Hotline 24/7
08983-08983

Vì sao bệnh nhân “tái dương tính” sau khi kết thúc cách ly?

TTND.GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam sẽ trả lời quý bạn đọc theo lời mời của AloBacsi trong chương trình giao lưu trực tuyến ngày 10/5/2021.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, có 5 bệnh nhân dương tính trở lại sau khi được công bố khỏi bệnh. Điều này làm người dân trên cả nước và những người thuộc diện cách ly trước đó có nhiều lo ngại.

Những thắc mắc về vấn đề này được TTND.GS.TS.BS Nguyễn Văn Kính - Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam - Nguyên Giám đốc Bệnh Nhiệt đới Trung ương giải đáp. Mời bạn đọc theo dõi nội dung tư vấn.

Mời tham xem nội dung tư vấn trước đó:

1. Ứng phó thế nào với đại dịch COVID-19 có nhiều nguồn lây, ổ dịch khác nhau?

2. Có nên tiêm vắc-xin COVID-19 sau ca tử vong do sốc phản vệ?

3. Những biến thể COVID-19 nào có ở Việt Nam?

Vì sao có hiện tượng “tái dương tính” sau cách ly?

Một hiện tượng cũng khiến nhiều người lo ngại, đó là “tái dương tính” sau khi kết thúc cách ly. GS có thể lý giải vì sao có hiện tượng này ạ?

Có 2 bối cảnh để chúng ta có thể hiểu cho rõ:

Một là những người cách ly diện F1: chưa từng xét nghiệm ra dương tính lần nào ví dụ như ca ở Đà Nẵng trở về Hà Nam; 14 ngày cách ly xét nghiệm 3 lần đều âm tính; đến khi về Hà Nam mới xác định đó là dương tính. Có thể nói thời kỳ ủ bệnh có thể dài hơn với biến chủng lần này - trong trường hợp như vậy không thể nói là bệnh tái phát, bởi đây là lần đầu tiên phát bệnh và họ sẽ chính là những người bệnh thuộc diện F0.

Còn những người đã là F0 rồi được điều trị trong cơ sở y tế thì hiện nay theo hướng dẫn mà Bộ y tế ban hành đó là: Với những người không có triệu chứng lâm sàng thì sau khi nhập viện 3-5 ngày chúng ta sẽ xét nghiệm 2 lần, mỗi lần cách nhau 72 giờ (trước đây cứ 24 giờ phải liên tục lấy mẫu xét nghiệm, làm như vậy chính người lấy mẫu cũng có nguy cơ lây nhiễm) vì thế cần giãn cách giờ lấy mẫu ra. Nhiều nơi chưa thực hiện được việc trả kết quả trực tiếp mà phải gửi mẫu đến cơ sở khác làm giúp, như vậy đợi đến khi kết quả về thì cũng đã 3 ngày.

Nên chia khoảng cách thời gian ra để lấy mẫu xét nghiệm cho hợp lý, nếu như kết quả những những lần xét nghiệm cách nhau 72 giờ đều âm tính (không còn triệu chứng) thì những trường hợp này chúng ta mới có thể yên tâm cho bệnh nhân trở về nhà.

Nhưng, khi trở về nhà bệnh nhân vẫn phải tiếp tục cách ly 14 ngày, trong 14 ngày này phải tuyệt đối tuân thủ: ở trong nhà, không đi đâu, vẫn tiếp tục đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách, hướng dẫn cho các thành viên trong gia đình theo dõi sức khỏe cho người bệnh. Trong vòng 14 ngày nếu có bất cứ dấu hiệu nào thì lập tức phải quay trở lại bệnh viện. Nếu sau khi về nhà không có bất kỳ triệu chứng gì nữa thì đến ngày thứ 7 làm thêm xét nghiệm 1 lần, đến ngày thứ 14 làm một lần nữa, sau đó có thể hoàn toàn yên tâm.

Tuy nhiên trong thời gian vừa qua chúng ta nhận thấy một số bệnh nhân là F0 có triệu chứng lâm sàng và không có triệu chứng lâm sàng đã giữ trong bệnh viện điều trị 14 ngày; sau đó khi về nhà đến ngày thứ 7 hoặc ngày thứ 10 thậm chí ngày thứ 3 thì CDC tại cơ sở xét nghiệm thấy tái dương tính.

Những trường hợp này không phải riêng gì Việt Nam mà các nước khác cũng đều đã gặp. Chúng tôi đã thực hiện một việc là những ca tái dương tính này chúng tôi lấy mẫu để nuôi cấy, giải trình tự; khi vào viện được 1-2 ngày thì không dương tính nữa, điều tra dịch tễ học thì tất cả những người thân trong nhà của người tái dương tính này không ai bị lây nhiễm.

Sau đó một giả thuyết được đưa ra và WHO cũng đã chấp nhận đó là: Virus này xâm nhập sâu, ban đầu từ mũi họng nhưng sau đó nó lại xâm nhập sâu xuống tận đáy phổi. Cho nên khi có miễn dịch nó bắt đầu đẩy các mảnh xác của virus ra. Nếu chúng ta lấy mẫu lúc virus đang đẩy xác ra thì nó cứ sao chép và không có khả năng gây bệnh.

Như vậy với trường hợp đó chúng ta cũng lại coi như F0, lại mang người bệnh trở lại bệnh viện, thực tế không cần thiết. WHO nói rằng: không có triệu chứng thì cách ly 10 ngày cho về, nếu có triệu chứng lâm sàng không biến chứng thì sau 14 ngày cho bệnh nhân về, hết biến chứng và dấu hiệu lâm sàng chúng ta vẫn cách ly 14 ngày nữa. Tuy nhiên ở Việt Nam bao giờ chúng tôi cũng nâng lên một bước kéo dài thêm thời gian cách ly, mỗi người chúng ta chịu khó để đến khi hoàn toàn an toàn rồi có thể hòa nhập cộng đồng.

Với những trường hợp F1 nhất là khi nhập cảnh về, nguy cơ thời gian ủ bệnh có thể kéo dài hơn 14 ngày. Vì thế vừa rồi Bộ trưởng Bộ y tế cũng đã quy định: Những người ở nước ngoài về, những người F1 thì chúng ta vẫn phải cách ly 3 tuần sau đó về nhà tự cách ly 7 ngày để yên tâm hơn.

Người hoàn tất cách ly có chắc chắn mình không còn nguy cơ lây bệnh?

Theo GS, có cách nào để người hoàn tất cách ly yên tâm rằng mình không còn là mối nguy cho người thân, đồng nghiệp của mình không ạ?

Bộ Y tế cũng đã thảo luận với rất nhiều chuyên gia: 1 mặt chúng ta cần tăng cường điều tra dịch tễ học lâm sàng để xem thực chất những con virus chủng mới này ủ bệnh trong bao lâu, trước đây chúng ta cho rằng trong vòng 3-14 ngày; nhưng bây giờ rõ ràng có thể thấy có những ca đến 17-18 ngày mới dương tính.

Cho nên chúng ta cần thu thập nhiều hơn những dữ liệu về dịch tễ học lâm sàng. Bộ Y tế đã có quyết định dứt điểm cách ly hẳn 3 tuần, nếu người đó có về nhà thì chúng ta cũng yên tâm hơn rất nhiều. Nhưng về nguyên tắc khi về nhà thì vẫn phải cách ly 7 ngày.

Cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa nhân viên y tế dự phòng; các tổ, đội phòng chống dịch COVID-19. Tuy nhiên hơn ai hết tự mình phải bảo vệ cho chính mình và các thành viên trong gia đình chúng ta. Cần tuân thủ đủ hướng dẫn của Bộ y tế về vấn đề cách ly tại nhà.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X