Hotline 24/7
08983-08983

Mổ não tỉnh áp dụng khi nào, chuẩn bị ra sao?

Câu chuyện của ThS.BS.CK2 Chu Tấn Sĩ và BS.CK2 Lưu Kính Khương mang lại nhiều thông tin thú vị về kỹ thuật mổ não tỉnh (phẫu thuật mở sọ tỉnh) bằng robot: kỹ thuật này áp dụng với bệnh nhân nào, gây mê được tiến hành ra sao? hậu phẫu có khác gì so với mổ mê?

Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về kỹ thuật mổ não tỉnh bằng robot, AloBacsi đã mời “bàn tay vàng” trong làng ngoại khoa ThS.BSCK2 Chu Tấn Sĩ và Trưởng khoa Gây mê Hồi sức Ngoại - BS.CK2 Lưu Kính Khương tham gia chương trình tư vấn trực tuyến với chủ đề "Mổ não tỉnh - bước ngoặt mới của ngành phẫu thuật thần kinh Việt Nam" .

I. Mổ não tỉnh (phẫu thuật mở sọ tỉnh) là phẫu thuật gì?

1. Thưa 2 BS, là những chuyên gia dày dạn trong làng ngoại khoa - BS Chu Tấn Sĩ đã từng phẫu thuật hàng ngàn ca mổ não và thần kinh - cột sống, BS Lưu Kính Khương thì đảm nhiệm công tác gây mê, hồi sức cho 15 phòng mổ của cả BV với những ngày lên đến hơn 100 ca mổ. Tuy nhiên, khi tiếp cận với kỹ thuật mổ não thức tỉnh, cảm xúc của 2 BS ra sao? Hành trình học hỏi, tiếp cận và đưa kỹ thuật này về Việt Nam như thế nào?

ThS.BS.CK2 Chu Tấn Sĩ:

Khi chúng tôi được Ban Giám đốc BV Nhân dân 115 tín nhiệm cử đi học ở Mỹ về mổ robot, hành trang qua nước bạn học khóa đầu tiên về khái niệm robot rất nghèo nàn, chỉ biết qua sách vở, youtube những thông tin tối thiểu, những thông tin thật sự khi tiếp xúc với robot hết sức ngỡ ngàng với những công năng, phần mềm robot thay trí tuệ con người giải quyết những khó khăn của phẫu thuật viên, đặc biệt là phẫu thuật viên thần kinh càng thấy sự bùng bổ của công nghệ hiện nay lớn cỡ nào.

Khi qua đến nơi tôi mới hình dung được là người ta đã triển khai phẫu thuật robot, hầu hết các trường hợp mổ não tại Bệnh viện Aurora Milwaukee, đặc biệt là mổ trong trạng thái tỉnh. Khi được tiếp cận chúng tôi thật sự không thể tả cảm xúc lúc đó, bởi dù đã đi nhiều nơi nhưng đến ngày hôm nay khi thấy những gì người ta làm vượt mức sự tưởng tượng của bản thân.

Y khoa là một nghệ thuật mà mổ tỉnh còn là nghệ thuật cao cấp hơn, các thành viên phải thật thuần thục, trong quá trình có sự tương tác giữa thầy thuốc với bệnh nhân, giữa thầy thuốc với thầy thuốc… Có thể nói mổ tỉnh là một đỉnh cao của phẫu thuật thần kinh hiện nay.

Quyết định đi học khiến chúng tôi nhận ra rằng phải tiếp cận những công nghệ mới để đưa về Việt Nam triển khai sớm nhất có thể, hy vọng có thể nâng cao thêm trình độ phẫu thuật về ngoại thần kinh ở nước mình.

BS.CK2 Lưu Kính Khương:

Khi nhận được sự phân công để đi học cùng BS Chu Tấn Sĩ về chương trình mổ sọ tỉnh, lần đầu tiên nghe cũng cảm thấy bất ngờ và đắn đo, bởi lâu nay luôn nghĩ rằng mổ sẽ gây mê, thở máy, nhưng ở đây là mổ sọ mà bệnh nhân vẫn tỉnh. Bởi lúc đó tôi luôn nghi rằng đụng tới não bắt buộc phải cho bệnh nhân ngủ để bảo vệ cơ quan quan trọng này.

Nhưng thật sự khi qua Mỹ, 6 giờ sáng phải dậy đi cùng BS Sĩ vào bệnh viện, trời lại còn lạnh, đứng trong phòng mổ với cảm giác lo lắng, không biết mình có tiếp thu được hay không, có về nước triển khai được hay không.

Sau 2 tuần thực tập bên đấy, chúng tôi mới ngộ ra rằng đó là chuyện có thể làm được. Lúc chuẩn bị về tôi có đứng trước phòng thầy và hứa rằng chắc chắn sẽ về nước thực hiện những gì thầy đã dạy cho mình và cố gắng mang đến lợi ích cho người bệnh.

Khi về nước và thực hiện ca mổ đầu tiên cùng BS Sĩ, thực sự tôi rất lo lắng không biết có thành công hay không. Sau khi thực hành ca mổ đầu tiên trong vòng khoảng 2 tiếng và tình trạng bệnh nhân tốt lên, chúng tôi mới vỡ òa cảm xúc. Tôi đã giữ đúng lời hứa và thực hiện được lời hứa đó, mang lại lợi ích cho người bệnh Việt Nam thì đó là điều chúng tôi rất vui mừng.

2. Xuất huyết não vốn là một bệnh lý rất nguy hiểm, đe dọa tính mạng bệnh nhân. Vậy khi thực hiện phẫu thuật điều trị xuất huyết não có sự trợ giúp của robot, và bệnh nhân được mổ tỉnh thì BS đã tiến hành ra sao, có thuận lợi và khó khăn gì khi thực hiện ca mổ này?

ThS.BS.CK2 Chu Tấn Sĩ:

Mở sọ tỉnh (awake craniotomy) bằng kỹ thuật robot có những chỉ định riêng, không phải tất cả các trường hợp đều áp dụng mổ tỉnh, tùy theo mục đích cuộc mổ. Nếu mổ những vùng chức năng, như ngôn ngữ, vận động, lúc đó rất cần sự tương tác của người bệnh.

Khi thực hiện những vùng này chúng tôi yêu cầu bệnh nhân nói chuyện, lúc đó mới đánh giá được đã tiếp xúc với trung tâm ngôn ngữ chưa; yêu cầu bệnh nhân vận động mới đánh giá được đã tiếp xúc với trung tâm vận động của người bệnh chưa. Điều này rất cá thể đối với từng người bệnh, đôi khi có những thay đổi, không thể lấy một điểm chung trên tổng lý thuyết để áp cho mọi người. Nếu áp chung như vậy vô tình làm tổn thuương trung tâm đó. Nếu đã tổn thương thì di chứng thần kinh chắc chắn sẽ để lại. Như vậy chất lượng cuộc sống của người bệnh sau mổ không đảm bảo những chức năng đó.

Thành ra mổ tỉnh để đánh giá chức năng người bệnh trong quá trình phẫu tích đến tổn thương có những chỉ định nhất định. Khi mổ tỉnh đòi hỏi cả một ekip phải thông hiểu với nhau, gần như trao đổi với nhau bằng ánh mắt chứ không thể nói như trường hợp bệnh nhân ngủ mê. Bởi bệnh nhân đang tỉnh, nếu trao đổi điều gì đó bệnh nhân sẽ nghe được và có thể dao động tinh thần.

Do đó, ekip mổ phải phối hợp nhuần nhuyễn, kỹ thuật gần như thuộc lòng và hiểu ý nhau, người phụ mổ chỉ cần nhìn vào ánh mắt của bác sĩ mổ chính đã hiểu cần làm gì. Cả một ekip phải vận động đồng thời và gắn bó, hiểu ý nhau mới có thể triển khai mổ tỉnh được.

alobacsi mổ não tỉnh

II. Mổ não tỉnh được chuẩn bị như thế nào?

3. Bất cứ ca mổ nào cũng có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ bác sĩ gây mê. Ở Bệnh viện Nhân dân 115, có thể nói BS Lưu Kính Khương là “người đưa đò” cho các ca phẫu thuật từ đơn giản tới phức tạp. Nhờ có sự chuẩn bị của ekip gây mê vững tay nghề như BS Lưu Kính Khương mà các bác sĩ ngoại thần kinh có thể yên tâm bước vào ca mổ. Xin hỏi BS, việc chuẩn bị bệnh nhân cho một ca mổ não được tiến hành như thế nào ạ?

BS.CK2 Lưu Kính Khương:

Đối với một trường hợp bệnh nhân mổ sọ tỉnh phải có những chỉ định nhất định như BS Sĩ đã nói, là phải có chỉ định mổ u não ở những vùng chức năng, mổ máu tụ trong não… So với một bệnh nhân bình thường thì mổ sọ tỉnh cũng gần giống như vậy, nhưng những bệnh nhân này phải lựa chọn kỹ hơn nữa.

Vì khi mở sọ tỉnh, đầu bệnh nhân được cố định trong một cái khung, không được cử động, chỉ có thân mình, tay chân nhúc nhích được thôi. Như vậy, người bệnh phải hiểu được bác sĩ gây mê, phẫu thuật viên làm gì cho họ trong cuộc mổ, khi đã hiểu được rồi mới hợp tác tốt với ekip.

Thứ hai, người bệnh cần có tinh thần thép, không bị dao động tinh thần trong khi đang phẫu thuật. Nếu người bệnh lo lắng quá mức hoặc mắc chứng sợ giam cầm trong không gian nhỏ hẹp sẽ không thể tham gia cuộc mổ này.

Ngoài ra chúng tôi phải đánh giá kiểm soát đường thở của người bệnh, nếu đường thở khó, trong quá trình làm nếu cho thuốc quá liều người bệnh không thở được thì cần xử trí như thế nào để bảo vệ sinh mạng người bệnh. Vì vậy phải đánh giá  đường thở rất kỹ để lúc nào cũng có chiến lược trù bị sẵn, chỉ cần người bệnh thở yếu thôi là đã có thể kiểm soát hô hấp ngay, nhằm nâng cao tổng trạng người bệnh cũng như oxy, sinh hiệu, mạch huyết áp… đảm bảo thì phẫu thuật viên mới có thể tiếp tục cuộc mổ.

Trong quá trình mổ, bộ phận gây mê lúc nào cũng phải theo sát phẫu thuật viên, bởi đối với từng giai đoạn cuộc mổ có những kích thích khác nhau. Chẳng hạn khi mở sọ xẻ màng cứng rất đau, gây mê phải luôn phối hợp tốt với phẫu phuật viên, chỉ cần BS Sĩ nhìn thì tôi phải biết là bệnh nhân chuẩn bị rạch da, lúc đó cho bệnh nhân giảm đau, nếu bệnh nhân còn lo lắng thì phải cho thuốc an thần nhẹ để người bệnh nằm yên trong thì đó.

Sau đó khi tới thời điểm quan trọng khác như vào não cần tương tác, lúc đó chúng tôi phải giảm thuốc mê để người bệnh tỉnh lại, trao đổi với phẫu thuật viên hoặc bác sĩ gây mê để đánh giá vùng chức năng đó như BS Sĩ đã trình bày.

Kết thúc cuộc mổ chúng tôi cũng phải gia giảm thuốc mê phù hợp với tình trạng sinh hiệu người bệnh, phù hợp với giai đoạn BS Sĩ thực hiện các kích động trên người bệnh. Đó là quá trình luôn theo sát và căng đầu ra theo từng bước của phẫu thuật viên.

4. Vậy với trường hợp mổ não có sự hỗ trợ của robot, và bệnh nhân được mổ tỉnh thì công tác gây mê có gì khác biệt so với ca mổ thường ạ?

BS.CK2 Lưu Kính Khương:

Đối với một ca mổ sọ não bình thường, công tác chuẩn bị trước mổ đương nhiên phải làm đầy đủ các xét nghiệm tiền phẫu và đánh giá các bệnh lý kèm theo. Đối với bệnh nhân mổ sọ tỉnh cũng tương tự như vậy nhưng cách chọn bệnh kỹ hơn, ví dụ như đang trong quá trình mổ bệnh nhân ho thì tăng áp lực nội sọ cực kỳ nguy hiểm. Thành thử ra, với mổ sọ tỉnh, việc chọn bệnh thực sự phải chuẩn bị kỹ càng.

Đối với mổ thường, công tác gây mê tương đối đơn giản, khi đã chuẩn bị xong hết thì chúng tôi cho bệnh nhân ngủ, đặt nội khí quản, dùng thuốc ngủ, thuốc giảm đau, thuốc giãn cơ và chuyển sang chế độ thở máy, duy trì mê, người bệnh nằm yên bởi đã có thuốc kiểm soát, giảm áp lực lo lắng cho bác sĩ gây mê.

Nhưng với mổ sọ tỉnh, bệnh nhân có những thì theo phẫu thuật viên, lúc nào cần cho bệnh nhân ngủ thì phải thực hiện cho ngủ, nhưng ngủ ở một chừng mực cho phép, như người bệnh không kiểm soát được hô hấp, bởi lúc này bệnh nhân không đặt nội khí quản cũng như không thở máy, bác sĩ gây mê phải theo dõi sát nhịp thở của người bệnh và thì của phẫu thuật viên.

Ví dụ BS Sĩ rạch da thì chúng tôi phải cho bệnh nhân ngủ sâu một chút, nếu sâu quá mức sẽ ảnh hưởng hô hấp và sinh hiệu, mạch huyết áp. Khi nào cần bệnh nhân tỉnh thì phải giảm thuốc mê để bệnh nhân tỉnh, phối hợp tương tác với ekip mổ. Chúng tôi phải đi theo từng thì trong cuộc mổ. Do đó mổ tỉnh phức tạp và vất vả hơn nhiều so với mổ thường.

alobacsi BS Luu Kinh Khuong mo nao tinh

III. Mổ não tỉnh có ưu điểm gì?

5. Công tác hậu phẫu, hồi sức cho bệnh nhân mổ não tỉnh có khác biệt gì so với trước đây, thưa BS?

BS.CK2 Lưu Kính Khương:

Quá trình hồi sức cho bệnh nhân mổ sọ tỉnh tương đối khác so với bệnh nhân mổ thường. Với bệnh nhân mổ thường, sau khi gây mê xong, bệnh nhân còn ống nội khí quản, thường BS gây mê đưa sang phòng hồi sức để bệnh nhân ngủ, tùy theo tình trạng bệnh mà cho bệnh nhân ngủ bao lâu, sớm thì khoảng 24h đánh giá tri giác, bệnh nhân thở máy và liên tục được đánh giá sinh hiệu.

Ngược lại, với bệnh nhân mổ sọ tỉnh, bệnh nhân sau mổ không có ống nội khí quản, khi bệnh nhân tỉnh còn ngây ngất do lượng thuốc đưa vào nhiều, nếu ói mửa sẽ có nguy cơ hít phải các chất thải trong dạ dày vào phổi gây hội chứng viêm phổi hít, và cực kỳ nguy hiểm, đã có nhiều trường hợp bệnh nhân tử vong do hít phải những chất nôn mửa từ dạ dày.

Thành ra đối với bệnh nhân mổ sọ tỉnh, trước đó phải có chiến lược phòng ngừa nôn và buồn nôn sau mổ, tức là phải cho bệnh nhân đủ nước, giữ ấm tốt, cho một số thuốc ngăn ngừa nôn và buồn nôn sau mổ.

Khi mổ sọ tỉnh có ưu điểm là bệnh nhân không phải thở máy nên có thể tránh được những biến chứng đó. Thêm nữa có thể đánh giá tri giác của người bệnh ngay sau khi bệnh nhân mổ xong trong 1-2 tiếng. Nếu sau khi mổ xong bệnh nhân không tỉnh có thể xem bệnh nhân liệu có xuất huyết hay không và chụp phim, phát hiện sớm những biến chứng sau mổ và xử trí kịp thời.

Đối với bệnh nhân thở máy (mổ thường) không thể đánh giá được tri giác sau mổ, vì vậy việc đánh giá đôi khi trễ hơn so với mổ tỉnh. Đồng thời người bệnh mổ thường nằm lâu sẽ có nguy cơ do thở máy, loét do tì đè và một số biến chứng khác… Do đó, mổ tỉnh đem lại nhiều lợi ích cho người bệnh.

6. Nếu bệnh nhân đột quỵ mà vị trí xuất huyết não ở trong sâu, bác sĩ khó tiếp cận để cầm máu, trước đây đa phần là không cứu được. Ngày nay, với ứng dụng robot, có phải xuất huyết não ở vị trí nào chúng ta cũng xử lý được không ạ?

ThS.BS.CK2 Chu Tấn Sĩ:

Tất cả những xuất huyết não tự phát thông thường nằm dưới vỏ não, vị trí chảy máu thường nằm ở vùng nhân xám trung ương, tức là phần sâu, cách vỏ não chừng 4-5cm. Để đi đến ổ máu tụ, trước đây định vị bằng đo đạc 3 chiều trong không gian, sau đó phẫu tích và đi vào khối tụ.

Bây giờ, tất cả sẽ được cụ thể bằng hình ảnh. Trước cuộc mổ phẫu thuật viên và robot làm một cuộc mổ ảo, trên robot cá thể hóa người bệnh, thiết lập một đường đi tránh các bó dẫn truyền thần kinh, tránh các mạch máu lớn, đi thẳng vào ổ máu tụ mà không làm tổn thương bất kỳ một bó thần kinh nào, vì đã được phân tích trước đó.

Dụng cụ đưa vào trước đây phẫu tích xé vỏ não ra, thì bây giờ đưa một dụng cụ hình ống giảm tác động lên bề mặt vỏ não, lướt qua các bó dẫn truyền thần kinh và đi sâu vào khối máu tụ. Do đó tác động của đường vén não gần như không có, giúp bảo tồn chức năng các bó dẫn truyền thần kinh mặc dù đi vào rất sâu trong ổ máu tụ. Vì vậy có thể giải quyết được các khối xuất huyết mà không làm tổn thương các bó dẫn truyền thần kinh còn lại, chính vì vậy có thể bảo tồn chức năng người bệnh sau mổ.

Khi lấy được khối máu tụ, do vị trí chảy máu nằm khá sâu, nơi chảy máu là những mạch máu nhỏ, nuôi nhân xám ở vùng trung ương, do đó việc cầm máu là không thể tuyệt đối. Bởi nếu cầm máu tuyệt đối sẽ làm thiếu máu ở những vùng đó. Vì vậy khi lấy máu tụ xong, thông thường phải chấp nhận có một lượng máu còn sót lại để bọc bề mặt ổ máu tụ.

Tuy nhiên, sau khi đi học về, có một phương tiện cầm máu hỗ trợ rất tốt, đó là keo cầm máu. Khi lấy hết ổ máu tụ xong có thể nhìn thấy được cả phần đáy của ổ máu tụ là trắng, không có chút máu, sau đó đưa keo cầm máu vào và giúp phủ hết bề mặt ổ máu tụ. Như vậy tác động của keo kích hoạt quá trình cầm máu nội sinh và làm bít hết các mạch máu đang chảy, tránh tình trạng tái phát sau mổ.

alobacsi BS Chu Tấn Sĩ mổ não tỉnh

7. Vậy còn đột quỵ nhồi máu não có trường hợp nào cần phẫu thuật không, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Chu Tấn Sĩ:

Đột quỵ có 2 thể, một là nhồi máu não chiếm từ 60-70% các trường hợp, thể xuất huyết não chiếm từ 30-40%. Đối với xuất huyết não thì tôi đã trình bày như ở trên. Nhưng đối với đột quỵ nhồi máu não, nghĩa là não bị thiếu máu nuôi, và sau khi bị thiếu máu nuôi thì vùng não sẽ hoại tử dần, trước khi hoại tử nó sẽ chuyển sang phù não, khi phù như vậy gây tăng thể tích đột ngột trong một khoảng thời gian rất ngắn và gây một khối choán chỗ, tăng áp lực trong sọ, lúc này người bệnh sẽ mê dần nếu không có phương pháp nào làm giảm áp lực trong sọ.

Với những bệnh nhân nằm trong diện này, phẫu thuật giúp mở sọ rộng nhằm giải áp, phần não phù có chỗ trống để thoát ra và không chèn ép vào cấu trúc giữa, như vậy bệnh nhân sẽ thoát được cơn mê.

Động tác này chỉ nhằm cứu nguy mạng sống người bệnh, và chức năng sẽ không cải thiện. Chức năng còn lại lệ thuộc vào khối lượng não bị thiếu máu, các trung tâm não bị nhồi máu, bị nhũn, bị mất đi, do đó bệnh nhân sẽ khiếm khuyết một số chức năng sau mổ.

IV. Bệnh nhân phẫu thuật trải qua những công đoạn nào?

8. Trước việc bệnh nhân bước vào ca mổ thì người nhà ai ai cũng lo lắng, nhất là mổ não. Để giúp người nhà có thể yên tâm hơn đôi chút, nhờ BS kể sơ lược các bước mà bệnh nhân trải qua từ khi đi vào khu vực cách ly cho đến khi về phòng được không ạ? Và ngoài việc chờ đợi thì người nhà có thể làm gì giúp cho bệnh nhân không?

BS.CK2 Lưu Kính Khương:

Đối với một cuộc gây mê, đêm trước khi bệnh nhân phẫu thuật thì chúng tôi phải khám tiền mê để đánh giá toàn bộ bệnh lý người bệnh. Qua đó giải thích cho người bệnh và thân nhân ngày mai bệnh nhân vào phòng mổ được làm cái gì, rồi làm cái gì sau đó, để người ta hiểu được và bớt lo lắng. Nếu bệnh nhân lo lắng và không ngủ được thì hôm sau có những phản ứng không tốt cho gây mê. Sau khi người bệnh, người nhà hiểu được thì chúng tôi sẽ tư vấn, động viên thêm để họ an tâm.

Khi đưa bệnh nhân lên phòng mổ, chúng tôi phải trải qua 4 giai đoạn. Đầu tiên là tiền mê, mục đích là tư vấn cho bệnh nhân một số thuốc an thần, giảm đau để họ bớt lo lắng. Tiền mê có thể thực hiện ở phòng bên ngoài hoặc khi vào phòng mổ. Tiền mê đưa người bệnh từ trạng thái tỉnh chuyển sang trạng thái mê êm ái và nhẹ nhàng nhất.

Khi chuyển trạng thái như vậy người bệnh hoàn toàn thay đổi sinh lý. Nếu chuẩn bị tiền mê không tốt, người bệnh có thể rơi vào trạng thái bất lợi, chẳng hạn như nếu cho thuốc không đảm bảo bệnh nhân nằm êm ái, quá liều thì bệnh nhân bị tụt huyết áp, mạch chậm. Tụt huyết áp có thể làm thiếu máu nuôi những cơ quan quan trọng trong cơ thể.

Khi tiền mê xong thì đưa bệnh nhân vào phòng mổ tiến hành gây mê. Nếu đã đạt độ mê, tức là bệnh nhân có thể tiến hành phẫu thuật, thì chúng tôi chuyển sang duy trì mê để phẫu thuật viên tiến hành các thao tác trên người bệnh.

Khi kết thúc cuộc mổ là giai đoạn thoát mê, đây là giai đoạn cực kỳ quan trọng, bởi chuyển bệnh nhân từ trạng thái ngủ sang trạng thái tỉnh. Nếu chuyển đột ngột thì bệnh nhân tỉnh và rơi vào hoảng loạn, hoặc bệnh nhân có thể có một số biến chứng nếu theo dõi không kỹ. Ví dụ, động tác rút nội khí quản khi bệnh nhân tỉnh có thể gây huyết áp tăng vọt, có nguy cơ bị tai biến mạch máu não. Vì vậy, chúng tôi phải chuẩn bị kỹ về thuốc men, phương tiện cấp cứu nhằm hạn chế thấp nhất và tránh các trường hợp không mong muốn xảy ra.

Sau khi bệnh nhân hồi tỉnh, chúng tôi sẽ thông báo thông tin bệnh nhân trên bảng điện tử. Người nhà ở ngoài biết thông tin sẽ an tâm hơn. Nếu bệnh nhân ổn định trong 2-4 tiếng, tỉnh, sinh hiệu ổn sẽ được chuyển về trại.

Đặc biệt với những bệnh nhân cần hồi sức và thở máy thì thời gian lâu hơn, lúc đó chúng tôi sẽ gọi người nhà vào để tư vấn cho họ hiểu người bệnh đã mổ xong, cần thêm một khoảng thời gian để người bệnh ngủ, thở máy và phục hồi thêm một số chức năng khác. Khi nào ổn sẽ được cai máy thở và chuyển ra trại.

V. Sau mổ não, bệnh nhân cần theo dõi những vấn đề gì, khi nào tái khám?

9. Sau khi trải qua ca phẫu thuật não, bệnh nhân ra khỏi khu Gây mê hồi sức thì họ cần theo dõi những vấn đề gì? Khi đạt được những tiêu chuẩn nào thì được xuất viện, thưa BS? Tốc độ bình phục của họ như thế nào, và có cần phải tái khám nhiều lần không ạ?

ThS.BS.CK2 Chu Tấn Sĩ:

Khi bệnh nhân trở về khoa Ngoại thần kinh, tùy theo tình trạng của người bệnh, nếu cần theo dõi liên tục mỗi 3-6 giờ thì bệnh nhân ở phòng bệnh nặng (phòng trung chuyển) để đánh giá hô hấp, sinh hiệu, tri giác để xem sau cuộc mổ họ đã hồi tỉnh đến mức nào. Nếu bệnh nhân có chuyển biến ổn định thì được qua phòng bệnh bình thường, tại đây chỉ lưu bệnh từ 2-5 ngày rồi xuất viện khi bệnh nhân đã ổn định.

Bệnh nhân sẽ được hẹn tái khám để cắt chỉ và đánh giá lại 2 tuần đầu sau mổ. Tùy theo bệnh lý mà thời gian tái khám có thể là sau 2 tháng, sau 4 tháng, sau 6 tháng hoặc 1 năm.

Và BS cũng lưu ý cho người bệnh biết là sau bao lâu cần chụp phim để kiểm tra não, bởi vì có những thời điểm não phải ổn định thì hình ảnh mới đáp ứng những chi tiết cần quan sát. Còn nếu chụp sớm quá, phẫu tích vào trong não trước đó làm cho các cấu trúc chưa ổn định thì sẽ không đánh giá được khối u đã giải quyết còn hay hết, khối máu tụ còn hay hết, cấu trúc thần kinh đã sắp xếp trở lại như cũ chưa... Thông thường BS sẽ hẹn bệnh nhân chụp lại sau 2 tháng, lúc đó mọi thứ đã được thu xếp trở lại, việc đánh giá kết quả phẫu thuật mới rõ ràng.

alobacsi MC Ngọc Hương mổ não tỉnh

VI. Bệnh nhân nên bồi bổ thế nào sau phẫu thuật não?

10. Nhiều người quan niệm bệnh nhân đột quỵ nên được ăn những món ăn hay dùng các sản phẩm giúp bổ não càng nhiều càng tốt, sẽ giúp cho việc hồi phục sau đột quỵ được tốt hơn. Theo BS điều này có đúng không ạ?

ThS.BS.CK2 Chu Tấn Sĩ:

Những thuốc dùng để bồi bổ cho não hầu như được xếp vào thực phẩm chức năng. Bác sĩ chỉ được kê toa những thuốc điều trị chứ không được kê toa thực phẩm chức năng.Còn thực phẩm chức năng được đưa qua dạng khuyến khích, bệnh nhân có thể dùng nếu có điều kiện. Một số sản phẩm cũng giúp hỗ trợ tuần hoàn não, hồi phục sau chấn thương, sau đột quỵ… Chúng ta có thể lựa chọn các sản phẩm giàu lipid, giúp bổ sung lại những thành phần để tái tạo tế bào não, giúp tế bào não sắp xếp lại.

Còn những tế bào thần kinh thì không tái sinh trong suốt cuộc đời chúng ta, một khi mất đi thì không có tế bào thần kinh nào được tái tạo trở lại hay sản sinh tế bào thần kinh mới. Do đó chúng ta phải bảo vệ tế bào thần kinh, hạn chế tốc độ thoái hóa, tốc độ mất đi, để giữ lại chức năng thần kinh của mình.

Nếu chúng ta sinh hoạt điều độ, giữ gìn tốt, thì có những người về già nhưng trí não vẫn rất minh mẫn. Ngược lại cũng có những người tuổi chưa lớn lắm mà đã bắt đầu quên trước quên sau, không tương tác tốt với môi trường xung quanh… thì đây cũng là một thiệt thòi cho họ.

VII. Chi phí mổ não tỉnh có nhiều không?

11. Nhiều người cũng muốn biết chi phí của một ca mổ não tỉnh so với ca mổ thường thì có tốn kém nhiều không ạ?

ThS.BS.CK2 Chu Tấn Sĩ:
Đứng về mặt thuốc và vật tư để thực hiện quá trình gây mê thì vô cảm tại chỗ sẽ ít tốn kém hơn so với vô cảm toàn thân, sau mổ quá trình hồi sức của người bệnh rất nhanh, ra khỏi khu Gây mê hồi sức sớm, khi trở lại khoa thì việc theo dõi cũng đơn giản hơn. Kết quả là ngày điều trị trung bình của bệnh nhân được giảm đáng kể khi chuyển từ mổ mê sang mổ tỉnh, đồng nghĩa với chi phí nằm viện được giảm rất nhiều.

Với 4 bệnh nhân mổ tỉnh xuất huyết não vừa qua, chúng tôi đánh giá kết quả có những yếu tố rất ngoạn mục, ví dụ ngày điều trị trung bình giảm từ xuống còn 4,2 ngày (trung bình bệnh nhân chỉ nằm viện 4,2 ngày). Trước đó, nếu mổ mê thì khoảng thời gian này tính bằng tháng, và chức năng của bệnh nhân sau mổ cũng khó đảm bảo sẽ hồi phục như thế nào.

Tuy nhiên để thực hiện mổ tỉnh không hề đơn giản, đòi hỏi ekip điêu luyện hơn. Đồng thời việc chọn lọc những bệnh nhân chuyển qua mổ tỉnh cũng có những tiêu chuẩn nhất định.

12. Xin BS cho biết đến nay Bệnh viện Nhân dân 115 đã tiến hành bao nhiêu ca mổ tỉnh xuất huyết não rồi? Có phải từ nay bệnh nhân nào bị đột quỵ xuất huyết não đến Bệnh viện Nhân dân 115 mà có chỉ định mổ đều mổ tỉnh không ạ? Và sắp tới, kỹ thuật mổ não tỉnh có thể áp dụng với những bệnh lý nào, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Chu Tấn Sĩ:

Sau hơn 1 năm áp dụng phẫu thuật bằng robot, chúng tôi đã triển khai được 27 trường hợp, trong đó có 4 trường hợp mở sọ tỉnh để lấy xuất huyết não.

Tùy theo vị trí não tổn thương mà có chỉ định mổ tỉnh hay không. Ví dụ như muốn mổ vào vùng chức năng, cần tương tác với người bệnh để đánh giá chức năng đó thì sẽ chuyển qua trạng thái mổ tỉnh, nhưng nếu mục đích mổ không nằm trên vùng chức năng thì bệnh nhân không có chỉ định mổ tỉnh.

Tuy nhiên tôi nghĩ chỉ định mổ tỉnh sẽ mở ra rộng rãi hơn. Sau khi triển khai mổ tỉnh với xuất huyết não thì chúng tôi chuyển qua bước tiếp theo là mổ tỉnh với u não, những u não ở vùng chức năng sẽ được phẫu thuật mở sọ tỉnh dưới sự hướng dẫn của robot.

VIII. Cần làm gì để có bộ não và hệ thần kinh khỏe mạnh?

13. Nghe các BS kể lại quá trình phẫu thuật xuất huyết não, lại là mổ tỉnh nữa, mọi người cảm thấy rất ly kỳ và khâm phục các BS. Tuy nhiên, thú thật là không ai muốn mình ở trong tình cảnh là đột quỵ rồi vào phòng mổ. Vậy thì mọi người nên có kế hoạch như thế nào để bảo vệ bộ não hay hệ thần kinh của mình, tránh để đột quỵ xảy ra, thưa BS?

BS.CK2 Lưu Kính Khương:

Ông bà ta luôn nói là “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, đừng để bệnh rồi mới chữa. Với bệnh lý mạch máu não, có các tình trạng rất nguy hiểm như như vỡ mạch máu gây xuất huyết não do cao huyết áp, xuất huyết não do vỡ túi phình, tắc mạch máu do cục máu đông… Chính vì vậy chúng ta cần có lối sống phù hợp để ngăn chặn tiến triển xấu của hệ thống mạch máu não và các mạch máu trong cơ thể nói chung.

Về chế độ ăn uống thì ăn ít thịt đỏ sẽ tốt hơn, ăn cá tốt hơn ăn thịt, ngũ cốc, trái cây nhiều vitamin, những thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như hạt óc chó, cucumin trong nghệ… sẽ giúp hạn chế tiến triển xấu cho mạch máu não.

Cần có chế độ vận động thì máu huyết mới lưu thông, đào thải độc chất… Ít ra một ngày nên vận động 30 phút, có thể đi bộ, bơi… miễn sao phù hợp với thể trạng của mình. Tránh tình trạng ăn nhiều chất béo mà lại hay ngồi một chỗ, dễ dẫn đến béo phì, tiểu đường…

Nếu đã có bệnh cao huyết áp rồi thì cần uống thuốc đều đặn. Việc giảm ăn muối và cholesterol, tập thể dục cũng giúp quá trình điều trị được tốt hơn.

IX. Đặc trưng của ngành ngoại thần kinh và gây mê hồi sức?

14. Cả hai bác sĩ đều là giảng viên trong chuyên ngành của mình. Trước đây, BS Khương có một chia sẻ dí dỏm về quyết định chọn nghề của mình là “chuột chạy cùng sào mới vào gây mê”. Với tư cách là người đi trước và đã có thành tựu trong nghề, BS Lưu Kính Khương có thể chia sẻ với các BS trẻ: công việc của BS gây mê hồi sức sẽ có những thuận lợi, khó khăn gì không ạ?

BS.CK2 Lưu Kính Khương:

Thời điểm tôi ra trường năm 1997, ngành gây mê chưa phát triển và người dân cũng ít biết đến BS gây mê, họ chỉ biết đến BS nội khoa khám trực tiếp, BS phẫu thuật viên… Bởi vì vào phòng mổ gặp BS gây mê chút xíu đã bất tỉnh rồi, đến lúc tỉnh thì về phòng chứ không gặp lại BS gây mê. Thành thử BS gây mê cũng hơi chạnh lòng một chút. Nhưng người theo ngành y phải quan niệm tất cả vì bệnh nhân, dù mình làm ở công đoạn nào cũng là vì sức khỏe và sự an toàn của người bệnh, tức là mình cũng đóng góp trong đó, bất cứ nghề nào trong ngành y cũng đều vì bệnh nhân cả.

Đối bạn trẻ nào muốn học gây mê hồi sức thì phải có sự đam mê để mà dấn thân, và phải rất cố gắng học vì tính chất của ngành này giống như “đi hai chân”: vừa biết bệnh lý ngoại khoa, vừa hiểu bệnh lý nội khoa. Bởi vì trước 1 bệnh nhân phải phẫu thuật thì mình phải hiểu sinh lý bệnh của bệnh đó, có hiểu thì mới lựa chọn thuốc phù hợp trên bệnh đó; đồng thời nếu bệnh nhân lớn tuổi thường kèm theo bệnh lý nội khoa khác như cao huyết áp, tiểu đường, có người thì hen suyễn… do đó BS gây mê phải lựa chọn thuốc như thế nào để tránh tác dụng phụ ảnh hưởng đến bệnh nền mà họ đang có. Phải dung hòa làm sao để ít ảnh hưởng đến người bệnh nhất.

Đôi lúc giữa BS gây mê và phẫu thuật viên sẽ đối nghịch nhau một chút. Chẳng hạn khi phẫu thuật viên muốn bụng bệnh nhân phải thật mềm để mở rộng phẫu trường, tiến hành mổ được tốt hơn nhưng điều này đòi hỏi BS gây mê sẽ tốn công sức và thời gian nhiều hơn để bóp bóng, cho bệnh nhân thở máy… Do đó nếu cả hai BS phối hợp ăn ý với nhau thì sẽ đạt được kết quả sau cùng tốt nhất cho bệnh nhân.

Tóm lại, theo tôi, để làm BS gây mê các bạn phải hi sinh chút xíu (không cần ai biết mình vẫn làm), chịu khó học hỏi (để am hiểu cả ngoại khoa và nội khoa) và phải nhẫn nại để phối hợp tốt trong teamwork.

ThS.BS.CK2 Chu Tấn Sĩ:

Câu “chuột chạy cùng sào mới vào gây mê” là nói về những thập niên 80-90, BS gây mê giống như một ẩn sĩ, ít lộ diện trong cuộc điều trị, bệnh nhân ít biết đến, khiến cho ngành gây mê khó tuyển nhất, đào tạo khó khăn. Chính vì vậy chúng tôi hay nói đùa BS gây mê là những “động vật quý hiếm”.

Vai trò của BS gây mê rất quan trọng. Khi phẫu thuật viên thực hiện một công đoạn thì BS gây mê phải chuẩn bị trước một bước chứ không cần nói với nhau. Bác sĩ gây mê phải bám theo tiến độ của cuộc mổ để mọi việc diễn ra thuận lợi cho tất cả các bên.

Gần đây gây mê đã trở thành ngành “hot”, rất nhiều BS quan tâm và đăng ký vào ngành này và đã đáp ứng được một phần công việc gây mê, chuẩn bị cho phẫu thuật viên tại hầu hết các bệnh viện lớn hiện nay.

15. BS Chu Tấn Sĩ có lời chia sẻ dành cho thế hệ nối tiếp không ạ? Liệu có phải là với sự phát triển của công nghệ, ứng dụng robot ngày càng nhiều thì công việc của BS ngoại thần kinh sau này sẽ “nhàn” hơn không?

ThS.BS.CK2 Chu Tấn Sĩ:

Thật ra robot không thể tự làm, nó chỉ là một cái máy được cấu tạo bởi một phần mềm nhân tạo. Có những ý tưởng mà bản thân con người thực hiện sẽ có nhiều nguy hiểm thì trí tuệ nhân tạo của robot sẽ hỗ trợ phần đó.

Khi có ca bệnh, chúng ta cung cấp cho robot dữ liệu của bệnh nhân đó, robot sẽ dựng lại hình ảnh tổn thương ở trong đầu người bệnh, mình và robot tương tác với nhau qua cuộc mổ mô phỏng để chọn được một đường vào (đường phẫu tích) tối ưu nhất. Tất cả quá trình này sau khi lập chương trình xong sẽ được xuất ra file gửi qua phòng mổ.

Lúc tiến hành ca mổ, robot sẽ chạy chương trình. Khi phẫu thuật viên đi đúng con đường đã chọn thì robot báo đèn xanh, nếu loay hoay không biết lối đi thì nó báo đèn vàng, còn đi sai đường nó sẽ báo đèn đỏ. Nhìn lên màn hình phẫu thuật viên biết mình đã làm đúng hay chưa để điều chỉnh lại cho đúng với cuộc mổ mô phỏng trước đó mình tương tác với robot.

Do đó, trong lúc mổ phẫu thuật viên bớt phải tính toán vì trước đó đã tính với robot rồi, nhưng vẫn phải suy nghĩ tới kế hoạch mà mình đã làm với robot, do đó vẫn đòi hỏi kinh nghiệm, phẫu tích, sự quyết đoán của phẫu thuật viên xuyên suốt cuộc mổ. Vì vậy mổ với robot sẽ đỡ được phần tính toán, bố trí phẫu tích, còn công việc tiếp theo đó vẫn là con người quyết định và thực hiện cho đến khi lấy được tổn thương, trả bệnh nhân về với cuộc sống với chất lượng tốt hơn.

-------
Chúng ta đã đi qua một hành trình dài với những câu chuyện rất thú vị và cả những kinh ngạc với 2 vị chuyên gia nổi tiếng trong ngành phẫu thuật thần kinh và gây mê, hồi sức với chủ đề “Mổ não tỉnh - bước ngoặt mới của ngành phẫu thuật thần kinh Việt Nam”. Xin được trân trọng cảm ơn ThS.BS.CK2 Chu Tấn Sĩ, BS.CK2 Lưu Kính Khương đã đồng hành cùng AloBacsi.

Hồng Nhung - Hải Yến
Ảnh: Viết Hưởng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X