Hotline 24/7
08983-08983

Đưa lên bàn cân ưu - nhược điểm của 3 phương pháp: ghép thận, chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng

Việc so sánh ưu - nhược điểm của 3 phương pháp: ghép thận, chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng giúp đưa ra hướng điều trị phù hợp và an toàn cho bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối trong mùa dịch COVID-19.

Trong buổi hội thảo online chiều 18/8, BS.CK2 Tạ Phương Dung - Cố vấn chuyên môn Khối Thận Niệu - Bệnh viện Nhân Dân 115, Phó giám đốc - Bệnh viện Gia An 115 đề cập đến vấn đề: “Lọc máu trong mùa dịch COVID-19: có nên ưu tiên liệu pháp điều trị tại nhà”.

BS.CK2 Tạ Phương Dung

Bài báo cáo đưa ra bức tranh tổng quan về bệnh thận mạn và lọc máu, tình hình dịch bệnh hiện tại trên thế giới và Việt Nam, chia sẻ từ thực hành các nước trên thế giới trong quản lý tình hình nhiễm khuẩn cho bệnh nhân lọc máu, những lợi ích của lọc máu tại nhà trong mùa dịch…

Trong đó, BS Dung đưa ra thông tin so sánh ưu - nhược điểm của 3 phương pháp điều trị thay thế thận cho bệnh nhân bệnh thận mạn giai đọan cuối: ghép thận, chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng. Việc so sánh giúp đưa ra hướng điều trị phù hợp và an toàn cho bệnh nhân suy thận mạn trong mùa dịch COVID-19.

Ưu - nhược điểm của phương pháp ghép thận

Ưu điểm:

  • Gần như quả thận của chính mình
  • Ăn uống sinh hoạt gần như người bình thuờng
  • Không cần đường vào mạch máu hay ổ bụng

Nhược điểm:

  • Rất khó tìm người cho thận
  • Chi phí rất cao (phẫu thuật và thuốc hàng ngày)
  • Chịu cuộc đại phẫu
  • Nguy cơ thải ghép
  • Tác dụng phụ của thuốc chống thải ghép

Do đó, số lượng bệnh nhân được ghép thận còn rất hạn chế.

Ưu - nhược điểm của phương pháp chạy thận nhân tạo

Ưu điểm:

  • Được thực hiện tại bệnh viện bởi nhân viên y tế
  • Không cần thiết bị tại nhà
  • Trong ngày không chạy thận, bệnh nhân có thể đi lại, sinh hoạt bình thường

Nhược điểm:

  • Cuộc sống gắn liền với BV: Phải đến BV 3 lần/tuần
  • Cần 1 đường thông mạch máu thường xuyên ở tay
  • Mỗi lần lọc máu phải chích 2 kim
  • Ăn kiêng và giới hạn lượng dịch nhập nghiêm ngặt, đặc biệt trong ngày không chạy thận
  • Tình trạng sức khoẻ không ổn định; thường mệt trước và sau chạy thận
  • Nguy cơ nhiễm viêm gan siêu vi cao
  • Có thể có nhiều tai biến về tim mạch

Ưu - nhược điểm của phương pháp lọc màng bụng

Hiện nay có 2 phương pháp lọc màng bụng:

Lọc màng bụng liên tục: Thay dịch bằng tay 4 lần/ngày, Mỗi lần cách nhau 4-6 giờ, 2 lit/lần, giữa các lần thay dịch bệnh nhân có thể hoàn toàn tự do.

Lọc màng bụng tự động bắng máy: Thay dịch bằng máy, máy sẽ tự động thay dịch trong đêm, Ban ngày bệnh nhân hoàn toàn tự do để đi làm, đi học…

Ưu điểm:

  • Không lệ thuộc vào bệnh viện: bệnh nhân  tự thực hiện tại nhà sau khi được huấn luyện kỹ, chỉ đến BV 1 lần/tháng để tái khám và nhận dịch.
  • Linh hoạt về thời gian thay dịch: bệnh nhân được tư vấn để chọn thời gian thay dịch phù hợp, có thể đi làm hay đi học được, VD: Sau thức dậy buổi sáng, trước ăn trưa, trước ăn chiều, trước khi ngủ
  • Lọc máu liên tục 24/24 giờ và gần giống chức năng thận tự nhiên hơn
  • Chế độ ăn kiêng ít nghiêm ngặt hơn và có thể uống nước theo nhu cầu cơ thể
  • Chức năng thận còn lại được bảo tồn tốt hơn
  • Ít biến động huyết áp hơn
  • Đỡ thiếu máu hơn
  • Không cần sử dụng kim tiêm
  • Ít bị nhiễm trùng máu và siêu vi viêm gan hơn chạy thận nhân tạo

Nhược điểm:

  • Lọc màng bụng nếu không biết cách giữ gìn vệ sinh có thể gây nhiễm trùng

Với những ưu điểm nổi bật trên, lọc màng bụng giúp cải thiện tỷ lệ sống còn trên bệnh nhân tốt hơn: Có nhiều nghiên cứu là bằng chứng vững chắc cho thấy lợi ích sống còn sớm ở lọc màng bụng, bảo tồn cuộc sống khi bệnh nhân ở trạng thái hoạt động và sản xuất tốt nhất. Những dự liệu thực tế ở người Việt cũng chỉ ra tỷ lệ sống còn cao hơn ở lọc màng bụng.

Lọc màng bụng cũng giúp cải thiện kết cục sau khi ghép thận:

Đại dịch COVID-19 toàn cầu đã tạo ra những hành động khẩn cấp và không có tiền lệ cho bệnh suy thận mạn. Bệnh nhân lọc máu là bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối: suy giảm khả năng miễn dịch và có nguy cơ cao bị nhiễm trùng.

Theo BS.CK2 Tạ Phương Dung, việc trang bị lọc màng bụng trong giai đoạn dịch COVID-19 chỉ cần nguồn lực ít hơn, trong khi chạy thận nhân tạo sẽ đòi hỏi nguồn lực, vật tư rất lớn. Ưu tiên liệu pháp điều trị lọc máu tại nhà để giảm thiểu sự tiếp xúc bệnh nhân với nhân viên y tế, dụng cụ y tế và tối thiểu nguy cơ lây nhiễm nhiễm trùng.

“Giải pháp lọc máu tại nhà, mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân, cho cơ sở điều trị và nhà chính sách, đặc biệt là trong giai đoạn dịch COVID-19” - BS Dung kết luận.

Hồng Nhung

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X