Hotline 24/7
08983-08983

Các vấn đề tiêu hóa thường gặp ở bệnh nhân sau đột quỵ và cách xử trí

ThS.BS.CK2 Vũ Quốc Bảo - Khoa Nội Tiêu hóa, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TPHCM) cho biết, bệnh nhân sau đột quỵ thường gặp phải các vấn đề ở đường tiêu hóa như trào ngược thức ăn, hít sặc, đầy hơi, tiêu chảy... Mời bạn đọc AloBacsi theo dõi bài viết dưới đây để biết cách xử trí các tình huống xảy ra với người bệnh tại nhà.

1. Chế độ ăn của hai nhóm bệnh đột quỵ không khác nhau

Chế độ ăn của nhóm bệnh nhân sau đột quỵ thiếu máu não và đột quỵ xuất huyết não có gì khác nhau, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Vũ Quốc Bảo trả lời: Cơ chế chính của đột quỵ, dù là thiếu máu não hay xuất huyết não, đều liên quan đến huyết áp tăng lên quá cao, mỡ máu... Chúng ta hoàn toàn có thể cải thiện các yếu tố này qua chế độ ăn.

Chế độ ăn của hai nhóm bệnh này không có khác biệt đáng kể.

2. Khi nào bệnh nhân sau đột quỵ cần nuôi ăn qua sonde dạ dày?

Cần lưu ý những vấn đề gì khi chăm sóc người bệnh bị rối loạn nuốt sau đột quỵ, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Vũ Quốc Bảo trả lời: Sau đột quỵ, nhiều bệnh nhân gặp vấn đề rối loạn nuốt. Có thể kiểm tra tình trạng nặng hay nhẹ bằng cách đút cho bệnh nhân 1, 2 muỗng nước.

Nếu bệnh nhân có thể nuốt một ít, vẫn có thể cho bệnh nhân ăn bằng đường miệng. Người nhà thường nghĩ phải cho bệnh nhân ăn thức ăn thật lỏng nhưng thức ăn càng lỏng càng dễ gây sặc. Thức ăn nên ở dạng nửa đặc (không quá lỏng) hoặc cắt hạt lựu. Một lưu ý khác là không nên thay đổi độ đặc của thức ăn đột ngột để bệnh nhân có thể làm quen dần.

Nếu bệnh nhân không thể nuốt được nước hoặc bệnh nhân cứ ngậm nước trong miệng, bắt buộc phải ăn qua sonde dạ dày. Nhân viên y tế sẽ đặt một ống thông từ mũi xuống dạ dày và nuôi ăn qua đường ống này.

3. Những điều cần lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân nuôi ăn qua ống sonde

Người nhà bệnh nhân cần lưu ý những vấn đề gì khi chăm sóc người bệnh cần nuôi ăn qua sonde dạ dày, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Vũ Quốc Bảo trả lời: Trước khi xuất viện, người nhà nên hỏi điều dưỡng về việc người bệnh có thể sử dụng bao nhiêu ml thức ăn trong 1 lần. Nếu cho quá nhiều thức ăn vào sonde dạ dày, rất dễ gây trào ngược khiến bệnh nhân bị hít sặc và dẫn đến viêm phổi hít. Đây là biến chứng vô cùng nặng nề ở bệnh nhân sau đột quỵ.

Thứ hai, sau khi ăn xong, cần bơm khoảng 50cc nước để làm sạch ống thông, đẩy đi bã hoặc cặn thức ăn còn đọng ở đoạn cuối của sonde, nếu không sẽ gây tắc ống sonde. Trường hợp bị tắc ống sonde, bệnh nhân cần được thay ống mới.

Thứ ba, ống sonde có 2 đầu vòi. Một đầu để bơm hơi cố định ống sonde, đầu còn lại để nuôi ăn. Tôi đã gặp nhiều trường hợp người nhà cho ăn nhầm đầu ống khiến bệnh nhân không nhận được thức ăn. Nên hỏi kỹ điều dưỡng sau đó đánh dấu đầu nuôi ăn để tránh tình huống nhầm lẫn.

Khi cho bệnh nhân ăn qua ống sonde, phải nâng cao đầu giường hoặc đỡ bệnh nhân ngồi dậy, tư thế từ 45 độ trở lên để không gây trào ngược sau khi ăn. Bệnh nhân không được nằm ngay sau khi ăn, phải ngồi từ 15 - 30 phút.

Tôi muốn nhấn mạnh, ống sonde là một phương tiện cho ăn rất tốt và tiện cho người nhà. Tuy nhiên, cho ăn quá nhiều và không đúng cách sẽ dễ gây biến chứng trào ngược và viêm phổi hít.

Một trường hợp khác là bệnh nhân khó chịu nên giật ống sonde. Người nhà nên lưu ý.

4. Hai lưu ý quan trọng để bệnh nhân đột quỵ không bị trào ngược khi ăn

Trào ngược thức ăn là một trong những vấn đề có thể gặp phải ở người bệnh sau đột quỵ. Để hạn chế tình trạng này, người chăm sóc và người bệnh cần chú ý những điều gì, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Vũ Quốc Bảo trả lời:  Đầu tiên là về lượng thức ăn trong một lần cho ăn, đừng nhiều hơn so với khuyến cáo của bệnh viện trước khi xuất viện. Khi cho ăn quá nhiều, bao tử của bênh nhân căng ra, dễ bị trào ngược.

Thứ hai, trong lúc cho ăn và sau khi ăn, bệnh nhân phải được đặt ở tư thế ngồi để có thể tiêu hóa được thức ăn. 

5. Dùng thuốc để giảm tình trạng đầy hơi cho bệnh nhân sau đột quỵ

Xin hỏi BS, làm thế nào để hạn chế tình trạng đầy hơi dạ dày trên bệnh nhân sau đột quỵ?

ThS.BS.CK2 Vũ Quốc Bảo trả lời: Đầu tiên phải điều chỉnh chế độ ăn, thay bằng các thực phẩm dễ tiêu hóa và cho ăn với lượng không nhiều quá.

Nếu đã điều chỉnh chế độ ăn mà bệnh nhân vẫn tiếp diễn tình trạng đầy hơi, khó tiêu, có thể sử dụng một vài loại thuốc như men vi sinh, men tiêu hóa giúp phân cắt thức ăn để bệnh nhân dễ hấp thu hơn.  Ngoài ra còn nhóm thuốc tăng nhu động đường ruột, giúp ích cho quá trình tiêu hóa thức ăn.

Nhóm thuốc thứ ba có tác dụng gom hơi trong đường ruột để bệnh nhân dễ tiêu hóa hơn.

ThS.BS.CK2 Vũ Quốc Bảo - Khoa Nội Tiêu hóa, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TPHCM)

6. Điều trị tiêu chảy cho bệnh nhân sau đột quỵ như thế nào?

Nhiều bệnh nhân sau đột quỵ rất dễ bị tiêu chảy, người chăm sóc nên xử trí như thế nào? bệnh nhân có thể dùng men vi sinh, men tiêu hóa không và dùng với liều lượng như thế nào, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Vũ Quốc Bảo trả lời: Tiêu chảy ở bệnh nhân sau đột quỵ xử trí tương tự khi người lớn tuổi có bệnh nền, nguy cơ cao và bị tiêu chảy. Có thể sử dụng thuốc cầm tiêu chảy trong 1 ngày đầu.

Nhưng nếu bệnh nhân tiêu chảy kéo dài sang ngày thứ hai, cần phải liên hệ với bác sĩ để được thăm khám. Bệnh nhân tiêu chảy kèm đi ngoài ra máu, sốt, cần được thăm khám càng sớm càng tốt.

Men vi sinh là thuốc hỗ trợ điều trị tiêu chảy. Bên cạnh đó, để cầm tiêu chảy thường cần đến các loại thuốc làm đặc phân. Men vi sinh vẫn có thể sử dụng cho bệnh nhân sau đột quỵ bị tiêu chảy, nhưng cần sử dụng cách xa thuốc kháng sinh ít nhất 2 tiếng.

Ngoài ra, không được sử dụng men vi sinh cùng với các loại thuốc có tác dụng phủ niêm mạc đường ruột ít nhất 1 tiếng.

7. Những biểu hiện cảnh báo cần đưa người bệnh sau đột quỵ trở lại bệnh viện

Tại nhà, những dấu hiệu nào cho thấy người bệnh gặp phải các vấn đề tiêu hóa, cần phải trở lại bệnh viện để kiểm tra ngay, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Vũ Quốc Bảo trả lời: Bệnh nhân bị tiêu chảy ra nhớt, tiêu chảy ra máu là những trường hợp cần được thăm khám càng sớm càng tốt.

Tiêu chảy nhưng không sốt, không đi ngoài ra máu nhưng kéo dài dù đã sử dụng thuốc tiêu chảy 1 - 2 ngày sẽ dẫn đến nguy cơ thiếu nước, thiếu điện giải, suy dinh dưỡng. Do đó, nếu tình hình không cải thiện, bệnh nhan cần được bác sĩ thăm khám.

Những bệnh nhân sau đột quỵ dễ bị chảy máu đường ruột. Vì thế, khi có những biểu hiện như đi phân đen, phân đỏ, bệnh nhân cần được kiểm tra ngay.

Bên cạnh đó, khi đảm bảo được lượng dinh dưỡng cung cấp nhưng bụng bệnh nhân vẫn chướng, dùng thuốc không cải thiện hoặc bệnh nhân vẫn sụt cân thì cần được bác sĩ thăm khám và tư vấn.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X