Thay đổi nội tiết, rụng tóc, trầm cảm sau sinh, chị em cần làm gì?
Cơ thể phụ nữ thay đổi rất nhiều từ khi mang thai đến sau sinh, các vấn đề thường gặp như rụng tóc, thay đổi nội tiết và thậm chí là trầm cảm sau sinh. Vậy chị em nên làm gì để vượt qua giai đoạn hậu sản một cách tốt nhất? Tất cả sẽ được BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên - Sản phụ khoa, Bệnh viện Từ Dũ giải đáp.
1. Những thay đổi về cơ thể của chị em trong giai đoạn hậu sản
Sau khi sinh, bên cạnh các thay đổi khi chăm sóc em bé, sản phụ phải đối mặt với những thay đổi nào về cơ thể nữa ạ? Nhờ BS liệt kê các thay đổi đó ở mẹ sau sinh?
BS.CK1 Nguyễn lệ Quyên trả lời: Sau sinh chị em sẽ bước vào giai đoạn hậu sản, định nghĩa là 6 tuần sau sinh, ở giai đoạn này sẽ chuyển tiếp, cơ thể người phụ nữ dần thay đổi trở về thư trước khi sinh. Chị em cần thời gian để tử cung co hồi lại.
Cụ thể, trong giai đoạn 9 tháng 10 ngày, bụng của phụ nữ mang em bé 3-4kg, bụng to, sau khi sinh sẽ cần thời gian để hồi phục và tử cung nhỏ lại.
Dù chị em sinh thường hay sinh mổ, tử cung của chị em sẽ được bác sĩ hỗ trợ bằng thuốc và một phần sinh lý cơ thể người phụ nữ sẽ co hồi lại. Chuyện co hồi tử cung giúp tử cung của chị em bắt đầu trở về với kích thước ban đầu. Bình thường, tử cung chỉ nhỏ bằng nắm tay, khi mang thai 9 tháng 10 ngày kích thước sẽ rất to. Việc co hồi tử cung giúp lượng máu mất của người phụ nữ giảm đi rất nhiều, bảo vệ chị em và giữ được cân bằng sinh lý.
Bên cạnh đó, nội tiết của phụ nữ sau sinh thường có sự thay đổi, các chị em thường nói chuyện phiếm là “Đang từ giai đoạn hoàng hậu chuyển sang osin”, khi mang thai chị em đang được nâng niu, chăm sóc thì hiện tại phải 3-4 tiếng cho con bú một lần.
Sau sinh, chị em trải qua giai đoạn đầu, đặc biệt là thời điểm em bé còn chu kỳ thức ngủ khoảng 2-3 tiếng nên làm mẹ thiếu ngủ. Sự mệt mỏi bắt đầu từ cuộc sinh rất đau, sau đó phải trải qua nhiều vấn đề khác, vì vậy nên cần hỗ trợ từ người bố.
Ngoài ra, giai đoạn sau sinh chị em sẽ thấy ra sản dịch ở âm đạo (ra máu), lượng máu này có tính chất sậm, niêm mạc âm đạo bong tróc cùng các sản phẩm khác của màng nhau.
Ban đầu khi sản dịch còn nhiều chị em có thể mặc tã để thấm hút tốt hơn, sau đó sản dịch sẽ giảm dần, còn dịch màu hồng rồi hết hoàn toàn. Mẹ bỉm cần chú ý sản dịch sau sinh sẽ không có mùi hôi, nhưng một số trường hợp sản phụ có thể sốt sau sinh. Nếu sản dịch hôi như dịch mủ, cần phải đi khám xem có dấu hiệu nhiễm trùng hay không.
Ngoài ra ở giai đoạn sau sinh, da bụng bắt đầu co hồi lại để quay trở về bụng phẳng như trước sinh dựa vào chế độ ăn uống, tập thể dục hợp lý sẽ có thể quay trở về như bình thường. Sau sinh chị em còn lo lắng vấn đề chưa có kinh, căng sữa…
Như vậy, cơ thể chị em phụ nữ có rất nhiều thay đổi ở giai đoạn hậu sản, cần sự hỗ trợ của người thân để vượt qua giai đoạn này tốt nhất.
2. Chăm sóc tóc, bổ sung dinh dưỡng, vi chất đầy đủ để giảm rụng tóc sau sinh
Giai đoạn hậu sản nhiều chị em bị rụng tóc rất nhiều, vậy đâu là nguyên nhân và tình trạng này kéo dài bao lâu? Làm sao để hạn chế tối đa việc rụng tóc, thưa BS?
BS.CK1 Nguyễn lệ Quyên trả lời: Một cuộc sinh là sự thay đổi nội tiết rất lớn ở người phụ nữ, đó là vấn đề dẫn đến rụng tóc. Giai đoạn đỉnh điểm của rụng tóc là khoảng 3-4 tháng sau sinh.
