Khó nuốt ở trẻ em gây suy dinh dưỡng, hít sặc vào phổi dẫn đến tử vong
Hậu quả đáng sợ nhất của khó nuốt là hít sặc vào phổi dễ dẫn đến tử vong, thứ nhì là gây suy dinh dưỡng, thứ ba là khiến gia đình em bé stress. PGS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Dung chỉ ra nguyên nhân khiến khó nuốt và khàn tiếng.
“Khàn tiếng và khó nuốt ở trẻ em” là chủ đề mà nhiều phụ huynh có con nhỏ quan tâm, đã được PGS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Dung báo cáo tại chương trình Tư vấn và tầm soát sức khỏe tháng 5/2021 do Phòng khám đa khoa Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch tổ chức.
Cũng trong chương trình, TS.BS. Nguyễn Nam Hà đề cập đến các kỹ thuật giúp “phát hiện sớm bệnh họng thanh quản”.
Chương trình Tư vấn và tầm soát sức khỏe tháng 5/2021 do Phòng khám đa khoa Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch tổ chức sáng thứ bảy 15/5.
1. Chứng khàn tiếng ở trẻ em
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Dung cho biết nguyên nhân khàn tiếng ở trẻ em bao gồm bất thường bẩm sinh, chấn thương thanh quản, liệt thanh quản (có thể bẩm sinh), viêm thanh quản, u nhú thanh quản, hạt dây thanh.
Khàn tiếng ở trẻ em do bất thường bẩm sinh
Khi sinh ra, một số đứa trẻ có màng chắn thanh quản làm cho đường thở không thông và hai dây thanh không thể khép sát như bình thường. Người ta có thể phân loại màng chắn ở thể thanh môn, thanh môn, hạ thanh môn.
Triệu chứng là khi sinh ra, đứa trẻ sẽ khóc rất yếu.
Ngày nay, người ta đã có phương pháp sử dụng ống nội soi mềm, nhỏ phù hợp với trẻ em. Họ sẽ luồn ống nội soi qua mũi để đưa xuống thanh quản để thấy được màng chắn thanh quản.
Bất thường bẩm sinh thứ hai có thể gặp là u máu hạ thanh môn. U máu hạ thanh môn có thể gặp là u máu dạng mao mạch và u máu dạng hang. U máu nằm ngay bên dưới hai dây thanh, khiến hai dây thanh không khép được, em bé sẽ khóc rất yếu và kèm theo khó thở.
Điều trị bệnh lý này bằng cách chích corticosteoid tại chỗ. Đôi khi không phải điều trị, đợi đến khi trẻ lớn lên, u máu nhỏ lại, thanh quản rộng ra thì bệnh sẽ khỏi dần. Nếu sau 18 tháng tuổi, em bé không còn khàn tiếng và khó thở thì em bé không cần điều trị. Nếu sau 18 tháng tuổi trẻ vẫn còn khàn tiếng và khó thở thì phải chích corticosteoid hoặc phẫu thuật laser.
Khàn tiếng ở trẻ em do chấn thương thanh quản
Chấn thương thanh quản ở trẻ em có thể phân loại thành: chấn thương trực tiếp, chấn thương xuyên thấu, bỏng, dị vật đường thở, chấn thương do đặt nội khí quản. Chấn thương sẽ tạo mô hạt viêm, sẹo hẹp thanh môn - hạ thanh môn, dẫn đến triệu chứng khàn tiếng, khò khè, khó thở.
Có những bệnh lý chỉ cần nghỉ ngơi sẽ tự hết, có những bệnh lý cần phải phẫu thuật nội soi. Quan trọng nhất là phải phòng ngừa, không để xảy ra chấn thương.
Một trong những bệnh lý thường gặp ở trẻ em là liệt dây thanh 1 bên. Nguyên nhân của liệt dây thần kinh 1 bên có thể do dị dạng bẩm sinh hoặc chấn thương lúc sinh. Vị trí liệt danh thanh có thể là đường giữa, cạnh đường giữa hoặc trung gian.
Một cơ chế khàn tiếng rất thường gặp đó là viêm thanh quản. Viêm thanh quản gồm: viêm thanh quản do virus, viêm thanh quản cấp hoặc co thắt, viêm thanh quản dưới thanh môn, viêm thanh thiệt.
Một bệnh lý khác cũng gây khàn tiếng và làm người bệnh tương đối khó chịu là u nhú thanh quản. Người mẹ bị sùi mào gà khi sinh em bé thì em bé sẽ hít phải virus và gây ra bệnh. Đặc điểm của bệnh là khàn tiếng, khó thở ngày càng tăng. Bệnh có thể tự khỏi và tái đi tái lại hoặc phải can thiệp bằng phẫu thuật.
Bệnh hạt dây thanh thường xảy ra ở những đứa trẻ la hét, nói nhiều, hát nhiều, ho nhiều, khóc nhiều, thiếu nước. Bệnh xảy ra trên những đứa trẻ có thói quen đó kèm theo cá tính hung hăng, thói quen gia đình, hen suyễn, dị ứng, viêm đường hô hấp trên, trào ngược dạ dày thực quản, stress… Hạt dây thanh thường gặp ở trẻ 5-10 tuổi, điều trị bệnh bằng phương pháp nội khoa, rất ít khi phải phẫu thuật nội soi.
Một số em bé nam sẽ bị vỡ tiếng ở tuổi dậy thì, từ 12-14 tuổi, có những em sẽ dậy thì khi 11 tuổi. Do vậy, cha mẹ cần lưu ý, đó không phải là khàn tiếng mà là vỡ tiếng ở tuổi dậy thì.
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Dung - cố vấn chuyên môn, chuyên gia Tai mũi họng - Phòng khám Đa khoa TĐHYK Phạm Ngọc Thạch
2. Chứng khó nuốt ở trẻ em
Hiện nay một số phụ huynh cũng có gặp vấn đề về khó nuốt ở trẻ em, trong đó có những khó nuốt thuộc về bệnh lý và khó nuốt về tâm lý. Như vậy điều trị khó nuốt ở trẻ em như thế nào? Cơ sở y tế nào có thể điều trị khó nuốt ở trẻ em?
Trẻ bị khó nuốt do bệnh lý tại vùng họng - miệng như viêm trong miệng do nhiễm siêu vi enterovirus, herpes virus; viêm họng do enterovirus, epstein barr virus, group A streptococcus. Đặc biệt là áp xe quanh amidan, trẻ sẽ bị khó nuốt và có giọng nói ngọng như trong miệng đang ngậm vật gì đó. Ngoài ra trẻ bị viêm thực quản do một bệnh lý về thực quản hoặc nuốt dị vật thì cũng làm cho trẻ khó nuốt.
Một số đứa trẻ ăn uống bình thường, tự nhiên nói đau họng, không ăn được. Thực tế đã có trường hợp em bé cầm đũa chơi và bị xóc vào vòm khẩu cái, tạo điểm loét rất lớn. Tuy nhiên chị giúp việc đã giấu việc này, cha mẹ thắc mắc tại sao con mình không chịu ăn và bị chảy nước miếng. Trẻ bị chảy nước miếng bởi vì khi nuốt sẽ làm trẻ bị đau. Khi bác sĩ khám thấy rằng ở vùng vòm cái có một điểm tụ máu và viêm xung quanh, trầy xước.
Nếu như trẻ bị những triệu chứng viêm khác thì em bé sẽ bị sốt, đau và diễn tiến từ từ; nhưng nếu trẻ tự nhiên bỏ ăn thì chúng ta phải kiểm tra xem có tổn thương gì vùng họng miệng không.
Ngoài ra, còn có những nguyên nhân gây khó nuốt liên quan đến bệnh thần kinh. Đó là những trẻ bị bại não, viêm não, viêm màng não, não úng thủy, u não, chấn thương sọ não, động kinh.
Trẻ bị động kinh sẽ không nuốt được trong cơn động kinh nhưng ngoài cơn động kinh trẻ cũng biếng ăn. Sự biếng ăn này là do thuốc, thuốc có tác dụng giảm cơn động kinh và giảm luôn sự thèm ăn, sự vận động các cơ vùng nhai.
Bên cạnh đó, còn có khó nuốt liên quan đến các hội chứng. Hầu hết những hội chứng này đều liên quan đến tổn thương thần kinh, tổn thương các cơ, thần kinh làm liệt một số phản xạ vùng họng và khiến cho trẻ không nuốt được. Đối với những bệnh lý liên quan đến thần kinh, đến hội chứng thì nguy hiểm nhất là nếu đút thức ăn không đúng cách, trẻ sẽ bị sặc, đó là vấn đề nguy hiểm nhất, rất dễ dẫn đến tử vong.
Ngoài ra, trẻ có thể những bất thường về đường tiêu hóa như hẹp môn vị, hẹp thực quản, dò khí quản - thực quản. Đối với trẻ bị dò khí quản - thực quản thì mỗi khi trẻ ăn sẽ bị sặc vì thức ăn sẽ đi từ thực quản vào khí quản. Dò khí quản - thực quản là bất thường bẩm sinh, trẻ sẽ phải thực hiện phẫu thuật để khép lại. Nhiều trẻ bị tử vong sớm vì cha mẹ không biết, cho bú nhiều nên bị sặc và gây viêm phổi.
Các bệnh mạn tính như HIV/AIDS sẽ làm trẻ bị lở vùng miệng cũng khiến trẻ không ăn uống được.
Những nguyên nhân khác ở bất thường vùng miệng như chẻ vòm - sứt môi. Nếu trẻ chỉ bị sứt môi thì không có vấn đề gì, nhưng kết hợp chẻ vòm và sứt môi thì trẻ sẽ bị sặc khi ăn và khiến trẻ sợ, không dám ăn nữa. Do vậy, cần kết hợp với khoa răng hàm mặt để phẫu thuật. Những hội chứng Pierre Robin, hội chứng Treacher Collins là hội chứng trẻ bị cằm lẹm, lưỡi lớn, lưỡi tụt, khi cho trẻ ăn rất khó, phải có các chuyên viên tập luyện cho trẻ ăn. Chấn thương hàm mặt làm thay đổi cấu trúc vùng hàm mặt cũng sẽ khiến trẻ không ăn được.
Những trẻ sanh non nhỏ hơn 32 tuần, đặc biệt là trẻ sinh dưới 2kg thì phản xạ nuốt và ăn của trẻ chưa có. Do vậy trẻ được nuôi ăn bằng uống và tập bú từ từ để trẻ có thói quen đó.
Những nguyên nhân liên quan đến vấn đề về hô hấp như mềm sụn thanh quản, liệt thanh quản, suy hô hấp do bệnh khác cũng gây ra triệu chứng khó nuốt ở trẻ. Hoặc những trẻ bị vấn đề tim mạch như bệnh tim bẩm sinh, suy tim thì cũng ăn uống rất kém. Trẻ có vấn đề về thiểu năng trí tuệ, hội chứng down cũng sẽ gặp khó khăn trong ăn uống.
Ngoài ra, những trẻ có rối loạn về giác quan - vận động như rối loạn phổ tự kỷ, khiếm thính, khiếm thị, đặt ống nuôi ăn hoặc đặt ống nội khí quản lâu thì sẽ bị ảnh hưởng về nuốt, chuyện ăn uống là rất khó khăn.
3. Vì sao trẻ dễ nôn ói khi bị ép ăn?
Một số cha mẹ ép con ăn vì sợ con ốm, suy dinh dưỡng. Nhưng khi bị ép ăn, trẻ sẽ có phản xạ đối lập với người ép ăn, dễ nôn ói.
