Đục thủy tinh thể: nên phẫu thuật thay kính nội nhãn
Trên thị trường có nhiều loại kính nội nhãn. Các loại kính này không gây phản ứng với mắt cũng như cơ thể.
Bệnh đục thủy tinh thể là sự mờ đục của thủy tinh thể. Vết đục của thủy tinh thể cản trở ánh sáng xuyên qua và không thể hội tụ lên võng mạc, làm cho mắt bị mờ đi. Khi đục toàn bộ (còn gọi là đục chín) thì mắt không nhìn thấy gì nữa. Nếu đục quá chín có thể gây ra viêm hoặc glaucoma cấp, mắt sẽ đỏ kèm đau nhức, phải điều trị cấp cứu và can thiệp sẽ khó khăn hơn.
Vết mổ phaco nhanh lành
Nguyên nhân đục thủy tinh thể thường gặp nhất là tuổi già (khoảng 50% người từ 65 – 74 tuổi và 70% người trên 75 tuổi bị đục thủy tinh thể). Ngoài ra, còn do các nguyên nhân khác như chấn thương mắt, đục bẩm sinh… đặc biệt là dùng thuốc corticoid. Bệnh không thể điều trị bằng thuốc nhỏ hoặc uống mà phải mổ để thay bằng thủy tinh thể nhân tạo (kính nội nhãn). Đây là việc nên làm khi người bệnh cảm thấy trở ngại trong sinh hoạt.
Có hai loại phẫu thuật đục thủy tinh thể phổ biến là ngoài bao và phaco. Phẫu thuật ngoài bao, vết mổ dài 7 - 11 mm nên thường phải khâu, lâu lành hơn, loạn thị nhiều hơn. Phẫu thuật phaco là dùng kim phaco dưới tác động rung cơ học tần số cao để làm rã chất nhân của thủy tinh thể rồi hút ra khỏi mắt, vết mổ nhỏ khoảng 2,2 – 3,2 mm. Do vết mổ nhỏ nên sau phẫu thuật không cần khâu mà vết mổ sẽ tự bít kín, lành nhanh, không gây loạn thị, bệnh nhân sớm trở lại sinh hoạt bình thường.
Thủy tinh thể nhân tạo không có khả năng điều tiết nên nếu bệnh nhân sau mổ nhìn xa tốt thì khi nhìn gần thường cần một kính viễn đeo ngoài; ngược lại, nếu bệnh nhân nhìn gần tốt thì khi nhìn xa thường cần một kính cận đeo ngoài. Nếu bệnh nhân có loạn thị thì cần đeo kính loạn sau mổ, khi nhìn xa và nhìn gần.
Nhiều loại kính để chọn
Trên thị trường có nhiều loại thủy tinh thể nhân tạo, đối với kính cứng để mổ ngoài bao chất liệu là polymethyl methacrylate, đối với kính mềm để mổ phaco có nhiều chất liệu khác nhau như silicon, collamer, acrylic. Các loại kính này đều không gây phản ứng gì với mắt cũng như với cơ thể và tồn tại vĩnh viễn cùng cơ thể. Các nhà sản xuất cũng đã đưa ra nhiều kiểu kính có kèm thêm chức năng như giảm đục bao sau, tăng độ nét hình ảnh, giảm chói sáng, giảm hiện tượng thấy ánh sáng xanh sau mổ.
Cũng đã có loại thủy tinh thể có chỉnh loạn thị trong lúc mổ giúp bệnh nhân nhìn xa tốt nhất mà không cần đeo kính loạn ở ngoài. Ngoài ra, còn có loại kính đa tiêu cự giúp bệnh nhân nhìn rõ cả xa và gần mà không cần đeo kính ngoài nhưng giá cao. Đối với kính đa tiêu cự thì bệnh nhân phải thỏa mãn một số điều kiện mới dùng được.
Sau mổ vài năm, bao thủy tinh thể sẽ bị đục làm bệnh nhân nhìn giảm thị lực, điều trị đơn giản là dùng laser Yag để mở bao sau là có thể phục hồi thị lực.
Theo BS Hồ Quang Minh Đạo - Người Lao động
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình