Hotline 24/7
08983-08983

14 lợi ích của lọc màng bụng mang đến cho người bệnh thận mạn mùa COVID-19

Lọc máu tại nhà bằng phương pháp lọc màng bụng giúp bệnh nhân giảm thiểu số lần phải vào bệnh viện, giảm nguy cơ nhiễm trùng máu, chế độ ăn kiêng ít nghiêm ngặt hơn và có thể uống nước theo nhu cầu cơ thể, chức năng thận còn lại được bảo tồn tốt hơn…

BS.CK2 Tạ Phương Dung, Phó Chủ tịch Hội thận học TPHCM

Thận có nhiều nhiệm vụ: tạo nước tiểu và lọc bỏ chất thải, cân bằng nước và các chất điện giải, cân bằng axit - kiềm, điều hoà huyết áp, điều hoà chuyển hoá canxi, tạo yếu tố kích thích tạo hồng cầu…

Suy thận mạn là tình trạng suy giảm từ từ và không hồi phục chức năng thận. Tuỳ thuộc vào mức độ suy giảm chức năng thận, các giai đoạn bệnh thận mạn được chia ra: từ giai đoạn 1-5 và giai đoạn 5 còn gọi là suy thận mạn.

Điều gì xảy ra khi suy thận?

  • Tích tụ các chất thải - tăng ure và creatinin máu gây chán ăn, buồn nôn, nôn ói, hôn mê
  • Giảm hoặc ngưng tạo nước tiểu
  • Ứ đọng dịch trong cơ thể gây phù, cao huyết áp, suy tim (mệt, khó thở…)
  • Thiếu máu: Da xanh, mệt mỏi…
  • Biến chứng nguy hiểm tính mạng: phù phổi cấp, tăng kali máu, rối loạn nhịp tim, ngưng tim

Nguyên nhân suy thận

  • Đái tháo đường
  • Cao huyết áp
  • Viêm thận mạn
  • Sỏi thận
  • Nhiễm trùng
  • Bệnh di truyền
  • Thuốc

Các phương pháp điều trị suy thận mạn

Điều trị nội khoa

  • Chế độ ăn: hạn chế chất đạm (thịt cá…) và các loại trái cây nhiều kali, hạn chế muối và nước
  • Điều trị cao huyết áp, suy tim, đái tháo đường
  • Điều trị thiếu máu
  • Điều trị các biến chứng

Điều trị thay thế thận

  • Lọc màng bụng
  • Chạy thận nhân tạo
  • Ghép thận

3 phương pháp này không có một phương pháp nào tối ưu tuyệt đối mà hỗ trợ cho nhau. Vì để tìm được nguồn thận cho là rất hiếm, cho nên chủ yếu là lọc màng bụng và chạy thận nhân tạo. So sánh ưu - nhược điểm của 3 phương pháp: ghép thận, chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng sẽ giúp bệnh nhân lựa chọn được phương pháp điều trị phù hợp nhất cho mình.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang đe dọa cướp đi sinh mạng bệnh nhân thận mạn, BS.CK2 Tạ Phương Dung đề xuất tăng cường sử dụng lọc màng bụng.

Lọc màng bụng là gì?

  • Màng bụng là lớp màng lót mặt trong ổ bụng và bao phủ các nội tạng của cơ thể
  • Màng bụng là một màng bán thấm cho phép nước và các chất hoà tan đi qua
  • Lọc màng bụng sử dụng chính màng bụng của cơ thể để lọc các chất cặn bã và nước thừa ra khỏi cơ thể

Kỹ thuật lọc màng bụng

  • Bệnh nhân được phẫu thuật đặt 1 ống thông (catheter) nhỏ mềm vào ổ bụng
  • Bệnh nhân sẽ được huấn luyện kỹ để tự thay dịch hàng ngày tại nhà

Các phương pháp lọc màng bụng

Hiện nay có 2 phương pháp lọc màng bụng:

Lọc màng bụng liên tục: Thay dịch bằng tay 4 lần/ngày, Mỗi lần cách nhau 4-6 giờ, 2 lit/lần, giữa các lần thay dịch bệnh nhân có thể hoàn toàn tự do.