Ngày nay, có những chuyên gia âm ngữ trị liệu sẽ biết cách tập cho trẻ và trẻ sẽ tự ăn được. Ngoài ra, trẻ sẽ muốn ăn chung không gian cùng gia đình, nếu trẻ ăn một mình nhiều thì sẽ có tâm lý buồn chán và không muốn ăn. Vấn đề này cần phải có chuyên gia tâm lý, chuyên gia dinh dưỡng, chuyên gia âm ngư trị liệu giúp trẻ lấy lại thói quen.
Cha mẹ không nên nôn nóng khi trẻ tỏ ra không muốn ăn. Nếu đã đưa trẻ đi khám và không phát hiện tổn thương về khó nuốt thì không có gì đáng ngại.
[HOI] PGS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Dung đi đến kết luận:
Hậu quả đáng sợ nhất của khó nuốt là hít sặc vào phổi dễ dẫn đến tử vong nếu hít sặc nhiều. Hậu quả thứ hai là dẫn đến suy dinh dưỡng và những bệnh lý khác, suy giảm miễn dịch. Hậu quả thứ ba là stress cho gia đình và trẻ nhỏ.
Tóm lại, chứng khàn tiếng ở trẻ nhỏ do nhiều nguyên nhân nhưng thường gặp nhất là hạt dây thanh. Điều trị chủ yếu bảo tồn.
Chứng khó nuốt ở trẻ em thường gặp ở trẻ bại não, trẻ có vấn đề về giác quan - vận động và rối loạn tâm lý.
Điều trị hiệu quả với sự phối hợp của nhiều chuyên gia, trong đó có vai trò của âm ngữ trị liệu. [/HOI]
4. Phát hiện sớm bệnh họng, thanh quản bằng nội soi tăng cường hình ảnh
TS.BS Nguyễn Nam Hà cho biết hiện nay biện pháp phổ biến nhất để phát hiện sớm bệnh họng, thanh quản là nội soi tăng cường hình ảnh để cố gắng phân biệt những vùng khác nhau thay đổi trên cấu trúc đó. 3 phương pháp phổ biến là nội soi ánh sáng băng tần hẹp (NBI), nội soi huỳnh quang (AFI), nội soi tương phản điện tử (IMAGE 1S). Các phương pháp hỗ trợ chẩn đoán bệnh gồm các chất đánh dấu phân tử, sinh thiết kim nhỏ, PET-CT.
Cơ chế của nội soi ánh sáng băng tần hẹp (NBI) là mô tiền thư hoặc ung thư sẽ nổi đậm mạch máu hơn, do mạch máu tăng trưởng. Khuyết điểm của phương pháp này là cần nguồn sáng chuyên dụng.
Cơ chế của nội soi huỳnh quang là mô tiền ung thư hoặc ung thư ít phát huỳnh quang khi chiếu ánh sáng xanh lá, do lớp biểu mô bị dày. Khuyết điểm của phương pháp này là cần nguồn sáng chuyên dụng.
Ưu điểm của phương pháp nội soi tương phản điện tử là không cần sử dụng nguồn sáng chuyên dụng. Hình ảnh được thư lại dưới điều kiện ánh sáng trắng thông thường. Thuật toán kết xuất và khuếch đại xử lý hình ảnh nội soi. Hình ảnh đầu ra được chỉnh tương phản điện tử tối đa, giúp nhìn được hình ảnh vùng tối, làm rõ hệ mạch máu dưới niêm mạc và biểu mô.
TS.BS Nguyễn Nam Hà - Trưởng đơn vị phòng khám Tai mũi họng, chuyên gia Tai mũi họng - Phòng khám Đa khoa TĐHYK Phạm Ngọc Thạch
Minh Huy - Alobacsi
Ảnh: Phòng khám Đa khoa TĐHYK Phạm Ngọc Thạch
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình