Hiểu đúng công văn Bộ Y tế về COVID-19: Không có gì bất thường
Ca mắc COVID-19 đang tăng nhẹ, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện chuẩn bị khu cách ly, khiến nhiều người lo lắng. Tuy nhiên, theo PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc - Chủ tịch hội Hô hấp TPHCM, sáng lập PKĐK Ngọc Minh, đây là diễn biến bình thường như cúm mùa, không có dấu hiệu bất thường hay phải hoang mang.
1. COVID-19 đang gia tăng tại Việt Nam giống đọt bùng cúm hàng năm
Thưa PGS, trong tuần qua, Hà Nội ghi nhận 23 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca từ đầu năm lên 37, trong khi TP.HCM có 51 ca, tăng 10 ca so với trung bình 4 tuần trước đó. PGS đánh giá như thế nào về xu hướng gia tăng này?
PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc trả lời: Tình hình hiện tại tương tự các đợt bùng phát lẻ tẻ sau đại dịch COVID-19. Việc người dân lo lắng là điều dễ hiểu, nhất là khi các nước láng giềng như Thái Lan ghi nhận 71.000 ca mắc và 16 ca tử vong, hay Trung Quốc cũng đang có xu hướng gia tăng. Tuy nhiên, dưới góc độ dịch tễ học, đây là diễn biến bình thường, giống như các đợt bùng phát cúm mùa hằng năm, không có dấu hiệu bất thường hay đột biến đáng lo ngại.
Ngoài ra, nhiều nhận định cho rằng biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh hơn nhưng độc lực thấp, lây lan nhiều nhưng độc lực thấp cũng là cơ hội cho miễn dịch cộng đồng tốt hơn hoặc nhanh hơn.
2. Biến thể COVID-19 mới có nguy hiểm?
Theo PGS, sự xuất hiện của các biến thể mới như JN.1 có gây lo ngại về khả năng các biến thể này gây ra các đợt dịch mới không?
PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc trả lời: Hiện có nhiều thông tin xoay quanh khả năng bùng phát dịch trở lại. Tuy nhiên, tại Việt Nam mới chỉ ghi nhận hơn 100 ca, nên việc dự đoán sẽ xảy ra một đợt dịch mới là chưa có cơ sở. Trong khi đó, Thái Lan ghi nhận số ca mắc tăng lên đến vài chục nghìn và 16 ca tử vong. Mặc dù biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh và phạm vi rộng hơn, nhưng mức độ nguy hiểm không thay đổi. Vì vậy, người dân hoàn toàn có thể yên tâm, sự lây lan này hiện chưa gây ra mối lo ngại đáng kể đối với sức khỏe cộng đồng.
3. Công tác chuẩn bị của Bộ Y tế đối với COVID-19 hiện nay có gì khác?
Bộ Y tế đã yêu cầu các bệnh viện chuẩn bị sẵn sàng khu vực cách ly và cập nhật kế hoạch thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19. Khi nghe lại các từ: cách ly, thu dung... người dân nghĩ ngay đến những ngày lockdown đầy ám ảnh. Từ kinh nghiệm của những năm chống dịch trước đây, theo PGS, những công tác chuẩn bị lần này có điểm gì khác biệt so với đợt dịch trước?
PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc trả lời: Xét về dịch tễ học cũng như diễn biến thời gian qua, có thể khẳng định không có chuyện “lockdown”. COVID-19 hiện được phân loại là bệnh truyền nhiễm nhóm B, tương tự cúm mùa, nên quy trình tiếp nhận bệnh nhân cũng không có gì đặc biệt. Thuật ngữ “thu dung” khiến nhiều người lo lắng, nhưng bản chất chỉ là việc cơ sở y tế đánh giá xem bệnh nhân có nhiễm COVID-19 hay không, có cần nhập viện không, và nếu nhập viện thì phải sắp xếp phòng phù hợp để tránh lây chéo cho các bệnh nhân khác.
Vấn đề nằm ở cách dùng từ khiến người dân dễ hiểu lầm, đặc biệt là trên mạng xã hội khi một thông báo bị cắt xén, chia sẻ không đầy đủ khiến công chúng hoang mang. Tuy nhiên, nếu đọc kỹ toàn bộ nội dung công văn của Bộ Y tế, có thể thấy không có gì mới, tất cả đều là những bước cần thiết để đảm bảo tiếp nhận và điều trị bệnh nhân một cách an toàn, chính xác.
4. Khả năng miễn dịch cộng đồng đối với COVID-19 tại Việt Nam hiện nay thế nào?
PGS đánh giá như thế nào về khả năng miễn dịch cộng đồng hiện nay ở Việt Nam? Liệu có cần thiết phải triển khai thêm các đợt tiêm chủng tăng cường để đối phó với các biến thể mới?
PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc trả lời: Sau khi thế giới, trong đó có Việt Nam, trải qua giai đoạn xuất hiện biến chủng Omicron, loại virus có khả năng lây lan nhanh nhưng độc lực thấp, thì đây được xem là “món quà của tạo hóa”, giúp hình thành miễn dịch cộng đồng một cách tự nhiên. Bên cạnh đó, phần lớn người dân đã được tiêm chủng, vì vậy miễn dịch cộng đồng hiện nay là điều chắc chắn có.
Tuy nhiên, nhóm nguy cơ cao như người trên 65 tuổi hoặc người có nhiều bệnh nền cần đặc biệt lưu ý. Việc điều trị bệnh nền cần được duy trì ổn định, vì khi nhiễm cúm mùa hay COVID-19, hệ miễn dịch có thể bị suy giảm, dễ dẫn đến biến chứng hoặc bội nhiễm vi khuẩn. Trên thực tế, nhiều trường hợp tử vong là do biến chứng hoặc bội nhiễm, không phải trực tiếp do virus.
Do đó, những người đang điều trị bệnh nền tuyệt đối không nên tự ý ngừng thuốc. Việc duy trì điều trị đều đặn, lâu dài là cần thiết để kiểm soát bệnh, từ đó nâng cao khả năng miễn dịch và giúp cơ thể ứng phó tốt hơn với các tác nhân gây bệnh như cúm mùa, COVID-19 hay các virus khác.
5. PKĐK Ngọc Minh đã triển khai những gì trước COVID-19 để người dân an tâm đến khám?
Khi ghi nhận thông tin về dịch bệnh, người dân rất quan ngại, đặc biệt khi đến các cơ sở y tế, vậy tại PKĐK Ngọc Minh đã triển khai những biện pháp nào để người dân có thể an tâm khi đến thăm khám?
PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc trả lời: Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh hiện có đội ngũ bác sĩ chuyên khoa Hô hấp khá đông, được bố trí luân phiên theo ngày để phục vụ người bệnh. Với các trường hợp nghi nhiễm trùng hô hấp cấp, bệnh nhân có thể đặt lịch hẹn trước để phòng khám sắp xếp thời gian phù hợp, hạn chế tối đa nguy cơ lây lan chéo.
Khi đến khám, bệnh nhân sẽ được phân luồng ngay từ đầu, đặc biệt những người lớn tuổi có bệnh nền sẽ được ưu tiên khám sớm. Các bác sĩ sẽ đánh giá xem tình trạng hô hấp cấp có liên quan đến COVID-19 hay không, nếu có thì ở mức độ nào, đồng thời kiểm tra mức độ ổn định của bệnh nền để chỉ định điều trị phù hợp, có thể dùng thuốc kháng virus hoặc chuyển đến bệnh viện nếu cần.
Thực tế thời gian qua cho thấy, nhiều bệnh nhân đến khám tại phòng khám, kể cả người cao tuổi có bệnh nền, mắc COVID-19 nhưng không diễn tiến nặng. Điều này cho thấy hiệu quả của việc tiêm chủng và khả năng miễn dịch tự nhiên đã giúp cơ thể có sức đề kháng tốt hơn với virus, bao gồm cả COVID-19.
6. Các trường hợp test dương tính COVID-19 tại PKĐK Ngọc Minh sẽ được xử trí thế nào?
Mỗi ngày phòng khám có tiếp nhận những bệnh nhân đến khám hoặc vô tình đến khám và xét nghiệm dương tính với COVID-19 hay không? Đối với các trường hợp như vậy thì ngay lúc đó phòng khám sẽ có biện pháp xử trí ra sao, thưa PGS?
PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc trả lời: Những tuần gần đây, Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh ghi nhận số ca nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus có xu hướng gia tăng. Với các trường hợp thuộc nhóm nguy cơ cao như người có nhiều bệnh nền, dễ diễn tiến nặng, phòng khám tiến hành xét nghiệm để sàng lọc. Kết quả cho thấy, phần lớn ca bệnh là do cúm A, chỉ một số ít trường hợp dương tính với COVID-19.
Với bệnh nhân trẻ, không có bệnh nền, việc điều trị chủ yếu là theo hướng kiểm soát triệu chứng, nâng cao thể trạng, đồng thời khuyến cáo tự cách ly, tránh tiếp xúc với người lớn tuổi hoặc người có bệnh lý nền trong gia đình.
Còn với các bệnh nhân mắc COVID-19 có kèm bệnh nền, suy dinh dưỡng hoặc bệnh nền chưa ổn định, sau khi xác nhận dương tính, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc kháng virus. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp này đều có triệu chứng nhẹ, không đáng lo ngại. Điều này cho thấy, tình hình COVID-19 hiện nay không phải là vấn đề đáng báo động.
7. Khuyến cáo của bác sĩ trước thông tin gia tăng ca mắc COVID-19
Trong bối cảnh số ca mắc tăng nhẹ nhưng chưa có ổ dịch lớn, PGS có khuyến cáo gì cho người dân, đặc biệt là những nhóm nguy cơ cao?
PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc trả lời: Người cao tuổi có bệnh nền và phụ nữ mang thai nên hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm COVID-19. Biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất là tránh tiếp xúc với người đang có triệu chứng nhiễm trùng hô hấp cấp, hạn chế đến nơi đông người. Trong trường hợp bắt buộc phải đi khám bệnh, cần tuân thủ đeo khẩu trang, tránh chạm vào các bề mặt công cộng; nếu có tiếp xúc thì nên rửa tay sát khuẩn ngay, tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng để phòng lây nhiễm.
Với các gia đình đông người, nếu có thành viên, đặc biệt là người trẻ, bị cúm hoặc nghi nhiễm COVID-19, cần hạn chế tiếp xúc với người lớn tuổi, người có bệnh nền hoặc phụ nữ mang thai để bảo vệ những đối tượng dễ bị tổn thương trong gia đình. Đây là những lưu ý cơ bản nhưng rất quan trọng trong việc phòng tránh lây nhiễm virus.
>>> COVID-19 gia tăng trở lại: Không quá lo, nhưng đừng chủ quan
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình