Hotline 24/7
08983-08983

FNA – Kỹ thuật đầu tay sàng lọc ung thư tuyến giáp trước phẫu thuật

Bướu cổ là bệnh lý nội tiết phổ biến ở trên lâm sàng. BS.CK1 Mã Tùng Phát – Khoa Nội tiết, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, đây là một rối loạn tuyến giáp phổ biến, đa số người bệnh mắc bướu cổ lành tính và không cần điều trị hoặc điều trị đơn giản. Tuy nhiên, đây có thể là dấu hiệu của tình trạng nghiêm trọng hơn như ung thư tuyến giáp.

1. Bướu giáp nhân là bệnh phổ biến trong cộng đồng

Xin hỏi BS, những nguyên nhân nào dẫn đến bệnh bướu cổ? Tỉ lệ mắc bệnh này trong cộng đồng hiện nay như thế nào?

BS.CK1 Mã Tùng Phát trả lời: Bướu cổ là thuật ngữ dân gian, trong y khoa thường gọi là bướu giáp nhân hay nhân tuyến giáp. Các nhân giáp hình thành do sự tăng trưởng về số lượng cũng như kích thước của những tế bào tuyến giáp.

Bướu giáp nhân là một trong những bệnh lý nội tiết thường gặp, chỉ đứng sau đái tháo đường. Bệnh khá phổ biến trong cộng đồng. Theo một số nghiên cứu, tần suất bướu giáp nhân qua thăm khám lâm sàng dao động từ 4 – 7%.

Tuy nhiên, dưới siêu âm, người ta có thể phát hiện những bướu giáp nhân với tỉ lệ rơi vào khoảng 20%, thậm chí có thể lên đến 60 – 70%.

 BS.CK1 Mã Tùng Phát – Khoa Nội tiết, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM

2. Bốn nhóm người có nguy cơ cao mắc bướu giáp nhân

Bệnh bướu cổ thường xảy ra ở độ tuổi nào và người nào sẽ có nguy cơ mắc bệnh lý này cao hơn, thưa BS?

BS.CK1 Mã Tùng Phát trả lời: Bướu cổ hay bướu giáp nhân có thể gặp ở hầu hết tất cả mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, bệnh sẽ có tần suất cao hơn ở những người lớn tuổi. Theo một số báo cáo, hơn 50% những người trên 60 tuổi có xuất hiện tình trạng nhân giáp.

Nhìn chung, đa phần nhân giáp đều lành tính, chỉ một số ít bệnh nhân có khả năng mắc ung thư.

Chưa có khẳng định rõ ràng về nguyên nhân hình thành bướu giáp nhân, có rất nhiều cơ chế tác động. Theo thống kê, những người sau đây sẽ có nguy cơ mắc bướu giáp nhân nhiều hơn:

- Gia đình có người có tiền căn bướu giáp nhân hoặc ung thư tuyến giáp, xạ trị vùng cổ;

- Những người có tiền căn xạ trị vùng cổ;

- Phụ nữ, người lớn tuổi;

- Người béo phì, người hút thuốc lá.

3. Khó đánh giá nguy cơ của bướu giáp trên lâm sàng

Xin BS cho biết, bệnh bướu giáp nhân có nguy hiểm hay không? Những biến chứng có thể gặp phải khi mắc bệnh là gì? Nguy cơ bệnh tiến triển thành ung thư sẽ như thế nào?

BS.CK1 Mã Tùng Phát trả lời: Phần lớn bướu giáp nhân không có biến chứng gì. Tuy nhiên một số trường hợp bướu giáp to có thể chèn ép gây đau, khó nuốt và khàn tiếng.

Nguy cơ của bướu giáp nhân khó đánh giá được trên lâm sàng, hầu như phải siêu âm để quan sát những đặc điểm. Trong trường hợp có đặc điểm gợi ý ung thư, bác sĩ sẽ sinh thiết hoặc chọc hút tế bào bằng kim nhỏ (FNA) để xác định nhân giáp có ung thư hay không.

4. Cổ to chưa hẳn do bướu cổ

Xin hỏi BS, cổ to có phải là một dấu hiệu của bướu cổ không?

BS.CK1 Mã Tùng Phát trả lời: Cổ to có thể do bướu cổ, do tuyến giáp hay một nhân giáp nào đó to ra. Tuy nhiên vẫn cần chẩn doàn phân biệt với các nguyên nhân khác.

Một số trường hợp cổ to nhưng tuyến giáp không to, có thể do vùng cơ hay mỡ to hơn bình thường. Một số trường hợp có hạch ở vùng cổ, viêm nhiễm vùng cổ cũng làm cho vùng cổ to bè ra. Thế nhưng những trường hợp này không phải tuyến giáp to cũng không phải bướu cổ.

Nếu nghi ngờ có bướu cổ hoặc nhận thấy vùng cổ to một cách bất thường, nên đi khám bác sĩ để được thăm khám hoặc siêu âm, đánh giá chính xác có phải bướu tuyến giáp hay không.

5. Phân loại các bướu tuyến giáp

Bệnh bướu cổ được phân loại ra sao? Bướu cổ đơn nhân, bướu cổ đa nhân, bướu cổ đơn thuần khác nhau như thế nào?

BS.CK1 Mã Tùng Phát trả lời: Bướu cổ là một thuật ngữ chung, chỉ những vùng tuyến giáp phình ra. Khi phân loại, người ta chia thành bướu giáp đơn nhân, bướu giáp đa nhân và bướu giáp đơn thuần.

Đối với bướu giáp đơn nhân, chỉ một bướu giáp to ra. Bướu giáp đa nhân có nhiều nhân giáp to ra. Bướu giáp đơn nhân và bướu giáp đa nhân chỉ khác nhau về số lượng.

