Hotline 24/7
08983-08983

Người bệnh thận mạn, chạy thận nhân tạo có nên chích ngừa COVID-19 không?

Nhiều người bệnh thận mạn băn khoăn về việc chích ngừa vắc xin COVID-19, không biết mình có nên chích không, chích xong có bị hành nhiều không, có làm suy thận nặng hơn không... BS.CK2 Tạ Phương Dung, Phó giám đốc Bệnh viện Gia An 115 giúp người bệnh tháo gỡ những lo lắng này.

BS.CK2 Tạ Phương Dung, Phó giám đốc Bệnh viện Gia An 115

1. Công tác điều trị bệnh thận mạn trong dịch COVID-19 tiến hành thế nào?

Đại dịch COVID-19 đã diễn ra đến năm thứ 2, BS có thể chia sẻ về công tác điều trị cho người bệnh thận mạn trong thời gian qua? Có điều gì làm BS trăn trở không ạ?

BS.CK2 Tạ Phương Dung:

Mặc dù Nhà nước, Bộ, ngành, cơ quan đoàn thể, xã hội đã hết lòng vì mọi người nhưng các đợt dịch vẫn diễn ra, nhất là đợt dịch thứ 4 này, quá nhiều người mắc và nhiều người bệnh nặng.

Bộ Y tế đã ban hành “Hướng dẫn quản lý người bệnh thận mạn giai đoạn cuối trong dịch COVID-19”, trong đó có đề cập khuyến khích người bệnh thận mạn giai đoạn cuối làm lọc màng bụng hoặc chuyển từ thận nhân tạo qua lọc màng bụng, nhưng hình như chưa nhiều, chưa rộng khắp.

Lọc màng bụng có nhiều lợi điểm so với thận nhân tạo. Ngoài các vấn đề liên quan chất lượng sống, trong giai đoạn dịch COVID này, bệnh nhân lọc màng bụng không cần đến bệnh viện, có thể nhận thuốc - dịch tới 3 tháng, và được ở nhà, thay vì tuần tới bệnh viện ít nhất 3 lần như thận nhân tạo, giảm khả năng lây nhiễm, giảm khó khăn đi lại do giao thông bị đình bởi giãn cách.

Những đợt dịch trước, sự ảnh hưởng chưa quá nặng nề như lần này, khi mà không chỉ bệnh nhân, mà nhân viên y tế, đặc biệt nhân viên trong các khoa – đơn vị lọc máu cũng nhiễm COVID.

2. Người bệnh thận mạn thường có những bệnh đồng mắc nào? Làm sao để phòng tránh lây nhiễm SARS-CoV-2?

Rất nhiều bệnh nhân thận mạn lo lắng vì mình có bệnh nền và thường không chỉ 1 bệnh. Bác sĩ có thể cho biết người bệnh thận mạn thường có những bệnh đồng mắc nào? Và họ cần làm gì để bảo vệ mình trước nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2?

BS.CK2 Tạ Phương Dung:

Bệnh thận mạn nguyên nhân nhiều nhất từ đái tháo đường, tăng huyết áp hoặc cả 2, rồi tới các bệnh từ cơ quan khác tại thận hoặc ngoài thận, hoặc do dung thuốc ảnh hưởng tới thận lâu năm…

Người bệnh còn có thể gặp các bệnh kèm do biến chứng của suy thận: tim mạch, tiêu hóa, hô hấp, thần kinh,… Hoặc bệnh phát sinh do quá trình lọc máu: loãng xương, nhuyễn xương, gãy xương, xơ vữa mạch máu, suy tim, viêm nhiễm,…

Người suy thận mắc nhiều bệnh như vậy nên sức đề kháng sẽ kém, dễ bị bội nhiễm hay bùng phát thêm bệnh mới, nhất là nhiễm trùng, nhiễm virus, đặc biệt virus SARS-CoV-2, người thường còn dễ nhiễm, huống chi người suy thận.

Người bình thường cần bảo vệ mình bằng biện pháp 5K, vắc xin, sinh hoạt ăn uống lành mạnh để tăng sức đề kháng.

Người suy thận ngoài những điều trên cần theo dõi, khám bệnh kịp thời, uống thuốc đầy đủ theo toa và lời dặn của bác sĩ.

3. Người bệnh thận mạn có nên chích ngừa vắc xin COVID-19 không?

Người bệnh thận mạn ở giai đoạn nào thì việc chích ngừa COVID-19 được khuyến khích, trường hợp nào nên trì hoãn, thưa BS?

BS.CK2 Tạ Phương Dung:

Người suy thận chích vắc xin được. Càng nên chích vắc xin. Ngoại trừ các trường hợp:

  • Có chống chỉ định do tiền căn phản vệ độ II, dị ứng thành phần của vắc xin (cũng như mọi người), có thai - cho con bú (hiếm ở người suy thận)
  • Người đang bị đợt cấp: nhiễm trùng, xuất huyết tiêu hóa, suy tim,…. Thường những người này đang nằm viện.
  • Người đang dùng thuốc ức chế miễn dịch liều cao: mới ghép tạng (trong vòng 6 tháng), bệnh cầu thận đang dùng corticoids liều cao giai đoạn tấn công… Nhóm người này có thể chích vắc xin nếu đã qua giai đoạn này (trì hoãn). Hoặc lớn tuổi, cơ thể yếu,… thì nên chích trong bệnh viện.

4. Chích ngừa vắc xin COVID-19 có thể sẽ làm suy thận, điều này đúng không?

BS.CK2 Tạ Phương Dung:

Thực tế đợt rồi dẫn các đội đi tiêm vắc xin ngoài cộng đồng, tôi vẫn cho một số bệnh nhân bị hội chứng thận hư nhưng đã ổ định chích vắc xin. Một số bệnh nhân suy thận đã được chích vắc xin tại bệnh viện.

Không có chuyện chích xong suy thận hay suy cơ quan nào nặng hơn. Tôi điện thoại hỏi thăm họ đều ổn. Có bệnh nhân chích cách 2 tuần, mói tái khám cũng ổn, họ còn phấn khởi hơn do tâm lý đã được “bổ sung lá chắn” trước COVID-19.

5. Bị suy thận mạn, chạy thận lọc máu hoặc lọc màng bụng khi chích vắc xin COVID-19 thì cần lưu ý gì?

BS.CK2 Tạ Phương Dung:

Bệnh nhân cần lưu ý, tôn trọng các chống chỉ định.

Các lưu ý giống ngừơi bình thường chích vắc xin: ăn uống, theo dõi thân nhiệt, các biểu hiện của cơ thể, báo ngay cho bác sĩ biết những bất thường, hoặc nên chích trong bệnh viện cho an toàn.

Người lọc thận nhân tạo có thể chích ngày khác ngày lọc máu, để tránh tình trạng nhầm lẫn giữa triệu chứng của biến chứng lọc máu và tác dụng phụ của vắc xin, và tránh tình trạng “mệt chồng chất mệt”.

Người lọc màng bụng có thể chích luôn ngày tái khám, lãnh dịch lọc màng bụng.

6. Người bệnh đã được ghép thận thì có nên chích ngừa COVID-19 không?

BS.CK2 Tạ Phương Dung:

Người đã ghép tạng cũng nên chích ngừa, nhưng cần trì hoãn nếu mới ghép, giai đoạn đang dùng ức chế miễn dịch liều cao. Thông thường sau 4-6 tháng nếu không có biến chứng thải ghép hay nhiễm trùng,…thì có thể chích ngừa.

7. Cách xử trí các triệu chứng khó chịu sau tiêm ở người bệnh thận mạn cần lưu ý gì?

Sau khi chích ngừa COVID-19, người bệnh thận mạn có bị “hành” nhiều hơn không ạ? Cách xử trí các triệu chứng khó chịu sau tiêm có cần lưu ý gì không, thưa BS?

BS.CK2 Tạ Phương Dung:

Sau khi chích ngừa COVID-19, việc bị “hành” hay không thì tùy cơ địa từng người, giống người bình thường chích vắc xin vậy. Ở nước ngoài khi đi học, tôi thấy hàng năm bệnh nhân suy thận vẫn chích ngừa cúm mùa.

Nếu người bệnh bị đau, sốt cao vẫn uống thuốc được, tuy nhiên có thể tham khảo ý kiến bác sĩ của mình vì người suy thận nặng có khi liều hạ sốt thấp hơn người bình thường.

8. So với người khỏe mạnh thì tốc độ và khả năng tạo kháng thể của người bệnh thận mạn có tốt không?

BS.CK2 Tạ Phương Dung:

Tốc độ và khả năng tạo kháng thể của người bình thường có khi còn khác nhau ở người này so với người kia.

Người suy thận cũng vậy, người suy thận nặng có thể đáp ứng kém hơn, chậm hơn, kém ở mức độ nào thì không có “bảng đánh giá”.

9. Người bệnh thận mạn muốn chuyển sang lọc màng bụng thì liên hệ ở đâu?

Với những người cần chạy thận nhân tạo muốn chuyển sang lọc màng bụng để giảm số lần đến bệnh viện, họ cần liên hệ những trung tâm nào tại TPHCM ạ?

BS.CK2 Tạ Phương Dung:

Nhiều bệnh viện đã triển khai lọc màng bụng. Tại TPHCM, các bệnh viện tuyến trung ương như: Chợ Rẫy, Thống Nhất, bệnh tuyến thành phố, quận huyện đếu có.

Xin cảm ơn bác sĩ!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X