Hotline 24/7
08983-08983

Cảm lạnh mùa mưa: Mẹ hiểu để chăm sóc trẻ đúng cách

Những cơn mưa bất chợt của miền Nam hay những đợt mưa phùn của ngày đông lạnh giá ở miền Bắc khiến cơ thể yếu ớt của trẻ dễ mắc cảm lạnh và cúm. Vậy làm sao cha mẹ có thể phân biệt và điều trị đúng cách?

1. Cảm lạnh và cảm cúm ở trẻ em khác nhau thế nào?

Khi thời tiết đột ngột thay đổi, bé yêu của bạn có thể xuất hiện những triệu chứng sốt, ho, sổ mũi, hắt hơi... Với kinh nghiệm của mình, nhiều cha mẹ hoặc thậm chí là nhân viên y tế thường chủ quan phán đoán có thể trẻ chỉ mắc cảm lạnh thông thường.

Thực tế, rất có thể chúng ta đang nhầm lẫn giữa 2 khái niệm, dấu hiệu của cảm lạnh cảm cúm. Bởi, các triệu chứng lâm sàng ở hai bệnh này khá giống nhau nên rất dễ lầm tưởng và đánh đồng chúng là một. Nguy hại ở chỗ, nếu đánh giá sai về mức độ bệnh và không điều trị hiệu quả đúng cách, trẻ có thể gặp các biến chứng nặng nề.

Cảm lạnh là do Rhinovirus, với các triệu chứng nhẹ có thể tự khỏi trong vài ngày như: sốt nhẹ hoặc không sốt; ho mức độ vừa phải, đau họng, sổ mũi,… Người bệnh vẫn có thể sinh hoạt bình thường mà không kèm các triệu chứng đau nhức mình mẩy, đau cơ. Bệnh cũng ít để lại hậu quả và khả năng lây lan không nhiều.

Ngược lại, cảm cúm là do các virus cúm khác nhau, mà mỗi chủng loại lại có nhóm huyết thanh không giống nhau. Các triệu chứng xuất hiện rất dữ dội, ồ ạt, sốt cao 39 độ, rét run, ho dữ dội… bệnh nhân mệt mỏi, đau mình, đau cơ, kiệt sức nhanh chóng… thậm chí nằm liệt giường không thể hoạt động sinh hoạt bình thường” - TS.BS Trần Anh Tuấn - Trưởng khoa hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho hay.

Cảm cúm và cảm lạnh là 2 bệnh lý khác nhau, nhưng lại có một số triệu chứng tương đồng nên rất nhiều cha mẹ đã nhầm lẫn và điều trị sai cách cho con.

Ở Việt Nam, cảm lạnh và cảm cúm xuất hiện rải rác trong năm, mùa nào cũng có; nhưng thường gặp nhiều là ở thời điểm trời trở lạnh hoặc khi chuyển mùa (mùa nóng sang mùa lạnh hoặc ngược lại).

Cả 2 nhóm bệnh này thường gặp nhất ở trẻ em dưới 5 tuổi; bởi lẽ ở tuổi này khả năng miễn dịch của các bé còn yếu ớt, chưa đủ chống lại sự xâm nhập của các loại virus.

Theo BS Trần Anh Tuấn, “đối với cảm lạnh, trung bình 1 em bé có thể bị từ 5-8 lần/năm. Mỗi lần như vậy, ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt, học tập của bé và của cả gia đình. Tuy người ta vẫn hay gọi là cảm lạnh thông thường nhưng virus gây cảm lạnh không hề “hiền lành” chút nào; bởi lẽ nếu một bệnh nhân đang mắc bệnh hen suyễn thì chính con virus này là yếu tố kích thích bệnh nhân lên cơn hen đặc biệt là ở trẻ em (80% các trường hợp trẻ bị lên cơn hen là do sự xâm nhập của các loại virus này). Đây là điều khiến nhiều bác sĩ lo lắng”.

“Còn với cảm cúm, có thể đưa đến một số biến chứng nguy hiểm đặc biệt là với trẻ dưới 5 tuổi, đây là nhóm được coi là có nguy cơ hàng đầu sẽ gặp phải tình trạng “viêm phổi”. Các bé bị viêm phổi sau cúm, nhiều trường hợp diễn tiến rất nhanh và nặng khiến cho việc điều trị gặp nhiều khó khăn.

Thậm chí có trường hợp sau khi cảm cúm các bé bị biến chứng lên não. Hoặc ở trẻ nhỏ nếu bị cúm mà người nhà không biết cách chăm sóc lại cho uống các loại thuốc hạ sốt, giảm đau có chất aspirin thì sẽ đưa đến hiện tượng tổn thương gan, não,… cấp tính; lúc này bệnh diễn tiến rất nhanh và tỉ lệ tử vong cao” - BS Tuấn khuyến cáo.

2. Trẻ bị ho và sổ mũi do cảm lạnh, xử trí thế nào?

Vũ Hoa Phượng -vuthiphuong…@gmail.com

Chào bác sĩ! Bé nhà em là con gái, 4 tuổi, thời tiết thay đổi làm cháu bị cảm lạnh 3 hôm nay rồi ạ. Bác sĩ cho em hỏi bệnh này có tự hết được không? Và khi nào thì em cần đưa bé tới bệnh viện? Xin cảm ơn bác sĩ.

TS.BS Trần Anh Tuấn - Trưởng khoa hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1 trả lời:

Chào bạn,

Nếu như con bạn thật sự chỉ là cảm lạnh thông thường thì bạn có thể yên tâm, khoảng chừng 70-80% các bé sẽ tự khỏi trong vòng 10-14 ngày, nếu được chăm sóc tốt.

Bé cảm lạnh đã 3 ngày rồi, nếu bạn chăm sóc đúng mức thì khả năng khỏi là rất cao. Bệnh này hoàn toàn có thể tự khỏi được mà không cần sử dụng thuốc điều trị gì riêng biệt; đặc biệt là không cần sử dụng kháng sinh.

Tuy nhiên, vẫn có khoảng chừng 20-25% trường hợp bệnh sẽ diễn tiến thành nặng và khi đó chúng ta nhất thiết phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay.

Dưới đây là những dấu hiệu cần phải đưa trẻ đi cấp cứu ngay như:

- Ngủ li bì và không thể lay gọi đánh thức trẻ dậy

- Trẻ dưới 2 tháng tuổi, bỏ bú hoặc bú kém (không bú hết ½ bình sữa thông thường mà bé vẫn bú hàng ngày).

- Trẻ lớn hơn 2 tháng tuổi không uống được, yếu đến mức bất kì chất lỏng nào cũng không thể uống.

- Nôn tất cả mọi thứ - đây cũng là một dấu hiệu nghi nặng, nhất thiết phải cho bé đi cấp cứu bất kể ngày và đêm.

- Có biểu hiện co giật.

Cảm lạnh thông thường ở trẻ có thể không cần điều trị vì bệnh sẽ tự khỏi, nhưng nếu cha mẹ gặp những dấu hiệu bất thường ở trẻ cần đưa con tới bác sĩ ngay.

Ngoài ra, còn một vài dấu hiệu cho thấy trẻ bệnh nặng khác như:

- Khó thở, đây là biểu hiện quan trọng nhất, bởi khi trẻ bị nhiễm trùng đường hô hấp thì có khoảng 20-25% sẽ diễn tiến thành sưng phổi.

Cần chú ý nhất là triệu chứng thở co lõm lồng ngực, theo dõi bằng cách cho bé nằm yên trên giường hoặc nằm yên trong lòng bàn tay của mẹ; vén áo trẻ cao lên để thấy rõ phần dưới lồng ngực và bụng của bé hít thở thế nào. Bình thường khi bé hít vào phần dưới gần bụng sẽ nở ra để tiếp nhận oxygen từ bên ngoài vào.

Trong trường hợp nếu trẻ bị sưng phổi quá nặng, phổi bị tắc cứng thì lúc này bé phải ráng sức kéo lõm/ hóp lồng ngực vào thì mới thở nổi; đây là dấu hiệu báo nhất thiết phải cho các bé nhập viện càng sớm càng tốt.

- Thở nhanh, cũng là dấu hiệu sớm nhất xuất hiện khi các bé mắc bệnh viêm phổi; nếu thời điểm này các bé được cha mẹ đưa đi khám bệnh và đến gặp bác sĩ thì hiệu quả điều trị sẽ rất nhanh.

- Trẻ ho kèm theo máu thì cũng nên cẩn thận lưu ý.

- Trẻ ho kèm theo dấu hiệu khạc đờm, nếu đờm đục, hôi giống như mủ thì rất có khả năng bé bị nhiễm trùng hô hấp cần đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

- Trẻ ho kèm sốt cao từ 39 độ C trở lên, kéo dài 2-3 ngày không giảm.

- Ngoài bệnh hô hấp nên lưu ý còn có một số bệnh khác, chẳng hạn như sốt xuất huyết cũng cần phải cảnh giác.

- Ho kéo dài quá 1 tuần không thuyên giảm thì cũng nên cho trẻ đi khám sớm để xem có biến chứng gì không và nguyên nhân là do đâu. Trên cơ sở đó mới có thể điều trị tốt và hiệu quả.

Mai Thu Huyền - huyenmaiht…@gmail.com

Bác sĩ ơi, bé nhà em từ qua đến nay bị hắt xì hơi liên tục, chảy nước mũi, ho kèm có đờm, cơ thể mệt mỏi, sốt nhẹ. Em phải chăm sóc làm sao để giảm các triệu chứng khó chịu này cho bé? Kính mong bác sĩ cho lời khuyên.

TS.BS Trần Anh Tuấn - Trưởng khoa hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1 trả lời:

Chào bạn,

Khi em bé bị cảm lạnh giống như trường hợp con của bạn thì đây là một triệu chứng tuy không lớn nhưng cũng làm cho bé khó chịu và người lớn thì cũng rất lo ngại.

Trong tình huống này, nếu thật sự các bé chỉ bị cảm lạnh thì chúng ta có một số giải pháp như sau:

- Cố gắng thông thoáng mũi cho bé; đặc biệt khi bé càng nhỏ thì mũi phải thông thoáng thì bé mới có thể hít thở được dễ dàng và ăn ngủ tốt. Ngược lại nếu bé bị nghẹt mũi thì lúc này có thể dùng nước muối sinh lý để nhỏ mũi, và thấm sạch mũi cho các bé, làm nhiều lần trong ngày để giúp mũi của các bé được thông thoáng.

- Trong trường hợp nếu bé sổ mũi, hắt hơi nhiều không thể ngủ được thì bạn có thể xin ý kiến tư vấn của các dược sĩ/ bác sĩ cho bé dùng các loại thuốc kháng histamin an toàn và phù hợp với lứa tuổi cũng sẽ giúp bé giảm nhanh được triệu chứng này.

- Nếu bé mệt mỏi bạn có thể cho bé mặc quần áo rộng rãi một chút để bé dễ chịu, tránh trường hợp tập quán hễ bé bị cảm ho là cho mặc 2-3 lớp áo dày điều này khiến bé khó chịu thêm. Nếu thời tiết không quá lạnh bạn chỉ nên cho bé mặc quần áo thoáng mát giúp bé dễ chịu.

- Nên cho bé ăn uống đầy đủ dưỡng chất như vậy các bé mới có đủ dinh dưỡng đủ sức để lướt qua bệnh tật; đặc biệt nếu bé được ăn thêm nhiều các loại hoa quả có thêm vitamin thì đây là điều rất tuyệt vời.

- Nếu bé ho quá nhiều thì bạn có thể dùng thuốc ho, theo khuyến cáo của Bộ Y tế cũng như Tổ chức Y tế Thế giới thì tốt nhất bạn nên chọn các loại thuốc ho có nguồn gốc từ thảo dược an toàn và phù hợp với lứa tuổi của cháu, tránh được các tác dụng phụ, những độc tính mà từ việc sử dụng các loại thuốc ho không đúng gây nên

Kiều My - trankieumy…@gmail.com

Tôi tên Kiều My, ở TPHCM. Xin được hỏi bác sĩ, cha mẹ cần lưu ý những gì khi chọn thuốc trị ho cho con? Bé nhà tôi một trai 5 tuổi và một gái 2,5 tuổi ạ. Chân thành cảm ơn.

TS.BS Trần Anh Tuấn - Trưởng khoa hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1 trả lời:

Chào bạn,

Đầu tiên nên chú ý chọn các loại thuốc ho phù hợp với bệnh và lứa tuổi của các bé.

Nếu một em bé 2,5 tuổi và một bé 5 tuổi thì không phải loại nào cũng sử dụng được cho cả 2 lứa tuổi này. Có loại sử dụng được cho cả 2 nhưng ngược lại có loại chỉ sử dụng cho trẻ lớn, trẻ nhỏ thì không được sử dụng. Vì vậy chúng ta cần phải nhờ đến sự tư vấn của bác sĩ/ dược sĩ để chọn đúng thuốc ho phù hợp với bệnh và lứa tuổi của trẻ.

Nếu bạn đang phân vân và cũng có không có điều kiện để nhận được sự tư vấn của bác sĩ thì tốt nhất bạn nên chọn các loại thuốc ho có nguồn gốc từ thảo dược an toàn; đây chính là khuyến cáo của Bộ y tế cũng như Tổ chức Y tế Thế giới vì những loại thuốc này đa phần đã được sử dụng trong dân gian từ hàng ngàn năm nay và chứng tỏ được hiệu quả của nó và đặc biệt là có tính an toàn cao đối với trẻ em.

Dang Duc Tuan - tuandang1606…@gmail.com

Thưa bác sĩ! Con em mới được 14 tháng, vậy có thể dùng thuốc ho thảo dược được không ạ? Liệu sử dụng với trẻ nhỏ như thế thì có an toàn? Mong được bác sĩ tư vấn. Em cảm ơn.

TS.BS Trần Anh Tuấn - Trưởng khoa hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1 trả lời:

Chào bạn,

Trên nguyên tắc khi các bé ho thì có thể dùng thuốc ho thảo dược là một cách một cách an toàn mà không có vấn đề gì phải ưu tư. Nhưng ngược lại có những loại thuốc dược chúng ta bắt buộc phải sử dụng ở lứa tuổi lớn hơn thậm chí là từ 3 tuổi trở lên.

Trong trường hợp tình trạng con của bạn thì sử dụng thuốc ho thảo dược là một ý kiến rất hay, rất tốt. Tránh trường hợp bạn sử dụng các loại thuốc ho của người lớn chia 5 chia 7 cho con em mình uống đây là điều sai lầm. Bạn nên nhớ liều lượng thuốc không phải chỉ quyết định hiệu quả và tác dụng phụ nhưng có những loại thuốc khi sử dụng cho trẻ nhỏ như thế thì tiềm tàng theo đó là những nguy cơ gây độc tính thậm chí là ngộ độc; do đó chúng ta nên sử dụng thuốc một cách hợp lý và khôn ngoan.

Trên thực tế có rất nhiều sản phẩm thuốc ho khác nhau; đối với các bậc cha mẹ đôi khi cũng lúng túng giữa nhiều loại thuốc, không biết nên chọn loại nào. Bạn nên chọn các loại thuốc ho:

- Có nguồn gốc từ thảo dược an toàn.

- Tránh những loại thuốc ho chỉ có thành phần đơn giản là những chất đơn thuần.

- Phù hợp với bệnh của trẻ, phù hợp vơi tuổi của em bé.

- Được sản xuất từ những công ty dược có uy tín và danh tiếng. Vì với uy tín lâu năm của các nhà sản xuất, người ta đã thiết lập được một hệ thống sản xuất chất lượng khép kín và đạt hiểu quả, như vậy chúng ta cũng có thể tin tưởng và an tâm tin dùng hơn.

- Giá cả/ chi phí phù hợp; không nhất thiết bạn phải mua một loại thuốc ho quá đắt tiền để sử dụng cho con em.

Huỳnh Phương Nghi - nhihohuynh…@gmail.com

Chào bác sĩ! Cho em hỏi, khi trẻ bị cảm lạnh kèm ho, có thể sử dụng thuốc CozzIvy được không? Vì em thấy thuốc này đang rất hot trên thị trường, mà chưa dám mua về cho bé ở nhà sử dụng. Kính mong bác sĩ giải đáp thắc mắc. Chúc bác sĩ luôn khỏe mạnh và công tác tốt!

TS.BS Trần Anh Tuấn - Trưởng khoa hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1 trả lời:

Chào bạn,

CozzIvy là một loại thuốc ho mới xuất hiện do công ty dược phẩm Hậu Giang sản xuất - đây là một công ty dược danh tiếng của Việt Nam với nhiều uy tín và thành công trên thị trường dược phẩm không chỉ ở việt Nam mà còn với nhiều nước trong khu vực. Vì vậy nếu bạn chọn CozzIvy thì cũng rất yên tâm.

CozzIvy là một loại thuốc ho mà thành phần và dược chất chính của nó là từ cao lá thường xuân - như chính tên gọi bởi lẽ đây là một loại lá xanh mướt quanh năm. Đây là một bài thuốc ho dân gian lâu năm của các nước Tây phương, được sử dụng từ hàng ngàn năm và người ta nhận thấy rất hiệu quả trong việc giải quyết các trường hợp ho đặc biệt các chứng ho có đờm nhất là cho trẻ nhỏ.

Nguyễn Thị Cẩm Tú - tucam09…@gmail.com

Thưa BS đến giao mùa là bé nhà em lại bị cảm lạnh, ho và sổ mũi rất khó chịu. Nhờ BS tư vấn giúp em làm thế nào để phòng ngừa bệnh này khi thời tiết thay đổi và nên chăm sóc thế nào. Tiêm ngừa vắc xin thì có giúp phòng ngừa cảm lạnh được không thưa BS?

TS.BS Trần Anh Tuấn - Trưởng khoa hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1 trả lời:

Chào bạn,

Ở thời điểm giao mùa không chỉ trẻ em mà người lớn cũng rất dễ mắc bệnh. Vậy thì làm sao có thể bảo vệ được con em khỏi các bệnh về đường hô hấp vào thời điểm giao mùa? Có thể tạm chia ra 2 nhóm giải pháp chính:

1. Giải pháp trước mắt:

Với điều kiện thời tiết thay đổi sẽ tác động vào cơ thể đang còn rất non nớt của các bé, vì vậy chúng ta nên cố gắng bảo vệ các bé thật tốt tránh những tác động xấu từ thời tiết thay đổi một cách linh hoạt.

- Khi trời trở lạnh bạn nên mặc cho các bé đủ ấm tránh gió lùa; mang tất, quấn khăn choàng, đội thêm nón len, …

- Ở các tỉnh phía Bắc có những lúc thời tiết rất nóng khi đó bạn phải sử dụng các phương tiện giải nhiệt ví dụ như: quạt máy, máy điều hòa một cách hợp lý để các bé có thể dễ chịu trong thời tiết nóng bức mà không bị tác động xấu từ việc sử dụng không đúng/ lạm dụng.

- Nên cho bé rửa tay thường xuyên vì bởi lẽ sẽ phòng chống được bệnh tay chân miệng và dịch COVID-19 - được coi như đây là một loại vắc-xin vô cùng hiệu quả và rẻ tiền bởi nó sẽ chống được các bệnh về đường hô hấp; tuy là bệnh về đường hô hấp nhưng đường lây truyền lại chủ yếu là qua bàn tay.

- Đeo khẩu trang cẩn thận. Mặc dù Việt Nam chúng ta đang làm rất tốt việc khống chế dịch COVID-19 nhưng trên thế giới thì đây vẫn là vấn đề đáng lo ngại. Chính vì vậy ngành y tế cũng như Chính phủ vẫn đang khuyến cáo chúng ta nên tiếp tục đeo khẩu trang ở nơi công cộng đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM. Đeo khẩu trang ngoài việc phòng chống COVID còn giúp chúng ta bảo vệ và giúp được các bé tránh khỏi những nguy cơ mắc các bệnh đường hô hấp.

- Cần cho các bé ăn uống đầy đủ chất, thêm nhiều hoa quả có nhiều vitamin giúp các bé tăng được sức để kháng.

- Không nên cho các bé nhỏ, đặc biệt là dưới 3 tháng tuổi, các bé có các bệnh mạn tính, suy dinh dưỡng nặng, tim bẩm sinh,… tiếp xúc gần với người lớn hoặc trẻ lớn khác dù chỉ đang mắc cảm ho thông thường.

2. Về giải pháp lâu dài:

- Cần lưu ý chế độ dinh dưỡng cho trẻ tốt, chăm sóc cẩn thận để trẻ không bị suy dinh dưỡng; có như vậy trẻ mới đủ sức để kháng, chống mọi trường hợp chứ không phải chỉ là bệnh đường hô hấp.

- Với các bé còn bú sữa mẹ, nên cho các bé bú mẹ hoàn toàn, tốt nhất là trong 6 tháng đầu. Vì sữa mẹ người ta đã chứng minh được vai trò của nó trong việc phòng chống nhiều bệnh về đường hô hấp thậm chí là viêm phổi hay viêm đường phế quản (2 nhóm bệnh gặp nhiều và phổ biến)

- Dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ không để ô nhiễm.

- Tránh và bảo vệ các bé không hít phải khói thuốc lá thụ động; một em bé khi hít phải khói thuốc lá thụ động sẽ tăng gấp đôi nguy cơ viêm phổi và viêm tai giữa so với các bé khác.

- Chủng ngừa là một biện pháp vô cùng hiệu quả giúp các bé phòng chống được nhiều bệnh nguy hiểm. Lưu ý có 2 loại thuốc chủng ngừa: một loại trong chương trình tiêm chủng mở rộng giúp cho các bé phòng ngừa được những bệnh nguy hiểm nhất bên cạnh đó với trẻ em đặc biệt là các bé có các bệnh mạn tính thì chúng ta nên chú ý thêm 2 chủng loại chích ngừa tự nguyện: chủng ngừa cúm và chủng ngừa phế cầu (phế cầu là thủ phạm hàng đầu như là một loại vi khuẩn gây nhiễm nên hô hấp cấp tính thậm chí là viêm phổi ở người lớn và trẻ em).

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X