Hotline 24/7
08983-08983

COVID-19 gia tăng trở lại: Không quá lo, nhưng đừng chủ quan

PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc cho biết, số ca COVID-19 đang tăng nhẹ trở lại do thời tiết giao mùa và hoạt động tập trung đông người, đây là diễn tiến theo quy luật, chưa ghi nhận biến thể nguy hiểm, nhưng người lớn tuổi, có bệnh nền vẫn cần theo dõi sức khỏe sát sao và chủ động phòng ngừa.

1. Ca COVID-19 gia tăng vì đang trong thời điểm giao mùa, tập trung đông người

Thưa PGS, theo thông tin mới đây, số ca COVID-19 tại TP.HCM đang có xu hướng tăng nhẹ. Dưới góc độ chuyên môn, PGS đánh giá tình hình hiện tại như thế nào?

PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc trả lời: Sự gia tăng ca mắc COVID-19 hiện nay không quá bất ngờ, bởi thời điểm này trùng với giai đoạn giao mùa và nhiều hoạt động tập trung đông người, điều kiện thuận lợi để virus SARS-CoV-2 cũng như các virus hô hấp khác như cúm, cảm lan truyền mạnh hơn.

2. Bùng phát COVID-19 hiện nay như quy luật tại cộng đồng giống cúm và cảm

PGS có thể chia sẻ hiện nay các biến thể SARS-CoV-2 lưu hành tại Việt Nam thuộc nhóm nào, có gây nguy hiểm như các biến thể trước đây không?

PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc trả lời: Theo một số khảo sát của chuyên gia, đợt gia tăng ca mắc hiện nay không phải là điều đáng lo ngại, mà được xem là diễn tiến bình thường của các chủng virus, trong đó có COVID-19. Kết quả phân tích cho thấy không xuất hiện biến thể mới nguy hiểm, chủ yếu vẫn là biến thể Omicron đã lưu hành trước đó.

Người dân cũng không cần quá lo lắng, bởi cộng đồng hiện đã có nền miễn dịch tương đối tốt đối với chủng virus này. Đợt gia tăng lần này được đánh giá như một làn sóng bùng phát theo mùa, tương tự như quy luật lưu hành hằng năm của các virus cảm cúm trong cộng đồng.

3. Người cao tuổi có bệnh nền nặng cần test để phát hiện COVID-19 sớm

Có ý kiến lo ngại rằng sự gia tăng số ca là dấu hiệu của một làn sóng dịch mới, nhiều người nhớ lại những ấn tượng khó phai đợt dịch COVID-19 cách đây vài năm: test ngoáy mũi, giãn cách xã hội, xếp hàng đi tiêm ngừa... Theo PGS, nhận định về làn sóng dịch mới có cơ sở hay không, và nếu có biểu hiện giống cảm cúm thì bệnh nhân có cần đi xét nghiệm test ngoáy mũi không ạ?

PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc trả lời: Sau đại dịch COVID-19, cộng đồng đã hình thành miễn dịch, đặc biệt là nhờ tiêm chủng, giúp duy trì khả năng bảo vệ kéo dài. COVID-19 hiện nay đã trở thành một virus đặc hữu, lưu hành hàng năm và cùng tồn tại với con người. Bệnh có xu hướng gia tăng vào các thời điểm giao mùa hoặc khi tiếp xúc với môi trường đông người, do cơ chế lây truyền chủ yếu qua giọt bắn và tiếp xúc gần.

Người dân không cần quá lo lắng về tốc độ lây lan hay mức độ nghiêm trọng của bệnh trong đợt bùng phát này. Với người trẻ, hầu hết các ca nhiễm không gây biến chứng đáng kể. Tuy nhiên, cần đặc biệt thận trọng khi virus lây sang người cao tuổi trong gia đình, nhất là những người có bệnh nền chưa kiểm soát tốt như COPD, suy tim, suy thận... vì đây là nhóm có nguy cơ cao chuyển nặng.

Thông thường, phần lớn trường hợp sẽ thuyên giảm sau vài ngày. Với những người có triệu chứng rõ rệt hơn như sốt cao, đau rát họng nhiều, mệt mỏi đau nhức toàn thân, nên đi khám tại các phòng khám hoặc bệnh viện để được bác sĩ đánh giá mức độ và chỉ định test nhanh, xác định nguyên nhân là COVID-19 hay cúm.

Đặc biệt, ở người lớn tuổi có bệnh nền nặng, việc phát hiện và chẩn đoán sớm là rất quan trọng để can thiệp kịp thời, giảm thiểu nguy cơ biến chứng.

4. Địa điểm và nhóm người cần tiêm nhắc lại vắc xin COVID-19 sẽ được thông báo bởi cơ quan chuyên môn

Một số người hỏi về việc chích nhắc lại vắc xin COVID-19 cho người cao tuổi, có bệnh nền thì nên đến những cơ sở nào?

PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc trả lời: Hiện tại, vắc xin phòng COVID-19 không được nhập về với số lượng lớn do chưa có nhu cầu tiêm chủng đại trà. Tuy nhiên, trong trường hợp cần thiết, các công ty sẽ tiến hành nhập khẩu theo nhu cầu, và khi đó Sở Y tế cùng các cơ quan y tế dự phòng sẽ thông báo cụ thể về địa điểm tiêm chủng cũng như đối tượng ưu tiên cần được tiêm ngừa.

Đối với người trẻ khỏe mạnh, việc tiêm chủng không bắt buộc. Tuy nhiên, với người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch, như bệnh nhân ung thư, người đang điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch, đây là nhóm nguy cơ cao cần được cân nhắc tiêm nhắc lại. Khi cần thiết, các chuyên gia dịch tễ và trung tâm y tế dự phòng sẽ có hướng dẫn cụ thể đến cộng đồng.