Việc rụng tóc tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố như chế độ ăn, dinh dưỡng… Ví dụ những chị em sau sinh được ăn uống và bổ sung vi chất đầy đủ, tỷ lệ rụng tóc thấp hơn. Ngoài ra có thể phụ thuộc vào tóc của mỗi người, nhiều người có tóc dài, chất tóc yếu, khô, xơ từ trước sinh sẽ dễ rụng hơn những chị em chăm sóc tóc tốt trước khi sinh.
Nhiều người phụ nữ kiêng cữ, một số vùng còn nhiều hủ tục, 1-2 tháng sau sinh mới được gội đầu, đây là một trong những yếu tố có thể ảnh hưởng một phần gây ra viêm da đầu, chất tóc không tốt, làm rụng tóc sau sinh.
Tuy nhiên nếu sản phụ có rụng tóc nhưng tóc vẫn mọc đều, có chế độ chăm sóc và dinh dưỡng tốt thì tóc sẽ không có vấn đề gì.
3. Nên có sự giám sát, hỗ trợ của người thân khi đi lại sau sinh
Vì sao có tình trạng chóng mặt sau sinh và bao lâu mới hết, thưa BS?
BS.CK1 Nguyễn lệ Quyên trả lời: Sau khi trải qua một cuộc sinh thường hoặc sinh mổ người phụ nữ đều bị mất máu. Lượng máu mất sau sinh có thể dao động từ vài trăm mililit máu đến những trường hợp sản phụ bị băng huyết sẽ mất đến trên 1 lít máu.
Nếu lượng máu mất ít có thể không ảnh hưởng nhiều đến sinh hiệu, nhưng những trường hợp mất máu nhiều, đặc biệt chị em có tình trạng thiếu máu và dẫn đến chóng mặt sau sinh.
Bên cạnh đó, các sản phụ sinh thường sẽ đau và nằm ở một tư thế theo dõi chờ sinh khá lâu nên có thể bị chóng mặt khi thay đổi tư thế đột ngột.
Còn sản phụ sinh mổ gây tê, phương pháp này rất an toàn và tốt, nhưng giai đoạn đầu khi sản phụ mới ngồi dậy có thể gặp tình trạng chóng mặt.
Lưu ý, sản phụ sau khi sinh, cơ thể khá yếu, chưa kịp hồi phục, nếu sản phụ đi lại, đột ngột vận động mà không có sự hỗ trợ của người thân có thể té ngã, gây các biến chứng, sang chấn các cơ quan như vùng đầu.
Lời khuyên cho các mẹ bỉm mới sinh xong là nên có sự hỗ trợ, giám sát của người thân khi đi lại để đảm bảo an toàn.
4. Bầu vú căng tức kéo dài có thể làm tắc sữa, gây viêm thậm chí áp xe vú
Giai đoạn hậu sản có thể gặp rất nhiều vấn đề về ngực, vậy cụ thể là những vấn đề gì và cách xử trí ra sao ạ?
BS.CK1 Nguyễn lệ Quyên trả lời: Giai đoạn đầu sau sinh, vấn đề không có sữa được nhiều chị em thắc mắc với bác sĩ. Tuy nhiên ở giai đoạn đầu mới sinh, bầu ngực của chị em chưa căng sữa nhiều, giai đoạn lên sữa phải khoảng 2 ngày sau sinh nếu chị em được ăn uống tốt và cho em bé bú sớm.
Những sản phụ sinh mổ hoặc còn đau, chưa cho em bé bú sớm được, thời gian lên sữa sẽ lâu hơn.
Đến giai đoạn sau khi đã căng sữa quá nhiều, các mẹ bỉm không cho con bú đúng cách sẽ có rất nhiều vấn đề liên quan đến ngực của người phụ nữ trong thời gian này.
Thứ nhất, nứt đầu ti. Khi cho con bú, nếu em bé ngậm, bắt đầu vú không tốt, em bé bú sữa không hiệu quả còn đầu ti của mẹ có thể bị nứt, đau, trầy xước. Đó có thể trở thành ổ nhiễm trùng ban đầu, thậm chí có thể nhiễm trùng nặng hơn, vi khuẩn đi từ đó vào gây viêm vú. Vì vậy cần lưu ý vệ sinh vú để da vú sạch trước khi cho em bé bú; hướng dẫn em bé ngậm bắt vú đúng, điều này giúp giảm tình trạng nứt đầu ti.
Một số sản phụ hút sữa, không cho con bú trực tiếp, tuy nhiên chị em cần nhớ nếu có thể cho con bú trực tiếp sẽ tốt hơn rất nhiều. Còn một số mẹ đã đi làm, không thể cho con bú trực tiếp mà vắt sữa ra, độ mạnh của máy vắt sữa sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc nứt đầu vú.
Thứ hai, mẹ bị căng sữa. Những trường hợp càng căng sữa, mẹ không dám cho em bé bú vì quá đau. Nhưng nếu tình trạng căng tức tuyến vú do căng sữa quá nhiều, mẹ không vắt sữa ra hay không cho em bé bú, tình trạng căng tức kéo dài có thể làm tắc sữa dẫn đến viêm và nặng hơn là áp xe vú.
Thực tế những trường hợp áp xe vú bác sĩ từng gặp có tình trạng cả bầu vú đỏ tấy, khi rạch và hút ra có rất nhiều mủ bên trong. Đây là biến chứng có thể gây đau đớn cho người phụ nữ, điều trị kéo dài để có thể giữ được vú, đảm bảo sữa cho em bé bú sau này.
Vì vậy các mẹ nên lưu ý trong giai đoạn cho con bú, khi căng sữa mẹ có thể bị sốt nhẹ, nhưng phải lưu ý xem sốt nhẹ thoáng qua và khỏi sau khi vắt hết sữa hay sốt do nhiễm trùng.
Bên cạnh đó, mẹ nên cho em bé bú sạch bầu vú, nếu em bé bú không hết nên vắt bớt sữa. Mẹ không nên để vú quá nhiều sữa tồn đọng, để lâu dài có thể làm căng tức, nặng hơn nếu có ổ nhiễm trùng có thể gây nhiễm trùng nặng, ảnh hưởng đến việc cho con bú sữa mẹ rất nhiều.
5. Cần làm gì để mẹ bỉm vượt qua nguy cơ trầm cảm sau sinh?
Nhiều mẹ bỉm gặp vấn đề tâm lý trong giai đoạn sau sinh, vậy BS có lời khuyên gì cho các mẹ bỉm vượt quá các cung bậc cảm xúc xấu trong giai đoạn này ạ?
BS.CK1 Nguyễn lệ Quyên trả lời: Phụ nữ đã phải trải qua 9 tháng 10 ngày vất vả, sau đó đến một cuộc sinh hoặc cuộc mổ rất đau đớn, cơ thể sau sinh của người phụ nữ có sự thay đổi nội tiết rất dữ dội, chuyện nội tiết có thể ảnh hưởng lên tâm sinh lý người phụ nữ.
Bên cạnh đó, xu hướng người Việt Nam thường là đã chờ đợi một đứa con 9 tháng 10 ngày, khi em bé ra đời, cả gia đình, bố và người thân bắt đầu tập trung vào em bé, bỏ qua sự quan tâm đối với người mẹ, đây là điểm sai lầm.
Khi người mẹ thay đổi nội tiết, họ bắt đầu có những cảm giác tủi thân giai đoạn đầu, vì không có được sự quan tâm, lo lắng. Chuyện trầm cảm sau sinh là vấn đề có thể ảnh hưởng đến cả mẹ và bé, rất nhiều sản phụ nếu có sự can thiệp kịp thời của gia đình, bác sĩ, người thân giúp mẹ vượt qua vấn đề tâm sinh lý hậu sản sẽ giúp người phụ nữ trải qua nhẹ nhàng, bình thường và chăm sóc bé rất tốt.
Hiện nay nhiều thông tin một số sản phụ đã để lại những chuyện rất đau lòng liên quan đến cả mẹ và bé do trầm cảm sau sinh.
Vì vậy, điểm nhấn mạnh của bác sĩ sản phụ khoa là, đối với các sản phụ trước hoặc trong khi mang thai, nên theo học các lớp học tiền sản. Bởi vì một trong các nỗi lo của các mẹ bên cạnh sự thay đổi nội tiết, sự quan tâm của gia đình thì đa số các mẹ chưa có sự chuẩn bị tâm lý tốt cho chuyện chăm sóc một em bé.
Vấn đề trầm cảm sau sinh xảy ra ở tần suất cao hơn vào những mẹ còn trẻ tuổi, người quá lớn tuổi hoặc mong đợi có em bé quá lâu.
Do đó người phụ nữ cần trang bị cho bản thân một kiến thức và tâm sinh lý tốt để chăm em bé tốt, sau khi làm mọi chuyện thuần thục, dễ dàng và có thể vui vẻ với việc chăm sóc em bé thì tâm sinh lý sẽ thoải mái hơn rất nhiều.
Gia đình và người thân cần có sự quan tâm đúng mực cho người mẹ và em bé sau sinh để cả mẹ và em bé cùng vượt qua giai đoạn hậu sản thật tốt.
Các sản phụ nên có chế độ dinh dưỡng tốt, giữ cho cơ thể khỏe mạnh, tập thể dục nhẹ nhàng sau sinh. Bởi vì một trong những điểm ảnh hưởng lớn đến tâm lý người phụ nữ là cảm thấy sồ sề, sau sinh không còn giữ được vóc dáng ban đầu, do đó cần giai đoạn chuyển tiếp, tập thể dục, ăn uống để giữ một cơ thể khỏe mạnh. Chị em có thể tập luyện để trở về cơ thể ban đầu thật trẻ đẹp. Vì vậy cần có sự chăm sóc bản thân toàn diện cùng sự hỗ trợ của người thân sẽ giúp chị em vượt qua giai đoạn hậu sản tốt nhất.
Trong trường hợp sản phụ có các triệu chứng ban đầu của các dấu hiệu trầm cảm sau sinh như lo lắng thái quá, quát tháo hoặc căng thẳng không ngủ được, nếu cần thiết, người thân nên đưa sản phụ đi khám để được bác sĩ tư vấn và điều trị kịp thời.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình