Hotline 24/7
08983-08983

Làm gì khi bị dị ứng thức ăn? Cách nhận biết thức ăn dễ gây dị ứng?

Dị ứng thức ăn gây khó chịu cho người bệnh, thậm chí gây sốc phản vệ, dẫn đến tử vong. Vậy làm sao để nhận biết thức ăn nào dễ gây dị ứng? TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú - Trung tâm Y sinh học phân tử, Đại học Y dược TPHCM sẽ giải đáp vấn đề này.

1. Sốc phản vệ do dị ứng thức ăn có nguy cơ dẫn đến tử vong

Dị ứng thức ăn diễn ra như thế nào, nguy hiểm ra sao, thưa BS?

TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú:

Dị ứng thức ăn là tình trạng đáp ứng của hệ miễn dịch của cơ thể đối với thức ăn. Ví dụ, khi ăn trứng và sữa, một số người sẽ dung nạp bình thường, nhưng có vài người sẽ bị khó chịu và tình trạng này có tính lặp lại nhiều lần.

Trường hợp trẻ hay bị nổi mề đay sau khi uống sữa, được gọi là dị ứng thức ăn.

Dị ứng thức ăn chia thành 2 nhóm biểu hiện:

  • Biểu hiện trong 2-6 tiếng sau khi ăn thức ăn dị ứng: Bệnh nhân thường có triệu chứng nổi mề đay, phù mạch ở môi và mắt, sang thương trên da hoặc rối loạn tiêu hóa, khó thở kèm theo. Một số trường hợp nặng hơn là sốc phản vệ, khi đó bệnh nhân có triệu chứng khó thở, tụt huyết áp, ngưng tim, ngưng thở, thậm chí là trụy tim mạch.
  • Biểu hiện trong 24-48 tiếng hoặc vài tuần sau khi ăn thức ăn dị ứng: Bệnh nhân sẽ có triệu chứng âm thầm, mức độ sẽ tăng dần theo thời gian. Biểu hiện thường gặp nhất là chàm, viêm da cơ địa.

Nặng hơn, trẻ có thể rối loạn tiêu hóa, đi phân ra máu hoặc chất nhầy trong thời gian dài.

Một số em bé có thể bị suy dinh dưỡng, thiếu máu, sắt làm ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần của trẻ.

2. Cần làm gì khi người thân bị dị ứng thức ăn?

Khi bị dị ứng thức ăn thì biểu hiện như thế nào là nghiêm trọng? Người xung quanh có thể làm gì để giúp bệnh nhân? Có thể sơ cứu không hay đưa đi cấp cứu luôn, thưa BS?

TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú:

Những trường hợp này, chúng ta cần nhận biết trường hợp nào là nặng. Trong nhóm bệnh nhân có biểu hiện sớm, triệu chứng nặng nhất là sốc phản vệ. Khi đó, chúng ta đặt bệnh nhân nằm xuống đất, đầu bằng, gác chân lên cao để tăng lưu lượng máu về tim.

Nếu bệnh nhân là phụ nữ mang thai, đặt người này nằm thẳng, đầu bằng và nghiêng người về bên trái để tăng lưu lượng máu về tim, duy trì tuần hoàn cho mẹ và thai nhi.

Trường hợp bệnh khó thở, chúng ta hỗ trợ bệnh nhân ngồi dậy hoặc nằm nghiêng 1 bên, không để đường hô hấp gập lại. Chúng ta sẽ có video hướng dẫn rõ hơn về sơ cấp cứu người bị sốc phản vệ.

Sau khi điều chỉnh tư thế, chúng ta nhanh chóng gọi xe cấp cứu để bệnh nhân được can thiệp sớm, tránh ảnh hưởng đến tính mạng.

Chúng ta có thể sử dụng thuốc adrenalin - thuốc cấp cứu cần thiết và hữu dụng cho bệnh nhân sốc phản vệ. Ở nước ngoài, người ta đã sản xuất ra bút chứa adrenalin. Khi bị sốc phản vệ, chúng ta có thể chích vào bắp đùi của bệnh nhân. Tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam chưa nhập loại bút adrenalin này.

Chúng ta nên loại bỏ thức ăn gây dị ứng ra khỏi cơ thể bệnh nhân. Trong thời gian đợi xe cấp cứu, nếu bệnh nhân ngưng tim, ngưng thở, chúng ta sẽ tiến hành hồi sức tim phổi và luôn bên cạnh bệnh nhân cho tới khi xe cấp cứu đến.

Trường hợp bệnh nhân khởi phát muộn có biểu hiện đi phân máu hoặc chất nhầy, sụt cân, ăn uống kém, suy dinh dưỡng, chúng ta sẽ đưa bệnh nhân đến bệnh viện.

3. Những thực phẩm dễ gây dị ứng

Thường thì những món ăn nào dễ gây dị ứng nhất ạ?

TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú:

Thực phẩm gây dị ứng sẽ tùy thuộc vào lứa tuổi.

Với trẻ em dưới 6 tháng tuổi, sữa là nguồn thức ăn chủ yếu. Do đó, với trẻ em, sữa và trứng là 2 thực phẩm dễ gây dị ứng nhất. Khi bắt đầu ăn dặm, trẻ sẽ có nguy cơ dị ứng với hải sản như tôm, cua, cá hoặc bột mì; các loại hạt như đậu phộng, macca, hạnh nhân sẽ tăng nguy cơ sốc phản vệ. Một số trẻ bị dị ứng với đạm sữa bò, sữa đậu nành.

Một số người sẽ bị dị ứng thức ăn kéo dài đến lớn. Tuy nhiên, có một số người đến khi trưởng thành mới bị dị ứng thức ăn. Theo khảo sát, thức ăn dễ gây dị ứng ở người lớn là hải sản; các loại hạt như đậu phộng, hạnh nhân; bột mì.

Một số bệnh nhân có thể bệnh lâm sàng đặc biệt là thể dị ứng thức ăn, sốc phản vệ liên quan đến vận động. Nghĩa là bệnh nhân tiêu thụ một loại thức ăn và sau đó nghỉ ngơi sẽ không có vấn đề gì xảy ra. Nhưng nếu bệnh nhân vận động như tập thể dục, đi bộ thì sẽ có triệu chứng dị ứng.

TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú - Trung tâm Y sinh học phân tử, Đại học Y dược TPHCM

4. Dị ứng đạm sữa bò, nên kiêng thực phẩm nào?

Các bà mẹ nuôi con nhỏ thường lo lắng về việc con bị dị ứng đạm sữa bò, và thường chỉ chú ý tới việc kiêng cho con uống sữa thôi, như vậy có đúng không, thưa BS?

TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú:

Đây là vấn đề mà được các bác sĩ lẫn người mẹ quan tâm.

Dị ứng thức ăn nghĩa là dị ứng với thành phần đạm của thức ăn đó. Ví dụ, dị ứng với sữa bò nghĩa là dị ứng với thành phần đạm của sữa bò. Có 3 loại đạm sữa bò chính, thường gây dị ứng gồm casein, béta-lactoglobuline, alpha –lactalbumine.

Những thành phần đạm này có trong nhiều loại thức ăn khác như phô mai, bánh quy, bánh bông lan, yaourt, váng sữa.

Nếu trẻ bị dị ứng đạm sữa bò, mẹ nên đưa bé thăm khám với bác sĩ chuyên khoa dị ứng hoặc chuyên khoa dinh dưỡng nhi khoa. Các bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm sâu hơn để xác định bé dị ứng với thành phần đạm nào trong sữa.

Sau đó, bác sĩ sẽ lên danh sách những loại thực phẩm nên kiêng cữ cho bé.

5. Sản phẩm hữu cơ, hàng ngoại nhập, có gây dị ứng thức ăn?

Nhiều người có quan niệm chọn thực phẩm hữu cơ sẽ an toàn, không gây dị ứng. Điều này có đúng không ạ? Nhiều người chuộng hàng ngoại nhập nhưng lại không đọc được hướng dẫn sử dụng tiếng nước ngoài. Nhờ bác sĩ cho ý kiến về vấn đề này?

TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú:

Cha mẹ luôn mong muốn dành điều tốt nhất cho con mình. Do đó, một số cha mẹ có xu hướng chọn thực phẩm hữu cơ hoặc hàng ngoại nhập.

Nhưng nếu cha mẹ không rành về ngoại ngữ, sẽ không biết trong thành phần sản phẩm đó có chất gây dị ứng cho trẻ hay không. Do đó, nếu vô tình sản phẩm có chất gây dị ứng, sẽ vô tình gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng.

Đối với sản phẩm hữu cơ, ngoài giá trị dinh dưỡng, nó chỉ khác với sản phẩm thông thường ở cách chế biến. Nếu trong sản phẩm hữu cơ có chứa thành phần đạm gây dị ứng thì nguy cơ dị ứng cũng giống như sản phẩm bình thường.

6. Làm sao nhận biết người có nguy cơ dị ứng thức ăn?

TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú:

Có một số yếu tố nguy cơ khiến 1 người bị dị ứng thức ăn nhiều hơn.

Yếu tố nguy cơ đầu tiên là gia đình. Nếu gia đình có cha, mẹ, anh chị em bị dị ứng thức ăn hoặc cơ địa dị ứng thì người đó sẽ có nguy cơ bị dị ứng thức ăn nhiều hơn.

Yếu tố nguy cơ thứ hai là người này có bệnh dị ứng kèm theo như hen, viêm mũi dị ứng.

Yếu tố nguy cơ thứ ba là tuổi tác. Người ta nhận thấy rằng trẻ em có khả năng bị dị ứng thức ăn nhiều hơn người lớn. Có nhiều lý do để giải thích cho điều này như hệ tiêu hóa trẻ em chưa trưởng thành, hệ miễn dịch chưa đủ mạnh để chống lại kháng nguyên gây dị ứng.

Đặc biệt ở những trẻ nhỏ bị chàm, viêm da cơ địa, hàng rào da bị tổn thương, trẻ sẽ có nguy cơ dị ứng thức ăn khi tiếp xúc ở da.

7. Trẻ bị hen suyễn nên chọn sữa sao cho đúng?

Trẻ bị hen, khi chọn sữa cần lưu ý gì? Khi trẻ lớn lên và khỏi bệnh hen, nguy cơ dị ứng có còn không ạ?

TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú:

Như đã nói, trẻ bị hen sẽ có nguy cơ dị ứng thức ăn cao hơn. Tuy nhiên, dị ứng thức ăn và hen suyễn là 2 bệnh riêng biệt. Do đó, trẻ bị hen suyễn có thể hoặc không bị dị ứng thức ăn.

Khi trẻ bị hen suyễn nhưng tiêu thụ sữa bình thường, chúng ta có thể cho trẻ ăn sữa và các sản phẩm từ sữa.

Nhưng nếu khi sử dụng sữa và chế phẩm từ sữa, trẻ thường xuyên bị nổi mề đay, rối loạn tiêu hóa hoặc khó thở, khò khè cha mẹ nên đưa bé đến bệnh viện để xác định trẻ có bị dị ứng thức ăn hay không.

Khi trẻ lớn lên và hết hen, chúng ta cần xác định lại trẻ có còn dị ứng với đạm sữa bò hay không. Bởi vì khoảng 50% trẻ bị dị ứng với sữa sẽ tự dung nạp khi đến 5 tuổi và ở trẻ trước 16 tuổi, tỷ lệ này là 80%. Do đó, chúng ta cần theo dõi triệu chứng để xác định trẻ còn dị ứng hay không.

8. Khắc phục dị ứng thức ăn bằng phương pháp giải mẫn cảm

Theo BS, liệu có thể khắc phục tình trạng dị ứng thức ăn bằng cách: khi biết dị ứng với món nào rồi thì mình tập ăn món đó mỗi lần một chút để cơ thể quen dần không?

TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú:

Phương pháp này gọi là giải mẫn cảm. Về nguyên tắc, điều này đúng nhưng rất nguy hiểm và không nên thực hiện tại nhà.

Nguyên tắc thực hiện phương pháp này là cho bệnh nhân dùng ở lượng thức ăn an toàn trong thời gian dài, sau đó tăng nồng độ để huấn luyện hệ miễn dịch tiếp nhận thức ăn này như thức ăn bình thường.

Sau thời gian dài, người bệnh có thể tự dung nạp được

Tuy nhiên, nếu muốn thực hiện phương pháp này, chúng ta cần sự tư vấn của bác sĩ để xác định ngưỡng thức ăn an toàn. Nếu chúng ta không biết chính xác liều lượng thì nguy cơ sốc phản vệ sẽ rất cao. Trường hợp sốc phản vệ không được sơ cấp cứu kịp thời, bệnh nhân đã tử vong ngay tại nhà.

9. Người dị ứng thức ăn nên đọc kỹ thành phần khi mua sản phẩm

BS có thể đưa ra lời khuyên giúp mọi người lựa chọn thực phẩm an toàn, tránh bị dị ứng?

TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú:

Thứ nhất, bệnh nhân cần xác định rõ rằng họ bị dị ứng thức ăn hay đó là tác dụng bất lợi sau khi dùng thức ăn như ngộ độc. Một số người ăn hải sản để lâu ngày sẽ gây ra triệu chứng gần giống với dị ứng thức ăn.

Thứ hai, bệnh nhân phải xác định dị ứng với thành phần nào, loại thức ăn nào, tránh trường hợp phòng ngừa quá mức.

Ví dụ, dị ứng sữa bò thì sẽ xác định dị ứng thành phần nào của sữa bò.

Thứ ba, nếu đã biết bản thân dị ứng với thành phần thức ăn đặt biệt, bạn nên xem thành phần của sản phẩm trước khi mua. Các sản phẩm ngoại nhập, họ thường ghi rõ thành phần sản phẩm sẽ gây dị ứng với bệnh nhân.

Ví dụ, nếu bạn dị ứng đậu nành thì không lựa chọn sản phẩm có chứa đậu nành.

Minh Huy

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X