Lọc màng bụng tự động bắng máy: Thay dịch bằng máy, máy sẽ tự động thay dịch trong đêm, Ban ngày bệnh nhân hoàn toàn tự do để đi làm, đi học…

Các bước thay dịch lọc màng bụng rất đơn giản, bệnh nhân sẽ được huấn luyện kỹ để tự thay dịch hàng ngày tại nhà một cách dễ dàng

Ưu điểm của lọc màng bụng

  • Không lệ thuộc vào bệnh viện: bệnh nhân  tự thực hiện tại nhà sau khi được huấn luyện kỹ, chỉ đến BV 1 lần/tháng để tái khám và nhận dịch.
  • Linh hoạt về thời gian thay dịch: bệnh nhân được tư vấn để chọn thời gian thay dịch phù hợp, có thể đi làm hay đi học được, VD: Sau thức dậy buổi sáng, trước ăn trưa, trước ăn chiều, trước khi ngủ
  • Lọc máu liên tục 24/24 giờ và gần giống chức năng thận tự nhiên hơn
  • Chế độ ăn kiêng ít nghiêm ngặt hơn và có thể uống nước theo nhu cầu cơ thể
  • Chức năng thận còn lại được bảo tồn tốt hơn
  • Ít biến động huyết áp hơn
  • Đỡ thiếu máu hơn
  • Không cần sử dụng kim tiêm
  • Ít bị nhiễm trùng máu và siêu vi viêm gan hơn chạy thận nhân tạo
  • Giảm tỷ lệ bệnh tật: Tăng hiệu quả lọc các chất thải & cải thiện hàm lượng đạm  trong máu sẽ làm giảm tỉ lệ nhập viện.
  • Giảm tỷ lệ tử vong: Nếu lọc màng bụng được thực hành tốtliều lọc máu đầy đủ sẽ cho kết quả tốt, thậm chí tốt hơn thận nhân tạo trong 4 năm đầu điều trị.
  • Bảo tồn chức năng còn lại của thận tốt hơn: Lọc màng bụng với khả năng siêu lọc liên tục, giảm thiểu sự giao động của HA, giúp bảo tồn chức năng thận tốt hơn.
  • Thích hợp với bệnh nhân tim mạch: Điều chỉnh huyết áp tốt hơn, giảm dùng thuốc điều trị cao huyết áp; giảm suy tim, giảm quá tải đối với tim
  • Các chỉ số sinh hóa ít dao động hơn

Hạn chế của lọc màng bụng

  • Nhà ở của bạn phải có điều kiện thích hợp: Phòng thay dịch, chỗ chứa dịch, vòi rửa tay
  • Luôn mang ống thông ở bụng
  • Nhiễm trùng có thể xảy ra nếu không tuân thủ đúng quy trình thao tác
  • Người lớn tuổi nên có người hỗ trợ

Bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối sẽ bị tăng nguy cơ nhiễm khuẩn. Mùa dịch COVID-19 cần ưu tiên liệu pháp điều trị lọc máu tại nhà để giảm thiểu sự tiếp xúc giữa bệnh nhân với các chuyên gia y tế, dụng cụ y tế và tối thiểu nguy cơ lây nhiễm nhiễm trùng. Hơn nữa Việc trang bị lọc màg bụng trong giai đoạn dịch COVID-19 chỉ cần thêm chút nguồn lực, trong khi chạy thận nhân tạo sẽ đòi hỏi nguồn lực, vật tư rất lớn.

“Lọc máu tại nhà là giải pháp mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân, cho cơ sở điều trị và nhà chính sách, đặc biệt là trong giai đoạn dịch COVID-19” - BS Tạ Phương Dung kết luận.

Hồng Nhung

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X