chất béo bão hòa
- Thực phẩm không chứa hoặc có chứa thành phần dinh dưỡng nhưng giá trị dinh dưỡng của thành phần đó nhỏ hơn giá trị quy định tại phụ lục I của Thông tư này thì không bắt buộc ghi thành phần dinh dưỡng đó trên nhãn thực phẩm.
BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp nhấn mạnh: “Cần phối kết hợp chặt chẽ dinh dưỡng và thực phẩm để cùng thu hẹp khoảng cách với thế giới và cùng phát triển. Song song đó, cần cập nhật kiến thức liên tục để nâng cao năng lực và thực hiên nhiệm vụ với chất lượng cao”.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình