Dinh dưỡng cho người bệnh tuyến yên
Tuyến yên được xem là tuyến nội tiết quan trọng trên cơ thể bởi đây là nơi sản xuất đa số các hormone điều hoạt động của các tuyến nội tiết khác trong cơ thể như: tuyến thượng thận, tuyến sinh dục, tuyến giáp,… Tuyến yên cũng sản xuất các hormone tăng trưởng giúp đảm bảo sự phát triển thể chất và kiểm soát stress, căng thẳng tinh thần.
1. Chức năng của tuyến yên đối với cơ thể
Tuyến yên là cơ quan nội tiết, giúp tiết ra các chất tác động lên các hoạt động của cơ thể thông qua tế bào. Các hormon chính được tuyến yên sản xuất là:
- ACTH: ACTH giữ một vai trò nhất định trong lúc cơ thể phản ứng với sự căng thẳng. Tuyến thượng thận sẽ được ACTH kích thích để sản xuất ra cortisol (hormone căng thẳng), giúp duy trì huyết áp, giảm viêm, điều chỉnh quá trình trao đổi chất và lượng đường huyết,…
- FSH: Kích thích tinh hoàn sinh tinh trùng ở nam giới. Với nữ giới, FSH có khả năng kích thích buồng trứng phát triển và sản xuất ra estrogen.
- LH: Ở nữ giới, LH sẽ kích thích sự rụng trứng. Với nam giới, loại hormone này sẽ kích thích sản sinh testosterone. LH cũng có vai trò trong việc kiểm soát chức năng của tinh hoàn và buồng trứng.
- GH: GH sẽ kích thích sự tăng trưởng ở trẻ em, thúc đẩy chiều cao phát triển. Với người trưởng thành, GH sẽ giúp xương và cơ duy trì sự khỏe mạnh và tác động đến quá trình phân bổ chất béo. Ngoài ra, loại hormone này cũng tham gia vào việc trao đổi chất của cơ thể (biến thức ăn đã tiêu thụ thành năng lượng).
- PRL: Sau khi phụ nữ sinh con, prolactin sẽ kích thích sản xuất sữa. Loại hormone này cũng ảnh hưởng đến buồng trứng và tinh hoàn, chu kỳ kinh nguyệt, chức năng tình dục và hệ thống sinh sản.
- TSH: Kích thích tuyến giáp sản sinh ra hormone T3 (triiodothyronine), T4 (thyroxin), giúp quản lý, kiểm soát mức năng lượng, quá trình trao đổi chất và hệ thần kinh.
- Oxytocin: Được vùng dưới đồi tạo ra và tuyến yên sẽ giúp lưu trữ cũng như giải phóng loại hormone này. Ở nữ giới khi sinh nở, oxytocin sẽ gửi tín hiệu đến tử cung để tạo ra sự co bóp, hỗ trợ cho quá trình chuyển dạ. Đồng thời, oxytocin cũng hữu ích cho việc tiết sữa sau sinh. Đối với nam giới, oxytocin sẽ giúp tinh trùng di chuyển.
- ADH: Hormone chống bài niệu (vasopressin) giúp điều chỉnh cân bằng nước và điện giải trên cơ thể.
Những loại hormone này không được tiết ra thường xuyên mà sẽ tùy theo từng thời điểm khác nhau và hoạt động của cơ thể mà tuyến yên sẽ có phản ứng bài tiết nội tiết khác nhau.
2. Một số bệnh thường gặp ở tuyến yên
Tuy là một cơ quan có kích thước nhỏ nhưng tuyến yên cũng có thể mắc một số rối loạn khác nhau sau đây:
- Suy tuyến yên: Chức năng suy giảm khiến tuyến yên không sản xuất đủ hormon cho cơ thể sử dụng.
- Bệnh to đầu chi: Do tuyến yên sản xuất quá mức loại hormon tăng trưởng GH.
- Bệnh đái tháo nhạt: Liên quan đến sự rối loạn hooc môn chống bài niệu ADH làm thận không giữ nước, tiểu nhiều khiến cơ thể phải uống nhiều nước hơn thông thường.
- Suy sinh dục: Do thiếu hụt nội tiết tố testosteron.
- U tiết prolactin: Do tuyến yên sản xuất quá nhiều hormon prolactin.
- Hội chứng Cushing: Do tuyến yên sản xuất quá nhiều ACTH, làm cho tuyến thượng thận sản xuất quá mức cortisol, ảnh hưởng đến hầu hết các mô trong cơ thể.
- Thiếu hụt GH ở người lớn: Làm thay đổi thành phần cơ thể do mất phân bố khối mỡ và cơ, thiếu năng lượng, thờ ơ với xung quanh..
- Hội chứng Sheehan (suy tuyến yên sau sinh): Xảy ra khi sản phụ bị xuất huyết trong quá trình sinh nở, làm chết một số tế bào tại tuyến yên.
- Viêm tuyến yên.
Xem thêm: Người bệnh u tuyến yên nên ăn gì, kiêng gì?
3. Làm thế nào để có tuyến yên khỏe mạnh?
Nhìn chung, để tuyến yên khỏe mạnh thì cơ thể phải có sức khỏe tốt và không bị rối loạn ở cơ quan nào. Để đạt được sức khỏe sức khỏe tuyến yên, có thể tham khảo các yếu tố sau đây:
- Giảm mỡ trong cơ thể: Khối mỡ thừa làm giảm sản xuất hormone tăng trưởng của tuyến yên, đặc biệt là ở nam giới. Giữ cơ thể cân đối giúp tuyến yên tăng sản xuất hormone tăng trưởng và những loại hormone khác một cách tự nhiên.
- Tập thể dục đều đặn: Giúp kích thích tuyến yên sản xuất hormone tăng trưởng. Mọi bài tập thể dục đều mang lại lợi ích cho sức khỏe của tuyến yên nhưng các tích cực như chạy bộ nhanh, gym, bơi lội… giúp tăng tiết hormone GH nhiều hơn. Tập thể dục tần suất đều đặn cũng giúp tối ưu hóa chức năng hormone tại tuyến yên và giảm lượng mỡ dư thừa trong cơ thể.
- Giấc ngủ ngon: Chất lượng giấc ngủ tốt giúp củng cố quá trình sản xuất hormone tăng trưởng về lâu dài. Tránh các loại ánh sáng xanh từ màn hình điện tử, giảm caffeine (trà, cà phê,…), không gian phòng ngủ yên tĩnh, thoải mái sẽ giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ và giúp cải thiện sức khỏe tuyến yên.
- Chế độ ăn uống: Nồng độ hormone insulin trong máu tăng cao có thể làm giảm nồng độ hormone tăng trưởng tại tuyến yên trong cơ thể. Thực phẩm chứa nhiều đường và tinh bột tinh chế làm tăng mức insulin, tăng lượng đường dư thừa, tăng cân và béo phì làm rối loạn hormone tuyến yên. Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng có thể tối ưu hóa lượng hormone tăng trưởng trong cơ thể.
4. Những thực phẩm tốt cho tuyến yên
Không có thực phẩm nào chuyên biệt dành riêng cho tuyến yên. Một chế độ dinh dưỡng phù hợp và cân đối sẽ mang lại sức khỏe.
Chúng ta nên cung cấp đầy đủ năng lượng và các nhóm chất dinh dưỡng (đạm, đường, chất béo, vitamin và khoáng chất).
- Với nhóm chất đạm sử dụng các loại thịt, cá, trứng, đậu, sữa…
- Nhóm Glucid ưu tiên sử dụng các loại nguyên cám chứa nhiều vitamin giúp chuyển hóa năng lượng.
- Chất béo ưu tiên chất béo tốt không bão hòa giàu omega 3, omega 6 cung cấp năng lượng, đồng thời chống viêm.
- Tăng cường rau xanh, quả tươi bổ sung vitamin - khoáng chất. Ngoài ra trong rau quả xanh có nhiều chất chống oxy hóa tốt ngăn ngừa sự lão hóa tế bào.
- Uống đủ nước (1,5 - 2 lít/ngày) để đảm bảo cân bằng nước điện giải trong cơ thể.
Xem thêm: 7 biến chứng có thể mắc phải khi phẫu thuật nội soi u tuyến yên qua đường xương bướm
5. Những thực phẩm cần tránh cho người bệnh tuyến yên
- Đồ ăn được chế biến sẵn: Nhiều năng lượng, chất phụ gia, chất béo chuyển hóa không tốt cho cơ thể, gây nên bệnh lý mạn tính, ảnh hưởng đến sức khỏe tuyến yên, tuyến giáp.
- Nội tạng động vật (tim, gan, óc, ruột): Nhiều axit béo có thể tác động tiêu cực đến khả năng hoạt động của tuyến giáp.
- Đường: Các loại đường hấp thu nhanh là tác nhân khiến cho cơ thể bị tăng cường insulin, giảm mức độ của hormon tuyến giáp..
- Ngoài ra, nên hạn ăn quá mức trong khoảng 2 - 3 giờ trước khi đi ngủ làm ảnh hưởng đến lượng hormone do tuyến yên tạo ra vào ban đêm.
Tuyến yên là một tuyến nội tiết rất quan trọng đối với sức khỏe. Để đảm bảo sức khỏe của tuyến yên, mọi người nên có một chế độ sinh hoạt lành mạnh kết hợp với việc ăn uống các thực phẩm tốt cho tuyến yên.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình