Hotline 24/7
08983-08983

Hướng dẫn xử trí đúng cách khi trẻ bị chàm

Theo thống kê, khoảng 65% trẻ sơ sinh bị chàm và tỉ lệ này ở trẻ dưới 5 tuổi là 90%. Vậy bệnh chàm gây cho trẻ những phiền toái gì? Các bậc phụ huynh nên xử trí như thế nào khi trẻ bị chàm? Mời bạn đọc theo dõi những chia sẻ của ThS.BS Nguyễn Đình Huấn - Bệnh viện Nhi đồng 2.

1. Bệnh chàm là gì?

Thưa BS, bệnh chàm là gì? Bệnh này còn có những tên gọi nào ạ?

Tùy vào mỗi vùng miền mà bệnh chàm sẽ có những tên gọi khác nhau. Chàm có các loại: chàm thể tạng, chàm tiếp xúc, chàm hóa sau bệnh nhiễm trùng hoặc nhiễm ký sinh trùng. Chúng ta sẽ nói về bệnh thường gặp nhất ở trẻ em là chàm thể tạng.

Chàm thể tạng còn gọi tên khác là viêm da cơ địa. Đây là bệnh da mãn tính, không lây, tái đi tái lại nhiều lần. Viêm da cơ địa là bệnh biểu hiện trên da ở người có cơ địa dị ứng. Trong một giai đoạn bệnh, sang thương sẽ thay đổi màu sắc giống màu chàm. Do đó, bệnh có tên gọi là viêm da cơ địa hay bệnh chàm.

Đây là bệnh của chuyên khoa da liễu nhưng các bác sĩ khoa nhi cũng rất thường gặp vì bệnh khởi phát ở độ tuổi là trẻ em.

2. Vì sao bệnh chàm thường xuất hiện cùng lúc ở trẻ nhỏ có sẵn bệnh hen?

Vì sao bệnh chàm lại thường xuất hiện cùng lúc ở trẻ nhỏ đã có sẵn bệnh hen, hay nổi mề đay?

Bệnh thể tạng được chia thành nhiều giai đoạn. Giai đoạn khởi phát bệnh thường gặp ở trẻ có độ tuổi từ 2 tháng - 2 tuổi. Giai đoạn 2 là từ 2 tuổi - 12 tuổi, giai đoạn 3 là trẻ trên 12 tuổi và người lớn.

Chàm sẽ xuất hiện trên trẻ có cơ địa dị ứng nên nó sẽ xuất hiện cùng các triệu chứng dị ứng. Tuy nhiên, triệu chứng dị ứng sẽ không xuất hiện cùng lúc. Ở trẻ nhỏ sẽ bị chàm thể tạng, trẻ lớn hơn sẽ bị dị ứng thức ăn, trẻ trưởng thành sẽ biểu hiện hen suyễn, viêm mũi dị ứng. Đây là sự tuần tự xảy ra trong chuỗi dị ứng của người có cơ địa dị ứng. Tần suất xảy ra có thể sẽ sớm hơn.

3. Biểu hiện của bệnh chàm

BS có thể cho biết những biểu hiện nào giúp cha mẹ nhận biết được trẻ bị chàm? Liệu có dễ nhầm với các bệnh ngoài da khác không ạ?

Cách nhận biết bệnh chàm thật ra không khó. Sang thương của chàm sẽ khác với sang thương của thủy đậu và khác với những sang thương của bệnh nhiễm trùng khác.

Chàm là bệnh mãn tính, không phải bệnh nhiễm trùng, độ tuổi mắc bệnh sớm nhất là trẻ 2 tháng tuổi. Đối với sang thương ở giai đoạn cấp tính thì các bác sĩ chuyên khoa sẽ dễ dàng nhận ra. Ở giai đoạn cấp tính, sang thương của bệnh chàm là nổi hồng ban, kèm theo mụn nước nhỏ li ti, em bé sẽ cảm thấy ngứa ngáy. Bệnh ở giai đoạn mãn tính thì da sẽ khô, dày và thay đổi sắc sắc tố. Mỗi lứa tuổi khác nhau sẽ có biểu hiện bệnh khác nhau. Nếu chú ý sẽ nhận sẽ dễ nhận ra biểu hiện bệnh chàm.

4. Có thể tự điều trị bệnh chàm tại nhà không?

Cha mẹ có thể tự nhận biết bệnh chàm ở trẻ và tự điều trị tại nhà mà không cần đến BS da liễu không, thưa BS?

Sang thương điển hình ở giai đoạn cấp là có hồng ban, kèm mụn nước ở má, rịn nước khiến em bé ngứa ngáy nhiều. Nặng hơn, sang thương có thể lan sang khuỷu tay, khuỷu chân và toàn thân. Những sang thương này rất dễ quan sát.

Ở trẻ từ 2 tuổi - 12 tuổi, biểu hiện sẽ là da khô, dày, thay đổi sắc tố ở vị trí khuỷu tay, khuỷu chân hoặc có thể toàn thân.

Những sang thương này có thể phát hiện bằng mắt thường. Tuy nhiên, đây là bệnh da liễu có nhiều giai đoạn và có nhiều tiến triển khác nhau. Cho nên, cha mẹ khi phát hiện thì nên đưa trẻ đi khám chuyên khoa, không nên tự điều trị tại nhà.

Sang thương điển hình của bệnh chàm ở giai đoạn cấp là có hồng ban, kèm mụn nước ở má (Ảnh minh họa)

5. Thuốc điều trị bệnh chàm

BS có thể kể tên các loại thuốc thông dụng để điều trị bệnh chàm cho trẻ?

Chàm có 3 giai đoạn: giai đoạn cấp, giai đoạn bán cấp, giai đoạn mãn tính. Ở mỗi giai đoạn khác nhau sẽ có loại thuốc điều trị khác nhau.

Thuốc dạng dung dịch: thuốc tím hoặc thuốc đỏ.

Thuốc thoa: Loại thuốc hay dùng ở giai đoạn cấp tính là thuốc thoa corticoid. Tuy nhiên, khi chọn loại corticoid cho trẻ em thì nên chọn loại có tính chất dịu nhẹ, vì loại corticoid hoạt tính mạnh sẽ gây hư da vĩnh viễn cho trẻ. Và các bậc cha mẹ cũng không biết khi nào cần dùng corticoid, khi nào cần dừng thoa. Có nhiều cha mẹ lạm dụng corticoid và dùng trong thời gian dài. Có nhiều cha mẹ lại sợ thuốc thoa corticoid nhưng đây lại là loại thuốc quan trọng để điều trị chàm trong giai đoạn cấp. Do đó, cần phải chọn loại thuốc phù hợp nhất với da em bé và sử dụng đúng thời điểm.

Loại thuốc quan trọng và điều trị lâu dài là dưỡng ẩm. Dưỡng ẩm có 2 loại: loại thoa và loại tắm. Thuốc dưỡng ẩm này có đầy đủ các chất dưỡng ẩm và bổ sung thêm chất chống ngứa, chất phục hồi da và không có chất tạo mùi, tạo màu. Trong chất dưỡng ẩm, người ta sẽ chia ra những loại khác nhau phù hợp với từng giai đoạn bệnh.

Mỗi chất dưỡng ẩm của từng nhãn hàng sẽ khác nhau. Thông thường, người ta sẽ tạo ra những sản phẩm có tỷ lệ giống thành phần da và có tác dụng phục hồi da tổn thương.

Nhiều bậc cha mẹ sẽ tắm cho bé bằng các loại nước lá như lá khế, lá chanh, lá ổi,... Trong thực tế, những loại nước lá này không được nấu kỹ sẽ gây nhiễm trùng, hoặc sẽ tổn thương da em bé khi lá cọ xát vào da. Một số cha mẹ lại không dám sử dụng sữa tắm vì sợ hóa chất nhưng thực tế có nhiều loại sữa tắm dành cho da bị chàm. Nên chọn loại sữa tắm khác so với sữa tắm thông thường, có độ pH từ 5 - 5,5.

Những loại nước lá như lá khế, lá chanh, lá ổi,... không được nấu kỹ sẽ gây nhiễm trùng cho trẻ (Ảnh minh họa)

6. Trẻ bị chàm nên kiêng gì?

Nhiều phụ huynh thấy con bị chàm thì người mẹ đang cho bú cũng phải kiêng cữ rất nhiều món. Xin hỏi BS, chế độ ăn hợp lý cho bà mẹ (đang cho bú) và cho trẻ bị bệnh chàm như thế nào là hợp lý ạ?

Nhiều người mẹ thấy con bị chàm thì sẽ ngưng cho con bú sữa mẹ và chuyển sang sữa công thức. Đây là điều không đúng, vì sữa mẹ là sữa tốt nhất. Khi trẻ bị chàm mà được bú sữa mẹ thì tình trạng sẽ ít nặng hơn. Nếu đổi sang sữa công thức hoặc sữa bò thì có thể làm nặng hơn tình trạng bệnh. Dù cho trẻ có bị dị ứng hay không thì sữa mẹ vẫn là sữa tốt nhất.

Người mẹ cũng không nên kiêng khem loại thức ăn nào. Trường hợp có loại thức ăn đã được chứng minh rằng khi mẹ ăn vào làm em bé bệnh nặng hơn thì người mẹ nên kiêng.

Em bé bị chàm cũng nên duy trì chế độ ăn bình thường. Chỉ kiêng những thực phẩm gây dị ứng với cơ thể bé và làm bệnh chàm tiến triển nặng hơn. Bởi vì khi kiêng quá nhiều thức ăn thì sẽ gây thiếu hụt dinh dưỡng cho em bé.

7. Bệnh chàm có tự khỏi bệnh không?

Thường thì sau bao lâu, bệnh chàm ở trẻ sẽ tự hết? Vì sao lại có hiện tượng này ạ?

Em bé bị chàm có thể tự khỏi bệnh nhưng khả năng này không cao. Nhiều nghiên cứu ở nhiều nước khác nhau cho thấy, khi em bé bị chàm khi được điều trị tích cực thì chỉ có 2/3 trẻ sẽ khỏi bệnh, 1/3 số trẻ còn lại sẽ bị dai dẳng và kéo dài.

Do đó, khi thấy em bé bị chàm cần tích cực điều trị để không gây ảnh hưởng cho trẻ sau này. Khi thấy trẻ bị chàm ở mức độ nhẹ nhất thì nên điều trị bằng thuốc dưỡng ẩm. Cha mẹ không nên để bệnh tự hết vì sẽ làm tình trạng bệnh nặng thêm.

8. Làm sao giúp trẻ đỡ ngứa khi bị chàm?

Nhiều em bé khó chịu, ngứa ngáy ở vết sang thương và đưa tay lên gãi. Như vậy sẽ gây ra ảnh hưởng như thế nào? Có cách nào giúp em bé đỡ ngứa hơn không ạ?

Ngứa là triệu chứng chính trong bệnh chàm. Ngứa làm em bé rất khó chịu. Để điều trị ngứa thì cần tránh những yếu tố gây khởi phát ngứa. Nếu viêm nhiều thì phải dùng những thuốc đặc trị chàm như corticoid dạng thoa, thuốc ức chế calcineurin. Tuy nhiên, khi sử dụng thuốc cần phải có sự tư vấn của bác sĩ, không nên tự ý sử dụng. Có thể sử dụng kem dưỡng ẩm để phục hồi hàng rào da và làm giảm ngứa. Sữa tắm cũng có thể làm dịu nhẹ da, giảm ngứa dành cho cơ địa chàm.

Cha mẹ nên tránh cho trẻ ở môi trường có yếu tố kích phát như khí hậu, quần áo. Nên cắt móng tay cho bé để tránh trầy xước vết thương khi trẻ gãi. Cha mẹ cần lưu ý là không nên kiêng tắm và cũng không nên tắm quá nhiều cho trẻ.

9. Phòng ngừa bệnh chàm

Cách phòng ngừa bệnh chàm là gì, thưa BS?

Chàm thể tạng xảy ra trên cơ địa dị ứng. Do đó chúng ta không thể thay đổi cơ địa. Nhưng chúng ta có thể ngăn ngừa những yếu tố gây kích phát như tránh tiếp xúc với những yếu tố làm bệnh nặng thêm, tránh làm nặng sang thương chàm. Cách tốt nhất là đi khám bác sĩ chuyên khoa nhi hoặc chuyên khoa gia liễu để được khám và tư vấn cách chăm sóc phù hợp.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X