Hotline 24/7
08983-08983

Rối loạn giấc ngủ sau đột quỵ: dấu hiệu nhận biết và phương pháp điều trị

Theo ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa - Trưởng khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Quân Y 175, rối loạn giấc ngủ là vấn đề thường mắc phải ở bệnh nhân sau đột quỵ. Tuy nhiên nếu đảm bảo được một giấc ngủ chất lượng sẽ là một trong các yếu tố quan trọng ngăn ngừa đột quỵ tái phát.

1. Giấc ngủ là một trong các yếu tố quan trọng giúp hồi phục sau đột quỵ

Giấc ngủ có vai trò như thế nào trong việc phục hồi sau một cơn đột quỵ, thưa BS?

ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa trả lời: Tình trạng rối loạn giấc ngủ sau đột quỵ diễn ra rất phổ biến, nhiều nghiên cứu cho thấy 1/2 số người sống sót sau đột quỵ đều mắc tình trạng này.

Giấc ngủ có vai trò rất quan trọng trong việc phục hồi sau đột quỵ như: tăng tính dẻo dai của hệ thần kinh và hồi phục trí nhớ cho người bệnh sau đột quỵ.

Một giấc ngủ đủ có thể giảm bớt triệu chứng liên quan đến trầm cảm, rối loạn lo âu sau đột quỵ. Nhấn mạnh, giấc ngủ chính là một trong các yếu tố quan trọng nhất giúp bệnh nhân hồi phục sau đột quỵ.

Một giấc ngủ có chất lượng tốt mang lại rất nhiều lợi ích khác nhau, giúp các neuron thần kinh, các tế bào não có thể tái cấu trúc, tạo ra các kết nối mới. Đồng thời giúp bệnh nhân phục hồi chức năng vận động và chức năng khác tại vùng não bị tổn thương do đột quỵ.

Bên cạnh đó, nếu giấc ngủ bị gián đoạn cũng ảnh hưởng đến quá trình hồi phục sau đột quỵ, gây ra một số vấn đề như hội chứng chân không yên, giấc ngủ gián đoạn thường xuyên…

2. Thế nào là giấc ngủ tốt và không tốt?

Giấc ngủ như thế nào sẽ tốt cho bệnh nhân sau đột quỵ, thưa BS?

ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa trả lời: Để đánh giá một giấc ngủ chất lượng của bệnh nhân sau đột quỵ cần có các yếu tố như: bệnh nhân ngủ thấy thoải mái vào buổi sáng thức dậy, có năng lượng sau khi ngủ dậy, tâm trạng tốt, không có vấn đề về lo âu, buồn chán, đầu óc tỉnh táo…

Một chất lượng giấc ngủ không tốt có thể nhận diện qua các dấu hiệu: khó khăn khi thức dậy buổi sáng, khó tập trung làm việc, khó chịu, trầm cảm, lo lắng về bất kỳ nguyên nhân nào, buồn ngủ vào ban ngày, ngáp liên tục, thói quen ngủ muộn vào những ngày nghỉ…

ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa - Trưởng khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Quân Y 175

3. Các tình trạng rối loạn giấc ngủ thường gặp ở bệnh nhân sau đột quỵ

Những vấn đề nào thường gặp liên quan đến sức khỏe của người bệnh, thưa BS?

ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa trả lời: Sau đột quỵ, bệnh nhân có thể bị rối loạn giấc ngủ, tình trạng bệnh nhân thường gặp như:

Mất ngủ: người bệnh phải đi đến phòng khám để kiểm tra vì họ không có khả năng đi vào giấc ngủ. Một số người bị ngủ nhiều, nhưng phần lớn bệnh nhân sau đột quỵ sẽ gặp vấn đề về giấc ngủ, đôi khi vấn đề này làm bệnh nhân không ngủ đủ giấc và cảm thấy buồn ngủ nhiều hơn trong ngày.

Rối loạn nhịp thở liên quan đến giấc ngủ: nhịp thở của bệnh nhân không liên tục trong lúc ngủ, bị gián đoạn bởi các kiểu thở bình thường. Một số người có thể biết đến triệu chứng ngưng thở khi ngủ với dấu hiệu phổ biến như ngáy, tiếng thở hoặc lưu lượng thở giảm. Ngáy và ngưng thở là tình trạng thường gặp nhất trong vấn đề rối loạn nhịp thở liên quan đến giấc ngủ.

Rối loạn chu kỳ thức ngủ: Đây là chu kỳ liên quan đến 24 giờ. Thông thường, một người bình thường sẽ có 16 giờ thức và 8 giờ ngủ, rối loạn chu kỳ thức ngủ bị kiểm soát bởi nhịp sinh học của cơ thể. Về cơ bản, xu hướng này sẽ hằng định, do đó những bệnh nhân sau đột quỵ có thể mắc rối loạn chu kỳ thức ngủ.

Rối loạn nhịp thở và rối loạn chu kỳ thức ngủ là các rối loạn giấc ngủ thường gặp nhất ở bệnh nhân sau đột quỵ.

4. Các dấu hiệu nhận biết rối loạn giấc ngủ ở bệnh nhân sau đột quỵ

Dấu hiệu nào cho thấy bệnh nhân bị rối loạn giấc ngủ sau đột quỵ và cần thăm khám để điều trị kịp thời ạ?

ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa trả lời: Với từng loại rối loạn giấc ngủ sẽ có các triệu chứng tương ứng, cụ thể:

Mất ngủ: là loại rối loạn giấc ngủ thường xuyên và phổ biến nhất. Trước khi đến các phòng khám, bệnh nhân và người thân cần cung cấp tiền sử giấc ngủ đầy đủ bao gồm: trạng thái thể chất, cảm xúc và các loại thuốc đang sử dụng.

Dấu hiệu nhận biết mất ngủ là bệnh nhân than phiền về việc thức giấc ít nhất 30 phút và hơn 30 lần mỗi tuần. Các triệu chứng này nếu ít hoặc nhiều hơn 3 tháng sẽ giúp bác sĩ phân loại đó là mất ngủ ngắn hạn hay mất ngủ mạn tính.

Ngủ nhiều: vấn đề này cũng gây ảnh hưởng đến đột quỵ. Theo các nghiên cứu cho thấy với những bệnh nhân rối loạn giấc ngủ sau đột quỵ ở dạng ngủ nhiều, sau khi loại trừ các yếu tố nhiễu và bệnh nhân ngủ nhiều hơn 9 tiếng mỗi ngày được xem là ngủ nhiều.

Rối loạn nhịp thở: điển hình là hội chứng ngưng thở khi ngủ, ví dụ bệnh nhân có thở ngáy, gián  đoạn về thở. Ngoài ra còn một số rối loạn giấc ngủ khác như gặp ác mộng, hội chứng chân không yên… Trong đó, hội chứng chân không yên cũng là một trong các biểu hiện của rối loạn giấc ngủ, chân của người bệnh cần phải được chuyển động liên tục. Như vậy nếu bệnh nhân bị hội chứng chân không yên trong chu kỳ ngủ sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.

5. Các yếu tố ảnh hưởng đến giấc ngủ bệnh nhân sau đột quỵ

Sau một cơn đột quỵ, những yếu tố nào có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ người bệnh, khiến họ không thể vào giấc ngủ sâu hoặc bị ngủ chập chờn, thưa BS?

ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa trả lời: Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ như: thể chất, y tế (bệnh kèm theo: hen suyễn, loét dạ dày…), tâm thần kinh (trầm cảm, rối loạn lo âu, môi trường gồm không gian ngủ hoặc sử dụng rượu, bệnh nhân làm việc ca đêm có nguy cơ xáo trộn đồng hồ sinh học, di truyền ngủ rũ, thuốc đang sử dụng… Đặc biệt là người bệnh cao tuổi, hoặc người khỏe trên 60 tuổi cũng có thể mắc một số vấn đề về rối loạn giấc ngủ, yếu tố này liên quan đến lão hóa hoặc tuổi tác.

6. Các phương pháp điều trị rối loạn giấc ngủ cho bệnh nhân sau đột quỵ

Hiện tại, y khoa đã có những phương pháp nào để điều trị vấn đề rối loạn giấc ngủ sau đột quỵ? Khả năng thành công là bao nhiêu và mất bao lâu thời gian để điều trị?

ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa trả lời: Vấn đề này được rất nhiều người quan tâm khi tới các phòng khám chuyên khoa, tuy nhiên phương pháp điều trị rối loạn giấc ngủ là điều trị đa mô thức, nếu chỉ trông chờ vào thuốc sẽ rất khó khăn, do đó có một số phương pháp cải thiện giấc ngủ như sau:

Thư giãn tâm trí và cơ thể, đây là yếu tố quan trọng, bệnh nhân cần tạo thói quen tốt trước khi đi ngủ. Đồng thời thực hiện các bài tập thư giãn tâm trí như thiền, tập thở như yoga nếu có thói quen đó trước khi bị đột quỵ.

Cải thiện luồng không khí và hơi thở. Đối với nhóm bệnh nhân có rối loạn ngưng thở khi ngủ thì phương pháp điều trị là máy CPAP (cung cấp áp lực dương liên tục). Máy CPAP cung cấp luồng khí nhỏ có thể xảy ra khi bệnh nhân ngủ. Tuy nhiên không phải bệnh nhân nào cũng đáp ứng với máy CPAP do đó cần các phương pháp bổ sung như nhét ống nhỏ để ngăn tình trạng nghiến răng, đây là can thiệp đơn giản có thể thực hiện tại nhà.

Nếu đã sử dụng CPAP hay các can thiệp cơ bản không có tác dụng, bệnh nhân cần được thực hiện các can thiệp chuyên sâu hơn để nới rộng đường thở.

Ngoài ra, có thể sử dụng liệu pháp ánh sáng ngay tại nhà. Với nhóm bệnh nhân rối loạn chu kỳ thức ngủ sẽ có cách tiếp cận khác nhau, trong đó liệu pháp ánh đã được nghiên cứu. Cách thức thực hiện như sau:

Bệnh nhân tiếp xúc ánh sáng mặt trời khoảng 30 phút mỗi ngày vào buổi sáng thức dậy, việc tiếp xúc với ánh sáng chói sẽ giúp cơ thể thiết lập lại đồng hồ sinh học, từ đó người bệnh có thể quay trở lại chu kỳ thức ngủ bình thường.

Ngoài ra có thể sử dụng hormon melatonin, là một giải pháp hữu ích để thiết lập lại đồng hồ sinh học bên trong cơ thể. Bình thường, melatonin tiết ra tuyến tùng trong não, melatonin giúp kiểm soát đồng hồ sinh học, giúp bệnh nhân đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn.

Như vậy với những bệnh nhân bị rối loạn giấc ngủ, đôi khi việc cung cấp, bổ sung melatonin giúp bệnh nhân dễ dàng đi ngủ hơn.

Cuối cùng, khi đã áp dụng tất các các phương pháp tại chỗ, phương pháp cải thiện cảm xúc, tâm trí… nhưng vẫn không thể có một giấc ngủ ngon, cần đi khám chuyên sâu, bác sĩ sẽ đưa ra và kết hợp phương pháp điều trị để bệnh nhân có một giấc ngủ chất lượng hơn.

7. Ngủ quá 9 tiếng một ngày làm tăng nguy cơ tái phát đột quỵ

Ngoài các tình trạng rối loạn giấc ngủ đã nêu trên, bệnh nhân còn có các tình trạng ngủ ngon, ngủ quá mức, li bì sẽ ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe bệnh nhân, thưa BS?

ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa trả lời: Ngủ li bì không được đánh giá là giấc ngủ rất ngon. Một giấc ngủ ngon được xác định khi ngủ đủ và sảng khoái. Vấn đề ngủ nhiều không được quá  nhiều người quan tâm, nhưng nếu xuất hiện tình trạng này với dấu hiệu ngủ nhiều hơn 9 tiếng cần được đánh giá lại giấc ngủ.

Những vấn đề xảy ra nếu bệnh nhân ngủ quá nhiều là: suy giảm nhận thức; tăng quá trình viêm, đau; thậm chí ngủ quá nhiều có thể làm suy giảm khả năng sinh sản; tăng nguy cơ béo phì, mắc bệnh tiểu đường… Ngoài ra với nhóm bệnh nhân đột quỵ, nếu ngủ quá nhiều sẽ làm tăng tiết đột quỵ cho lần sau.

Với các nguy cơ cộng gộp tăng cao sẽ khiến tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân cộng gộp tăng cao hơn. Như vậy nếu người nhà sau đột quỵ có tình trạng ngủ quá nhiều (>9 tiếng/ngày) cần xem lại chất lượng giấc ngủ của bệnh nhân, tình trạng gián đoạn giấc ngủ, lý do ngủ nhiều… 

8. Mẹo cải thiện giấc ngủ và ngăn ngừa đột quỵ tái phát

Nhờ BS hướng dẫn mẹo hay giúp bệnh nhân cải thiện giấc ngủ và ngăn ngừa nguy cơ tái đột quỵ ạ?

ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa trả lời: Để có một giấc ngủ ngon, đầu tiên cần thay đổi thói quen, cố gắng thiết lập thói quen ngủ, thức đúng giờ.

Thứ hai, cố gắng vận động nhiều hơn trong ngày như đi bộ, tập thể dục sẽ giúp ngủ ngon hơn.

Thứ ba, phơi nắng và phơi ánh sáng mỗi ngày. Đây là điều căn bản nhưng rất ít người bị các vấn đề liên quan đến rối loạn giấc ngủ có thể thực hiện.

Thứ tư, nếu ở những nơi ồn ào vào ban đêm, có thể dùng tai đeo chống ồn để đảm bảo môi trường và giấc ngủ được yên tĩnh.

Thứ năm, giữ cho không gian ngủ tối, có thể dùng rèm cửa để ngăn ánh sáng, không gian ngủ tối, yên tĩnh, không khí đảm bảo giúp giấc ngủ ngon hơn.

Thứ sáu, bỏ thói quen sử dụng các thiết bị điện tử trước ngủ 30 phút. Ví dụ lướt mạng, xem tin nhắn… thì nên ngưng trước khi ngủ ít nhất 30 phút, thay vào đó có thể đọc sách, tắm nước ấm trước khi ngủ.

Thứ bảy, để căn phòng chỉ là không gian ngủ, tránh tivi, đồ ăn đặt xung quanh cũng có thể gây ảnh hưởng giấc ngủ.

Nếu thực hành đúng tất cả các việc trên sẽ có một giấc ngủ chất lượng, từ đó ngăn ngừa tái phát đột quỵ.

Lưu ý, để ngăn ngừa đột quỵ tái phát, ngoài chất lượng giấc ngủ bệnh nhân còn cần tuân theo toa thuốc của bác sĩ, thuốc ngăn ngừa đột quỵ, thuốc kiểm soát huyết áp, mỡ máu, tiểu đường… tái khám và đánh giá định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ. 

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X