Tính đến thời điểm hiện nay, cộng đồng chưa cần thiết phải lo lắng về việc tiêm ngừa. Tuy nhiên, để hạn chế sự lây lan của COVID-19, người dân nên chủ động phòng tránh: hạn chế đến nơi đông người, đeo khẩu trang khi cần thiết, tránh tiếp xúc gần và tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng dịch trong giai đoạn giao mùa, thời điểm virus có điều kiện thuận lợi để lan rộng.

5. “Mắc COVID-19 nhưng không có triệu chứng nặng thì không đáng lo” liệu có đúng?

Cũng có những người bình tĩnh hơn, cho rằng, dù mắc COVID-19 nhưng chỉ cần không có triệu chứng nặng thì không đáng lo. Điều này có chính xác không, và thế nào là triệu chứng nặng thưa PGS?

PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc trả lời: Đối với người lớn tuổi có bệnh nền, khi xuất hiện các triệu chứng như hắt hơi, sổ mũi, đau họng, sốt, đặc biệt là khó thở (nhịp thở trên 20 lần/phút) hoặc độ bão hòa oxy (SpO₂) dưới 94% khi đo bằng máy đo nồng độ oxy, thì cần đặc biệt lưu ý.

Với một số bệnh nhân mắc bệnh hô hấp mạn tính như COPD, chỉ số SpO₂ có thể thấp sẵn, mức 90% được xem là ổn định. Tuy nhiên, với người nhiễm COVID-19, nếu SpO₂ tụt xuống dưới 90% dù không cảm thấy khó thở thì vẫn cần theo dõi sát tình trạng bệnh.

Tốt nhất, người bệnh nên đến khám tại các cơ sở y tế để được bác sĩ đánh giá cụ thể và kê đơn điều trị phù hợp càng sớm càng tốt, tránh để bệnh tiến triển nặng.

Bên cạnh COVID-19, bệnh cúm cũng là vấn đề đáng quan tâm, dù đã lưu hành nhiều thập kỷ qua. Mức độ lây lan và khả năng gây nặng của cúm không hề thua kém COVID-19, nhất là trên đối tượng người già, người có bệnh nền. Tuy nhiên, tâm lý cộng đồng hiện vẫn thường coi nhẹ cúm trong khi lại rất e ngại COVID-19, phần vì những ký ức ám ảnh sau đại dịch. Điều này cho thấy, cả hai loại virus đều cần được cảnh giác đúng mức, đặc biệt ở nhóm nguy cơ cao.

6. Không cần thiết phải khai báo trong giai đoạn này

Thưa PGS, nếu trong giai đoạn này có những triệu chứng nghi ngờ bản thân mắc COVID-19 có bắt buộc làm các test hay không, và nếu ra dương tính có cần khai báo đối với các cơ sở y tế như trước đây hay không? Và hướng điều trị thì điều trị thế nào trong lúc này nếu mắc COVID-19 ạ?

PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc trả lời: COVID-19 hiện đã trở thành bệnh đặc hữu, lưu hành theo mùa giống như cúm, vì vậy việc khai báo y tế không còn bắt buộc như trước. Tuy nhiên, không nên vì thế mà chủ quan, đặc biệt với người cao tuổi, người có bệnh nền, nhóm dễ bị suy giảm miễn dịch, khiến bệnh có thể diễn tiến nhanh và nặng hơn. Vì vậy nên đi khám sớm để bác sĩ chỉ định điều trị, các biện pháp tăng cường sức khỏe, cũng như trong trường hợp cần cho thuốc kháng virus bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân.

7. Những biện pháp phòng COVID-19 còn hữu hiệu hiện nay

Về mặt phòng ngừa, những biện pháp nào vẫn còn giá trị và nên duy trì trong giai đoạn này, đặc biệt ở nơi công cộng hay cơ sở y tế?

PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc trả lời: Hiện nay, số ca COVID-19 đang tăng so với 1-2 tháng trước. Vì vậy, khi đến nơi đông người, cần đeo khẩu trang, rửa tay sau khi chạm vào bề mặt để tự bảo vệ và tránh lây lan cho người thân, nhất là người lớn tuổi, bệnh nền nặng, suy giảm miễn dịch. Dù triệu chứng nhẹ, nhưng nếu lây sang nhóm này, bệnh có thể diễn tiến nặng hơn.

Tóm lại, nên hạn chế tập trung nơi đông người, đặc biệt khi đang có triệu chứng siêu vi chưa rõ nguyên nhân để tránh lây cho người khác.

8. Vic chủng ngừa là điều cần thiết

Thưa PGS, ngoài COVID-19, hiện nay có các bệnh lý truyền nhiễm nào đáng lưu tâm và chủ động phòng ngừa?

PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc trả lời: Người lớn tuổi nên được tiêm ngừa hàng năm, đặc biệt với người có bệnh nền. Trong đó, vắc xin phế cầu rất quan trọng, vì đây là nguyên nhân hàng đầu gây viêm phổi và biến chứng nặng, hiện chiếm 30-35% ca bệnh ngoài cộng đồng.

Ngoài ra, nhiều bệnh truyền nhiễm khác như ho gà, bạch hầu, sốt xuất huyết... cũng cần lưu ý. Trong điều kiện môi trường ô nhiễm, mật độ dân số cao như ở Việt Nam, nguy cơ lây lan là không tránh khỏi. Do đó, nếu có điều kiện, nên chủng ngừa đầy đủ, nhất là với trẻ em, để phòng bệnh hiệu quả.

>>> Hiểu đúng công văn Bộ Y tế về COVID-19: Không có gì bất thường

 

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X