Hotline 24/7
08983-08983

Nhận diện các cơn ho ở trẻ cần phải đi khám, đến bệnh viện

Bản chất cơn ho là một phản xạ tự nhiên tốt cho cơ thể. Tuy nhiên, cơn ho có thể là dấu hiệu của rất nhiều bệnh lý, là mối lo của các bậc phụ huynh khi có con nhỏ. ThS.BS.CK2 Lý Kiều Diễm, Trưởng khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đã có những chia sẻ giúp phụ huynh phân biệt được các cơn ho ở trẻ.

1. Cơn ho nào là bất thường ở trẻ?

- Các chuyên gia chia sẻ ho là một phản xạ có lợi của cơ thể. Nhưng các bậc phụ huynh khi có con ho thì rất lo lắng sợ trẻ lên cơn sốt, bị nhiễm virus hay vi khuẩn nào đó. BS nhìn nhận vấn đề này như thế nào ạ?

ThS.BS.CK2 Lý Kiều Diễm trả lời: Cha mẹ thường rất lo lắng khi con ho, nóng lòng tìm cách làm cho con hết ho dẫn đến những hành động sai lầm khiến tình trạng của bé bị nguy hiểm hơn.

Ho là một phản xạ tự nhiên của cơ thể, phản xạ này đặc biệt có lợi đối với những trường hợp cần tống xuất những chất lạ như dịch nhầy làm viêm và cản trở đường thở. Trong trường hợp hóc phải dị vật, ho giúp tống dị vật ra khỏi đường hô hấp.

Tuy nhiên, trong trường hợp ho khiến trẻ mệt mỏi, suy hô hấp và khó thở, cần đưa trẻ đến bệnh viện đúng lúc.

2. Trẻ ho mức độ nhẹ có thể chăm sóc tại nhà

- Trong trường hợp con trẻ ho không quá đáng lo, cha mẹ cần làm gì cho trẻ? Cho trẻ uống nước hay mua một loại thuốc nào đó để giảm ho ạ?

ThS.BS.CK2 Lý Kiều Diễm trả lời: Khi trẻ ho thông thường, ho do dị ứng hoặc trẻ chỉ thỉnh thoảng ho để tống xuất đàm và vẫn vui chơi sinh hoạt bình thường, phụ huynh chỉ cần chăm sóc trẻ tại nhà.

Chúng ta có thể cho trẻ uống nhiều nước làm loãng đàm, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, giữ ấm cho trẻ, tránh trẻ tiếp xúc với khói bụi, động vật như chó, mèo, các chất kích thích gây ho cho trẻ.

Có thể mua những loại thuốc ho không ức chế đường hô hấp của trẻ. Không mua thuốc chứa kháng histamin, chỉ mua thuốc có chỉ định bác sĩ.

Nếu trẻ vẫn vui chơi, ăn uống, sinh hoạt bình thường, cha mẹ nên theo dõi tại nhà từ 3-5 ngày.

3. Những bệnh lý gây ho ở trẻ

- Ho là dấu hiệu chung của các bệnh gì liên quan đến đường hô hấp thưa BS?

ThS.BS.CK2 Lý Kiều Diễm trả lời: Ho là triệu chứng của nhiều bệnh.

Các virus hợp bào thường làm ho, sổ mũi từ 3-5 hoặc 7 ngày. Nếu cho trẻ uống nước, chăm sóc cẩn thận, bệnh sẽ tự diễn tiến và thoái lui.

Đối với những trường hợp nặng, vi khuẩn hô hấp đã xâm lấn xuống đường hô hấp dưới, trẻ có thể bị viêm phổi, viêm phế quản. Khi đó, trẻ ho nhiều hơn, tiếng ho nặng hơn, ho có đàm và có thể có thêm dấu hiệu mệt mỏi, thở nhanh, co kéo cơ hô hấp phụ, trở nên bứt rứt. Lúc này, chúng ta bắt buộc phải đưa trẻ đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế khám chuyên khoa.

Trẻ ho do bệnh lý nền khác như tim, do thuốc ức chế men chuyển trong quá trình điều trị cao huyết áp cũng cần được thăm khám ở các chuyên gia để đánh giá tình hình ho của trẻ.

4. Vệ sinh mũi họng hạn chế diễn tiến nghiêm trọng

- Nhiều phụ huynh chia sẻ rằng họ được khuyên vệ sinh mũi và họng cho con mỗi khi trẻ ho. Vì sao cần phải làm như vậy thưa BS?

ThS.BS.CK2 Lý Kiều Diễm trả lời: Đường hô hấp trên bao gồm mũi, hầu, họng. Rửa khoang mũi sạch sẽ để tống đi “vị khách không mời” như virus, vi khuẩn giúp thông thoáng đường thở, hạn chế tình trạng suy hô hấp do cản trở hô hấp.

Thứ hai, vệ sinh khoang miệng sạch vi khuẩn giúp tránh các tác nhân làm trẻ bội nhiễm.

Có trường hợp, ban đầu trẻ chỉ bị ho do dị ứng hoặc nhiễm siêu vi, bệnh có thể tự thoái lui. Tuy nhiên, chúng ta không giữ vệ sinh mũi họng cho trẻ, những vi khuẩn thường trú ở đây thừa cơ hội tấn công, làm cho trẻ bị nhiễm khuẩn nặng hơn.

Chúng có thể lan xuống đường hô hấp dưới gây phế quản, viêm tiểu phế quản bội nhiễm hoặc viêm phổi cho trẻ.

5. Trào ngược dạ dày thực quản gây ho ọc sữa ở trẻ sơ sinh

- Đối với nhiều trẻ nhỏ đặc biệt là các bé sơ sinh thì cha mẹ lo lắng khi con bị ho vào ban đêm và có thể ói ra sữa. Vì sao và làm gì để hạn chế được tình trạng này thưa BS?

ThS.BS.CK2 Lý Kiều Diễm trả lời: Chúng ta sẽ đặc biệt lưu ý khi trẻ sơ sinh bị ho vì thường liên quan đến tình trạng nhiễm khuẩn nặng, liên quan đường hô hấp dưới.

Trẻ sơ sinh có phản xạ ho kém, khi trẻ ho cần chú ý đến nguyên nhân nhiễm khuẩn, khả năng viêm phổi, đưa đến bệnh viện và khám chuyên khoa sơ sinh.

Trường hợp trẻ ho đêm bị ọc sữa, sau đó vẫn bú, ngủ, chơi bình thường, nguyên nhân thường gặp là trào ngược dạ dày thực quản. Triệu chứng này liên quan đến việc dạ dày chứa quá nhiều sữa, gây trào lên trên thực quản, kích thích phản xạ gây ho.

Lưu ý triệu chứng này chỉ xảy ra khi trẻ nằm hoặc em bé bú nhiều làm dạ dày đầy. Trào dịch sữa có thể gây ho và viêm phổi hít - một bệnh lý nặng đối với trẻ sơ sinh.

Khi phụ huynh nhận thấy dấu hiệu trẻ ho lúc nằm, hãy chia nhỏ cữ sữa, giảm lượng sữa khi gần đến giờ ngủ, để trẻ chơi 1-2 tiếng sau bú chờ tiêu sữa rồi cho đi ngủ. Sau khi bú, cho trẻ ngồi để ợ hơi hạn chế việc trào ngược.

Nếu trẻ vẫn bị trào ngược, vẫn ho, khò khè, đặc biệt với trẻ sơ sinh và tình trạng diễn tiến không giảm thì nên đưa trẻ đến bệnh viện chuyên khoa Nhi hoặc cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời.

6. Không dùng thuốc kháng histamin cho trẻ

- Một số phụ huynh dùng thuốc paracetamol khi trẻ bị sốt, vậy thì khi trẻ ho thì sao ạ? Nhiều trường hợp họ ra tiệm thuốc mua vài liều chờ lúc đi bệnh viện thì nên làm gì thưa BS?

ThS.BS.CK2 Lý Kiều Diễm trả lời: Thuốc ho rất đa dạng, cần nhận biết đúng loại thuốc trẻ cần dùng theo độ tuổi.

Ví dụ, không dùng các loại thuốc ức chế ho cho trẻ sơ sinh vì đa số các loại thuốc này chứa kháng histamin - gây ức chế cả hệ hô hấp, làm nặng hơn tình trạng suy hô hấp ở trẻ.

Trẻ cần được thăm khám và chỉ định cho thuốc từ bác sĩ.

Trong trường hợp trẻ nhiễm siêu vi, cơn ho không ảnh hưởng tới trẻ, chúng ta có thể cho trẻ uống thuốc thảo dược, loại thuốc này không gây ức chế thần kinh và ức chế hô hấp của trẻ, tương đối an toàn cho trẻ.

7. Những sai lầm phụ huynh cần tránh

- Có những sai lầm nào mà các bậc phụ huynh cần tránh thưa BS?

ThS.BS.CK2 Lý Kiều Diễm trả lời: Ở Việt Nam, việc chăm sóc trẻ có thể bị áp lực từ nhiều phía hoặc thường nghe mọi người truyền tai nhau các loại thuốc hay. Mỗi một đứa trẻ là một cơ địa khác nhau, một đơn thuốc không thể áp dụng cho tất cả các bé.

Một sai lầm thường gặp là cạo gió, cắt lễ, cho bé uống các loại thuốc gia truyền. Những cách làm này có thể làm tình trạng ho nặng thêm và có thể ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ. Thuốc không rõ nguồn gốc có thể gây hại đến cơ thể non yếu của trẻ như gây suy gan, viêm gan, suy thận để lại di chứng về sau.

Nếu việc ho ảnh hướng đến sinh hoạt bình thường của trẻ như ăn, ngủ không ngon, thở mệt, phụ huynh cần đưa trẻ đi khám bệnh để được chẩn đoán chính xác, uống đúng thuốc và mau hồi phục hơn.  

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X