Hotline 24/7
08983-08983

Mùa đông trẻ thường mắc bệnh gì, phòng tránh ra sao?

Cuối năm rét đậm bao trùm các tỉnh phía Bắc, còn miền Nam nhiệt độ cũng xuống thấp kỷ lục khiến cho sức khỏe của trẻ bị ảnh hưởng rất nhiều. Cùng lắng nghe phần chia sẻ của BS Trương Hữu Khanh về các biện pháp bảo vệ trẻ khi trời lạnh nhé!

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Trời lạnh, trẻ thường gặp bệnh gì, cách khắc phục sao?

Xin hỏi BS, nhiệt độ thay đổi đột ngột gây ảnh hưởng thế nào đến trẻ em? Bệnh nào thường gặp ở trẻ khi trời trở lạnh ạ? Riêng trong lĩnh vực Truyền nhiễm Nhi thì căn bệnh nào là dễ gặp nhất ạ? Những thói quen của cha mẹ khiến con trẻ dễ mắc bệnh và lâu khỏi bệnh?

BS Trương Hữu Khanh:

Nhiệt độ như thế này rất nguy hiểm đối với người dân ở miền Trung và miền Bắc. Đặc biệt, khiến khả năng điều tiết của trẻ nhỏ sẽ kém hơn rất nhiều, từ đó dẫn đến việc bộc phát lại những căn bệnh về đường hô hấp. Những bé có bệnh nền như suyễn sẽ dễ bị lên cơn hơn hay bé có cơ địa bệnh lý về da sẽ bị khô, chàm gây ngứa ngáy, khó chịu.

Trong quá trình chăm sóc trẻ khi trời lạnh có thể sẽ xảy ra những tai nạn từ việc nằm, sưởi ấm bằng than, lửa gây phỏng, ngạt. Nếu phụ huynh không cẩn thận khi tắm và lau mình cho trẻ cũng sẽ dễ làm trẻ bị cảm lạnh và mắc phải những bệnh lý đường hô hấp như cúm, viêm họng, viêm mũi họng.

Riêng trong miền Nam chúng ta, không khí mát thành ra cũng sẽ đỡ hơn; nhưng nếu chúng ta ỷ y như vậy mà không quan tâm đến trẻ là không được. Buổi sáng sẽ rất lạnh, trưa nóng, chiều tối thì lạnh; nếu phụ huynh không chăm sóc trẻ cẩn thận cũng sẽ xảy ra một số bệnh về đường hô hấp tương tự như miền bắc thôi, tuy nhiên ở miền nam không khí mát nên cũng sẽ đỡ hơn rất nhiều so với thời tiết nóng nực.

Riêng trong lĩnh vực truyền nhiễm nhi thì cúm và viêm tiểu phế quản là dễ gặp nhất. Tuy nhiên từ giờ cho đến khoảng tháng 2, 3, 4 sẽ có khả năng trẻ gặp các bệnh như thủy đậu, tay chân miệng. Khi thời tiết thay đổi trẻ rất dễ bị mắc các bệnh lý về đường hô hấp. Một số trẻ nếu không chích ngừa đủ thì từ bệnh đường hô hấp có thể làm cho bị viêm màng não.

Trong khi đó, các bệnh lý về đường hô hấp thì không thể hết nhanh được, cần có thời gian, miễn sao đừng để gây nên biến chứng về viêm phổi thì sẽ không nguy hiểm. Còn ho và sổ mũi ở trẻ thì cũng cần thời gian để hồi phục nhưng không đáng lo ngại quá.

Cha mẹ cần lưu ý, trong quá trình chăm sóc phải làm sao cho trẻ uống đủ nước, dưới 6 tháng phải bú đủ sữa. Đặc biệt bệnh lý về đường hô hấp mà để thiếu nước hay dinh dưỡng thì đàm khô sẽ bị tắc lại càng làm cho trẻ khó thở thêm, càng khó thở càng tắc đàm lại khiến trẻ biếng bú; như một vòng lẩn quẩn khiến trẻ bị bệnh nặng hơn.

Thứ hai cho trẻ uống thuốc ho thảo dược thông thường, còn với thuốc ho tân dược thì cần chọn lựa tùy theo lứa tuổi, vì có một số em bé cơ địa bị suyễn nếu uống những loại thuốc tân dược có thể làm bộc phát cơn suyễn.

Trong quá trình chăm sóc trẻ vào mùa lạnh cần phải biết lúc nào nên giữ ấm cho trẻ, đặc biệt khi đi ra ngoài cần giữ cho đầu trẻ được ấm. Có thể sử dụng khăn che trước mặt trẻ nhằm cản bớt luồng khí trực tiếp; nghỉ ngơi, đặc biệt là chích ngừa cúm.

BS Trương Hữu KhanhBS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Truyền nhiễm - Thần kinh công tác tại Bệnh viện Nhi đồng 1

2. Trẻ bị bệnh đường hô hấp, khi nào chăm sóc ở khi và cần đi bệnh viện?

Bệnh đường hô hấp là vấn đề hàng đầu ở trẻ trong thời gian này với những triệu chứng chung nhất là ho, sổ mũi, sốt. Với các dấu hiệu nào, khi nào có thể chăm sóc trẻ tại nhà và trường hợp nào cần thăm khám, nhập viện?

BS Trương Hữu Khanh:

Thông thường một em bé sốt, ho, sổ mũi thì bệnh cũng phải kéo dài từ 5-7 ngày. Nếu không sốt cao và quá 48 tiếng thì có thể theo dõi. Nếu sốt quá cao thì phải bế bé đi khám bệnh ngay. Sau 48 tiếng nếu sốt thì các BS cần làm xét nghiệm để xem xét vì có thể là bệnh khác chứ không phải bệnh đường hô hấp không.

Riêng về ho, sổ mũi chắc chắn phải sử dụng thuốc ho thảo dược, nhỏ nước muối sinh lý. Quan trọng nhất là theo dõi sát em bé, để ý xem em bé có bỏ bú bỏ ăn hay không; có một số trường hợp bé không bú được không phải do bị bệnh mà là do bé nghẹt mũi. Nếu trước khi cho bé bú mà thấy bé cứ hả miệng ra là do nghẹt mũi không nuốt được, vì thế cần làm cho sạch mũi bé như nhỏ mũi, lấy hết nước mũi ra sau đó bé sẽ bú lại được liền.

Nếu bé không nghẹt mũi mà biếng ăn, bú kém thì chắc chắn bé có vấn đề cần đi bệnh viện.

Phụ huynh cần theo dõi cách bé thở, có thể ẵm bé lên nhìn xem bé thở thế nào. Khi bé mắc các bệnh lý đường hô hấp thì cần theo dõi sát nhịp thở của trẻ, nếu bé thở nhanh hơn bình thường khoảng hơn 40 lần/ phút thì chắc chắn có vấn đề. Sau đó xem bé có thở đều không. Chỉ cần theo dõi những dấu hiệu này nếu có cần đi bệnh viện; nếu chưa có dấu hiệu gì đặc biệt em bé vẫn chơi ăn, bú được thì cố gắng theo dõi và cho bé sử dụng thuốc ho thảo dược.

3. Nguyên nhân và cách phòng ngừa khô da ở trẻ?

Khô da cũng khá thường gặp ở trẻ em trong mùa lạnh? Vậy nguyên nhân do đâu và làm sao để phòng ngừa tình trạng khô da cho trẻ? Nên dùng các loại kem giữ ẩm thích hợp khi da khô, các loại kem dưỡng dành cho trẻ em?

