Hotline 24/7
08983-08983

Người đã chích ngừa, đã khỏi bệnh COVID-19 có được giảm K nào trong 5K không?

Sau khi nhiều vấn đề thời sự kỳ trước về COVID-19 được TTND.GS.TS.BS Nguyễn Văn Kính giải đáp cặn kẽ, câu hỏi của bạn đọc, khán thính giả liên tục được gửi về AloBacsi. Vì vậy, giữa lịch trình công tác dày đặc, vị Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam vẫn tranh thủ quỹ thời gian hạn hẹp để giải đáp kịp thời các thắc mắc nóng hổi này.

1. Người đã được chữa khỏi COVID-19 liệu có miễn nhiễm với biến thể Ấn Độ?

Người đã được chữa khỏi COVID-19 liệu có miễn nhiễm với biến thể Ấn Độ không ạ? Kháng thể có được sau khi khỏi bệnh COVID-19 có thể tồn tại trong bao lâu, thưa GS?

TTND.GS.TS.BS Nguyễn Văn Kính trả lời: Hiện nay, với thay đổi rất lớn của biến chủng coronavirus, nhất là COVID-19, người ta đã thấy một số trường hợp có hiện tượng tái nhiễm với các chủng khác. Tuy nhiên, trên thế giới chỉ mới ghi nhận 6 trường hợp.

Người mắc bệnh COVID-19 thì kháng thể có thể tồn tại khoảng 6 tháng và sau đó sẽ giảm dần.

2. Người đã khỏi bệnh COVID-19 có nên chích ngừa SARS-CoV-2?

Sau này, khi vắc xin đã chích đầy đủ cho các đối tượng ưu tiên thì người đã khỏi bệnh COVID-19 có nên chích ngừa SARS-CoV-2 nữa không ạ?

TTND.GS.TS.BS Nguyễn Văn Kính trả lời: Theo hướng dẫn của nhà sản xuất vắc xin hiện nay thì không tiêm cho những người mắc COVID-19 trước đó 6 tháng. Vì vậy, trong vòng 6 tháng sau khi mắc COVID-19 thì không cần tiêm vắc xin.

3. Đã khỏi bệnh COVID-19 hoặc hoàn thành tiêm ngừa, có được giảm bớt K nào trong 5K?

Ai cũng mong muốn trở lại cuộc sống bình thường sau đại dịch. Với những người đã khỏi bệnh COVID-19 hay những người đã hoàn tất chích ngừa 2 mũi vắc xin, họ có được giảm bớt K nào trong 5K hay không, thưa GS?

TTND.GS.TS.BS Nguyễn Văn Kính trả lời: Về nguyên tắc, khi mà trong cộng đồng vẫn còn dịch COVID-19 thì vẫn phải thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng vệ cá nhân, đặc biệt là 5K. Bởi vì, nếu đã mắc COVID-19 một lần nhưng khi có biến thể mới thì vẫn có thể mắc lại. Vì vậy, chúng ta vẫn phải thực hiện 5K cho đến khi công bố hết dịch.

4. Di chứng sau điều trị COVID-19, nên khám ở đâu?

Với những người đã khỏi COVID-19 gặp tình trạng khó thở, suy nhược và thay đổi khẩu vị… thì họ đến đâu để điều trị, có bắt buộc phải đến bệnh viện có chuyên khoa Bệnh nhiệt đới không ạ?

TTND.GS.TS.BS Nguyễn Văn Kính trả lời: Đây chỉ là di chứng hoặc hậu quả của COVID-19. Bệnh nhân  có thể quay trở lại nơi ban đầu điều trị để được theo dõi, đánh giá toàn bộ quá trình điều trị và hậu quả của nó. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể đi khám tại các phòng khám chuyên khoa liên quan đến triệu chứng mà mình có.

5. Có cần tầm soát nguy cơ đông máu sau khi điều trị COVID-19?

Người đã khỏi bệnh COVID-19 hay đã chích ngừa có cần tầm soát nguy cơ đông máu không thưa GS?

TTND.GS.TS.BS Nguyễn Văn Kính trả lời: Gần đây, Hoa Kỳ và các nước ở châu Âu cũng ghi nhận tỷ lệ rất thấp những trường hợp bị giảm tiểu cầu, rối loạn đông máu dẫn đến tắc tĩnh mạch đối với người đã khỏi bệnh COVID-19 hay đã chích ngừa. Tuy nhiên tỷ lệ này không cao so với tỷ lệ bình thường cũng xuất hiện những biến cố đó trong cuộc sống đời thường.

Tuy vậy, nhưng những người sau khi tiêm vắc xin vẫn cần được theo dõi sức khỏe. Bản thân người tiêm vắc xin cũng phải theo dõi những triệu chứng sau tiêm như nhức đầu dai dẳng kéo dài, đau tức ngực, khó thở, đau âm ỉ vùng ngực và cần phải đi khám ngay.

Hiện nay, Bộ Y tế đã có hướng dẫn xử trí sau tiêm, do đó mỗi người tiêm chủng đều có phiếu theo dõi riêng. Những người tiêm chủng sẽ thông báo tình trạng sau tiêm qua online hoặc tại nơi tiêm chủng để theo dõi sát sao hơn. Những triệu chứng thường gặp sau tiêm đó là nhức đầu dai dẳng kéo dài, đau ngực, khó thở,...

6. 26% bệnh nhân sau điều trị COVID-19 rơi vào lo âu

Với những người đã khỏi bệnh COVID-19 ở nước ngoài, có ghi nhận rằng nhiều người bị mất ngủ, trầm cảm, còn bệnh nhân tại Việt Nam đã ghi nhận những triệu chứng “hậu COVID” liên quan đến sức khỏe tâm thần chưa ạ?

TTND.GS.TS.BS Nguyễn Văn Kính trả lời: Hiện ở Việt Nam chưa có thống kê đầy đủ trên những người đã chữa khỏi bệnh COVID-19, song có xuất hiện tình trạng lo âu sau khi mắc bệnh. Một nghiên cứu của TS Trần Văn Giang, tỷ lệ bệnh nhân có biểu hiện lo âu sau khi điều trị COVID-19 ra viện khoảng 26%.

7. Trung tâm nào hỗ trợ tâm lý cho nhân viên y tế?

Một người mẹ có con nhỏ vì công việc đã nhiễm COVID-19 đang cách ly, tình trạng sức khỏe ổn nhưng lòng quặn thắt vì không biết con ở nhà có bị lây chưa… Không chỉ chịu thiệt thòi là bị người xung quanh nơi sinh sống kỳ thị mà chính bản thân nhân viên y tế cũng canh cánh nỗi lo mình có khả năng mang mầm bệnh về nhà. Hiện tại có hotline hay trung tâm nào hỗ trợ tâm lý cho nhân viên y tế ạ?

TTND.GS.TS.BS Nguyễn Văn Kính trả lời: Hiện nay, tất cả các cán bộ ngành y tham gia vào tuyến đầu chống dịch thì hầu như đều bị cách ly và thời gian cách ly là gấp đôi so với người bình thường. Khi người tiếp xúc với nhân viên y tế ra viện thì họ được tính thêm 1 chu kỳ cách ly nữa. Vì vậy, hầu như thời gian cách ly của cán bộ y tế trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19 là gấp đôi so với bệnh nhân.

Chẳng hạn, nếu là trong bệnh viện thì sau khi cơ sở y tế không còn ca nhiễm ít nhất 21 ngày thì nhân viên y tế mới được về nhà. Và sau đó vẫn phải tiếp tục cách ly tại nhà trong vòng 14 ngày.

Đó là sự thiệt thòi, gian nan của cán bộ y tế, đặc biệt là những người ở tuyến đầu chống dịch, ảnh hưởng đến sự kết nối tình cảm gia đình giữa vợ chồng, cha mẹ, con cái. Nhưng tất cả đều tạm gác lại để thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc, cứu chữa người bệnh COVID-19. Do đó, sự lo lắng của cán bộ y tế cho người thân của mình là lẽ đương nhiên, chúng ta phải cảm thông và động viên họ.

Bộ Y tế cũng như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương đã có hotline để trả lời những thắc mắc, tư vấn cho những gia đình có quan tâm, có âu lo để chúng ta cùng nhau chiến đấu với COVID-19. Mong rằng xã hội cũng không nên kỳ thị, bởi vì họ đã rất gian khổ trong quá trình chống dịch. Sự kỳ thị xuất phát từ lo sợ bị lây nhiễm. Với những quy trình cách ly hiện nay, sẽ đảm bảo an toàn cho những cán bộ đó sau khi tham gia chống dịch trở về nhà.

>>> Ứng phó thế nào với đại dịch COVID-19 có nhiều nguồn lây, ổ dịch khác nhau?

>>> Những biến thể COVID-19 nào có ở Việt Nam?

>>> Vì sao bệnh nhân “tái dương tính” sau khi kết thúc cách ly?

>>> Có nên tiêm vắc-xin COVID-19 sau ca tử vong do sốc phản vệ?

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X