Hotline 24/7
08983-08983

Giải tỏa tâm lý thế nào trong thời gian giãn cách xã hội?

Thời gian giãn cách xã hội, nhiều bệnh nhân có vấn đề về tâm lý - tâm thần không thể khám trực tiếp tại bệnh viện. BS.CK2 Trần Minh Khuyên sẽ hướng dẫn khám bệnh online thế nào, làm gì để giải tỏa tâm lý…

1. Dịch bệnh COVID-19 gây ra những xáo trộn tâm lý nào?

Nhiều người cảm thấy tù túng khi phải làm việc tại nhà trong thời gian giãn cách xã hội. Theo bác sĩ, những xáo trộn tâm lý hàng đầu do dịch bệnh COVID-19 gây ra là gì?

BS.CK2 Trần Minh Khuyên:

Hiện TPHCM đang trong mùa nắng nóng và giãn cách xã hội do dịch COVID-19, nên sẽ có nhiều vấn đề tâm lý tác động lên cơ thể, suy nghĩ hoặc cảm xúc của người dân.

Nhiều người đang kinh doanh hoặc mở chuỗi cửa hàng đều bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Những bạn mới khởi nghiệp hoặc những người kinh doanh mới thuê mặt bằng vài chục triệu/tháng để chuẩn bị làm ăn họ phải giãn cách xã hội, phải ngừng những ý tưởng, kế hoạch kinh doanh. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để trả tiền mặt bằng, trả tiền cho nhân viên khiến cho các chủ doanh nghiệp, những bạn khởi nghiệp rất lo lắng về tâm lý.

Đối với những cán bộ công nhân viên, công nhân lo sợ sẽ bị mất việc, bởi một số cơ quan, xí nghiệp, khu công nghiệp có xu hướng giảm số lượng công nhân viên. Từ đó, làm ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế, mức sống của người công nhân, gây lo âu.

Bên cạnh đó. khi giãn cách, chúng ta phải ở nhà, trong không gian tù túng, không được đi vui chơi bên ngoài, phải chăm sóc con cái, từ đó tạo ra stress, căng thẳng.

Đó là những tâm lý mà họ phải gánh chịu gần đây, do sự ảnh hưởng trong mùa dịch, mùa nắng nóng.

2. Những ai có nguy cơ khởi phát bệnh tâm thần trong thời gian giãn cách xã hội?

Tuần trước, 1 trang báo mạng có bài “Nỗi sợ COVID-19 kích hoạt bệnh tâm thần” khiến nhiều người càng thêm lo lắng. Vậy những ai có nguy cơ khởi phát bệnh tâm thần trong thời gian này (đại dịch COVID-19), thưa bác sĩ?

BS.CK2 Trần Minh Khuyên:

Đối với bình thường nhưng type thần kinh yếu sẽ dễ bị stress, bị sự tác động của xã hội, tình cảm. Những stress đó dẫn đến các bệnh lý về tâm thần như mất ngủ, lo âu, căng thẳng.

Đối với những người có tiền sử bệnh lý về tâm thần kinh trong tình trạng rối loạn lo âu hoặc vừa ngưng điều trị hay người trong tình trạng trầm cảm đang điều trị, thậm chí là những người bị tâm thần phân liệt, khi dịch đến hoặc họ bị cách ly là nguyên nhân chính khiến bệnh tái phát, nó giống như giọt nước tràn ly.

Khi vào khu cách ly thì việc sinh hoạt chuẩn mực và nghiêm khắc hơn trong chế độ phòng dịch, làm bùng phát lại những bệnh lý nền. Ví dụ, những người đang bị bệnh tâm thần phân liệt  đã ở giai đoạn ổn định nhưng khi họ vào khu cách ly việc ăn, ngủ, sinh hoạt  trở nên bất thường, khiến người này rơi vào tình trạng mất ngủ, thậm chí, lên trên loạn thần cấp.

3. Thời tiết nắng nóng ảnh hưởng như thế nào đến người bệnh tâm thần

Không chỉ nỗi căng thẳng vì dịch bệnh mà thời tiết nắng nóng càng khiến mọi người thêm khó chịu. Thưa bác sĩ, cụ thể thời tiết nắng nóng có ảnh hưởng đến tâm lý của mọi người như thế nào, riêng những người đã có dấu hiệu bệnh tâm lý, tâm thần thì họ gặp nguy hiểm ra sao?

BS.CK2 Trần Minh Khuyên:

Vấn đề nắng nóng giống như cò súng kích hoạt cả một hệ thống bệnh lý về tâm thần, tâm sinh lý của con người.

Câu chuyện về Thủ tướng Singapore, khi ông đi thăm những nhà máy và nhận thấy tình trạng nóng bức, thiếu quạt, thiếu không khí khiến công nhân dễ căng thẳng và khó tập trung làm việc dẫn đến năng suất làm việc giảm thấp. Sau đó, ông đề nghị phải cải thiện môi trường làm việc, tăng thông gió, tăng cường quạt có hơi nước. Khoảng 2 tháng sau năng suất nhà máy tăng lên rõ rệt, trạng thái cảm xúc của công nhân cũng được cải thiện.

Đó là một ví dụ cụ thể để chúng ta thấy rằng môi trường làm việc thông thoáng, mát mẻ, dễ chịu làm cho năng suất tăng lên rất nhiều. Thời tiết nắng nóng tác động đến không khí làm việc, năng suất, cảm xúc của những người đang sinh hoạt trong môi trường đó.

Đối với cuộc sống bình thường, thời tiết nắng nóng tác động rất nhiều đến đời sống sinh hoạt của chúng ta.

4. Những dấu hiệu nhận biết sự bất ổn về tâm lý - tâm thần

Đôi khi bản thân người bệnh không tự nhận ra sự bất ổn của chính mình, vậy người thân có thể dựa theo những biểu hiện nào để nhận biết? Những dấu hiệu nhận biết này khác nhau như thế nào giữa các độ tuổi và giới tính ạ?

BS.CK2 Trần Minh Khuyên:

Trong gia đình, khi cả nhà cùng nhau ăn cơm, nếu chúng ta quan sát thấy một thành viên ít nói hơn, cặm cụi ngồi ăn, không cười, không chia sẻ về bất cứ vấn đề gì thì chắc chắn người đó có vấn đề.

Thậm chí có những thành viên bỏ bữa, đi làm về lên thẳng phòng ngủ, không tiếp xúc, đặc biệt là độ tuổi sinh viên.

Như vậy, từ bữa cơm gia đình, chúng ta quan sát ánh mắt, nụ cười, cách chia sẻ và các hành vi sẽ phát hiện được thành viên nào đang có vấn đề về sức khỏe, tâm lý. Từ đó chúng ta quan tâm hơn, hỏi han họ về công việc, các mối quan hệ xã hội hoặc có những câu chuyện vui để giúp thành viên đó vượt qua vấn đề tâm lý.

Từ đó chúng ta biết được tâm lý của những người thân và tiếp cận, chia sẻ cởi mở để giúp giải tỏa những ưu tư của các thành viên. Nếu người thân của chúng ta căng thẳng, stress quá mức thì khuyên họ gặp các chuyên gia về tâm thần để kịp thời quan tâm, chăm sóc sức khỏe cho gia đình và bản thân.

Trường hợp bản thân là người có triệu chứng stress, căng thẳng nhưng không thể nhận ra điều đó. Đồng nghiệp của chúng ta có thể sẽ nhận ra điều này. Ví dụ, đồng nghiệp của các bạn sẽ hỏi rằng nhà có việc gì không mà thấy anh chị quạu quọ hoặc bản thân có những hành động cử chỉ không vui. Khi điện thoại gọi đến thì chúng ta có cảm giác lo lắng, bồn chồn làm việc mất tập trung thì có thể bạn đang có những biểu hiện của stress, căng thẳng.

Khi bản thân có những biểu hiện này, bạn cần nghỉ ngơi một chút, uống nước hoặc đi ra ngoài thư giãn, tịnh tâm để nhận ra những bất thường của bản thân.

5. Vì sao người thân của bệnh nhân tâm lý - tâm thần cũng bị ảnh hưởng tâm lý tiêu cực?

Riêng những người thân của người bị stress, họ tâm sự rằng “cũng muốn stress theo luôn”, vì sao có hiện tượng này, thưa BS?

BS.CK2 Trần Minh Khuyên:

Đó là bệnh lý về chuyên khoa tâm thần, được gọi là chuyển vi cảm xúc từ người này sang người khác. Ví dụ một người bị mất ngủ, lo lắng, đi tới đi lui thì có ít nhất 2 - 3 người thân sẽ bị ảnh hưởng đến giấc ngủ.

Trong gia đình, nếu có người bị bệnh lý về tâm thần kinh, căng thẳng, stress làm người khác cảm thấy khó chịu hoặc xảy ra xung đột bởi những chuyện không đáng. Như vậy một người bệnh làm ảnh hưởng đến 2 - 3 người khác.

Việc quan tâm đến sức khỏe tâm thần là một vấn đề rất lớn. Bởi 1 người nhập viện vì bệnh lý tâm thần cần 1 người chăm sóc, 2 - 3 người thân khác phải ra vào viện để lo cơm nước. Nếu đó là những người đang đi làm sẽ bị mất tập trung.

Như vậy nếu 1 triệu người bị vấn đề tâm thần sẽ kéo theo 2 - 3 triệu người bị ảnh hưởng về công việc, kinh tế, thời gian và sự căng thẳng, stress.

6. Bệnh nhân tâm lý - tâm thần nên khám thế nào để an toàn trong mùa dịch COVID-19?

Xin BS cho biết, mùa dịch COVID-19 căng thẳng như vầy, bệnh nhân nên đi khám ở đâu vì nhiều người rất ngại vào bệnh viện tâm thần do sợ lây SARS-CoV-2, đồng thời cũng e ngại dư luận ảnh hưởng đến công việc về sau?

BS.CK2 Trần Minh Khuyên:

Trong thời gian đại dịch phải giãn cách xã hội, vấn đề hạn chế đến cơ sở y tế nếu không thật sự cần thiết đã được khuyến cáo. Khi chúng ta có những biểu hiện nhiễm COVID-19, cần báo ngay cho cơ quan y tế hướng dẫn hoặc đi xe riêng đến bệnh viện và tuân thủ 5K, tránh tiếp xúc với nhiều người.

Nếu bị nhiễm SARS-CoV-2, chúng ta sẽ được cách ly và nhận hỗ trợ một cách tích cực từ nhân viên y tế. Trong trường hợp không mắc COVID-19, chúng ta có thể đến các cơ sở y tế hoặc nhiều bệnh hiện đang triển khai hình thức khám bệnh online.

Có một số bệnh lý phải đến trực tiếp bệnh viện khám để được bác sĩ thăm khám. Đối với những chuyên khoa về sức khỏe tâm thần hoặc tâm lý, các bác sĩ đang khám online và trực tiếp cho bệnh nhân.

Bệnh nhân có thể thông qua đường dây nóng của bệnh viện để đăng ký khám khoa tâm thể để được hướng dẫn khám online với bác sĩ chuyên khoa và chuyển tiền khám bệnh vào tài khoản của phòng khám. Các bác sĩ sẽ khám online qua website hoặc zalo để nắm được tình trạng bệnh, sau đó kê toa, gửi cho bệnh nhân để mua thuốc. Trường hợp không tìm được các loại thuốc trong toa thì người bệnh có thể phản hồi để các bác sĩ mua giúp và gửi về nhà cho bệnh nhân.

7. Giãn cách xã hội, ở nhà cần làm gì để giải tỏa tâm lý, tránh nhàm chán?

BS có lời khuyên nào gửi gắm cho cộng đồng, để chúng ta có tâm lý vững vàng vượt qua đại dịch? Nhờ BS đưa ra liệu pháp, giải pháp giải tỏa tâm lý cho cộng đồng?

BS.CK2 Trần Minh Khuyên:

Đối với người bình thường, trong thời gian giãn cách xã hội, bị hạn chế giờ làm việc, làm việc online hoặc nghỉ việc trong vòng 1-2 tuần cần lưu ý giữ gìn sức khỏe về mặt thể chất, ăn uống đầy đủ, tập thể dục và lập cho bản thân một thời gian biểu tại nhà.

Chúng ta không nên suy nghĩ thời gian này rảnh rỗi, không biết làm gì, ngủ dậy cảm thấy chán chường, ngủ nướng và uể oải. Chúng ta cần biến thời gian giãn cách xa hội thành những điều thú vị để tận hưởng thời gian nghỉ ngơi.

Thứ nhất, cần lên lịch làm việc cho bản thân. Nếu ngày mai giãn cách ở nhà thì sáng thức dậy mấy giờ, thời gian nào tập thể dục, sau đó tắm, ăn sáng, uống cafe như thế nào.

Phải tận dụng thời gian này để làm những việc mà bản thân chưa làm được như trang hoàng phòng khách, vệ sinh phòng ngủ, ga giường; hoàn thành công việc đã hứa thực hiện với người thân. Sau khi hoàn thành những công việc đó, chúng ta có thể gọi điện thoại hỏi thăm sức khỏe đồng nghiệp, những người quen ở quê.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể học thêm một môn giải trí như dành 30-45 phút để học đàn…

Chúng ta cần lập kế hoạch chi tiết thì bản thân sẽ cảm thấy một ngày làm việc ở nhà rất thú vị và ý nghĩa trong thời gian giãn cách.

Minh Huy

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X