BS Trương Hữu Khanh:

Khi lạnh đương nhiên sẽ làm khô, dị ứng và bong tróc da, thậm chí nứt môi nếu không chú ý. Đặc biệt với trẻ làn da của chúng mỏng hơn, nhạy cảm hơn sẽ dễ bị khô da và chàm hóa hơn, đây là yếu tố rất bình thường.

Người lớn có thể cảm nhận được, tuy nhiên khi trẻ khó chịu thì chỉ biết khóc. Vì thế cần chý ý quan sát đặc biệt vùng má, mặt trẻ. Nhất là những bé có cơ địa dị ứng khi bị như vậy sẽ bị nhiều hơn, khiến trẻ khó chịu không ngủ và ăn được, mất đi sức đề kháng.

Hiện nay phụ huynh thường không để ý đến việc dùng xà phòng, sữa tắm của người lớn tắm cho trẻ, đây là điều không nên. Bé dưới 1 tuổi nên có loại riêng để tắm. Trong quá trình tắm hay sử dụng sữa tắm có rất nhiều sản phẩm an toàn cho trẻ em, lựa chọn sản phẩm không chứa corticoid là được.

Tuy nhiên phụ huynh cần tìm và lựa chọn kĩ, có em bé thì chịu loại này nhưng có bé do cơ địa da thì lại ưng loại khác. Đặc biệt với vùng môi cần lựa chọn sản phẩm nào trẻ nuốt được, nuốt không có hại như vaseline mỏng,… Nếu dùng những loại giữ ẩm chỉ bôi ngoài da để bôi lên môi trẻ thì có khả năng bé sẽ nuốt vào không tốt cho trẻ. Sử dụng dưỡng ẩm khá là an toàn miễn sao trong đó không có corticoid là được.

4. Giữ con trong nhà khi trời lạnh có tốt không?

Vì trời lạnh nên nhiều gia đình không cho trẻ vui chơi bên ngoài, thường có xu hướng để con trong nhà nhiều hơn. Việc giữ “khư khư” con trong nhà như vậy có đúng không BS? Cho trẻ vận động trong mùa lạnh sao cho đúng?

BS Trương Hữu Khanh:

Việc trẻ đi chơi, học, tham gia các hoạt động đương nhiên là phải làm chứ không thể nhốt trẻ suốt ngày được. Cần chọn lựa khoảng thời gian ấm để cho trẻ ra ngoài sinh hoạt và vui chơi. Khi đưa trẻ ra ngoài cần mang vớ chân, che mặt, mặc áo đủ ấm. Nếu bạn làm tốt thì em bé vẫn hưởng được không gian ở bên ngoài và vẫn bảo đảm sẽ không bị cảm lạnh.

5. Tắm cho trẻ khi trời lạnh sao cho đúng?

Trời lạnh, không chỉ bố mẹ mà ngay cả con nhỏ cũng rất ngại việc tắm, vệ sinh cơ thể, vì sợ nhiễm lạnh. Vậy xin hỏi BS, mùa lạnh tắm cho trẻ sao cho đúng? Nguyên tắc quan trọng khi tắm cho trẻ mà bố mẹ cần nhớ?

BS Trương Hữu Khanh:

Vào mùa lạnh nếu thấy không quá khó chịu thì có thể lau mình thôi cũng được. Riêng việc tắm cho trẻ nên nhớ cần chuẩn bị đầy đủ hết tất cả dụng cụ thì hãy tắm, chứ đừng tắm xong mới thấy nước chưa đủ ấm, chưa lấy khăn lau hoặc chưa có quần áo.

Không chỉ riêng mùa lạnh mà thông thường sau khi tắm nếu bạn để trẻ trong phòng tắm khi không mặc đồ, không lau thì rất nguy hiểm và nguy cơ trẻ bị cảm lạnh là rất cao. Em bé dưới 5 tuổi là phải tắm nước nóng.

Trước khi tắm chuẩn bị khăn lau, áo quần xong xuôi hết mới bắt đầu tắm; hoặc không tắm thì lau theo khu vực cởi tới đâu lau tới đó cho trẻ, lau xong thay đồ liền; vì thế nhất định là phải chuẩn bị xong xuôi hết cho trẻ rồi mới tắm. Riêng mùa lạnh chắc chắn phải tắm nước ấm, nếu trẻ không dơ không vận động nhiều, không ra mồ hôi nhiều thì có thể cách ngày tắm một lần vẫn được.

Nếu tắm thấy trẻ rùng mình thì biết là bé đã lạnh phải trùm khăn lại, chờ một chút lau dần từ trên xuống từng khu vực bằng nước ấm, không nhất thiết phải cởi tung đồ ra để tắm vì không tốt cho trẻ.

Các nguyên tắc quan trọng cần nhớ khi tắm cho trẻ:

- Phải chuẩn bị đầy đủ quần áo.

- Đừng để trẻ rùng mình. Nếu trẻ rùng mình cần ngừng lại ngay sau đó quấn khăn cho trẻ.

- Nếu đủ ấm mới tắm toàn bộ thân hình, cởi đồ ra cho em bé nghịch nước và tắm; nếu không phải lau từng khu vực một đảm bảo cho em bé an toàn.

- Sau khi tắm xong đừng để bé chạy ra ngoài liền khi chưa đủ ấm vì sẽ rất dễ bị bệnh. Tắm xong trùm em bé lại trong phòng kín gió khoảng 30 phút để điều hòa thân nhiệt sau đó mới cho em bé đi chơi.

6. Làm sao để giữ ấm cho trẻ?

Vấn đề quan tâm nhất của các bậc phụ huynh trong mùa lạnh là làm sao để giữ ấm cho con tốt nhất. Cha mẹ thì khăng khăng bắt con mặc thêm quần áo, nhưng con trẻ hay than nóng và thường cởi ngay khi có cơ hội. BS có lời khuyên nào cho các ông bố bà mẹ trong việc giữ ấm cho con ạ?

BS Trương Hữu Khanh:

Cần giáo dục trẻ nếu cần cởi đồ ra thì phải báo cho bố mẹ, vì con nít ham chơi sẽ không biết quá nóng và quá lạnh; chỉ khi chạy chơi một hồi chúng cảm thấy lạnh, rùng mình lúc này sẽ dễ bệnh hơn.

Hãy dạy trẻ tại sao phải mặc áo ấm, khi nào muốn cởi đồ ra thì phải báo cho bố mẹ hoặc người thân. Không để trẻ tự do mặc đồ, cởi đồ, như vậy sẽ không kiểm soát được đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi.

Nhìn chung ở thời tiết này đối với miền Trung và miền Bắc khá là khắc nghiệt, với trẻ cần uống đủ nước, ăn đủ chất và mặc đủ ấm. Đặc biệt khi ra ngoài môi trường trong đó đầu trẻ, bàn tay, chân, khuôn mặt trẻ cần che chắn thế nào để lượng khí khi trẻ hít thẳng vào được giảm đi, có điều kiện nên chích ngừa cúm đủ để bảo đảm an toàn.

Cuối cùng vẫn là giữ ấm cho trẻ, uống đủ nước, ăn đủ chất.

7. Cách giúp trẻ luôn khỏe mạnh trong mùa đông?

Cuối cùng xin hỏi BS thời tiết như thế này nên làm thế nào để bé luôn khỏe? Nên cho bé bổ sung thêm chất gì để có thêm sức đề kháng chống lại bệnh tật?

BS Trương Hữu Khanh:

Việc ăn uống không cần thay đổi gì nhiều quan trọng là phải uống đủ nước, em bé dưới 6 tháng phải cung cấp đủ sữa, thật ra cũng không cần phải ăn gì quá đặc biệt chỉ cần ăn uống điều độ như mọi khi nhưng đủ chất là được.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X