Hotline 24/7
08983-08983

Phẫu thuật u tuyến yên được chỉ định và chống chỉ định khi nào?

Phẫu thuật nội soi tuyến yên là phẫu thuật phổ biến nhất được sử dụng để loại bỏ khối u tuyến yên. Bằng cách sử dụng các thiết bị nội soi, bác sĩ ngoại thần kinh lấy các khối u ra ngoài với sang chấn giảm thiểu thấp nhất.

1. Phẫu thuật u tuyến yên là gì?

Phẫu thuật u tuyến yên là phương pháp chữa trị phổ biến. Trước khi thực hiện ca mổ, bác sĩ cần đánh giá tình trạng bệnh thông qua phương pháp chụp MRI sọ não - tuyến yên. Bên cạnh đó, người bệnh có thể làm thêm kỹ thuật điện tâm đồ, X-quang, xét nghiệm máu,… để đảm bảo tình trạng sức khỏe cho việc gây mê.

Tùy vào vị trí, kích thước của khối u và tình trạng bệnh lý, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp phẫu thuật phù hợp. Ngày nay, khối u có thể bị loại bỏ thông qua đường mổ từ dưới mũi hoặc nội soi, mở hộp sọ. Thông thường, bác sĩ sẽ tiến hành làm phẫu thuật u tuyến yên sau khi người bệnh được gây mê toàn thân, ca mổ kéo dài khoảng 1 - 2 tiếng.

2. Phẫu thuật nội soi tuyến yên được chỉ định khi nào?

Một khối u tuyến yên được phát hiện tình cờ và không gây ra bất kỳ ảnh hưởng nào thì chỉ cần theo dõi. Trong khi đó, u tuyến yên có các đặc điểm dưới đây nên được xem xét chỉ định mổ u tuyến yên:

a. Ảnh hưởng thị giác

Nếu khối u tuyến yên có kích thước lớn quá mức có thể ấn vào các dây thần kinh thị giác nằm ngay phía trên tuyến yên. Ảnh hưởng đến thị lực và gây ra một số triệu chứng như:

- U tuyến yên làm thu hẹp quang trường: Người bệnh có cảm giác như đang nhìn xuống một đường hầm. Hiện tượng này thường ảnh hưởng đến mắt một bên nhiều hơn mắt còn lại.

- U tuyến yên làm giảm thị lực: Người bệnh không nhìn thấy rõ chi tiết hình ảnh hay chữ viết.

- Các khối u lớn có thể gây ra tầm nhìn đôi nhưng hiếm khi gặp phải.

b. Rối loạn nội tiết tố

Các adenoma tuyến yên được phát hiện thường trong bệnh cảnh do chúng gây ra sự sản xuất quá mức của một loại hormone cụ thể. Ngược lại, một số adenoma tuyến yên khác cũng có thể sản xuất cùng lúc nhiều loại hormone. 3 loại adenoma sản xuất quá mức hormone phổ biến nhất là:

- U tuyến yên tiết prolactin

- U tuyến yên tiết quá mức hormone ACTH, từ đó tăng giải phóng cortisol tại tuyến thượng thận, gây ra bệnh Cushing.

- U tuyến yên tiết hormone tăng trưởng, gây ra bệnh to đầu chi.

Có một vài khối u tuyến yên sản xuất các loại hormone khác nhưng chúng hiếm gặp hơn rất nhiều.

Các adenoma tuyến yên không sản xuất hormone được gọi là adenomas tuyến yên không hoạt động. Tình trạng này dẫn đến các triệu chứng thiếu hụt hormone do khối u gây chèn ép phần tuyến yên còn lại. Bệnh cảnh này thường được chẩn đoán muộn vì không tạo ra các triệu chứng cụ thể khi có sự dư thừa hormone.

Xem thêm: U tuyến yên gây có vô sinh không và phương pháp điều trị ra sao?

c. Gây chèn ép

Một khối u tuyến yên cũng có thể được phát hiện khi sự gia tăng kích thước của nó có ảnh hưởng đến các chức năng khác trong não ngoài ảnh hưởng giới hạn tầm nhìn.

Ví dụ, khi khối u tuyến yên có thể lớn đến mức chúng gây ra sự tắc nghẽn lưu thông của dịch não tủy trong não, dẫn đến một tình trạng gọi là tràn dịch não hay não úng thủy.

Một ví dụ khác là u tuyến yên có kích thước lớn làm tăng áp lực sọ não, khiến người bệnh bị đau đầu, chóng mặt, giảm thính lực hoặc các triệu chứng khác. Nếu phát hiện muộn, các triệu chứng này trở nên nặng dần, phần nhu mô não bị chèn ép có thể dẫn đến mất chức năng vĩnh viễn.

d. Sinh thiết u tuyến yên

Việc lấy một mảnh tế bào nhỏ tại tuyến yên nhằm mục đích sinh thiết là một trong các chỉ định của nội soi tuyến yên. Dưới phân tích của giải phẫu bệnh, ngoài các đặc điểm nêu trên, nếu kết quả là ác tính, dù có kích thước nhỏ, người bệnh cũng cần được can thiệp cắt lấy u sớm.

Như vậy, khi người bệnh có u tuyến yên và có một trong các chỉ định như trên, cần sắp xếp thực hiện phẫu thuật nội soi tuyến yên sớm trước khi sự phát triển của tuyến yên gây ra các biến chứng nặng nề hơn.

Đồng thời, mọi sự chậm trễ có thể khiến cho cuộc phẫu thuật vượt quá khả năng chỉ định của phương pháp nội soi; thay vào đó, người bệnh phải can thiệp thay thế bằng phẫu thuật mở sọ.

3. Mục tiêu của việc phẫu thuật u tuyến yên

Phẫu thuật u tuyến yên được thực hiện nhằm mục đích loại bỏ càng nhiều khối u càng tốt nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn. Trong quá trình làm phẫu thuật, bác sĩ phải thao tác cẩn thận để không tác động, làm tổn thương các phần xung quanh như mạch máu, dây thần kinh, nhu mô não…

Dây thần kinh, phần não bị chèn ép sẽ được giải phóng sau khi mổ u tuyến yên. Bên cạnh đó, phương pháp phẫu thuật này còn giúp sự bài tiết các hormone tuyến yên được tái lập cân bằng.

Phẫu thuật cũng hỗ trợ tuyến yên tránh bị tổn thương nhiều hơn, có thể phục hồi lại chức năng. Mổ u tuyến yên còn làm đảo ngược những triệu chứng, biểu hiện do áp lực của khối u gây ra cũng như ngăn chặn diễn biến bệnh trở nên nặng nề hơn.

Xem thêm: Điều trị và phòng ngừa u tuyến yên thế nào?

4. Các chống chỉ định phẫu thuật nội soi cắt bỏ u tuyến yên

Tương tự như các can thiệp ngoại khoa khác, người bệnh không thể tiến hành mổ nội soi u tuyến yên nếu trước đó không thể đảm bảo cuộc mổ diễn ra thuận lợi.

Cụ thể như người bệnh có bệnh lý tim phổi hay các bệnh lý mạn tính nặng, đang mắc bệnh lý cấp tính, có rối loạn đông cầm máu, tiền căn dị ứng với thuốc gây mê, chất lượng cuộc sống kém hay tiên lượng sống dài hạn hạn chế…

Xét trên phương diện chuyên môn khu trú, không có chống chỉ định tuyệt đối khi mổ u tuyến yên, nhất là với kỹ thuật nội soi khi các thao tác can thiệp diễn ra là tối thiểu.

Mặc dù vậy, một số trường hợp khó, cần thiết phải cân nhắc khi chỉ định mổ nội soi tuyến yên là trên các người bệnh có biến dạng vùng mặt, mũi, không có xoang bướm hay xoang bướm quá nhỏ, vẹo vách ngăn hay có nhiễm trùng vùng tai mũi họng đang hoạt động.

Phẫu thuật nội soi cắt bỏ u tuyến yên là phương pháp được xem là an toàn nhất, hữu hiệu nhất trong điều trị u tuyến yên hiện nay. Tuy nhiên, để biết phẫu thuật nội soi cắt bỏ u tuyến yên được chỉ định khi nào thì phải cần xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng từng trường hợp. Tránh mọi chống chỉ định trước khi thực hiện nhằm đảm bảo thuận lợi cho cuộc mổ cũng như can thiệp tối thiểu sang chấn trên người bệnh.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X