Bướu giáp đơn thuần là thuật ngữ chỉ bướu giáp to ra, có thể to lan tỏa đều cả tuyến giáp hoặc chỉ to một nhân, to nhiều nhân. Đơn thuần có nghĩa là không bị ung thư và cũng không có tình trạng cường tuyến giáp hay suy chức năng tuyến giáp.

6. Phân biệt bướu giáp độc và bướu giáp không độc

Bướu giáp độc hay bướu giáp không độc phổ biến hơn và loại nào nguy hiểm hơn, thưa BS?

BS.CK1 Mã Tùng Phát trả lời: Thuật ngữ “độc” trong tuyến giáp được sử dụng khá rộng rãi trong cộng đồng. Tuy nhiên nhiều người chưa hiểu rõ về khái niệm này.

“Độc” trong bệnh lý tuyến giáp nhấn mạnh cường chức năng tuyến giáp, hay còn gọi là cường giáp. “Không độc” để chỉ chức năng tuyến giáp bình thường.Phần lớn bướu giáp nhân là bướu giáp không độc.

Trường hợp bệnh nhân có nhân giáp và có triệu chứng cường giáp, xét nghiệm hormone giáp cao thì mới xác định là bướu giáp nhân độc. Bướu giáp độc có triệu chứng của cường giáp và ngược lại, bướu giáp nhân không độc không có triệu chứng của cường giáp.

Nhìn chung, bướu giáp nhân độc cần điều trị nhiều hơn. Phải đánh giá về kích thước nhân giáp có ảnh hưởng hay không, điều trị về chức năng. Bướu giáp không độc chỉ cần đánh giá về hình thái là chủ yếu, để xem có to và chèn ép hay không hoặc có nguy cơ ung thư hay không.

7. Những xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán bướu tuyến giáp

Xin BS cho biết, để được chẩn đoán bướu cổ, người bệnh cần làm những xét nghiệm gì? Cần chú ý những gì trước khi xét nghiệm để không ảnh hưởng đến kết quả?

BS.CK1 Mã Tùng Phát trả lời: Khi có nghi ngờ bướu cổ hoặc bướu tuyến giáp, người bệnh nên đi khám bác sĩ để được đánh giá toàn diện cũng như thăm khám tuyến giáp. Xét nghiệm chủ yếu để xác định có bướu giáp hay không.

Sau khi thăm khám với bác sĩ, bệnh nhân sẽ được chỉ định siêu âm tuyến giáp. Siêu âm giúp xác định rõ tình trạng tuyến giáp, có nhân ra sao, đặc điểm như thế nào. Khi có những triệu chứng gợi ý nghi ngờ cường giáp hay suy giáp, bác sĩ có thể yêu cầu làm thêm xét nghiệm hormone giáp để xem bướu giáp độc hay không độc.

Ngoài ra, trong trường hợp siêu âm hay khám lâm sàng có đặc điểm gợi ý ung thư, bác sĩ có thể cho làm FNA. Cụ thể, xét nghiệm này dùng một cây kim chọc vào nhân giáp và lấy ra những tế bào để đánh giá xem nhân giáp có khả năng ung thư hay không.

Khi làm xét nghiệm hay siêu âm hormone giáp, người bệnh không cần chuẩn bị trước ở nhà. Những xét nghiệm này có thể làm lúc đói hay lúc no đều được.

8. Điều trị nhân giáp tùy theo tình trạng của bệnh nhân

Hiện nay có những phương pháp nào để điều trị bướu cổ? Điều trị bướu đơn nhân, đa nhân, bướu độc, bướu không độc có khác nhau không, thưa BS?

BS.CK1 Mã Tùng Phát trả lời: Khi phát hiện bướu giáp, người bệnh không nên tự điều trị. Nhiều bệnh nhân tự ý đi cắt lể, đắp thuốc... gây nhiễm trùng.

Bệnh nhân nên đến gặp bác sĩ để được đánh giá tình trạng bướu giáp, có gợi ý ung thư hay cường giáp, suy giáp không, từ đó đưa ra phương pháp điều trị.

Trường hợp có ung thư thì phải phẫu thuật. Trường hợp cường giáp hay suy giáp, bệnh nhân bắt buộc phải điều trị bằng thuốc cường giáp hoặc thuốc bổ sung hormone giáp. Bướu giáp đơn thuần không có ung thư cũng như không có cường giáp, suy giáp hầu hết là bướu giáp nhỏ, có thể theo dõi mà không cần can thiệp điều trị.

Tuy nhiên, trường hợp bướu giáp to, chèn ép, có thể xem xét một số phương pháp như phẫu thuật, đốt sóng cao tần hoặc sử dụng phóng xạ 131 tùy theo tình huống của bệnh nhân và tùy đặc điểm của nhân giáp.

9. Bổ sung đầy đủ i-ốt trong chế độ ăn

Lời khuyên của BS trong việc phòng ngừa căn bệnh bướu cổ là gì?

BS.CK1 Mã Tùng Phát trả lời: Hiện tại vẫn chưa có biện pháp để ngăn ngừa sự xuất hiện của nhân giáp. Có giải thuyết cho rằng thực phẩm như bông cải, đậu nành có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện bướu giáp hoặc làm bướu cổ to ra.

Tuy nhiên, những giả thuyết này chưa thật sự rõ ràng và chưa thuyết phục. Chính vì vậy, chúng ta nên tập trung ăn uống đầy đủ dưỡng chất, đặc biết là đầy đủ i-ốt.

Khi nghi ngờ có bướu giáp hoặc thấy cổ to ra, nên đến khám bác sĩ để xác định chính xác bệnh lý bướu cổ, bệnh tuyến giáp.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X