Vì sao phụ nữ dễ bị trầm cảm sau sinh?
Theo Chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện, Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố, việc người mẹ sống trong tình trạng đơn thân hoặc không có kỹ năng làm mẹ, cũng như khó khăn về mặt kinh tế sẽ làm gia tăng nguy cơ trầm cảm sau sinh rất cao.
1. Trầm cảm thường xảy ra ở giai đoạn nào sau sinh, nguyên nhân do đâu?
Trầm cảm thường xảy ra ở giai đoạn nào sau sinh và những yếu tố nào tác động khiến phụ nữ rơi vào gia đoạn này?
Chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện trả lời: Tất cả các phụ nữ sau sinh đều có cảm giác trầm buồn, lo lắng, căng thẳng trong việc chăm sóc một sinh linh nhỏ bé trong vòng tay mình.
Đặc biệt nhiều phụ nữ sau sinh sẽ đón nhận vai trò mới, trước giờ chỉ là vợ nhưng bây giờ là mẹ, phải đảm nhiệm nhiều trách nhiệm mới nên sẽ căng thẳng.
Tuy nhiên những căng thẳng này thường thoáng qua. Nếu căng thẳng kéo dài trên 2 tuần và ảnh hưởng đến cuộc sống gây chán nản, có những suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực, hành vi gây hại đến bản thân hoặc con của mình, thậm chí ảnh hưởng đến cuộc sống, không thể đảm nhận chức năng cuộc sống tốt thì có thể xem xét đến tình trạng trầm cảm sau sinh ở phụ nữ.
2. Mẹ bị trầm cảm lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến trẻ như thế nào?
Khi bắt đầu bước vào giai đoạn làm mẹ phải dành sự yêu thương, quan tâm cho con em của mình. Những lần như vậy đôi khi cũng bỡ ngỡ và có cảm giác bị bỏ rơi khi tất cả mọi thứ đổ dồn vào đứa trẻ. Tình trạng này nếu để lâu dài sẽ ảnh hưởng như thế nào đến con trẻ và sức khỏe tâm thần và tâm lý?
Chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện trả lời: Nếu tình trạng nếu dài hơn 2 tuần và ảnh hưởng cuộc sống thì có thể gọi là trầm cảm sau sinh.
Một học thuyết của tâm lý nói rằng sự gắng bó của đứa trẻ và mẹ (người chăm sóc chính) là nền tảng quan trọng để giúp trẻ tổn tại và phát triển, cũng như ổn định về nhân cách sau này. Có thể dễ dàng thấy, một đứa trẻ sơ sinh không thể tự sống mà cần sự cộng sinh với mẹ, mẹ cho bú, đáp ứng những nhu cầu mà bé cần.
Một người mẹ trầm cảm sau sinh, đôi khi sẽ có những khó khăn về mặt cảm xúc, bà mẹ trở nên chán nản, không nhạy cảm với tiếng khóc của con, không hiện diện đáp ứng những nhu cầu chăm sóc cho con. Ví dụ con khóc, con đòi bú nhưng mẹ không muốn cho con bú sữa hay không đáp ứng, gần gũi với còn.
Mối quan hệ gắng bó thân mật vô tình bị phá vỡ và trẻ không được đáp ứng nhu cầu cơ bản về cuộc sống, cũng như nhu cầu tinh thần. Điều này không chỉ ảnh hưởng ở thời điểm hiện tại mà về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của trẻ.
Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu trên nhóm những trẻ mà bà mẹ được xác định trầm cảm sau sinh thì đến giai đoạn khoảng 1 tuổi sẽ thấy đứa trẻ này có những dấu hiệu chậm phát triển về mặt nhận thức, cũng như về mặt vận động so với nhóm những trẻ mẹ không có tình trạng này.
Nguy cơ đau lòng nhất có thể thấy là khi những người mẹ bị trầm cảm sau sinh áp lực quá nhiều, cảm thấy sợ hãi, không chăm sóc được con mình, không làm tốt vai trò người mẹ dẫn đến những ý định tiêu cực như hành động gây hại đến con. Có những trường hợp người mẹ ném con xuống đất, làm con tử vong,…
Trên phương diện phán xét chúng ta sẽ cảm thấy khó hiểu vì sao mẹ lại làm hại con, nhưng đằng sau đó là tình trạng khó khăn về mặt tinh thần của người mẹ.
3. Yếu tố nào dẫn đến người mẹ có hành động gây hại cho con mình?
Nhân gian có câu “hổ dữ không ăn thịt con”. Vậy trong trường hợp này, yếu tố hay động cơ nào vào khoảnh khắc đó đã tác động người mẹ dẫn đến quyết định một hành động kinh khủng là làm hại con của mình như vậy?
Chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện trả lời: Làm mẹ là một thiên chức. Người phụ nữ đã làm được một việc rất vĩ đại mà đàn ông không làm được là cưu mang trong lòng một sinh linh và sinh con ra tạo một thế hệ tiếp nối.
Cách xã hội nhìn nhận về vai trò của người mẹ rất đẹp “lòng mẹ bao la như biển Thái Bình”. Tuy nhiên, điều này vô tình tạo áp lực cho người mẹ. Người phụ nữ nhận được sự kỳ vọng từ gia đình, từ xã hội phải làm tốt vai trò làm mẹ, chăm con hoàn hảo, nuôi con, dạy con.
Nhưng đôi khi người mẹ quá bỡ ngỡ với vai trò mới, cảm thấy mình không thể chu toàn được kỳ vọng của mọi người và chính kỳ vọng của bản thân mình. Từ đó làm gì cũng sợ sai, sợ ảnh hưởng đến con.
Khi dỗ nhưng con không nít khóc sẽ cảm thấy căng thẳng dẫn đến suy nghĩ tìm cách chấm dứt tất cả những căng thẳng này, làm sao cho con không còn là gánh nặng của mình nữa. Nhiều người mẹ sau khi có hành động sát hại con, cũng gây hại lên chính bản thân mình.
Tuy nhiên, không chỉ về mặt tâm lý mà cần nhìn ở góc độ đa chiều. Về mặt sinh lý, sau khi sinh con, người mẹ sẽ có những thay đổi về hormone, nội tiết tố trong cơ thể.
Về mặt xã hội, nếu người mẹ ở trong một môi trường không nhận được sự trợ giúp của chồng, gia đình, bạn bè để chung tay giúp bà mẹ chăm sóc con cũng là một vấn đề khó khăn.
Nghiên cứu cho thấy, việc người mẹ sống trong tình trạng đơn thân hoặc không có kỹ năng làm mẹ, cũng như khó khăn về mặt kinh tế sẽ làm gia tăng nguy cơ trầm cảm sau sinh rất cao.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình